Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 10 tháng 3 năm 2023 | 10:24

Tình trạng săn bắn, mua bán động vật hoang dã ngày càng phức tạp

Kiểm tra, phát hiện phát hiện số lượng lớn động vật hoang dã đang bị nuôi nhốt trong các chuồng trại, cất giấu trong tủ đông… ngành chức năng đang tiếp tục điều tra làm rõ các hành vi săn bắn, tàng trữ, vận chuyển, mua bán động vật hoang dã quý hiếm.

Mua bán, tàng trữ động vật hoang dã quý hiếm

Mới đây, Hạt kiểm lâm huyện Đam Rông tỉnh Lâm Đồng cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Công an huyện kiểm tra, phát hiện phát hiện số lượng lớn động vật hoang dã đang bị nuôi nhốt trong các chuồng trại, cất giấu trong tủ đông.

Khi cơ quan chức năng khám xét nhà của bà Đ.T.V.H. (43 tuổi), ngụ xã Liêng S’Rônh, huyện Đam Rông đã phát hiện tại đây tàng trữ trái phép số lượng lớn động vật hoang dã, tại các chuồng trại trong khuôn viên ngôi nhà của bà H. đang nhốt 26 cá thể cầy vòi mốc, 3 cá thể rắn (trong đó có 2 cá thể rắn hổ chúa), 6 cá thể gà rừng, 37 cá thể dúi, 1 cá thể gà lôi, tiếp đó kiểm tra các tủ đông, lực lượng chức năng còn phát hiện 3 cá thể chồn đã chết, 4kg gà rừng, 6kg thịt sóc và 15kg heo rừng.

Mua bán, tàng trữ động vật hoang dã quý hiếm bị phát hiện

Bà Đ.T.V.H khai nhận đã mua số động vật hoang dã nói trên từ những người đi săn bắn hoặc lén lút đặt bẫy trong rừng; mục đích mua thú rừng là để bán lại kiếm lời. Ngoài ra, đã mua một số con giống dúi và chồn về nuôi, trong khi chưa được cơ quan nhà nước cấp phép nuôi nhốt các động vật có nguồn gốc hoang dã.

Qua nhận dạng ban đầu, lực lượng chức năng xác định trong số động vật hoang dã phát hiện tại nhà của bà Đ.T.V.H. có nhiều con thú quý hiếm.

Hiện vụ việc đang được Công an huyện Đam Rông gửi một số mẫu vật của các động vật nói trên đến cơ quan chức năng để tiến hành giám định, củng cố hồ sơ xử lý vụ việc.

Chim yến bị săn bắt tận diệt

Vừa qua, Phòng Quản lý bảo vệ (Công ty Yến sào Khánh Hòa) đã phát hiện một số đối tượng dùng bẫy lưới tàng hình để săn bắt chim yến tại xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa và thu giữ hàng chục con chim yến bị mắc lưới.

Trước đó, Phòng Quản lý bảo vệ cũng đã phát hiện và thu giữ 12 tấm lưới tàng hình, 35 cây trụ dùng để giăng lưới bắt chim yến tại Khu đô thị Hà Quang, phường Phước Hải, thành phố Nha Trang.

Người dân sống xung quanh khu vực cho biết, các đối tượng dùng lưới tàng hình, sợi rất nhỏ, khó nhìn thấy, quấn vào hai cọc tre căng dựng thẳng đứng, dùng máy phát tiếng kêu của chim yến, kèm theo chim yến mồi đứng giữa lưới… Nghe tiếng kêu và nhìn thấy chim mồi, chim yến ở nhiều phía lao tới, mắc vào lưới. Thời gian các đối tượng bắt chim khoảng từ 5 đến 7 giờ và 15 đến 17 giờ hằng ngày.

Chim yến bị mắc bẫy lưới tàng hình đang được Phòng Quản lý bảo vệ (Công ty Yến sào Khánh Hòa) tháo gỡ. 

Việc bẫy bắt chim yến không những gây suy giảm đàn yến tự nhiên mà còn gây ra hậu quả chim non không được mẹ chăm sóc, mớm mồi nên chết vì đói. Một số chủ nuôi chim yến phản ánh, do chim yến mẹ bị bẫy bắt, nên hàng trăm chim yến con trong nhà yến bị chết, bốc mùi hôi thối. Thậm chí có hộ còn phát hiện có nhiều tổ trứng không nở được vì không có chim mẹ ấp.

Theo Công ty Yến sào Khánh Hòa, trung bình mỗi năm Công ty phát hiện hơn 20 vụ bắt bẫy, giải cứu hơn 3.000 con chim yến. Hầu hết chim yến sau khi giải cứu sẽ được thả về với thiên nhiên. Đối với một số chim yến không đủ sức khỏe, sẽ tiếp tục nuôi dưỡng tại Trung tâm Nghiên cứu khoa học đến khi sức khỏe ổn định, công ty sẽ thả về thiên nhiên.

