Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 5 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 6 tháng 7 năm 2023 | 16:35

Xây dựng một đầu mối thống nhất về an toàn thực phẩm từ trung ương đến địa phương

Cục An toàn thực phẩm tham mưu cho lãnh đạo Bộ Y tế và các bộ ngành trình Chính phủ ban hành kế hoạch của Chính phủ để triển khai thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW của Ban Bí thư, trong đó có nội dung đặc biệt quan trọng là xây dựng một đầu mối thống nhất về an toàn thực phẩm từ trung ương đến địa phương.

Quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe sai sự thật gây bức xúc trong dư luận

Hiện nay, những quảng cáo cho thực phẩm chức năng như “thần dược” chữa được “bách bệnh” làm cho người sử dụng, nhất là những người mắc bệnh nan y hay bệnh mạn tính tin tưởng tuyệt đối. Nhưng rồi bệnh chẳng những không thuyên giảm, nhiều người bệnh còn có tình trạng bệnh nặng thêm, phải đến các cơ sở y tế để điều trị. Lúc này người bệnh mới ngã ngửa ra rằng, thời gian qua mình đã bị mắc lừa “tiền thì mất, tật thì vẫn mang”, nguyên nhân cũng chỉ vì việc quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe sai sự thật.

Cùng với phạt tiền, Cục An toàn thực phẩm đã buộc Công ty cổ phần dược phẩm quốc tế TAPHACO tháo gỡ nội dung quảng cáo vi phạm.

Trên trang web của Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế thường xuyên công khai các quyết định xử phạt vi phạm đối với các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm chức năng, trong quá trình quảng cáo đã gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chưa bệnh,  điều này làm ảnh hưởng lớn đến tài chính cũng như sức khỏe cho người sử dụng.

Vào ngày 21/4/2023 Cục An toàn thực phẩm ban hành Quyết định số 14/QĐ-XPHC xử phạt Công ty cổ phần dược phẩm quốc tế TAPHACO (tên cũ: Công ty cổ phần quốc tế TCG), địa chỉ trụ sở chính: tầng 1, số 44 đường Nguyễn Viết Xuân, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội số tiền 75.000.000 đồng (bảy mươi lăm triệu đồng) đối với 02 hành vi: quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Nutrizabet gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Nutrizabet không phù hợp với Giấy xác nhận nội dung quảng cáo đã được cấp.

Hay xử phạt Công ty cổ phần Khơ Thị Skincare & Clinic,  địa chỉ trụ sở chính: 222-224 Trần Hưng Đạo, phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, Buộc Công ty cổ phần Khơ Thị Skincare & Clinic cải chính thông tin; tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo các sản phẩm thực thực phẩm bảo vệ sức khỏe FIRST LIGHT CERAMIDES SKIN SUPPLEMENT; thực phẩm bảo vệ sức khỏe INVI-SUN SKIN DEFENSE SUPPLEMENT, thực phẩm bảo vệ sức khỏe TRUE BRIGHT SKIN BRIGHTENING SUPPLEMENT trên website https://vienthammykhothi.vn/ vì quảng cáo sai sự thật.

Xử phạt 25 triệu đồng đối với Công ty Cổ phần dược phẩm CYSINA, Địa chỉ trụ sở chính: Số 16 liền kề 6A Làng Việt Kiều Châu Âu, phường Mộ Lao, quận Hà Đông, TP. Hà Nội, Buộc Công ty Cổ phần dược phẩm CYSINA cải chính thông tin; tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng/ thực phẩm bảo vệ sức khỏe King Fucoidan & Agaricus trên website https://kingfucoidan.vn.

Còn rất nhiều các đơn vị kinh doanh thực phẩm chức năng khác quảng cáo gây hiểm nhầm như có tác dụng chữa bệnh cho người sử dụng, đã bị Cục An toàn thực phẩm ban hành quyết định xử phạt trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên dư luận lại rất bức xúc đối với các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm chức năng này, bởi lẽ đã gây ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, mặc dù bị các cơ quan chức năng xử lý những các doanh nghiệp này vẫn “coi thường pháp luật” .

Tại hội thảo "Giải pháp triển khai hiệu quả Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới" được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 5/7 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho hay, hiện nay việc các cá nhân kinh doanh thực phẩm, trong đó có thực phẩm bảo vệ sức khỏe vì lợi nhuận đã bất chấp quảng cáo sai sự thật, gây ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Chưa thống nhất và đồng bộ đối với Hệ thống cơ cấu tổ chức về an toàn thực phẩm

Được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, sự cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm đã có những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, công tác này còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: Hệ thống cơ cấu tổ chức còn chưa thống nhất và đồng bộ; Tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, đặc biệt là ở các bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, trường học bước đầu được kiểm soát nhưng nguy cơ vẫn cao; Việc kinh doanh trực tuyến, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe sai sự thật gây ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, gây bức xúc trong dư luận xã hội; Việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý chưa đạt hiệu quả cao…

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nêu dẫn chứng cụ thể, hiện nay hệ thống cơ cấu tổ chức về an toàn thực phẩm chưa thống nhất. Ở Trung ương có Cục An toàn thực phẩm, còn ở tỉnh thành thì một số địa phương thí điểm Ban Quản lý An toàn thực phẩm (gồm TP.HCM, Đà Nẵng, Bắc Ninh); bên cạnh đó một số tỉnh thì lại là Chi cục An toàn thực phẩm, có địa phương thì cơ quan quản lý an toàn thực phẩm là một phòng thuộc Sở Y tế… Do vậy, vấn đề chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương sẽ gặp khó khăn.

