Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 4 tháng 1 năm 2023 | 15:32

“Xanh hóa” ngành nông, lâm, ngư nghiệp để góp phần hiện thực hóa cam kết netzero

Trong bối cảnh sản xuất, thương mại phải xanh hóa để hiện thực hóa các cam kết netzero (phát thải ròng bằng 0) vào năm 20250, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông lâm, ngư nghiệp sẽ buộc phải chuyển đổi theo hướng doanh nghiệp xanh. Doanh nghiệp “xanh” không chỉ là xu thế, mà là tất yếu…

Tại Hội thảo “Doanh nghiệp ngành gỗ và Hành trình tới Net-Zero: Cơ hội hay thách thức” diễn ra mới đây, TS. Hà Huy Tuấn, Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho biết đến thời điểm này đã có 128 quốc gia, bao gồm các nước đang nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Vấn đề này đưa đến hình thành các cơ hội hoặc thách thức mới. Để tránh rủi ro và nắm bắt cơ hội, doanh nghiệp cần thay đổi càng sớm càng tốt theo hướng giảm phát thải, đặc biệt là xanh hóa chuỗi cung ứng.

Doanh nghiệp ngành nông nghiệp cần thay đổi theo hướng giảm phát thải, đặc biệt là xanh hóa chuỗi cung ứng.

Doanh nghiệp ngành gỗ cần "xanh hóa"

Theo TS. Hà Huy Tuấn, Cơ chế điều chỉnh carbon (CBAM) của EU đang được các bên đàm phán trong khuôn khổ thỏa thuận xanh của châu Âu. Cơ chế này sẽ có hiệu lực từ 2023, qua thời kỳ quá độ 2022 – 2026 để tổng hợp dữ liệu, trao đổi thông tin, thí điểm kê khai và dự kiến được áp dụng chính thức từ 2027.

CBAM sẽ được áp dụng với các mặt hàng sắt, thép, nhôm, điện, phân bón và xi măng và mở rộng ra toàn bộ các sản phẩm nhập khẩu từ năm 2030. Các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng thuộc phạm vi áp dụng CBAM có khả năng phải trả thêm khoản phí xả thải.

Ông Tô Xuân Phúc, Giám đốc Điều hành Chương trình Quản lý tài nguyên và Chính sách thương mại, Forest Trends chỉ ra những cơ hội của ngành gỗ trong bối cảnh xanh hóa. Hiện lượng phát thải Việt Nam chiếm 0,8% tổng lượng phát thải toàn cầu, tập trung vào ngành năng lượng, sản xuất công nghiệp, năng lượng và chất thải tạo ra. Thị trường carbon của Việt Nam sẽ được hình thành trong tương lai.

"Việt Nam đã tham gia Quỹ Đối tác carbon Lâm nghiệp của Ngân hàng Thế giới, với mục tiêu giảm phát thải và mất rừng. Dự kiến Việt Nam sẽ bán 10,3 triệu tấn CO2 cho Quỹ này, với giá 5USD/tấn vào năm 2024. Đồng thời, với việc tham gia sáng kiến về bảo vệ rừng thế giới (LEAF), Việt Nam đồng ý tăng cường bảo vệ 4,26 triệu ha rừng ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên giai đoạn 2022 – 2026 và sẽ bán 5,15 triệu tấn CO2 cho LEAF với giá 10USD/tấn".

TS. Tô Xuân Phúc, Forest Trends .

Với thị trường tự nguyện, các công ty đang đặt ra mục tiêu giảm phát thải. Hiện một số công ty quốc tế đang tìm kiếm cơ hội đầu tư, mua tín chỉ carbon lâm nghiệp. Đây là cơ hội cho ngành lâm nghiệp Việt Nam. Một số địa phương đã bắt đầu thảo luận với các đối tác và xin cơ chế của Chính phủ để tham gia thị trường này.

Theo quy định của Chính phủ Việt Nam, các doanh nghiệp thuộc 6 lĩnh vực năng lượng, giao thông, xây dựng, công nghiệp, nông – lâm nghiệp, chất thải phải thực hiện kiểm kê phát thải. Trong 1.912 doanh nghiệp có tên trong danh sách, ngành gỗ có 62 doanh nghiệp (16 doanh nghiệp ván gỗ, 43 doanh nghiệp đồ gỗ, 3 doanh nghiệp viên nén).

Tuy nhiên, ông Phúc cho rằng đây là con số chưa đầy đủ và danh sách này sẽ dài hơn trong tương lai. Các doanh nghiệp có tên trong danh sách sẽ phải cải tiến công nghệ, mua tín chỉ carbon, điều chỉnh sản xuất để giảm lượng phát thải theo hạn ngạch cho phép.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng các doanh nghiệp ngành gỗ tại Việt Nam cần nhanh chóng chuyển đổi theo hướng “doanh nghiệp xanh” để đạt được chứng chỉ xanh. Chứng chỉ xanh sẽ trở thành "bùa hộ mệnh" của doanh nghiêp. Tuy vậy, khẩu hiệu chuyển đổi xanh nhiều được nhắc tới nhiều nhưng doanh nghiệp vẫn còn mơ hồ về cách thực hiện.

