Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 20 tháng 9 năm 2024  
Thứ năm, ngày 21 tháng 9 năm 2023 | 15:29

Trên 300 trang trại chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường tại Đồng Nai

Đồng Nai được xem là thủ phủ chăn nuôi của cả nước. Thế nhưng, trong những năm qua các trang trại chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Trước tình trạng đó, chính quyền và cơ quan chức năng của tỉnh cũng đã vào cuộc nhưng chưa thể xử lý dứt điểm.

Bên thuê đất chăn nuôi "phủi" trách nhiệm!

Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Đồng Nai vừa thực hiện rà soát hồ sơ, kết hợp với tổng kiểm tra thực tế về thủ tục pháp lý bảo vệ môi trường đối với các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh.

Đáng chú ý, Sở TN&MT phát hiện trên 300 cơ sở chăn nuôi có hợp đồng nuôi gia công cho các tập đoàn, công ty chăn nuôi có vốn đầu tư FDI, như C.P. Việt Nam, Japfa Comfeed Việt Nam, CJ Vina Agri (chi nhánh Đồng Nai) và Sunjin Vina… nhưng chưa hoàn thiện các thủ tục về môi trường.

Đơn cử, trang trại của Công ty TNHH MP (tại xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) có diện tích trên 12 ha, với quy mô chăn nuôi khoảng 2.400 con heo nái/đợt nuôi. Trên thực tế, Công ty TNHH MP là đơn vị có đất, rồi ký hợp đồng với một tập đoàn chăn nuôi FDI thuê, tập đoàn này đứng ra thực hiện chăn nuôi heo.

Một góc trang trại chăn nuôi tại huyện Thống Nhất (Đồng Nai) thải nước bẩn không đảm bảo môi trường.

Qua kiểm tra về môi trường, cơ quan chức năng ghi nhận, trang trại với quy mô chăn nuôi heo lớn nhưng hệ thống hầm biogas phủ bạt tạm bợ, bể chứa chất thải để lộ thiên có màu nâu đỏ, thậm chí có bể chứa đã nổi màu rêu xanh, mùi hôi thối phủ khắp cả khu vực trang trại.

Năm 2018, Công ty TNHH MP (chủ đất) đã bị UBND tỉnh Đồng Nai ra quyết định xử phạt với tổng số tiền 775 triệu đồng vì xả nước thải có chứa các thông số môi trường thường vượt mức cho phép. UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu Công ty TNHH MP nghiêm túc chấp hành quyết định xử phạt hành chính này. 

Một cán bộ huyện Xuân Lộc cho biết, trên địa bàn huyện Xuân Lộc có nhiều trang trại ký hợp đồng chăn nuôi gia công heo thịt cho các tập đoàn chăn nuôi FDI. Có nhiều trang trại nuôi số lượng lên đến hàng nghìn con. Tuy nhiên, khi bên thuê trang trại gây ô nhiễm môi trường thì các cơ quan chức năng vẫn phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ đất, chủ trang trại. Từ đây, phát sinh tranh chấp giữa bên thuê và bên cho thuê trang trại trong việc thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính này. 

Bà Nguyễn Thị Hương - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Hương Vĩnh Cửu cho biết, quan trọng nhất là hợp đồng thỏa thuận ngay từ ban đầu giữa bên cho thuê đất, thuê trang trại và bên thuê để chăn nuôi. Tuy nhiên thường bên thuê trang trại để chăn nuôi đẩy phần pháp lý môi trường về bên cho thuê đất chịu trách nhiệm. Điều này dẫn đến các công ty chăn nuôi "phủi" trách nhiệm khi trang trại vi phạm xả thải ra môi trường.

"Ngay từ đầu, nếu cơ quan chức năng hướng dẫn chủ đất, chủ trang trại và bên thuê để chăn nuôi trong việc xây dựng trang trại đúng quy định, làm đúng các hồ sơ, thủ tục thì mới cấp phép và thường xuyên kiểm tra...thì làm sao dẫn đến việc vi phạm về môi trường", bà Hương phân tích.

