Mỏ đá, đất đối rộng hàng chục hecta bị khai thác trái phép, hàng trăm khối cát bị tận thu gây thất thoát tài nguyên khoáng sản nghiêm trọng. Ngành chức năng cần kiên quyết xử lý hành vi khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép.
Múc trộm đất đồi
Mới đây, ông Nguyễn Tấn Khoa, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hòa Vang (thành phố Đà Nẵng) cho biết, đơn vị đã chỉ đạo các phòng, ban chức năng phối hợp kiểm tra, làm rõ vụ múc trộm đất đồi tại khu vực đèo Ông Gấm (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang) đã được báo chí phản ánh.
Trước đó, các cơ quan báo chí đã đồng loạt phản ánh tình trạng múc trộm đất đồi, vận chuyển đi tiêu thụ không có giấy phép tại khu vực đèo Ông Gấm. Được biết, đây là hoạt động có tổ chức, các đối tượng đã ngang nhiên thực hiện hành vi đào, múc trộm đất đồi san lấp với quy mô lớn vào ban đêm, phương thức hoạt động tinh vi, chuyên nghiệp với hàng chục xe tải chở đất tham gia.
Liên quan đến vụ việc, Ủy ban Nhân dân huyện đã tiến hành xác minh đây là thửa đất trồng cây lâu năm số 688, tờ bản đồ số 6, diện tích 10.290m2 do ông Hoàng Ngọc Hùng và bà Nguyễn Thị Minh Luận quản lý và sử dụng.
Ảnh minh họa.
Từ tháng 5/2022, do đất không bằng phẳng và có nguy cơ sạt lở nên chủ đất có đơn gửi Ủy ban Nhân dân xã Hòa Sơn xin cải tạo mặt bằng để thuận lợi cho việc sử dụng. Ngày 6/5, Ủy ban Nhân dân xã Hòa Sơn có Báo cáo số 57/BC-UBND đề nghị cho phép công dân cải tạo mặt bằng đất đồi gò tại thửa đất nêu trên.Ngày 27/5, Ủy ban Nhân dân huyện Hòa Vang ban hành Công văn số 1216/UBND-TNMT cho phép chủ đất được cải tạo, san gạt mặt bằng tại thửa đất; diện tích cải tạo, san gạt là 4.885m2; thời gian thực hiện là 20 ngày kể từ ngày ký Công văn.
Công văn ghi rõ “chỉ cải tạo tại chỗ trong nội bộ thửa đất, không vận chuyển đất ra ngoài.” Đến ngày 18/6/2022, Ủy ban Nhân dân xã Hòa Sơn có biên bản làm việc với chủ hộ về chấm dứt việc thi công cải tạo, di chuyển phương tiện, thiết bị ra khỏi vị trí thửa đất nêu trên và chủ hộ đã hoàn thành việc cải tạo.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hòa Vang Nguyễn Tấn Khoa cho rằng nội dung thông tin báo chí phản ánh về việc múc trộm đất xảy ra trong tháng Chín, tháng 10/2022, sau thời gian kết thúc việc cải tạo gần 4 tháng. Đây là hành vi vi phạm khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép, cần được kiểm tra, xác minh đối tượng vi phạm và kiên quyết xử lý.
Ủy ban Nhân dân huyện đã chỉ đạo Ủy ban Nhân dân xã Hòa Sơn báo cáo, giải trình về công tác quản lý Nhà nước khi để xảy ra tình trạng trên; giao Công an huyện phối hợp với phòng Tài nguyên và Môi trường huyện kiểm tra, xác minh vụ việc, tham mưu xử lý vi phạm trước ngày 23/10.
Tương tự, một “đại công trường” khai thác tài nguyên trái phép rộng hàng chục hecta, có cổng rào kín bằng tôn tại xã Cây Gáo của huyện Trảng Bom (Đồng Nai).
Từ thông tin người dân phản ánh, tại “đại công trường” khai thác tài nguyên đất trái phép, nằm trên trục đường liên xã của huyện Trảng Bom… khu vực này có ký hiệu địa giới cụ thể tại bản đồ số 43, số thửa 40 của xã Cây Gáo, được quy hoạch là đất ở nông thôn.
