Xây dựng và quản lý thương hiệu OCOP giúp chủ thể "sống khỏe", cần sự vào cuộc khẩn trương của các chủ thể OCOP cũng như lực lượng quản lý để việc này không trở thành bài toán khó với chính họ.
Mô hình chế biến rau, củ thành ống hút công nghệ cao tại Hợp tác xã Nông nghiệp Sông Hồng (huyện Đông Anh). Ảnh: Hải Anh
Xây dựng và quản lý nhãn hiệu, thương hiệu OCOP: Chiến lược phát triển kinh doanh bền vững
Triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhiều địa phương của thành phố Hà Nội tập trung vào việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu... Tuy nhiên, việc quản lý, kiểm soát nhãn hiệu, thương hiệu chưa được một số chủ thể OCOP chú trọng dẫn đến mất chỗ đứng trên thị trường.
"Ống hút rau củ ECOS" của Hợp tác xã Nông nghiệp Sông Hồng, xã Đại Mạch (huyện Đông Anh) là một trong số ít những sản phẩm của Hà Nội được xếp hạng 5 sao. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Sông Hồng Lê Văn Tám cho biết, năm 2016, hợp tác xã đã nghiên cứu và đưa vào sản xuất ống hút từ nguồn rau, củ, quả sạch được trồng theo hướng hữu cơ. Năm 2019, quy trình sản xuất ống hút từ rau, củ, quả mới được hoàn thiện, hợp tác xã đã đăng ký nhãn hiệu "Ống hút rau củ ECOS" cùng các tiêu chuẩn đi kèm, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. “Năm 2021, sản phẩm "Ống hút rau củ ECOS" được xếp hạng OCOP 5 sao và nhờ đó có chỗ đứng vững chắc trên thị trường”, ông Lê Văn Tám chia sẻ.
Tương tự, các sản phẩm thuộc chuỗi cung ứng thịt lợn sạch mang thương hiệu “Chuỗi thực phẩm A-Z” của Hợp tác xã Hoàng Long, xã Tân Ước (huyện Thanh Oai) được thị trường trong nước ưa chuộng, giúp hợp tác xã thu về hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Long Nguyễn Trọng Long thông tin, trang trại chăn nuôi lợn của hợp tác xã đạt tiêu chuẩn VietGAP, bảo đảm an toàn sinh học; 100% sản phẩm bán ra được sơ chế, chế biến đóng gói mang thương hiệu "Chuỗi thực phẩm A-Z". Hiện tại, “Chuỗi thực phẩm A-Z" được xếp hạng 4 sao OCOP, tiềm năng đạt 5 sao.
Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, từ năm 2019 đến nay, thành phố đã đánh giá 2.167 sản phẩm OCOP, trong đó có 4 sản phẩm đạt 5 sao; 14 sản phẩm tiềm năng 5 sao; 1.369 sản phẩm 4 sao và 780 sản phẩm 3 sao. Tuy nhiên, do thời hạn công nhận sản phẩm OCOP theo quy định là 36 tháng nên có 296 sản phẩm OCOP được chứng nhận từ 2019, đến nay đã hết hạn. Hiện tại, thành phố có 1.871 sản phẩm OCOP còn hiệu lực, trong đó có 4 sản phẩm 5 sao; 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao; 1.162 sản phẩm 4 sao và 692 sản phẩm 3 sao.
“Cùng với đa dạng hóa sản phẩm OCOP, việc xây dựng thương hiệu, quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm OCOP tiếp tục được quan tâm, không vì số lượng mà bỏ qua chất lượng…”, ông Nguyễn Văn Chí nhấn mạnh.
Mặc dù Chương trình OCOP đã phát huy tác dụng song việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu chưa được một số chủ thể OCOP chú trọng, quan tâm đúng mức.
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Tuấn Hà, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã có sản phẩm xếp hạng 4 sao vẫn coi nhẹ việc xây dựng thương hiệu, quản lý thương hiệu, dẫn đến tình trạng có hàng “nhái”, hàng không bảo đảm chất lượng mang thương hiệu của doanh nghiệp được bày bán trên thị trường. Một số sản phẩm OCOP đã mất chỗ đứng trên thị trường, do chủ thể không quản lý tốt nhãn hiệu, thương hiệu.
Còn theo Trưởng ban Điều phối Hệ thống bảo đảm cùng tham gia (PGS) Việt Nam Từ Tuyết Nhung, các chủ thể OCOP không để đứng ngoài việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu bởi đây là điều kiện tất yếu để phát triển bền vững. Hiện, nhiều sản phẩm 3 sao được xếp hạng chưa xây dựng được thương hiệu, cũng như chưa quản lý hiệu quả thương hiệu, nhãn hiệu sau khi được cấp.
