Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 16 tháng 4 năm 2024 | 15:17

Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

Đặc biệt, giai đoạn 2021-2023, nhân dân trong tỉnh đã hiến 1,5 triệu m2 đất mở rộng đường, đóng góp hàng nghìn tỷ đồng xây dựng đường thông, hè thoáng, xanh- sạch đẹp.

Sức mạnh của lòng dân

Trước đây, về công tác hiến đất làm đường xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Thanh Hóa là cả vấn đề khó khăn, cần sự đồng lòng của người dân tương đối lớn. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề đơn giản, bởi đối với người dân “tấc đất, tấc vàng”. Nhưng, thông qua sự vận động của các cấp ủy đảng và chính quyền sâu sát, kiên trì thuyết phục “Đến từng ngõ, gõ từng nhà” để người dân thấy được cái hơn, cái lợi của mở rộng những con đường.

Sau những quá trình vận động của các cấp ủy và chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cuối cùng người dân Thanh Hóa bắt đầu nhận thức được lợi ích của việc xây dựng nông thôn mới.

Con đường làng quê Xứ Thanh thông thoáng, khang trang, sạch đẹp, những hàng hoa cây cảnh mang hồn làng quê mới

Con đường làng quê Xứ Thanh thông thoáng, khang trang, sạch đẹp, những hàng hoa cây cảnh mang hồn làng quê mới

Đặc biệt, trong lĩnh vực xây dựng đường xá, hành lang giao thông, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, bên cạnh đó với phương châm “lấy sức dân để lo cho dân”, đúng trọng tâm, đã khơi dậy được sức mạnh và nguồn lực trong nhân dân. Người dân đã thống nhất chủ trương, sẵn sàng hiến đất, tháo dỡ nhà cửa, công trình phụ của gia đình để đóng góp phần xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp văn minh.

Điển hình ấy là ông Lê Quang Hòa 66 tuổi, thôn Thạch Khê Tiên, xã Đông Tiến (huyện Đông Sơn), căn nhà nơi sinh sống của gia đình ông nằm giữa ngã ba thôn, điểm nối giữa ngõ và tuyến chính chạy dọc các thôn rất hẹp (có 2m) người dân đi lại tránh nhau khó khăn. Khi chính quyền địa phương tới vận động, gia đình ông Hòa đã nhất trí chủ trương của Đảng, thực hiện hiến 150 m2 đất cùng các công trình như: 02 gian nhà cấp 4 có diện tích 50 m2, 2 gian nhà máy xay xát gạo diện tích 40m2, nhà bếp cùng với tường rào, với tổng trị giá 300 triệu đồng để mở rộng đường giao thôn.

Ông Lê Quang Hòa thôn Thạch Khê Tiên, xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn là hộ có hoàn cảnh khó khăn, nhưng khi được chính quyền vận động, gia đình đã tháo dỡ nhà, công trình phụ để hiến đất làm đường thông thoáng cho thôn

Ông Lê Quang Hòa (bên phải) thôn Thạch Khê Tiên, xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn là hộ có hoàn cảnh khó khăn, nhưng khi được chính quyền vận động, gia đình đã tháo dỡ nhà, công trình phụ để hiến đất làm đường thông thoáng cho thôn.

Chia sẻ về những quyết định lớn này ông Hòa mỉm cười: “Ban đầu khi có chủ trương này tôi cũng phân vân, vợ tôi ngăn cản. Bởi gia đình hoàn cảnh khó khăn, khi hiến đất rồi không có kinh phí để xây tường rào, các công trình phụ trợ khác. Nhưng nghĩ, làng xóm láng giềng người ta hiến hết, mình không hiến thì mặt mũi nào nhìn bà con lối xóm. Làm đường rộng thì mình hưởng, đời con còn đến đời cháu vào đây chứ ai mà lo thiệt".

“Thực hiện hiến đất xong gia đình ông vay 50 triệu quỹ hội cựu chiến binh để mua nguyên vật liệu để xây dựng tường rào, công trình phụ. Giờ thấy khu vực thông thoáng, khang trang sạch đẹp, người dân đi đi lại thuận lợi. Tôi rất vui khi con cái đi xa trở về cũng tự hào vì bố mẹ có đóng góp một phần nhỏ cho quê hương”, ông Hòa nói.

Cũng chung chí hướng ấy, ông Nguyễn Văn Quế, thôn Nhân Trạch, xã Quãng Trạch (huyện Quãng Xương) , hộ dân điển hình trong phong trào xây dựng nông thôn mới giàu đẹp của địa phương, hiến 140m2 đất để mở rộng đường nông thôn.