Cần xử lý dứt điểm chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường

Thực tế cho thấy, từ nhiều năm nay, xuất phát từ nhu cầu “kích cầu” phát triển kinh tế vùng chăn nuôi, tỉnh Đồng Nai đã chấp thuận cho các tập đoàn, công ty chăn nuôi lớn về đầu tư. Thế nhưng, sau khi bùng nổ trang trại chăn nuôi là đến thời kỳ người dân và chính quyền địa phương nhận ra những hệ lụy về ô nhiêm môi trường phát sinh.

“Vẫn biết việc phát triển chăn nuôi góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nhưng hậu quả về môi trường để lại cũng quá lớn. Chưa kể xe ra vào các trang trại dẫn đến cơ sở hạ tầng đường đi cũng bị hư hại. Trong khi đó, phía đơn vị đầu tư chăn nuôi thu lợi nhuận nhưng lại không hề gánh vác trách nhiệm với địa phương”, lãnh đạo xã Suối Cát (huyện Xuân Lộc) nhận xét.

Bà Nguyễn Thị Cát Tiên - Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) cho biết, hiện toàn huyện có trên 200 trang trại chăn nuôi, mật độ trang trại chăn nuôi trên địa bàn đã vượt ngưỡng cho phép. Vì vậy, UBND huyện đã báo cáo với Huyện ủy xin chủ trương dừng thu hút các dự án đầu tư chăn nuôi trên địa bàn từ nay cho đến năm 2030.

Một trạng trại khu vực huyện Cẩm Mỹ thải trực tiếp ra đất trống.

Cũng theo bà Tiên, hiện UBND huyện Xuân Lộc đã thành lập đội chuyên môn tăng cường kiểm tra môi trường các trang trại chăn nuôi trên địa bàn. Đối với các trang trại chăn nuôi nhỏ lẻ nằm gần khu vực dân cư thì phải thực hiện di dời. Đồng thời, các trang trại không thực hiện về môi trường thì huyện sẽ thực hiện xử lý nghiêm. 

Đồng Nai hiện là địa phương có số lượng đàn gia súc, gia cầm lớn với hơn 2,4 triệu con heo và gần 24 triệu con gà, gần 10.000 cơ sở chăn nuôi. Để đảm bảo phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh nhưng vẫn đảm bảo môi trường, Sở TN&MT Đồng Nai đề nghị UBND các huyện và TP Long Khánh khẩn trương kiểm tra, có giải pháp xử lý vi phạm môi trường đối với các cơ sở chăn nuôi gia công cho các công ty FDI nói trên. 

Vận động người dân đầu tư công nghệ, chuyển đổi mô hình chăn nuôi để giảm ô nhiễm

Nhằm giảm thiểu tình trạng chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường, tỉnh Đồng Nai đã vận động người dân đầu tư công nghệ để tăng cường sản xuất "xanh". Theo đó, ngoài việc xử lý nghiêm những trang trại vi phạm, cũng đang vận động các công ty, hộ chăn nuôi gia đình đầu tư công nghệ xử lý nước thải, hoặc chuyển đổi sang mô hình chăn nuôi khác để tránh làm ô nhiễm môi trường.

Trang trại của ông Hoàng Liên Thanh Thanh tại xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất có công suất nuôi gia công 6.000 con heo, nhưng hiện nay anh đã quyết định tận dụng hệ thống chuồng trại nuôi heo sẵn có cải tạo thành gần 100 hồ nuôi lươn.

Ông Hoàng Liên Thanh chia sẻ: "Nuôi heo xử lý môi trường nó rất phức tạp, nuôi lươn thì nó rất sạch, nước sạch mình có thể sử dụng tuần hoàn không ảnh hưởng đến môi trường. Về năng suất lợi nhuận cũng tốt hơn".

