Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 23 tháng 11 năm 2023 | 10:27

Xây dựng hệ thống bán lẻ thực phẩm an toàn để giảm ngộ độc thực phẩm

Sử dụng thực phẩm an toàn là một nhu cầu tất yếu của người tiêu dùng trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn đang “phó mặc” cho những người bán hàng về nguồn gốc và sự an toàn thực phẩm đó. Vì thế, rất cần một hệ thống bán lẻ thực phẩm an toàn để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Nguồn gốc thực phẩm không đảm bảo an toàn là nguyên nhân

Có thể nói một trong những nguyên chính gây ra những vụ ngộ độc thưc phẩm, đó là thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm không đảm bảo an toàn được bày bán trên thị trường. Không những làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng; thậm chí còn ảnh hưởng đến uy tín của thực phẩm xuất khẩu.

TS.BS Cao Văn Trung, Phó Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm và thông tin truyền thông (Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế) cho biết, nhiều cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm không bảo đảm các điều kiện vệ sinh tối thiểu; người trực tiếp sản xuất chế biến thực phẩm chưa đủ kiến thức dẫn đến nguy cơ không bảo đảm an toàn thực phẩm.

"Ngoài ra, tỷ lệ ô nhiễm vi sinh vật, ô nhiễm hóa chất, cụ thể là tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật, các chất kháng sinh, các chất kích thích tăng trưởng trong các nông sản và thịt gia súc, gia cầm làm nguyên liệu để chế biến thực phẩm còn chiếm tỷ lệ cao hơn so với các nước trong khu vực", TS. Cao Văn Trung nói.

TS.BS Cao Văn Trung, Phó Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm và thông tin truyền thông (Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế).

Hiện nay, trong cả nước có 500 nghìn cơ sở chế biến thực phẩm, có 85% cơ sở quy mô vừa và nhỏ, quy mô hộ gia đình, sản xuất theo mùa vụ nên việc đầu tư trang thiết bị, nhà xưởng còn hạn chế, trên 70% nông dân vẫn sống bằng nông nghiệp.

Bên canh đó, thói quen của người tiêu dùng, thậm chí là cả tập quán của người dân vẫn còn ăn những loại thực phẩm sống như gỏi cá, tiết canh và có một số bộ phận nhỏ dân cư do điều kiện kinh tế khó khăn, đã chấp nhận sử dụng thực phẩm trôi nổi, có giá rẻ nhưng lại ẩn chứa rất nhiều nguy cơ ngộ độc cao.

TS. Cao Văn Trung còn cho biết thêm, cơ chế thị trường tạo điều kiện thông thoáng cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhập khẩu thực phẩm nhưng vì lợi nhuận, một bộ phận không nhỏ người kinh doanh cố tình đưa sản phẩm không an toàn ra thị trường. Đáng chú ý là sự đa dạng của các hình thức kinh doanh như: kinh doanh online, đa cấp, quảng cáo xuyên biên giới... khiến công tác kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm khó khăn hơn.

Đây chính là những nguy cơ và là nguyên nhân để xay ra những vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trong thời gian vừa qua, đặc biệt ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, nhà trường.

Do đó, để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo đảm an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng, rất cần có một một hệ thống bán lẻ an toàn.

Cần nhân rộng hệ thống bán lẻ thực phẩm an toàn

Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương thông tin, hiện nay, thực phẩm được lưu thông, buôn bán chủ yếu qua kênh phân phối truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hoá), đặc biệt là thực phẩm tươi sống.

Theo thống kê, cả nước có 8.517 chợ, trên 1.167 siêu thị, 254 trung tâm thương mại và hàng nghìn cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tiện lợi hiện đại hoạt động theo mô hình chuỗi hiện đại. Trong đó, chợ vẫn là kênh cung ứng thực phẩm chính trên cả nước. Tuy nhiên với sự phát triển của nền kinh tế và thu nhập của người dân, ngày càng có nhiều hệ thống phân phối hiện đại, phát triển theo chuỗi, có quy mô rộng khắp trên cả nước.

"Dù đã có nhiều nỗ lực nhưng nhìn chung, quản lý an toàn thực phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng là một công tác khó khăn và lâu dài"- bà Lê Việt Nga nói.

Người dân lựa chọn các sản phẩm được bày bán tại hệ thống Saigon Co.op. Ảnh: Định Quang

Tuy hoạt động phân phối thực phẩm an toàn đã có những chuyển biến tích cực, song theo Bộ Công Thương, thực phẩm được kiểm soát chất lượng mới chiếm từ 15-20% trong tổng số 26% hàng hóa tiêu dùng phân phối qua kênh hiện đại. Trong khi đó, chợ truyền thống vẫn là kênh cung ứng thực phẩm chính trên cả nước (chiếm 74%) với nhiều bất cập về vấn đề an toàn thực phẩm. Con số 200 mô hình chợ bảo đảm an toàn thực phẩm được thí điểm tại các địa phương (đến hết tháng 10-2023) là kết quả đáng ghi nhận, nhưng mới chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số 8.517 chợ toàn quốc.

Điều này dẫn đến tình trạng ngộ độc thực phẩm hiện còn diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng và niềm tin tiêu dùng. Thực tế, quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm chưa đồng bộ, hiệu quả thấp. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý chưa chặt chẽ, còn nhiều kẽ hở. Các hình thức kinh doanh trên nền tảng số ngày một đa dạng, khó quản lý. Tình trạng buôn lậu thực phẩm qua biên giới, quảng cáo thực phẩm sai sự thật, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y diễn biến phức tạp…

Ông Nguyễn Mạnh Thắng, đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ Bộ Công Thương cho biết, Bộ sẽ tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; nghiên cứu, đề xuất cơ chế phối hợp về thu hồi, giám sát và xử lý đối với sản phẩm, hàng hóa là thực phẩm có khuyết tật lưu thông trên thị trường. Cùng với đó, Bộ rà soát, hoàn thiện quy định về thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm an toàn thực phẩm theo hướng phù hợp với Luật Thanh tra; đề xuất biện pháp phù hợp với thực tế để phòng, chống nạn hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng nhái đang lưu thông trên thị trường.

Bên cạnh việc đẩy mạnh truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về an ninh, an toàn thực phẩm, Bộ Công Thương còn có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích, hỗ trợ hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm ứng dụng công nghệ cao và kết nối chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn…

Để bảo đảm an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng, rất cần nhân rộng hệ thống bán lẻ an toàn trên khắp phạm vi cả nước.

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top