Ông Nguyễn Sỹ Ninh, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ bức xúc: “Chúng tôi luôn chủ động thành lập các đội bảo vệ thường xuyên đi kiểm tra, tháo gỡ, thu hồi các dụng cụ săn bắt chim yến và báo cáo tình hình với quan chức năng. Khi trình báo sự việc, các cơ quan chức năng đã cùng công ty đến hiện trường xử lý vụ việc. Tuy nhiên, việc xử lý theo hình thức nhắc nhở, răn đe nên chưa đủ mạnh để ngăn chặn triệt để nạn săn bắt chim yến”.

Cũng theo ông Nguyễn Sỹ Ninh, hành vi săn bắt chim yến theo kiểu tận diệt, không chỉ làm suy giảm chim yến trong nhà mà còn gây nguy hại cho quần thể chim yến đảo thiên nhiên.

Thống kê của Cục chăn nuôi – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, năm 2017, cả nước có trên 8.300 nhà yến, đến 8/2019 có trên 11.750 nhà yến, tăng 1,42 lần (theo báo cáo của 18 tỉnh); đến 2021 đạt tổng số 22.363 nhà nuôi yến, năm 2022 tăng lên 23.665 nhà yến.

Địa phương có số lượng nhà yến tăng nhanh nhất là Kiên Giang, Khánh Hòa và Lâm Đồng. Tỉnh có số lượng nhà yến lớn nhất là Kiên Giang với 2.995 nhà yến, tiếp đến là Bình Định với 1.722 nhà yến.

Với tiềm năng phát triển của nghề nuôi yến, chim yến đã được coi là động vật khác trong chăn nuôi, được hướng dẫn quản lý trong Luật Chăn nuôi và các văn bản dưới luật; đồng thời, sản phẩm của yến được đưa vào định hướng trong Chiến lược phát triển chăn nuôi 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Năm 2021, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 14/2021/NĐ-CP về việc Quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi, tại Điều 27 Vi phạm quy định về hoạt động nuôi chim yến nêu rõ: “Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi săn bắt, dẫn dụ chim yến để sử dụng vào mục đích khác ngoài mục đích nuôi chim yến để khai thác tổ yến hoặc nghiên cứu khoa học”.

Ông Nguyễn Anh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Yến sào Khánh Hòa cho biết: “Với nạn săn bắt chim yến, đây là hành động vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quần thể chim yến đang mang lại giá trị kinh tế cao tại Việt Nam. Để xử lý dứt điểm nạn săn bắt chim yến, đơn vị rất cần các ngành chức năng, các cấp chính quyền địa phương vào cuộc và xử phạt nghiêm khắc. Từ đó, giúp bảo tồn loài chim yến phát triển tốt hơn, nâng cao sản lượng tổ yến thu hoạch đạt mục tiêu quốc gia, phát triển ngành nghề yến sào tại nước ta”.

Ông Trần Minh Thu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Khánh Hòa cũng cho biết, chim yến dù nuôi được nhưng là động vật hoang dã. Đây là loại chim di cư nên rất khó để kiểm soát chính xác về số lượng, đồng thời là loài chim được pháp luật bảo vệ. Vì thế, hành vi giăng bẫy, tận diệt sẽ bị xử phạt nặng. Hiện Chi cục đã ban hành một số văn bản, yêu cầu các hạt kiểm lâm bố trí nhân sự để theo dõi vụ việc. Thời gian tới, Chi cục sẽ tiếp tục tăng cường quản lý để bảo vệ loài chim này.

Tạm giữ hình sự đối tượng vận chuyển động vật hoang dã, quý hiếm

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Tuy Đức cho biết đang tạm giữ hình sự Đ.D. (19 tuổi), trú tại xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước để điều tra làm rõ về hành vi tàng trữ, vận chuyển động vật hoang dã quý hiếm.

Trước đó, trên tuyến Quốc lộ 14C, đoạn qua địa phận xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tổ tuần tra kiểm soát thuộc Đội CSGT Công an huyện Tuy Đức, phát hiện Đ.D. điều khiển xe môtô lưu thông về hướng huyện Bù Gia Mập, Bình Phước có nhiều biểu hiện nghi vấn nên đã ra hiệu lệnh dừng phương tiện để kiểm tra hành chính.

Tạm giữ hình sự Đ.D. (19 tuổi), trú tại xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước để điều tra làm rõ

Quá trình kiểm tra, phát hiện trong ba lô của D. đang vận chuyển  có chứa 1 cá thể động vật nghi là cá thể tê tê, với trọng lượng 4,0 kg,  nên đã lập biên bản ghi nhận vụ việc.

