Tỉnh Nghệ An có 27 xã thuộc 6 huyện, có đường biên giới tiếp giáp với 3 tỉnh nước bạn Lào. Trong giai đoạn mới 2021-2025, tỉnh Nghệ An đang đặt ra quyết tâm lớn trong lộ trình thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM ở khu vực miền núi, dẫu rằng vẫn còn quá nhiều khó khăn, thách thức.
Vùng biên khởi sắc
Tỉnh Nghệ An có 27 xã thuộc 6 huyện, có đường biên giới tiếp giáp với 3 tỉnh: Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bô Ly Khăm Xay (Lào). Các xã biên giới có diện tích tự nhiên 472.236,1ha, dân số 127.847 người (trong đó đồng bào dân tộc thiểu số là 122.733 người, chiếm 96% dân số) với 27.794 hộ được phân bố trong 331 bản; có 1 cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, 1 cửa khẩu chính Thanh Thủy và 3 cửa khẩu phụ. Đây là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, có vai trò quan trọng đối với môi trường sinh thái của tỉnh.
Tuy nhiên, đây là khu vực tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm, thiếu bền vững; sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, chủ yếu là tự cung tự cấp; đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao; lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa còn nhiều hạn chế; kết cấu hạ tầng còn nhiều bất cập; bên cạnh đó, an ninh trật tự khu vực biên giới còn tiềm ẩn phức tạp, hoạt động của các loại tội phạm nhất là tội phạm ma túy, mua bán người, tình trạng di dân tự do, vi phạm quy chế biên giới còn xẩy ra.
Diện mạo xã miền núi Hữu Kiệm (Kỳ Sơn, Nghệ An) đã có sự thay đổi ngoạn mục sau kỳ tích xây dựng nông thôn mới (Ảnh:TTXVN).
Việc Chính phủ ban hành Đề án xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn 27 xã khu vực biên giới tỉnh Nghệ An đã tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện hệ thống hạ tầng nông thôn, phát huy lợi thế về đất đai, khí hậu, dịch vụ, thương mại cửa khẩu. Đồng thời, xây dựng, cải thiện diện mạo khu vực nông thôn các xã giáp biên giới theo hướng khang trang, phát huy truyền thống văn hóa các dân tộc, góp phần giảm nghèo bền vững, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng biên giới, góp phần xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị và là mô hình điểm để nhân rộng ra các địa phương có đường biên giới. Kết quả, chỉ tiêu hàng năm đã đạt bằng và vượt so với chỉ tiêu Trung ương và của Hội đồng nhân dân tỉnh giao, chất lượng các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá được nâng cao; thu nhập và điều kiện sống của Nhân dân 27 xã khu vực biên giới tiếp tục được nâng lên.
Ngay như huyện Quế Phong, đến nay đã đạt bình quân 14 tiêu chí NTM, hộ nghèo giảm còn hơn 14%, nhà kiên cố và bán kiên cố đạt trên 86%, hộ sử dụng điện và nước hợp vệ sinh chiếm trên 84%; có gần 97% hộ dân được công nhận gia đình văn hóa.
Ông Dương Hoàng Vũ, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết: Diện mạo nông thôn đã có nhiều khởi sắc hơn trước. Đặc biệt, là tính chủ động, sáng tạo trong phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu ở một số xã, tiếp tục được nâng lên; áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; Nhiều mô hình mới đã và đang được nhân rộng phát huy hiệu quả, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh giảm nghèo bền vững.
Tuy nhiên, theo ông Vi Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông, khó khăn của địa phương là cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất còn thiếu và khó đạt chuẩn; đời sống Nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Sinh kế vẫn dựa quá nhiều vào rừng tự nhiên. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhất là người Đan Lai tỷ lệ hộ nghèo còn gần 100%... nhưng cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết tâm vì mục tiêu xây dựng NTM.
Ông Quý cho hay: huyện đã có 3/12 xã được tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM; có 23/107 thôn, bản đạt chuẩn NTM; bình quân toàn huyện đạt 12,4/19 tiêu chí/xã. Huyện Con Cuông có 2 xã biên giới Châu Khê và Môn Sơn, với chiều dài trên 61,8km đường biên tiếp giáp với nước bạn Lào. Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cơ sở hạ tầng và đời sống Nhân dân vùng biên giới được cải thiện.
