Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 23 tháng 3 năm 2023 | 10:6

Vi khuẩn clostridium botulinum trong cá chép ủ chua là nguyên nhân gây ngộ độc

Vụ ngộ độc do ăn cá chép ủ chua gần đây nhất tại Quảng Nam làm cho 1 người tử vong, 9 người nguy cấp. Nguyên nhân gây ra ngộ độc theo các bác sỹ tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã đưa ra chẩn đoán đối với các chùm ca bệnh trên là ngộ độc Botulinum do ăn cá chép muối ủ chua.

Món ăn truyền thống gây ngộ độc

Theo thông tin ban đầu từ Bệnh viện Bắc Quảng Nam, đã có 3 chùm ca bệnh ngộ độc xảy ra trên địa bàn do ăn cá chép ủ chua. Chùm ca bệnh thứ nhất 5 người, gồm: 3 nữ, 2 nam ở xã Phước Đức, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Cả 5 người cùng ăn món cá chép muối ủ chua vào ngày 5/3. Sau khi ăn từ 12-24h, tất cả đều có triệu chứng đau bụng, nôn ói, mệt, yếu dần tay chân và phải nhập BV Bắc Quảng Nam. Sau 3 ngày điều trị, 1 ca bệnh nhân nữ 40 tuổi đã tử vong, 4 ca còn lại tình trạng hiện tại tạm ổn.

Các bệnh nhân đã ăn món cá chép muối ủ chua dẫn đến bị ngộ độc nặng (ngộ độc Botulinum),

Chùm ca bệnh thứ hai là bệnh nhân nữ, sinh năm 1986, ở xã Phước Chánh, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Bệnh nhân ăn cá chép muối ủ chua vào ngày 14/3. Sau 1 ngày, bệnh nhân nôn ói nhiều, yếu dần tay chân, phải nhập BV Bắc Quảng Nam. Đến ngày 16/3, bệnh nhân suy hô hấp, thở máy đến nay.

Chùm ca bệnh thứ ba là 4 người trong cùng một gia đình, gồm 3 nam, 1 nữ ở xã Phước Kiên, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Ngày 16/3, cả gia đình ăn cá chép muối ủ chua, đến 17/3 nôn ói nhiều, mệt, nhập BV Bắc Quảng Nam. Đến ngày hôm qua (18/3), 2 bệnh nhân liệt tứ chi, suy hô hấp, phải thở máy, 2 bệnh nhân còn lại (1 bé trai 12 tuổi và 1 nữ 24 tuổi) mệt đừ, yếu nhẹ tứ chi, sức cơ 4/5-5/5, tự thở được.

Bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam.

Sau khi trực tiếp thăm khám bệnh nhân và làm việc với Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, các bác sĩ nhận định ban đầu là, cả 3 chùm ca bệnh đều ăn cùng một loại thức ăn là cá chép muối ủ chua.

Những người bị ngộ độc là đồng bào dân tộc Gié Triêng. Món ăn nghi ngờ gây ra ngộ độc là cá chép ủ chua, một món ăn truyền thống của người dân, do gia đình tự chế biến bằng các nguyên liệu là cá chép, muối, cơm hoặc bột bắp, ớt sau đó ủ trong hủ kín khoảng 7 ngày.

Vi khuẩn clostridium botulinum phát triển trong quá trình ủ kín nguyên liệu

Trong quá trình chế biến loại thức ăn này, người dân còn bỏ vào hộp thủy tinh đóng kín, sau 2-3 tuần mới lấy ra ăn (tạo điều kiện yếm khí cho vi khuẩn clostridium botulinum phát triển. Sau ăn ≤ 24 giờ, những người này đều có triệu chứng rối loạn tiêu hóa kèm yếu tứ chi tăng dần. Những trường hợp nặng đều dẫn tới suy hô hấp do liệt cơ phải thở máy. Tuy nhiên, tất cả đều tỉnh, tiếp xúc được.

Đến 18h30 ngày 18/3, kết quả xét nghiệm cấy mẫu cá muối ủ chua do Viện Pasteur Nha Trang thực hiện đã xác định dương tính với clostridium botulinum type E. Với đầy đủ các tiêu chuẩn về lâm sàng và dịch tễ, các bác sĩ của BV Chợ Rẫy đã đưa ra chẩn đoán đối với các chùm ca bệnh trên là ngộ độc Botulinum do ăn cá chép muối ủ chua.

Cảnh báo nóng từ những vụ ngộ độc do ăn cá chép ủ chua

TS. Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết, những người bị ngộ độc là đồng bào dân tộc Gié Triêng. Món ăn nghi ngờ gây ra ngộ độc là cá chép ủ chua, một món ăn truyền thống của người dân, do gia đình tự chế biến (gồm cá chép, muối, cơm hoặc bột bắp, ớt sau đó ủ trong hủ kín khoảng 7 ngày). Triệu chứng chung của các bệnh nhân là chóng mặt, đau bụng, khó thở, buồn nôn, nôn, tê tay, tê chân, nhìn mờ, mỏi cơ. Các bệnh nhân được Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam chẩn đoán bệnh chính là theo dõi ngộ độc Botulism.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam Mai Văn Mười thăm hỏi bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam.

Sau khi xảy ra NĐTP, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Nam phối hợp các đơn vị điều tra nguyên nhân và khảo sát các yếu tố liên quan để tìm nguồn lây, lấy mẫu gửi Viện Pasteur Nha Trang và Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia kiểm nghiệm; tham mưu Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn tuyên truyền cho người dân về vệ sinh ăn uống, về phòng chống NĐTP, ngộ độc Clostridium Botulinum, ngộ độc rượu...

Để giảm thiểu, hạn chế tối đa NĐTP trong thời gian tới, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam Mai Văn Mười khuyến cáo người dân không sử dụng các món ăn được chế biến liên quan món cá chép ủ chua; không sử dụng các thực vật lạ, có nguy cơ gây ngộ độc như nấm rừng, cây củ, quả rừng lạ, côn trùng,... cần có biện pháp chế biến đảm bảo an toàn đối với các sản phẩm mang tính truyền thống hoặc tập quán của địa phương như món cá chép làm chua,...

Đề nghị Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn tiếp tục ra soát các trường hợp liên quan đến vụ NĐTP để phát hiện sớm, tổ chức cấp cứu, điều trị kịp thời, trường hợp có diễn biến nặng phải chuyển lên tuyến trên để điều trị kịp thời; đồng thời phối hợp với Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Quảng Nam và các đơn vị chức năng xác định rõ nguyên nhân vụ ngộ độc để công khai kết quả, kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.

Đồng bào dân tộc thiểu số có những món ăn mang đậm bản sắc truyền thống của dân tộc, cư dân mình, những món ăn đó hầu hết được chế biến từ những nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên, trong chăn nuôi của gia đình, những gia vị được bà con đồng bào dân tộc đều được truyền lại từ kinh nghiệm. Tuy nhiên, trong quá trình chế biến có nhiều hiện tượng phản ứng hóa học từ việc để thức ăn ủ kín lên men, tạo ra những độc tố nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của người sử dụng. Vì thế đồng bào cần hết sức thận trọng khi sử dụng các món ăn được ủ kín trong những chai lọ thủy tinh như thế này.

 

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top