Cựu chiến binh Hoàng Thanh Hùng, trú tại thôn 2, xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk) chuyển nhượng một thửa đất cho ông Nguyễn Hữu Đức, trú cùng thôn, cách đây hơn 30 năm nhưng ông Đức đã sử dụng vượt phần đất được chuyển nhượng. Chưa kể, ông Đức còn tự ý “hợp thức hóa” phần đất sử dụng vượt, nhưng phán quyết của TAND các cấp lại chưa thỏa đáng và trái thẩm quyền, luật sư Nguyễn Minh Hải nhận xét.
Theo phản ánh của ông Hùng, năm 1986, gia đình ông có nhận chuyển nhượng thửa đất có nhà ở và vườn với diện tích 750m2 của hộ ông Lê Bân. Ngày 3/3/1989, ông Hùng, chuyển nhượng cho ông Đức một phần đất phía sau của thửa đất diện tích 192m2, có chiều rộng giáp mặt đường liên thôn là 16 m, chiều dài 12 m, với giá trị chuyển nhượng 5 chỉ vàng 97%. Do thời điểm chuyển nhượng, thửa đất của ông Hùng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), nên hai bên chỉ lập giấy viết tay với nội dung “Giấy sang nhượng vườn”.
Vợ chồng CCB Hoàng Thanh Hùng bên phần đất tranh chấp trong hợp đồng chuyển nhượng.
Ngày 5/6/1990, ông Hùng được UBND TP. Buôn Ma Thuột cấp GCNQSDĐ số A.084634, tờ bản đồ số 17, thửa đất số 313 đứng tên ông Hoàng Thanh Hùng, với tổng diện tích 750m2, trong đó có 400m2 đất ở và 350m2 đất màu. Diện tích thửa đất ghi trong GCNQSDĐ của ông Hùng bao gồm cả 192m2 đất đã chuyển nhượng cho ông Đức. Vì hai bên chưa làm thủ tục tách thửa, nên khi phát hiện diện tích đất hộ ông Đức sử dụng thực tế lớn hơn 53,56m2 so với “Giấy sang nhượng vườn”, hai bên xảy ra tranh chấp. Và các bên sử dụng nguyên hiện trạng đến tháng 4/2021, vụ việc mới được TAND các cấp thụ lý, giải quyết.
Được biết, nguyên nhân chính dẫn đến tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ là do, vào thời điểm năm 2010, khi thấy diện tích thực tế sử dụng của gia đình lớn hơn so với diện tích đất ghi trong “Giấy sang nhượng vườn” ngày 3/3/1989, ông Đức tự đánh máy một bản “Giấy sang nhượng” khác, ghi ngày 1/6/1989, có nội dung: Ông Hùng sang nhượng cho ông Đức lô đất thổ cư diện tích 280m2 (20 m x 14m). Tức là chiều rộng giáp mặt đường liên thôn tăng 4 m, chiều dài tăng 2 m; diện tích tăng 88m2 so với “Giấy sang nhượng vườn” viết tay, hai bên thỏa thuận lập ngày 3/3/1989.
Về việc trong “Giấy sang nhượng” này có chữ ký của ông Hùng, thì ông Hùng khai tại các phiên tòa rằng: “Ông Đức đã lừa ông ký vào giấy này trong lúc ông bị say rượu. Và bản thân ông cũng chỉ biết cụ thể nội dung giấy này khi ra tòa. Vì ông Hùng không được ông Đức cung cấp cho bản nào!”.
Khi xảy ra tranh chấp và hòa giải không thành, vụ việc đã được chuyển ra tòa án các cấp. Ngày 1/4/2021, TAND TP. Buôn Ma Thuột xét xử đã tuyên Bản án sơ thẩm số: 23/2021/DS-ST về việc “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ”, với quyết định: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Hữu Đức. Công nhận quyền sử dụng 246,4 m2, trong đó có 130m2 đất ở và 116,4 m2 đất màu thuộc thửa đất số 313, tờ bản đồ số 17, theo GCNQSDĐ số A.084634, đứng tên ông Hoàng Thanh Hùng.