Triển khai thực hiện Đề án xây dựng NTM trên địa bàn 27 xã khu vực biên giới tỉnh Nghệ An, tỉnh đã chỉ đạo các huyện lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ các xã biên giới để xây dựng hạ tầng phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành tuyên truyền, vận động người dân các xã biên giới, tích cực chung tay góp sức thực hiện các tiêu chí; qua đó đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thay đổi diện mạo khu vực nông thôn nói chung và 27 xã khu vực biên giới, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Phong trào xây dựng Nông thôn mới huy động các nguồn lực xây dựng hạ tầng tạo cảnh quan mới cho xã Tam Sơn xã khó khăn của huyện Anh Sơn
Nhờ vậy, bộ mặt nông thôn miền núi, nhiều bản làng vùng cao đã từng bước thay da đổi thịt. Những trụ sở làm việc, nhà văn hóa, trường học được dựng lên khang trang, sạch đẹp. Điều thực sự phấn khởi là, đời sống của bà con dân bản đã khấm khá, đổi thay rất nhanh. Nhiều mô hình phát triển kinh tế vườn rừng, vườn đồi, chăn nuôi đại gia súc, nuôi cá lồng, trồng cây dược liệu… xuất hiện cho thu nhập khá và ổn định.
Nhiều xã đã quyết tâm, nỗ lực cao trong việc phấn đấu đạt chuẩn xã NTM, tạo động lực rất lớn để triển khai chương trình. Vai trò của các tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền được phát huy, dân chủ được nâng lên về chất. Ở những nơi xây dựng NTM thành công, niềm tin của người dân vào các chủ trương, chính sách, sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự điều hành của chính quyền được nâng cao.
Nỗ lực vượt qua khó khăn
Miền tây Nghệ An là khu vực có tiềm năng lớn về quỹ đất, tài nguyên rừng, khoáng sản để phát triển và mở rộng sản xuất nông, lâm nghiệp, khai thác khoáng sản gắn với công nghiệp chế biến. Đồng bào các dân tộc miền núi có truyền thống đoàn kết, yêu nước, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, nhìn chung bức tranh miền Tây Nghệ An nhất là các xã vùng cao biên giới vẫn còn nhiều khó khăn, phát triển kinh tế thiếu bền vững, tỷ lệ hộ nghèo còn cao; trong đó 27 xã biên giới là vùng đặc thù khó khăn nên việc huy động nguồn lực kinh tế trong dân là rất khó. Những khó khăn mang tính đặc thù như hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông, đời sống kinh tế, văn hóa... đã trở thành lực cản đối với sự phát triển của khu vực này.
Theo ông Vi Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông: Thực hiện phong trào xây dựng NTM, đến nay, huyện Con Cuông có 3/12 xã được tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; có 23/107 thôn, bản đạt chuẩn NTM; bình quân toàn huyện đạt 12,4/19 tiêu chí/xã. Huyện Con Cuông có 2 xã biên giới Châu Khê và Môn Sơn với chiều dài trên 61,8km đường biên tiếp giáp với nước bạn Lào. Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cơ sở hạ tầng và đời sống nhân dân vùng biên giới được cải thiện.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông, khó khăn của địa phương là cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất còn thiếu và khó đạt chuẩn; đời sống Nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Sinh kế vẫn dựa quá nhiều vào rừng tự nhiên. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhất là tộc người Đan Lai tỷ lệ hộ nghèo còn gần 100%...
“Vì vậy trong thời gian tới huyện kiến nghị với các cấp đặc biệt là cấp tỉnh, Trung ương hỗ trợ cho đồng bào các chương trình thiết thực, đặc biệt là các chương trình cây, con giống để xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập. Hỗ trợ riêng cho vùng biên giới chương trình xi măng để cho người dân làm đường giao thông xây dựng nông thôn mới” - ông Vi Văn Quý cho biết.
Mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Hủa Na nâng cao thu nhập cho người dân
Việc xây dựng NTM ở 27 xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới tỉnh Nghệ An vừa là yêu cầu, vừa là nguyện vọng của đồng bào dân tộc trong vùng, vừa là nhiệm vụ quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh lâu dài của tỉnh và khu vực Bắc Trung Bộ.
Tuy nhiên, những khó khăn từ thực tiễn các xã vùng biên giới đang là những lực cản lớn đối với công cuộc xây dựng nông thôn mới. Từ thực tiễn đó, ngày 13/12/2020 HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 24/2020/NQ-HĐND về một số chính sách hỗ trợ trong xây dựng NTM giai đoạn 2021 -2025. Theo đó, Nghị quyết đã nâng mức hỗ trợ cho các xã, thôn, bản thuộc 10 huyện miền núi gồm: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Anh Sơn, Thanh Chương và Nghĩa Đàn.
Đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Khó khăn lớn nhất trong triển khai xây dựng NTM ở các xã vùng biên giới là kinh phí để thực hiện. Địa bàn biên giới rộng, diện tích rừng nhiều; cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn, để đầu tư xây dựng đòi hỏi kinh phí lớn. Hiện các địa phương đang đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh một số tiêu chí phù hợp với đặc thù của làng, bản cũng như phong tục tập quán của đồng bào. Cùng với đó tiếp tục lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình dự án để hỗ trợ các thôn, bản xây dựng NTM.
“Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Ban chỉ đạo các cấp thực hiện một cách quyết liệt, mạnh mẽ từ cấp tỉnh đến cơ sở, thường xuyên bám sát để kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các địa phương. Tất cả đều được triển khai một cách quyết liệt, đồng bộ. Quyết tâm hoàn thành mục tiêu 80% thôn, bản đặc biệt khó khăn đạt chuẩn NTM trong giai đoạn 2021-2025, góp phần cùng cả tỉnh hoàn thành mục tiêu quốc gia xây dựng NTM” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ nhấn mạnh.
Cởi “nút thắt” tư tưởng trông chờ, ỷ lại
Những xã chưa cán đích nông thôn mới ở vùng miền núi đều là những địa phương khó khăn và đặc biệt khó khăn. Trong một thời gian dài, những xã này đều được hưởng nhiều chương trình hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia cũng như các chính sách đặc thù khác của Nhà nước.
Ông Lô Khăm Kha – Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tương Dương cho rằng: Khi huyện giao kế hoạch cho địa phương nào đó về đích nông thôn mới thì khó khăn đầu tiên là tư tưởng trông chờ, ỷ lại Nhà nước của một bộ phận người dân. Bởi họ cho rằng, sau khi về đích nông thôn mới chính họ sẽ bị cắt giảm những chính sách hỗ trợ mà bấy lâu nay họ được hưởng. Tuy nhiên, không vì thế mà làm ảnh hưởng đến phong trào xây dựng nông thôn mới, mà nhiệm vụ hàng đầu là làm tốt công tác tuyên truyền. Chính vì thế, từ trước đến nay, những xã đã đạt nông thôn mới trong giai đoạn trước như Thạch Giám, Tam Quang, Tam Thái, Tam Đình, Xá Lượng đều về đích nông thôn mới đúng kế hoạch. Chỉ có xã Lưu Kiền không về đích đúng kế hoạch năm nay do giai đoạn này các tiêu chí cao hơn.
Huyện Quế Phong đến thời điểm này mới có 1 xã về đích nông thôn mới là Quế Sơn (nay là xã Mường Nọc). Ông Bùi Văn Hiền – Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho rằng: Những xã vùng sâu, vùng xa, khi xây dựng nông thôn mới, người dân vẫn còn băn khoăn, bởi sau khi về đích nông thôn mới, toàn bộ chế độ, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt, 2 chế độ ảnh hưởng lớn đến đời sống của đồng bào là bảo hiểm y tế và học phí cho con em theo học các cấp. Do đó, tình trạng người dân không muốn về đích nông thôn mới là có. Nếu không làm tốt công tác tuyên truyền thì người dân ở một số địa phương vùng sâu, vùng xa sẽ không muốn xã về đích nông thôn mới.
Các hộ nghèo thuộc xã Nga Mi (Tương Dương, Nghệ An) được hỗ trợ sinh kế để phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo.
Theo ông Nguyễn Văn Hằng – Phó Chánh Văn phòng Điều phối chương trình nông thôn mới tỉnh Nghệ An cho biết: Thực tế hiện nay đã xuất hiện tình trạng tại một số xã không muốn về đích nông thôn mới. Nguyên nhân là do những xã nằm trong diện đặc biệt khó khăn, khi về đích nông thôn mới đồng nghĩa với việc sẽ đưa ra khỏi danh sách vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn. Khi đó, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về y tế, giáo dục… bị cắt giảm. Kể cả cán bộ địa phương cũng không được hưởng chính sách của vùng đặc thù, nên có tình trạng không mặn mà với xây dựng nông thôn mới.
Từ thực tế đó, không những Nghệ An mà nhiều tỉnh khác cũng đang đề xuất Trung ương, đối với những xã đặc biệt khó khăn, sau khi về đích nông thôn mới cần tiếp tục được hưởng các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước như trước đó trong vòng 2 - 3 năm tới, nhằm khuyến khích các địa phương xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân, khơi nguồn cảm hứng để người dân vươn lên thoát nghèo, bỏ tư duy trông chờ, ỷ lại...
Xây dựng NTM là chủ trương lớn, cần quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, đương nhiên, người dân không thể đứng ngoài sự vận động tất yếu này. Bởi vậy, việc phát huy, khơi dậy nguồn lực từ chính người dân là điều hết sức quan trọng.
Muốn như vậy, các địa phương cần thiết phải tập trung tạo sinh kế, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp để nâng cao đời sống cho người dân. Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền, từng bước làm thay đổi nhận thức, xóa bỏ tâm lý trông chờ, ỷ lại đã ăn sâu, bén rễ trong suy nghĩ đồng bào các dân tộc thiểu số.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.