Ông Nguyễn Văn Chí cho rằng, để bảo vệ nhãn hiệu, thương hiệu cho các sản phẩm OCOP, Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới sẽ tham mưu thành phố thành lập các đoàn kiểm tra đối với chủ thể có sản phẩm đã được công nhận từ 3 sao trở lên; đồng thời, xây dựng kế hoạch để đánh giá, phân hạng lại sản phẩm OCOP sau 36 tháng theo đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ. Chủ thể OCOP cần coi việc quản lý nhãn hiệu, thương hiệu là chiến lược phát triển kinh doanh bền vững.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu ngành Nông nghiệp và các địa phương cần nâng cao nhận thức của các chủ thể tham gia sản phẩm OCOP về vai trò, tầm quan trọng trong việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm OCOP; hỗ trợ xây dựng, quản lý nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm; khuyến khích cải tiến mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm.
“Tăng cường chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, tiêu thụ; hỗ trợ các chủ thể nâng hạng sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm…”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.
Thanh Hóa: 22 sản phẩm hết thời hạn sử dụng nhãn hiệu OCOP
Thông tin từ Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng NTM tỉnh Thanh Hóa, tính đến quý I/2023, trên địa bàn tỉnh có 22 sản phẩm hết thời hạn sử dụng nhãn hiệu OCOP.
Dưa chuột baby của Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới, huyện Quảng Xương là một trong 22 sản phẩm hết thời hạn sử dụng nhãn hiệu OCOP.
Theo đó, Giấy chứng nhận 13 sản phẩm OCOP được cấp cho các chủ thể theo Quyết định số 5445/QĐ-UBND ngày 23/12/2019 của UBND tỉnh Thanh Hóa đã hết hiệu lực kể từ ngày 24/12/2022 và Giấy chứng nhận 17 sản phẩm OCOP đợt 1 năm 2020 được cấp theo Quyết định số 590/QĐ-UBND ngày 19/2/2020 của UBND tỉnh hết hiệu lực từ ngày 20/2/2023.
Tuy nhiên, đến nay mới có 7/12 sản phẩm tại Quyết định số 5445/QĐ-UBND, ngày 23/12/2019 (1 sản phẩm mắm tôm của Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia đã được chứng nhận 5 sao Quốc gia không thuộc diện đánh giá xếp hạng lại ở cấp tỉnh) tham gia đánh giá xếp hạng lại ở đợt 1, năm 2023 và một số sản phẩm tại Quyết định số 590/QĐ-UBND có hồ sơ đăng ký đánh giá, xếp hạng lại. Trong số đó, có một số thương hiệu nổi tiếng của tỉnh Thanh Hóa như: Mắm tôm Hòa Hải, Rượu Chi Nê (Hậu Lộc), Dưa chuột Baby, Dưa lưới Taki (Quảng Xương), kẹo lạc Đức Giang (Thọ Xuân)…
Theo quy định, các chủ thể sẽ không được tiếp tục sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm OCOP (logo OCOP có gắn sao) để in, dán trên bao bì, nhãn mác đối với các sản phẩm của mình khi lưu thông, tiêu thụ trên thị trường kể từ ngày hết hiệu lực.
Trong trường hợp các chủ thể vẫn tiếp tục sử dụng nhãn hiệu OCOP trên sản phẩm đã hết thời hạn chứng nhận sẽ bị xử lý theo quy định tại Quyết định số 1162/QĐ-VPĐP-OCOP, ngày 17-9-2020 của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương và các quy định khác của pháp luật Việt Nam.
Vĩnh Phúc: Đạt chứng nhận OCOP, các sản phẩm làng nghề “sống khỏe” trong xu thế hội nhập
Với 20 làng nghề và 8 nghề truyền thống đã được công nhận, công tác bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề luôn được các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh quan tâm, nhất là việc xây dựng, phát triển thương hiệu và quảng bá sản phẩm. Điều này không chỉ góp phần tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm mà còn giúp người làm nghề, hộ sản xuất sống được với nghề, bảo tồn làng nghề trong xu thế hội nhập. Mặc dù được quan tâm, chú trọng, song trên thực tế, số lượng các sản phẩm làng nghề xây dựng được thương hiệu đặc trưng chưa nhiều, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có.
