Nhức nhối tình trạng người dân lách luật, chiếm dụng nhiều thửa đất đất nông nghiệp và đất do Nhà nước quản lý để xây dựng nhiều hạng mục công trình “biệt phủ” trái phép… đề nghị buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu.
Công trình, 'biệt phủ' trên đất nông nghiệp
Liên quan đến việc, xuất hiện nhiều hộ dân ở thành phố Quảng Ngãi bất bình khi ông Nguyễn Hồng Sơn, (sinh năm 1964, ở tổ 5, phường Chánh Lộ, thành phố Quảng Ngãi) do đã chiếm dụng đất nông nghiệp và đất do Nhà nước quản lý để xây dựng nhiều hạng mục trái phép trong “biệt phủ” của gia đình trên đường Triệu Quang Phục.
Vào ngày 9/11/2022, Ủy ban nhân dân thành phố Quảng Ngãi đã ban hành Quyết định số 295/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Hồng Sơn với số tiền 70 triệu đồng, trong đó, phạt 45 triệu đồng đối với hành vi chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị và 30 triệu đồng đối với hành vi chiếm đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị.
Địa điểm công trình xây dựng vi phạm (các hạng mục công trình vi phạm nằm bên trong).
Qua kiểm tra cơ quan chức năng phát hiện ông Nguyễn Hồng Sơn có các hành vi chuyển đổi đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị để xây dựng công trình khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép, với tổng diện tích đất vi phạm là 620,66 m2 thuộc 2 thửa đất lúa số 158 và 159 do vợ và con ông Nguyễn Hồng Sơn đứng tên. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hồng Sơn còn chiếm đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị (đất thủy lợi, giao thông do Nhà nước quản lý) để trồng cây cảnh, xây dựng công trình, khi chưa được cấp thẩm quyền cho phép, với tổng diện tích đất vi phạm 108,51 m2 thuộc các thửa đất 63 và 96.
Ủy ban nhân dân thành phố Quảng Ngãi yêu cần trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận Quyết định xử phạt, ông Nguyễn Hồng Sơn buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của 2 thửa đất lúa số 158 và 159; buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu và trả lại hai thửa đất số 63 và 96 đã chiếm của Nhà nước tại tổ 5, phường Chánh Lộ, thành phố Quảng Ngãi.
Trước tình trạng này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu Ủy ban nhân dân thành phố Quảng Ngãi chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm theo Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 295/QĐ-UBND ngày 9/11/2022 của Chủ tịch UBND thành phố Quảng Ngãi; cương quyết tháo dỡ phần công trình xây dựng trái phép, khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với các thửa đất nông nghiệp bị lấn chiếm theo đúng quy định của Luật Đất đai, kiểm tra thực tế để xử phạt vi phạm hành chính vi phạm về xây dựng công trình theo Giấy phép xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền duyệt. Đối với trường hợp cá nhân bị xử phạt theo quyết định nêu trên không chấp hành thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Quảng Ngãi phải kiên quyết xử lý theo đúng quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nếu chậm trễ xử lý các hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, cần kiểm tra xử lý các trường hợp tương tự về lấn chiếm, sử dụng đất đai sai mục đích trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi để có biện pháp xử lý theo quy định. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với UBND thành phố Quảng Ngãi kiểm tra thực tế về kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất đối với các vị trí xây dựng các công trình vi phạm nêu trên, trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật thì xử lý theo thẩm quyền hoặc tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo xử lý theo quy định.
Mở đường trên đất nông nghiệp
Trước tình trạng làm đường trên đất nông nghiệp diễn ra tại nhiều nơi ở Bà Rịa – Vũng Tàu; nhiều khu đất nông nghiệp tại xã Tóc Tiên có đường làm trái phép. UBND xã Tóc Tiên đã mời các chủ đất đến làm việc, yêu cầu cuốc bỏ các đường nhựa, bê tông làm trái phép.
Còn tại xã Châu Pha, thị xã Phú Mỹ, người dân cũng san lấp đất ruộng để xây dựng hàng loạt nhà trọ trái phép. UBND thị xã Phú Mỹ đã chỉ đạo UBND xã Châu Pha phải nhanh chóng xử lý, yêu cầu trả lại hiện trạng đất ban đầu.
