Được cấp phép làm dự án xây dựng trang trại chăn nuôi 2.400 heo (lợn) nái tại xã Sơn Hội (Sơn Hoà - Phú Yên) trên diện tích 97.773m2, nhưng Công ty TNHH Chiều Tam Đảo (thôn Tân Phú, xã Suối Bạc, huyện Sơn Hoà) đã tiến hành thi công nhiều hạng mục không nằm trong hồ sơ thiết kế…
Thời gian thực hiện kéo dài
Ngày 8/9/2020, UBND tỉnh Phú Yên có Quyết định số 1574/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương đầu tư dự án trang trại chăn nuôi 2.400 heo nái tại xã Sơn Hội đối với Công ty TNHH Chiều Tam Đảo do bà Đào Thị Chiều (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) làm Giám đốc và người đại diện theo pháp luật. Dự án được triển khai trên diện tích 97.773m2, tổng vốn đầu tư 64 tỷ đồng, hoạt động đến năm 2070, kể từ ngày ra quyết định chủ trương đầu tư. Mục tiêu của dự án là đầu tư xây dựng trang trại để nuôi heo nái, hàng năm cung cấp ra thị trường khoảng 50.000 - 60.000 con heo chất lượng cao được dưỡng nuôi theo quy trình khoa học, tăng hiệu quả sử dụng các nguồn nguyên liệu, phế - phụ phẩm từ nông nghiệp, đóng góp ngân sách và giải quyết việc làm cho lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Vị trí (1), (2) đánh dấu trên bản đồ quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất đang xây dựng sai so với trong giấy phép được cấp.
Ngày 12/12/2022, UBND tỉnh Phú Yên ban hành Quyết định số 1475/QĐ-UBND về việc thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất và cho thuê đất để thực hiện dự án với diện tích chuyển mục đích đất rừng sản xuất sang đất nông nghiệp khác và cho thuê với diện tích 97.773 m2. Cũng theo quyết định này, Nhà nước thu hồi đất với diện tích 863m2 loại đất rừng sản xuất của Công ty TNHH Chiều Tam Đảo (Công ty nhận chuyển nhượng ngoài dự án của hộ gia đình, cá nhân) và giao UBND xã Sơn Hội quản lý phần diện tích đất này. Tiếp đến, ngày 20/12/2022, UBND huyện Sơn Hoà ra quyết định cấp giấy phép xây dựng số 51/GPXD cho Công ty TNHH Chiều Tam Đảo xây dựng với 30 hạng mục công trình theo hồ sơ thiết kế.
Tuy nhiên, sau đó, doanh nghiệp này vẫn chưa thực hiện đầu tư xây dựng dự án và sau nhiều lần đăng ký thay đổi theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thì mới đây, ngày 22/6/2023, Công ty TNHH Chiều Tam Đảo đăng ký thay đổi lần 3, người đại diện pháp luật của Công ty là bà Lê Thị Thơm, ngụ TP. Biên Hoà (Đồng Nai). Tiếp đến, Công ty có tờ trình xin gia hạn thời gian đầu tư và ngày 21/8/2023, UBND tỉnh Phú Yên ra Quyết định số 1108/QĐ-UBND quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư với nội dung: “Tiến độ thực hiện đầu tư hoàn thành đưa dự án vào hoạt động là 12 tháng kể từ ngày có quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư”.
Vị trí thực tế xây lấn chiếm và vi phạm nghiêm trọng.
Giải pháp xử lý của huyện Sơn Hoà
Theo quan sát của phóng viên, tại hiện trường, đến thời điểm hiện tại, chủ đầu tư đang triển khai xây dựng dự án. Công trình dự án được san lấp mặt bằng cao tầm 5 mét so với mặt đường, cao quá tầm nhìn và bao quanh bởi hệ thống kè kiên cố.
Phía bên trong đang xây dựng nhiều nhà nuôi heo, nhà điều hành, nhà bảo vệ, nhà sát trùng rộng cả trăm mét vuông, trong khuôn viên mặt trước Công ty có nhiều hồ rất rộng chứa nước... và về quy mô không đúng với diện tích được phê duyệt ban đầu. Ngoài ra còn có nhiều hạng mục xây dựng sai so với quyết định phê duyệt, cụ thể là hồ.
Theo bản đồ quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất, tại khu vực cổng chính ra vào, Công ty phải chừa lối đi mặt bằng 5m cho người dân đi (nằm trong diện tích 863m2 do UBND xã Sơn Hội quản lý). Tuy nhiên, bất chấp các quyết định thu hồi đất, Công ty xây dựng luôn phần đất này và đổ đất lấn chiếm một phần con suối để làm mặt bằng của công ty. Với các hồ xử lý nước thải, chủ đầu tư tự thay đổi kết cấu xây dựng, xây dựng sai vị trí (từ phía sau Công ty dời lên phía mặt cổng chính gần con suối) và xây dựng nhiều hạng mục so với giấy phép xây dựng chỉ 30 hạng mục…
Các hồ chứa nước không đúng với giấy phép.
Theo bà Lê Thị Thơm, Giám đốc Công ty TNHH Chiều Tam Đảo, Công ty có xây dựng một số hạng mục công trình sai so với giấy phép xây dựng số 51. Đồng thời, kiến nghị cơ quan chuyên môn giải thích rõ về việc dự án có thuộc trường hợp miễn lập quy hoạch chi tiết 1/500 và cấp giấy phép xây dựng?
Qua tìm hiểu, hiện nay, nhiều chủ đầu tư trang trại nuôi heo nái ở Đồng Nai đổ xô về Phú Yên chọn địa điểm “dừng chân”. Theo một số chủ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, hiện các tỉnh phía Nam rất hạn chế cấp phép cho các dự án chăn nuôi heo, bởi thiếu quỹ đất và đối diện với ô nhiễm môi trường từ việc chăn nuôi. Riêng Phú Yên, quỹ đất còn nhiều, giá thuê đất rẻ nên họ về đây đầu tư. |
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Nguyễn Đình An, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hoà, cho biết, sau khi nhận được thông tin từ phóng viên, UBND huyện sẽ chỉ đạo các phòng ban kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Chiều Tam Đảo. UBND huyện chỉ đạo Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Phòng TN-MT và các phòng có liên quan thành lập đoàn đi kiểm tra thực địa và làm việc với chủ đầu tư về những vi phạm nêu trên.
Giải pháp trước mắt, cơ quan chức năng sẽ yêu cầu chủ đầu tư khắc phục các vi phạm, nếu chủ đầu tư không chấp hành thì UBND huyện xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, UBND huyện yêu cầu Phòng Kinh tế - hạ tầng củng cố hồ sơ, tham mưu UBND huyện Sơn Hoà xử lý các hạng mục công trình xây dựng sai so với giấy phép xây dựng. Đồng thời yêu cầu nhà đầu tư tạm dừng thi công các hạng mục công trình, và chủ đầu tư cần liên hệ với các đơn vị liên quan để được hướng dẫn lập thủ tục điều chỉnh theo đúng quy định.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.