“Con đường gia đình tôi trước đây hình chữ T, thấy được sự vất vả của người dân mỗi khi phải chờ đợi, tránh nhau trên con đường làng chật hẹp. Sau khi được tuyên truyền, vận động, thấy được ý nghĩa của chương trình, là đảng viên tôi phải tiên phong đi đầu. Từ sự tiên phong của gia đình, nhiều hộ dân khác cũng tự nguyện hiến đất, cho đường làng khang trang, rộng đẹp".

Không chỉ những người con đang sinh sống trên mảnh đất Xứ Thanh, ông Nguyễn Hữu Xuân (SN1975) hiện đang sinh sống tại tỉnh Đồng Nai, người con xã Xuân Thọ (huyện Triệu Sơn) đã đóng góp 52 tỷ đồng cho quê hương xây dựng một vùng quê khang trang - sạch - đẹp.

Ông Xuân cho biết: Nơi tôi sinh ra vẫn còn nhiều khó khăn, nguồn lực để xây dựng nông thôn mới còn hạn chế, rất cần đến sự chung tay góp sức của tất cả mọi người. Khi huyện Triệu Sơn có chủ trương vận động nhân dân hiến đất để mở rộng đường giao thông nông thôn, tôi cho rằng, đây là chủ trương rất đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của người dân, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế xã hội của huyện và có thể trở thành đô thị. Gia đình tôi quyết định hỗ trợ phần kinh phí tích lũy để hỗ trợ cho xã Xuân Thọ xây dựng một số công trình thiết yếu.

Con đường làng quê xã Xuân Thọ được mở rộng khang trang, những hàng rào đẹp được ông Nguyễn Hữu Xuân hiện đang sinh sống tại tỉnh Đồng Nai đóng góp về quê hương, nơi ông sinh ra.

Con đường làng quê xã Xuân Thọ được mở rộng khang trang, những hàng rào đẹp được ông Nguyễn Hữu Xuân hiện đang sinh sống tại tỉnh Đồng Nai đóng góp về quê hương, nơi ông sinh ra.

Giai đoạn 2021 - 2023, người dân trên địa bàn tỉnh đã hiến 1,5 triệu m2, di dời, phá dỡ khoảng 650 nhà ở dân cư, phá dỡ hơn 2.400 công trình tường rào, cổng nhà, sân, nhà vệ sinh...

Đến Thanh Hóa hôm nay, trên những đường thôn, ngõ xóm những con đường đã được bê tông hóa, thông thoáng, khang trang, sạch đẹp.

Bám sát mục tiêu mới

Phát huy những thành quả đã đạt được trong những năm qua, năm 2024, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu có thêm 1 huyện, 19 xã và 60 thôn/bản miền núi đạt chuẩn NTM; 2 huyện và 19 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 10 xã và 30 thôn/bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 120 sản phẩm OCOP được cấp có thẩm quyền công nhận

Để hoàn thành tốt mục tiêu đề ra Thanh Hóa chú trọng tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy; quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; phát huy vai trò của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội, người dân và doanh nghiệp trong xây dựng nông thôn mới.

Ngoài ra, kịp thời triển khai các dự án được ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh hỗ trợ đảm bảo tiến độ, chất lượng, công khai, minh bạch, đúng với các quy định của pháp luật, tuyên truyền vận vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, gắn với phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, công tác an sinh xã hội được đảm bảo.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng, phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển các sản phẩm OCOP.

Cần phải bám sát mục tiêu để những vùng núi, bản làng Thanh Hóa khang trang, xanh mát

Cần phải bám sát mục tiêu để những vùng núi, bản làng Thanh Hóa khang trang, xanh mát.

Năm 2023 và Quý I năm 2024, toàn tỉnh đã có thêm thị xã Bỉm Sơn được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, có thêm 17 xã, 17 thôn bản miền núi đạt chuẩn nông thôn mới, 38 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 14 xã, 173 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và có thêm 187 sản phẩm OCOP được công nhận.

Lũy kế đến nay, tỉnh có 13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM , có 363 xã và 717 thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM, 97 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 23 xã và 480 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 479 sản phẩm OCOP, trong đó có 01 sản phẩm OCOP 5 sao.

Ông Đỗ Trọng Hưng - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia tỉnh Thanh Hóa cho biết: Chương trình xây dựng NTM phải ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; tiếp tục xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và NTM cấp thôn, bản. Chúng ta phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, quán triệt sâu sắc, hành động quyết liệt, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân triển khai.

Theo ông Hưng, bước vào thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2023, trong bối cảnh có những thuận lợi nhất định, thì cũng gặp nhiều khó khăn thử thách. Song, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới của Thanh Hóa sẽ tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng và khá toàn diện.

 

Thanh Duyên
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top