Tại xã Bàu Chinh, người dân hình thành đường giao thông trên đất nông nghiệp. Đối chiếu bản đồ quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 của huyện Châu Đức thì khu vực này vẫn quy hoạch là đất nông nghiệp…
Mới đây, ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, vừa ký ban hành Văn bản số 14099 về tình hình quản lý đất đai, xây dựng và xử lý vi phạm liên quan phân lô tách thửa, làm đường trên đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Người dân tự ý làm đường giao thông tại xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ (Ảnh-GK).
Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có báo cáo số 380 (ngày 27/10/2022) gửi UBND tỉnh về kết quả kiểm tra tình hình quản lý đất đai, xây dựng, tình hình vi phạm và xử lý vi phạm liên quan phân lô tách thửa, làm đường giao thông trên đất nông nghiệp tại địa bàn thị xã Phú Mỹ.
Do vậy, UBND tỉnh có ý kiến giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Sở tư pháp, Sở Xây dựng, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương tham mưu điều chỉnh, bổ sung chỉ thị quản lý đất đai và quy hoạch trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có nội dung liên quan chung quyền sử dụng đất, việc phân lô tách thửa; công tác quản lý quy hoạch sử dung đất với các quy hoạch chuyên ngành liên quan. Thời gian hoàn thành trước ngày 30/11/2022.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì khẩn trương tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, sửa đổi quyết định số 15 (ngày 20/9/2021) của UBND tỉnh về việc quy định về điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh… Thời gian hoàn thành trước ngày 20/11/2022; Tăng cường kiểm tra công vụ, chấn chỉnh xử lý kịp thời đối với những biểu hiện gây khó khăn, phiền hà, chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp…
Giao Sở Xây dựng chủ trì tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định quy định về quản lý trật trự xây dựng và phân cấp thẩm quyền quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh để thay thế Quyết định số 33 (ngày 10/12/2019). Thời gian hoàn thành trước ngày 20/11/2022.
UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng giao UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương kiểm tra, xử lý nghiêm, khắc phục triệt để các trường hợp vi phạm, trả lại hiện trạng theo đúng mục đích sử dụng và quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt; tổ chức kiểm tra, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức để xảy ra vi phạm pháp luật về quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng trên địa bàn. Thời gian hoàn thành trước ngày 15/12/2022.
Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự xây dựng, thi công xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
Xử lý dứt điểm và khôi phục lại hiện trạng ban đầu của đất đối với các vi phạm thi công xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, làm đường trái phép trên đất nông nghiệp.
Rà soát quy hoạch xây dựng, thỏa thuận mặt bằng đã được phê duyệt, để điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương và đảm bảo phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, bảo đảm kết nối hạ tầng, bảo đảm giải quyết hạ tầng xã hội cho người dân tại khu vực được quy hoạch, thỏa thuận mặt bằng. Thời gian hoàn thành trước ngày 15/12/2022.
Hơn 800 dự án vi phạm
Theo UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, hiện địa phương có tổng cộng 5.379 hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng vốn đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng đã được đấu nối vào hệ thống điện, đưa vào vận hành, với tổng công suất lắp đặt 650.170 MWp.
Tuy nhiên, theo ông Hà Văn Chương, Phó Giám đốc điện lực Đắk Lắk, đến nay Đắk Lắk vẫn có hơn 400 công trình điện mặt trời mái nhà, tổng công suất khoảng 50MW “chậm chân” không kịp đấu nối trước 31/12/2020. Ngoài những dự án điện mặt trời mái nhà chậm chân, nhiều dự án tại Đắk Lắk đang vi phạm quy định đất đai, xây dựng vẫn được đấu nối, có công trình sau đó phải giảm phát gây lãng phí.
Hàng trăm dự án điện mặt trời được xây dựng trên đất nông nghiệp.
Cụ thể, báo cáo rà soát mới đây của UBND tỉnh Đắk Lắk, hiện toàn tỉnh có tới 411 hệ thống điện mặt trời đã đấu nối, bán điện nhưng chưa bổ sung, hoàn thiện hồ sơ để đảm bảo đầy đủ thủ tục theo quy định. Trong số này có 20 công trình chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và 195 công trình xây dựng trên đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Bên cạnh đó có 94 công trình thiếu giấy phép xây dựng hoặc văn bản kiểm tra, xác nhận về kết cấu an toàn chịu lực của công trình. Đáng nói có tới 102 công trình không có biên bản kiểm tra hoặc văn bản thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy.