Tại đây, xuất hiện một con đường dẫn vào khu vực khai thác được lót đá cho xe ben ra vào, cổng được quây tôn kín nhằm qua mắt chính quyền cũng như người dân. Đặc biệt, tại đây luôn luôn có người túc trực, cảnh giác và mở cổng cho xe ben ra, vào… quan sát từ trên cao xuống, khiến bất kỳ ai cũng choáng ngợp bởi một khu vực rộng hàng chục hecta đang được khai thác.
Thông tin báo chí về vấn đề này, lãnh đạo UBND xã Cây Gáo, bà Vũ Thị Xuân Hương, Phó Chủ tịch UBND xã thể hiện sự ngỡ ngàng không hay biết thông tin về tình trạng khai thác trái phép này và chỉ khi nhận được tin báo từ báo chí thì mời “sốt sắng” chỉ đạo cán bộ chuyên môn đi kiểm tra, xử lý.
Về phía UBND huyện Trảng Bom, ông Lê Văn Tiên, Phó Chủ tịch UBND huyện cho rằng, mỏ đất khai thác trái phép trên tại xã Cây Gáo mà báo chí thông tin đã từng bị phát hiện và xử phạt hành chính.
Được biết, ông Lê Trọng Thủy, thường trú tại 8E, KP2, phường Tân Hiệp, Tp.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai là người được ông Nguyễn Duy Hinh (ngụ phường Quyết Thắng, Tp.Biên Hòa) ủy quyền đến cơ quan hành chính nộp phạt vi phạm hành chính ở mỏ đất trên.
Qua đó, ông Lê Trọng Thủy đã nộp phạt vào Kho bạc Nhà nước huyện Trảng Bom số tiền bị xử phạt là 20 triệu đồng theo Quyết định xử phạt hành chính số 7251/QĐ-XPHC của UBND huyện Trảng Bom.
Dù bị xử phạt hành chính, nhưng qua ghi nhận thực tế đến thời điểm hiện tại, mỏ đất trên vẫn đang được khai thác.
Về vấn đề này, bà Vũ Thị Xuân Hương cho biết, UBND xã sẽ cử cán bộ xác minh thông tin và thông tin đến báo chí khi có kết quả xử lý.
Chống người thi hành công vụ
Mới đây, TAND TX. Tân Uyên (Bình Dương) vừa mở phiên tòa xét xử sơ thẩm Vụ án hình sự số 149/2021/TLST-HS đối với các bị cáo: Hồ Thành Danh (SN 1985, xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai), Đinh Hoàng Anh Tuấn (SN 1987, xã Trị An, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai), Nguyễn Tấn Phát (SN 1983, xã Thạnh Hội, TX. Tân Uyên, Bình Dương) bị VKSND tỉnh Bình Dương truy tố về tội “Chống người thi hành công vụ”.
Trước đó, vào các ngày 3/12/2020, 29/1/2021, 3/6/2021, các bị can Danh, Tuấn, Phát lần lượt bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương khởi tố về cùng tội danh “Chống người thi hành công vụ”.
Đây là nhóm “cát tặc” trên sông Đồng Nai. Rạng sáng ngày 10/8/2020, khi bị Tổ tuần tra Công an xã Thạnh Hội (TX. Tân Uyên, Bình Dương) phát hiện vây bắt, nhóm đối tượng đã rút lỗ lù, tự đánh chìm ghe cát để trốn thoát. Theo kết luận điều tra, ghe cát chìm tạo xoáy, cuốn theo xuồng máy của Tổ tuần tra, dẫn tới việc anh Lê Thanh Hải, Phó trưởng Công an xã Thạnh Hội đuối nước tử vong.
Tại phiên tòa, căn cứ kết quả xét hỏi, tranh luận, xét thấy cần xem xét thêm những chứng cứ quan trọng không thể bổ sung tại Tòa, đồng thời Kiểm sát viên có yêu cầu trả hồ sơ điều tra bổ sung, HĐXX sơ thẩm quyết định hoãn phiên tòa, trả hồ sơ cho VKSND tỉnh Bình Dương điều tra bổ sung, làm rõ một số vấn đề.
Cụ thể, tại Quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung số 09/2022/HSST-QĐ ngày 18/5/2022 của TAND TX. Tân Uyên đề nghị VKS làm rõ: Việc anh Hải rơi xuống nước trước hay sau khi bị can Hồ Thành Danh giật lỗ lù, đồng thời cũng cần xác định rõ chiếc xuồng máy của Tổ tuần tra bị chìm trước hay sau khi ghe cát bị chìm.
