Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 16 tháng 11 năm 2023 | 8:27

Truy xuất nguồn gốc thực phẩm để giảm nguy cơ ngộ độc

Nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra bởi người tiêu dùng mua phải những thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, điều này gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc xử lý.

Thiếu thông tin truy xuất nguồn gốc từ người bán đến người tiêu dùng

Trong cuộc sống không thể thiếu thực phẩm để dùng cho những bữa ăn hàng ngày, tuy nhiên, hầu hết tất cả người tiêu dùng đều rất mù mờ, thậm chí không biết về nguồn gốc thực phẩm mà mình mua về để chế biến.

Kiểm tra truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản để bảo đảm an toàn thực phẩm.

Rất nhiều lần người viết bài này đã từng phỏng vấn các bà nội trợ, để tìm hiểu xem khi mua thực phẩm tại các chợ truyền thống, việc truy suất nguồn gốc thực phẩm được mua về để sử dụng có được hỏi kỹ càng hay không?, tất cả đều có chung một câu trả lời đó là: “Không bao giờ hỏi, mà hỏi người bán cũng chẳng biết”.

Chị Nguyễn Tuyết Ngân ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết, hàng ngày tôi thường mua thực phẩm tại chợ truyền thống trên địa bàn, nhưng hầu như không có khi nào tôi hỏi người bán về nguồn gốc thực phẩm được lấy ở đâu, có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hay không?.

Thế còn người bán thì sao? Nếu có hỏi thì người bán sẽ có câu trả lời cho người tiêu dùng đó là: “Chị yên tâm đi, thực phẩm chúng em lấy đều đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”.

Đấy là chưa kể các trung tâm, siêu thị còn có một  số đưa cả những hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ vào để tiêu thụ, thậm chí còn giả nhãn mác để đánh lừa người tiêu dùng. Bên cạnh đó một số trường học, doanh nghiệp có bếp ăn tập thể cũng chưa thực hiện công tác truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Đây là một thực tế đã từng xảy ra và đã bị các cơ quan chức năng xử phạt.

Theo ông Vũ Cao Cương, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, qua công tác thanh, kiểm tra cơ quan chức năng nhận thấy vẫn còn nhiều trường chưa thực hiện công tác truy xuất nguồn gốc, kiểm tra giám sát định kỳ và đột xuất tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm thực phẩm cung cấp nguồn gốc nguyên liệu chế biến thực phẩm cho bếp ăn tập thể.

Bên cạnh đó, các đơn vị cung cấp thực phẩm (rau, củ, quả) chưa chứng minh được nguồn gốc đến địa chỉ trồng trọt. Nguồn gốc thực phẩm chỉ thể hiện được trên hóa đơn, chứng từ.

Việc truy xuất nguồn gốc giúp người tiêu dùng biết được 'lý lịch' của sản phẩm, biết hàng hóa này đi đâu, phân phối như thế nào và nếu không đạt chất lượng thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm.

Tăng cường công tác truy xuất nguồn gốc thực phẩm

Truy xuất nguồn gốc thực phẩm không chỉ đạt được hiệu quả quản lý nhà nước mà theo một số doanh nghiệp, điều này sẽ giúp hạn chế những nguy cơ mà người tiêu dùng phải đối mặt và bản thân cơ sở sản xuất cũng có động lực phát triển, tránh vấn nạn hàng giả hàng nhái.

Đại diện một siêu thị tư nhân trên địa bàn quận Hà Đông (Hà Nội) nói rằng, hiệu quả lớn nhất của việc truy xuất nguồn gốc là giúp bảo vệ uy tín doanh nghiệp một cách hiệu quả.

Đồng thời truyền tải mọi thông điệp của nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng chỉ thông qua một thao tác quét mã đơn giản. Nhất là đối với những nhóm hàng hóa nhập vào siêu thị, việc truy xuất nguồn gốc hỗ trợ đơn vị hữu hiệu trong việc quản lý chất lượng, nguồn gốc sản phẩm.

Ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, thời gian qua, thành phố đã tăng cường triển khai quyết liệt việc kiểm soát an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là tại các bếp ăn trường học. Trong đó, công tác kiểm soát, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu đầu vào được đẩy mạnh.

Theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Hà Nội, từ đầu năm 2022 đến nay, các đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm đã kiểm tra 215 cơ sở, trong đó số cơ sở đạt là 182 cơ sở (chiếm 84,7%). Bên cạnh đó, các đoàn thanh tra, kiểm tra đã truy xuất nguồn gốc tại bếp ăn tập thể của 75 trường trên địa bàn 10 quận, huyện: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Nam Từ Liêm, Đan Phượng, Quốc Oai, Thanh Xuân, Đông Anh, Phúc Thọ, Ba Vì, Long Biên.

Truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại bếp ăn nhà trường

Với mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành điểm đến thực phẩm an toàn, từ cuối tháng 10/2021, Ban Quản lý an toàn thực phẩm của thành phố triển khai giai đoạn 1 dự án truy xuất nguồn gốc thực phẩm với tổng mức đầu tư hơn 4,9 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố.

Ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Đà Nẵng nhận định, việc truy xuất nguồn gốc giúp người tiêu dùng biết được 'lý lịch' của sản phẩm, biết hàng hóa này đi đâu, phân phối như thế nào và nếu không đạt chất lượng thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm.

Theo ông Hải, sự minh bạch về nguồn gốc trong hoạt động sản xuất kinh doanh buộc người sản xuất kinh doanh chịu trách nhiệm trước cộng đồng. Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ lấy người dân làm trung tâm, cơ quan quản lý nhà nước sẽ là người kiến tạo ra luật, quy định chung, các bên liên quan ứng xử theo luật đó. Trong bối cảnh hiện nay, chính bản thân người tiêu dùng phải là những "người tiêu dùng thông thái", họ sẽ vừa là người thụ hưởng và vừa là người kiểm tra giám sát chất lượng an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, quá trình triển khai thực hiện truy xuất nguồn gốc cũng gặp không ít thách thức. Đặc biệt là trong tư duy của chủ cơ sở đối với vấn đề đổi mới sản xuất, kinh doanh, vẫn còn nhiều hạn chế, chịu ảnh hưởng bởi lối đi truyền thống trong thời gian dài, do đó chưa đánh giá được lợi ích của chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh thực phẩm... Do đó, để làm được việc này rất cần sự chung tay, tích cực hưởng ứng của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng như người tiêu dùng.

 

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top