Từ thực tế đó, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế rất mong nhận được những đóng góp ý kiến, đồng thời đánh giá công tác quản lý an toàn thực phẩm, chia sẻ những khó khăn vướng mắc trong công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm tại Trung ương và địa phương, những thực tiễn bước đầu triển khai thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới tại đơn vị.

Sẽ xây dựng một đầu mối thống nhất về an toàn thực phẩm từ trung ương đến địa phương

Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong cho biết, trong những năm qua, chúng ta đã hình thành được hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm từ Trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, thực tế triển khai còn nhiều tồn tại, bất cập. Hiện nay mô hình quản lý an toàn thực phẩm không thống nhất, đa phần địa phương có Chi cục An toàn thực phẩm, 3 tỉnh thành có Ban Quản lý An toàn thực phẩm (TP.HCM, Đà Nẵng, Bắc Ninh), cũng có tỉnh thì cơ quan quản lý an toàn thực phẩm là một phòng thuộc Sở Y tế…

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục An toàn thực phẩm đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ Y tế và các bộ ngành trình Chính phủ ban hành các kế hoạch của Chính phủ để triển khai thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW của Ban Bí thư. Theo đó, nội dung của Chỉ thị 17-CT/TW gồm 6 nội dung cơ bản, trong đó có nội dung đặc biệt quan trọng là giao cho xây dựng một đầu mối thống nhất về an toàn thực phẩm từ trung ương đến địa phương. Lộ trình kiện toàn mô hình tổ chức là từ 2023-2025. Hiện mô hình tổ chức mới về quản lý an toàn thực phẩm vẫn chưa được hình thành, chưa rõ tên gọi, việc này Bộ Nội vụ sẽ đề xuất. Tuy nhiên, cơ quan tổ chức mới về quản lý an toàn thực phẩm sẽ phải tập trung đủ cả 3 lực lượng y tế, nông nghiệp, công thương.

Quang cảnh Hội nghị

"Với Chỉ thị 17-CT/TW này của Ban Bí thư, chúng tôi hy vọng sẽ có một đầu mối quản lý thống nhất an toàn thực phẩm từ trung ương đến địa phương, sẽ giải quyết được những vấn đề còn tồn tại và phát huy được những cái đã có", Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm nói.

Ông Nguyễn Thanh Phong cho biết thêm, Nghị định 15 của Chính phủ hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm qua 5 năm thực hiện bộc lộ rất nhiều vấn đề. Theo đó, nhiều doanh nghiệp đăng ký kinh doanh một chỗ nhưng sau thay đổi hoạt động, chuyển địa điểm kinh doanh không có thông báo cho cơ quan quản lý. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư, khoảng 80% doanh nghiệp nói chung có hiện tượng đăng ký 1 nơi, kinh doanh 1 nơi.

Tiếp đó, vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm ở một số cơ sở sản xuất nhất là cơ sở nhỏ lẻ không bảo đảm, dẫn đến ô nhiễm từ nơi sản xuất vào sản phẩm. Trong khi đó, cả nước có khoảng 200 làng nghề sản xuất nhu yếu phẩm truyền thống, tồn tại hàng trăm năm nay (làng làm mứt, bánh kẹo, bánh cuốn, làng làm bún...), không thể vì vấn đề an toàn thực phẩm mà xóa bỏ toàn bộ những làng nghề này được mà phải định hướng dần dần.

Ông Phong nhấn mạnh, một trong những nguyên tắc của Luật an toàn thực phẩm là phải phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội của từng thời kỳ. Theo đó, chúng ta không thể áp dụng nguyên mô hình của một quốc gia nào đó như Nhật Bản, Thụy Sĩ sang mô hình của Việt Nam. Bởi lẽ trong Luật an toàn thực phẩm và thực tiễn quản lý cho thấy, mỗi một quốc gia có điều kiện phát triển kinh tế xã hội khác nhau, yêu cầu quản lý khác nhau. Do vậy, chúng ta chỉ có thể học những cái phù hợp với mình.

Trong sự phát triển mạnh mẽ như hiện nay của khoa học kỹ thuật, nhất là sự phát triển của công nghệ thông tin, trên các trang mạng xã hội có rất nhiều trang bán hàng online, các doanh nghiệp đã quảng cáo thực phẩm chức năng sức khỏe rất tinh vi, sử dụng cả những người có ảnh hưởng lớn trong xã hội để quảng cáo, làm người sử dụng lầm tưởng là thuốc chữa bệnh, gây thiệt hại và ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người sử dụng.

Do đó việc tổ chức lại hệ thống quản lý chỉ là một vấn đề, thêm vào đó cần thiết phải nâng các chế tài xử phạt thật nặng, thậm chí phải truy tố đơn vị quảng cáo sai sự thật nếu như sản phẩm đó gây tử vong cho người sử dụng. Có như vậy may chăng nạn quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh mới giảm.

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top