Thông tin báo chí về vấn đề này, ông Hà Văn Chương cho biết, nguyên nhân nhiều dự án chậm chân là do trong 2 năm qua dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp nhập pin về không kịp để lắp đặt, đấu nối. “Ngoài ra, Quyết định số 13 ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ, các vấn đề liên quan đến pháp lý về đất đai, kết cấu xây dựng… không thuộc trách nhiệm của điện lực Đắk Lắk mà của các sở, ban ngành, địa phương. Chỉ cần dự án “có mái tôn”, đường dây còn công suất là điện lực Đắk Lắk cho đấu nối. Việc các trang trại chưa đảm bảo về thủ tục, làm trái quy định… là trách nhiệm của các địa phương”, ông Chương nhấn mạnh.
Chấn chỉnh việc “lách luật” vẽ dự án
Cũng theo điện lực Đắk Lắk, số lượng công trình điện năng lượng mặt trời tại địa phương phát triển quá nhanh, nhất là từ ngày 1/7/2020 đến 31/12/2020 (FIT 2) với 5.129/5379 công trình làm mới, tổng công suất 650,170 MWp. Trong hơn 5.129 vào FIT 2, có tới 443 công trình trang trại nông nghiệp với tổng công suất lắp đặt là 384,887 MWp.
Phân tích về nguyên nhân “lạm phát” dự án điện mặt trời áp mái, một lãnh đạo Sở Công thương Đắk Lắk thừa nhận do đã thả nổi việc cấp phép, đấu nối cho công ty điện lực và các địa phương. Vì lỗ hổng đó, nhiều dự án chưa hoàn thiện thủ tục làm trang trại, chưa triển khai trồng trọt chăn nuôi theo phương án được phê duyệt nhưng vẫn được điện lực Đắk Lắk cho đấu điện lên lưới. Chưa kể, nhiều công trình không phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn, không đúng quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 đã được duyệt, làm ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước, an toàn công trình.
Xây dựng dự án điện mặt trời ồ ạt khiến hệ thống đường dây quá tải.
Ngoài ra, việc các địa phương cho “ứng” quỹ đất nông nghiệp để xây dựng trang trại trước rồi xin bổ sung sau dễ phá vỡ quy hoạch tổng thể của từng địa phương, của cả tỉnh. Biết là vi phạm nhưng để tránh lãng phí vốn đầu tư, Sở Công Thương Đắk Lắk đã có báo cáo gửi Bộ Công thương xin cho phép chủ trang trại, chủ đầu tư khắc phục sai phạm về đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy.
Về vấn đề này, UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, đã yêu cầu điện lực Đắk Lắk, các địa phương, doanh nghiệp tiếp tục rà soát, chấn chỉnh để bổ sung, hoàn thiện các thủ tục về luật đất đai, xây dựng, phòng cháy nổ. Nếu đơn dự án, công trình nào không bổ sung, hoàn thiện được thì mới xử lý theo quy định.
Gây lãng phí nguồn lực xã hội
Trong thông báo kết luận số 2012 ngày 11/11/2022, Thanh tra Chính phủ cho rằng điện lực Đắk Lắk và các cấp chính quyền địa phương đã để người dân, doanh nghiệp lách luật xây dựng hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái trên các trang trại đất nông nghiệp, vi phạm luật đất đai, xây dựng.
Việc cho xây dựng, đấu nối ồ ạt tại Đắk Lắk là một trong những nguyên nhân dẫn đến quá tải cho hệ thống điện quốc gia, hiện phải giảm áp, gây lãng phí nguồn lực xã hội. Để xảy ra những bất cập này là do giám đốc Công ty điện lực Đắk Lắk (của cả lãnh đạo Tổng công ty điện lực Miền Trung) và lãnh đạo các địa phương.
Từ những sai phạm nêu trên, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chỉnh phủ chỉ đạo chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh các vi phạm nêu trên, gây lãng phí cho các nhà đầu tư.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.