Còn ông Phan Tú cũng tại xã Hưng Lộc, từng bị chính quyền xử phạt vì chăn nuôi hệ thống xử lý nước thải không đảm bảo về môi trường, hiện nay ông đang bỏ ra gần 800 triệu đồng để xây các hầm chứa biogas và hệ thống xử lý nước thải để bảo vệ môi trường.

"Lúc trước mình cũng làm theo đề án cũ năm 2014 nên không đạt mấy bị chính quyền xử phạt, nên nay đầu tư kỹ thuật công nghệ cho đạt chuẩn môi trường của nhà nước, bảo vệ môi trường cho xã và môi trường sống của mình nữa" - ông Phan Tú chia sẻ.

Toàn huyện Thống Nhất, hiện có 430 trang trại, với tổng số đàn gia súc, gia cầm là hơn 1,7 triệu con. Trước thực trạng nhiều cơ sở chăn nuôi không đảm bảo về môi trường, từ đầu năm đến nay huyện đã tổng kiểm tra 361 trang trại /430 trang trại, và đã phát hiện 99 trang vi phạm về công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi. Huyện đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính các cơ sở vi phạm hơn 2 tỷ đồng.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Cương, Phó Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai cho hay: "Yêu cầu các cơ sở có vi phạm thì phải dừng nuôi, khắc phục ngay, đầu tiên chúng tôi yêu cầu là phải đào thêm các hố lắng, bể lắng, xử lý các hố biogas thu nạp các chất thải, rồi xử lý khắc phục các ống dẫn thẳng ra môi trường không qua bể lắng lọc là yêu cầu xử lý ngay, đồng thời rất nhiều cơ sở chúng tôi yêu cầu dừng luôn đề khắc phục, có cơ sở chúng tôi yêu cầu niêm phong cơ sở thực hiện quyết định vi phạm hành chính...".

Ông Nguyễn Đình Cương cũng cho biết hiện địa phương đang vận động các công ty, hộ chăn nuôi gia đình đầu tư thêm công nghệ, hệ thống xử lý nước thải để bảo vệ môi trường, chăn nuôi bền vững. Huyện sẽ hỗ trợ 46 triệu đồng, 1 trang trại và 6 triệu đồng cho 1 hộ chăn nuôi gia đình để giúp người dân vượt qua khó khăn, tái đàn..

 

Thanh Xuân (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Nỗ lực ngăn chặn buôn lậu gia súc, gia cầm qua biên giới

    Nỗ lực ngăn chặn buôn lậu gia súc, gia cầm qua biên giới

    Các loại heo, trâu, bò, gà, vịt và nội tạng không rõ nguồn gốc nhập lậu từ nước ngoài thường mang nhiều mầm bệnh như: lở mồm long móng, tai xanh, dịch tả, virus cúm có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng, làm tổn hại cho ngành chăn nuôi và mất ổn định thị trường...

  • Kon Tum khuyến cáo không phát triển ồ ạt diện tích sầu riêng

    Kon Tum khuyến cáo không phát triển ồ ạt diện tích sầu riêng

    Tại một số địa phương của tỉnh Kon Tum đã xuất hiện tình trạng trồng sầu riêng vượt quá quy hoạch, gây nguy cơ mất cân bằng hệ sinh thái nông nghiệp, về lâu dài có thể xảy ra tình trạng cung vượt quá cầu, từ đó giảm giá trị ngành hàng sầu riêng và thiệt hại cho nông dân. Vì vậy, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo bà con không ồ ạt phát triển diện tích sầu riêng ngoài quy hoạch.

  • Nguyên nhân chính khiến bò sữa tiêu chảy và chết hàng loạt tại Lâm Đồng là do vắc xin

    Nguyên nhân chính khiến bò sữa tiêu chảy và chết hàng loạt tại Lâm Đồng là do vắc xin

    Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Lâm Đồng vừa có báo cáo về nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy khiến bò sữa chết hàng loạt tại Lâm Đồng. Tính đến ngày 6/9, đã có 6.331 con bò bị bệnh, 470 con bò bị chết, gây thiệt hại nặng cho các hộ nuôi bò sữa tại địa phương.

  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top