Làm việc với cơ quan điều tra, bước đầu D. khai nhận đã bắt được cá thể tê tê nói trên và nảy sinh ý định mang đi bán để kiếm lời thì bị Công an huyện Tuy Đức phát hiện, bắt quả tang cùng tang vật. Tổ công tác đã tiến hành bàn giao đối tượng cùng tang vật cho Cơ quan điều tra Công an huyện Tuy Đức tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc theo quy định của pháp luật.

36 tháng tù đối với nguyên Chủ tịch xã giết hổ nấu cao

VKSND thành phố Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên) vừa phối hợp với TAND thành phố Phổ Yên mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án giết hổ nấu cao ngay tại một nhà dân trên địa bàn TP.

Bị cáo Ngô Văn Quân (SN 1971, trú tại phường Tiên Phong, TP Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) đã bị tuyên phạt 36 tháng tù giam về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” theo điểm a khoản 2 Điều 244 BLHS 2015.

Cùng với đó, hai đồng phạm khác đã tham gia hỗ trợ Ngô Văn Quân xẻ thịt hổ nấu cao là Nguyễn Văn Nam (SN 1995, trú tại huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) nhận mức án 15 tháng tù treo (thử thách 30 tháng) và Nguyễn Văn Thắng (SN 1980, trú tại TP Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) nhận mức án 12 tháng tù treo (thử thách 24 tháng) về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” theo điểm b khoản 1 Điều 244 BLHS.

Theo cáo trạng, trước đó vào tháng 1/2022, Công an tỉnh Thái Nguyên phối hợp cùng Công an thị xã Phổ Yên (nay là TP Phổ Yên) bắt quả tang tại hộ gia đình ông Ngô Văn Quân đang có hoạt động giết mổ 1 cá thể hổ để nấu cao. Tại hiện trường, cơ quan chức năng phát hiện nhiều tang vật liên quan gồm 1 cá thể hổ đông lạnh, 1 xương đầu hổ, 2 bộ da hổ, 4 chi hổ, 16 túi thịt hổ, 1 đầu sơn dương đông lạnh. Tiến hành khám xét nơi ở của ông Ngô Văn Quân tiếp tục phát hiện 1.578 gói cao thành phẩm, 21 lọ thủy tinh đựng mật gấu.

 Cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên phát hiện tại nhà Chủ tịch UBND xã Tiên Phong đang giết hổ để nấu cao, tàng trữ hổ đông lạnh. (Ảnh: CA tỉnh Thái Nguyên).

Ông Quân bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 2 Điều 244 BLHS với khung hình phạt từ 5-10 năm tù.

Đặc biệt, tại thời điểm phát hiện, vụ án đã thu hút sự quan tâm lớn của dư luận bởi đối tượng thực hiện hành vi phạm tội là ông Ngô Văn Quân đang đảm nhiệm cương vị Chủ tịch UBND xã Tiên Phong, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên (nay là phường Tiên Phong, TP Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) nhiệm kỳ 2021-2026. Nhiệm kỳ trước đó, 2016-2021, ông Ngô Văn Quân cũng là Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tiên Phong.

 Tang vật thu giữ trong vụ án. (Ảnh: CA)

Tại phiên tòa xét xử các bị cáo thành khẩn khai báo thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng VKS công bố.

Hổ (tên khoa học là Panthera tigris) là loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được bảo vệ ở cấp độ cao nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế. Theo đó, pháp luật đã quy định những chế tài mạnh mẽ để xử lý mọi hành vi vi phạm liên quan đến hổ với mức hình phạt có thể lên tới 15 năm tù cho cá nhân vi phạm. Tuy vậy, tình trạng buôn bán hổ trái phép vẫn là một vấn nạn nhức nhối do nhu cầu tiêu thụ và sử dụng các sản phẩm từ loài này, đặc biệt là cao hổ của một bộ phận người dân. Từ xưa đến nay, dù không có căn cứ khoa học nhưng nhiều người vẫn còn quan niệm rằng sử dụng cao hổ có thể chữa được các bệnh về xương khớp hay tăng cường sinh lực, từ đó thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ và đẩy hổ đến gần hơn với nguy cơ tuyệt chủng.

Chỉ trong năm 2022, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) đã ghi nhận 399 vụ việc vi phạm liên quan đến hổ, với hơn 88% số vụ án được phát hiện trên không gian mạng (353/399 vụ). Theo ENV, bên cạnh việc xử lý nghiêm khắc các đối tượng có hành vi xâm hại tới hổ, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, khuyến cáo người dân không mua bán hay sử dụng cao hổ và các sản phẩm từ hổ để góp phần bảo vệ hổ và tránh các hậu quả pháp lý đáng tiếc.

 

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
Top