“Ngành gỗ có thể sẽ phải thuê bên tư vấn để có nhận thức đầy đủ, xây dựng hình mẫu một mô hình sản xuất phát thải thấp và sau đó mở rộng cho toàn ngành. Trong đó, tập trung vận động những doanh nghiệp lớn có nguồn lực đi trước. Đây cũng là những doanh nghiệp có nguy cơ bị ảnh hưởng nhiều nhất nên cần tiên phong thay đổi đầu tiên, làm hạt nhân cho làn sóng chuyển đổi toàn ngành”, ông Lập nhấn mạnh.

Ngành thủy sản cần xây dựng tiêu chí cho doanh nghiệp xanh

Không chỉ ngành gỗ, mà các doanh nghiệp chế biến nông sản, thủy sản cũng phải chuyển đổi thành doanh nghiệp xanh. TS.Hồ Quốc Lực - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta nhận định: “Mỗi ngành muốn "xanh" phải nỗ lực hoàn thiện các tiêu chí cụ thể. Trong khi chờ đợi các chuẩn mực cho mình, chúng ta có thể tham khảo, rút kinh nghiệm từ thông tin có được.

Vậy tiêu chí xanh đối với doanh nghiệp ngành thủy sản là gì? Theo TS. Lực, đó là: Chú trọng năng lượng tái tạo; Tăng hiệu suất, hiệu quả sử dụng năng lượng; Phát triển tái chế và tuần hoàn; áp dụng công nghệ mới sử dụng tối ưu nguyên liệu, bảo vệ môi trường, cân bằng phát thải…

Từ các tiêu chí trên, TS.Lực cho rằng hiện khả năng theo đuổi doanh nghiệp xanh của các doanh nghiệp chế biến thủy sản còn nhiều hạn chế. Tầm vĩ mô chưa có các hướng dẫn cần thiết, tầm vĩ mô là hạn hẹp tài chính vì quy mô sản xuất không lớn.

Theo TS. Lực, việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng đã được các doanh nghiệp thủy sản chú trọng trong gần 20 năm qua thông qua các chương trình sản xuất sạch, chú trọng nhất là tiết kiệm điện và nước. Việc tiết kiệm nước cũng nằm trong tiêu chí thứ tư là sử dụng hiệu quả, tiết kiệm các nguồn tài nguyên.

Ở tiêu chí  về tái chế và tuần hoàn, các doanh nghiệp thủy sản đang thực hiện khá tốt. Phụ phẩm cá tôm trở thành nguyên liệu để tiếp tục sản xuất ra các sản phẩm hữu ích, không để phụ phẩm gây tác hại môi trường mà còn tạo ra giá trị nâng cao hiệu quả hoạt động. Bao bì thủy sản cũng dễ tái chế vì chỉ là giấy và nhựa, góp phần giảm rác thải ra môi trường.

Tuy nhiên, tất cả các giải pháp mà doanh nghiệp ngành thủy sản đã thực hiện vẫn là chưa đủ. Cần cả chuỗi giá trị xanh, bởi các mắt xích trong chuỗi giá trị có liên quan mật thiết nhau. 

Liên đoàn Công nghiệp và Thương mai Việt Nam (VCCI) đã có bộ tiêu chí doanh nghiệp bền vững (CSI), là nền tảng để trở thành doanh nghiệp xanh. Các doanh nghiệp thủy sản có thể đi theo hướng thực hiện bộ tiêu chí này sẽ sớm đạt kỳ vọng thay vì chờ đợi bộ tiêu chí riêng của ngành.

Theo TS. Lực, những gợi ý đưa ra ở trên mới chỉ là suy nghĩ hướng đi tất yếu của ngành và còn chờ đợi các chuẩn mực cụ thể được ban hành. Nhưng cần sớm nhận thức và có tâm thế chuẩn bị sẽ chủ động hơn trong việc tiếp cận và đạt chuẩn doanh nghiệp thủy sản xanh sau này.

Theo vneconomy.vn

 

Ý kiến bạn đọc
  • Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

  • Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Sáng 20/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp và làm việc với ông Jadamba Enkhbayar - Bộ trưởng Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ, Chủ tịch Phân ban Mông Cổ trong Ủy ban liên Chính phủ song phương.

  • Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Một trong những điểm nhấn nổi bật trong "bức tranh" xuất khẩu nông lâm thủy sản từ đầu năm đến nay là kết quả xuất khẩu đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Đây là 1 trong 6 mặt hàng có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD và hứa hẹn sẽ lập kỷ lục mới xuất khẩu trong năm 2024.

Top