Khu vực sông, nơi xảy ra vụ án.
Tại Bản kết luận số 4614/C09B ngày 16/9/2020 của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an kết luận: “Không đủ cơ sở để chứng minh ghe hút cát chìm có kéo theo xuồng máy…”. Kết quả chưa rõ ràng, Cơ quan điều tra cần trưng cầu giám định lại để xác định khi bị can Hồ Thành Danh rút lỗ lù, ghe cát bị chìm có kéo theo xuồng máy của Tổ tuần tra hay không.
Điều tra, làm rõ ý thức của các bị can có nhận thức được việc giật lỗ lù làm ghe hút cát chìm nhanh tạo ra vòng xoáy gây nguy hiểm tới tính mạng con người hay không, đồng thời thực nghiệm điều tra xác định thời gian chìm ghe từ khi rút lỗ lù là bao lâu.
Làm rõ việc tuần tra chống khai thác cát trái phép của Tổ tuần tra Công an xã Thạnh Hội có đúng quy trình theo quy định pháp luật hay không, phương tiện dùng để tuần tra có đúng quy định pháp luậy hay không, tổ tuần tra có mặc áo phao hay không.
Ngày 18/5/2022, VKSND tỉnh Bình Dương đã có Quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung cho Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương.
Ngày 13/6/2022, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can đối với Hồ Thành Danh, Đinh Hoàng Anh Tuấn, Hồ Tấn Phát từ tội “Chống người thi hành công vụ” tại Điều 330 sang tội “Giết người” quy định tại khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự. Quyết định này đã được VKSND tỉnh Bình Dương phê chuẩn ngày 14/6/2022.
Khởi tố đối tượng điều hành hoạt động khai thác cát trái phép
Trước đó, vào hồi 6h30 ngày 12/6/2022, qua công tác nắm tình hình, tổ công tác của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hoá đã phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, phát hiện, bắt quả tang 5 tàu đang có hoạt động khai thác cát trái phép ngoài khu vực mỏ cát 41.
Công ty Cổ phần thương mại Đức Lộc do ông Đỗ Quang Sơn (SN 1982, ở phường Đông Thọ, TP Thanh Hoá) là người đại diện hợp pháp được cấp phép khai thác mỏ cát 41 tại thị trấn Quý Lộc, huyện Yên Định. Từ 1/4/2019, Công ty Cổ phần thương mại Đức Lộc đã cho bà Lê Thị Thoan (SN 1962, ở thị trấn Quý Lộc, huyện Yên Định) thuê khoán để tiến hành các hoạt động khai thác cát.
Tiến hành điều tra, đến ngày 13/6/2022, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã ra Quyết định khởi tố Vụ án “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” để điều tra theo quy định. Các đối tượng bị khởi tố gồm: Lê Thị Thoan; Trịnh Xuân Thành (con rể bà Thoan, SN 1982, ở xã Yên Trường, huyện Yên Định) và Nguyễn Trọng Giang (SN 1982, ở xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc) về tội “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”…
Cơ quan Công an tiến hành bắt tạm giam các đối tượng. Ảnh: CATH
Kết quả điều tra ban đầu xác định, chỉ trong một thời gian ngắn, từ tháng 1/2022 đến ngày 12/6/2022, Lê Thị Thoan và Trịnh Xuân Thành đã chỉ đạo, điều hành hoạt động khai thác cát trái phép với số lượng rất lớn. Cụ thể, số lượng cát khai thác trái phép lên đến 290.000m3, vượt gấp 3 lần tổng trữ lượng mỏ cát số 41 được phép khai thác trong 10 năm 10 tháng, vượt gấp 30 lần công suất mỏ 41 được phép khai thác trong năm 2022, thu lời bất chính số tiền lớn và gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước trong việc quản lý thu thuế tài nguyên.
Việc khai thác cát trái phép nêu trên đã gây ảnh hưởng đến địa tầng, thay đổi kết cấu của lòng sông, tốc độ dòng chảy và dẫn đến sụt lún, không bảo đảm an toàn cho công trình đê điều. Mặt khác số lượng cát khai thác trái phép rất lớn được vận chuyển liên tục trong thời gian dài làm hư hỏng kết cấu mặt đường, gây bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân.
Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã ra quyết định tạm giữ hình sự 2 đối tượng Lê Thị Thoan, Trịnh Xuân Thành và áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với đối tượng Nguyễn Trọng Giang để tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.