Không chấp thuận phán quyết của TAND TP. Buôn Ma Thuột, ông Hùng kháng cáo Bản án sơ thẩm số: 23/2021/DS-ST, lên TAND tỉnh Đắk Lắk. Ngày 29/6/2021, TAND tỉnh Đắk Lắk xét xử và ban hành Bản án phúc thẩm số: 92/2021/DS-PT, về việc việc “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ”, với quyết định: Chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn Hoàng Thanh Hùng. Sửa một phần Bản án sơ thẩm số: 23/2021/DS-ST, ngày 1/4/2021 của TAND TP. Buôn Ma Thuột. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Hữu Đức. Công nhận Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa các bên theo “Giấy sang nhượng vườn”, đề ngày 3/3/1989, với diện tích thực tế là 192,84m2. Không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Hữu Đức đối với diện tích 53,56m2. Buộc ông Đức phải trao trả cho ông Hùng 53,56m2 đất đã lấn chiếm.
Bản án phúc thẩm cũng nhận định đối với “Giấy sang nhượng” đề ngày 1/6/1989 mà ông Đức tự đánh máy năm 2010 là nhằm mục đích hợp thức hóa phần diện tích đã lấn chiếm. Ngoài ra, về việc Bản án sơ thẩm của TAND TP. Buôn Ma Thuột tuyên về việc công nhận quyền sử dụng 246,4 m2 đất, trong đó có 130m2 đất ở và 116,4 m2 đất màu (theo tỷ lệ ghi trong GCNQSDĐ của ông Hùng) đã ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của ông Hùng. Vì, việc công nhận đất ở và đất nông nghiệp của các đương sự là do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định theo nguồn gốc thửa đất và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương.
Tiếp tục thụ lý và giải quyết vụ việc sau khi TAND tỉnh Đắk Lắk xét xử phúc thẩm, ngày 25/8/2022, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng ban hành Quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm, với quyết định: Kháng nghị đối với Bản án dân sự phúc thẩm số: 92/2021/DS-PT, ngày 29/6/2021 của TAND tỉnh Đắk Lắk. Đề nghị Ủy ban thẩm phán TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xét xử Giám đốc thẩm, hủy toàn bộ Bản án dân sự phúc thẩm số: 92/2021/DS-PT, ngày 29/6/2021 của TAND tỉnh Đắk Lắk. Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số: 23/2021/DS-ST, ngày 1/4/2021 của TAND TP. Buôn Ma Thuột.
Nhận định về diễn biến vụ việc và các quyết định giải quyết của TAND các cấp, luật sư Nguyễn Minh Hải, Công ty Luật Đại An (Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk), cho rằng: Bản chất của vụ việc là giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ, với diện tích tranh chấp 53,56m2. Vì vậy, ở đây, tòa cần xác định giá trị pháp lý của “Giấy sang nhượng vườn” hai bên lập ngày 3/3/1989; và giá trị pháp lý của “Giấy sang nhượng” đề ngày 1/6/1989 mà ông Đức tự đánh máy vào thời điểm năm 2010, nhằm mục đích hợp thức hóa phần diện tích đã lấn chiếm. Tôi cho rằng, để bảo đảm công bằng và quyền lợi hợp pháp của cả hai bên, cần giải quyết vụ việc theo hướng công nhận “Giấy sang nhượng vườn” hai bên lập ngày 3/3/1989. Còn về xác định thửa đất ông Đức nhận chuyển nhượng từ ông Hùng là đất ở hay đất màu, thì do cơ quan cấp GCNQSDĐ xác định theo nguồn gốc đất, chứ không thuộc thẩm quyền của tòa án. Việc TAND TP. Buôn Ma Thuột căn cứ vào tỷ lệ đất vườn, đất màu của hộ ông Hùng được cấp theo GCNQSDĐ số A.084634, đứng tên ông Hoàng Thanh Hùng là không thỏa đáng và trái thẩm quyền.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.