Các hộ sản xuất tại làng nghề rèn Lý Nhân (Vĩnh Tường) tự đầu tư máy móc, áp dụng công nghệ hiện đại, cải tiến mẫu mã sản phẩm. (Ảnh: Nguyễn Lượng)
Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, những năm gần đây, nhiều làng nghề, nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh được khôi phục và phát triển; trong đó, nhiều làng nghề hoạt động hiệu quả như làng nghề mộc Thanh Lãng (Bình Xuyên), làng nghề đá mỹ nghệ Hải Lựu (Sông Lô)...; các nghề làm cháo se, bánh hòn thị trấn Hương Canh (Bình Xuyên), làm cá thính, tương ở xã Tiên Lữ (Lập Thạch)... tạo việc làm cho hơn 16 nghìn lao động.
Nhiều hộ sản xuất, doanh nghiệp (DN) tại các làng nghề đã quan tâm đến việc xây dựng, thương hiệu thông qua việc nâng cao chất lượng sản phẩm và tích cực đổi mới mẫu mã.
Để nâng cao giá trị, sức cạnh tranh trên thị trường, một số sản phẩm làng nghề đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ thông qua được công nhận nhãn hiệu tập thể như rắn và các sản phẩm chế biến từ rắn Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường)...
Dù đã được quan tâm, hỗ trợ nhiều mặt, song, trên thực tế, việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm tại các làng nghề gặp nhiều khó khăn. Số nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh có sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu còn hạn chế.
Hiện, toàn tỉnh mới có 4 sản phẩm của 4 hộ sản xuất tại các làng nghề truyền thống gồm: Làng nghề rắn Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Tường), làng nghề tương Khả Do, xã Nam Viêm (Phúc Yên), cá thính Tiên Lữ (Lập Thạch), bánh hòn Hợp Thịnh (Tam Dương) được đánh giá, chứng nhận chất lượng sản phẩm OCOP hạng 3 sao.
Nguyên nhân xuất phát từ chính những khó khăn mà các làng nghề đang gặp phải hiện nay như thiếu vốn, thiếu mặt bằng sản xuất, thiếu nguyên liệu; quy mô nhỏ lẻ, nằm xen lẫn trong các khu dân cư; bị động trong việc tiêu thụ sản phẩm; sản xuất độc lập, truyền thống, theo hình thức "mạnh ai người nấy làm".
Ngoài ra, một số làng nghề hiện đã đăng ký nhãn hiệu tập thể nhưng chưa khai thác hiệu quả trong quá trình phát triển. Do đó, việc dành phần kinh phí cho công tác xây dựng thương hiệu, bảo hộ nhãn hiệu, thành lập bộ phận chuyên trách về thiết kế bao bì hạn chế; việc phát triển thương hiệu phải cân đối giữa chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm.
Để tháo gỡ những khó khăn kể trên, cuối năm 2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện hỗ trợ bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022 - 2025.
Theo đó, bên cạnh việc tiếp tục hỗ trợ triển khai ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất ở các làng nghề, tỉnh sẽ hỗ trợ xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tuyến; xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý xuất xứ hàng hóa; hỗ trợ xây dựng bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại gắn bảo tồn và phát triển làng nghề với chương trình phát triển du lịch...
Đặc biệt, mới đây, tỉnh triển khai Đề án thí điểm xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu với các cơ chế hỗ trợ đặc thù sẽ giúp phát triển và nâng tầm thương hiệu các làng nghề truyền thống…
Song hành với những nỗ lực của các ngành chức năng, tận dụng lợi thế của thương mại điện tử đem lại, rất nhiều cơ sở sản xuất, DN tại các làng nghề ở các địa phương đã chủ động "nhập cuộc", tự đầu tư máy móc, ứng dụng công nghệ hiện đại, cải tiến mẫu mã sản phẩm và xây dựng website, bộ nhận diện thương hiệu riêng, cập nhật thông tin, giới thiệu và bán sản phẩm qua các sàn, trang mạng xã hội như Voso.vn, Lazada.vn, Shoppee.vn; Facebook, tiktok, zalo,... nhận được phản hồi tích cực của khách hàng.
Trong đó, phải kể đến những nỗ lực những người thợ trẻ, những người con của làng nghề rèn thôn Bàn Mạch, xã Lý Nhân (Vĩnh Tường) như anh Phùng Văn Đô, chị Lê Thị Thu Hằng, anh Vũ Đăng Khoa... giúp sản phẩm của quê hương vươn xa, có mặt ở thị trường nước ngoài.
Anh Vũ Đăng Khoa chia sẻ: “Biết sản phẩm dao của làng nghề vốn ít tính thẩm mỹ nên gia đình chuyển sang làm dao cán thép trắng đẹp, xây dựng thương hiệu chuyên nghiệp cho sản phẩm với việc đầu tư máy khắc tên trên sản phẩm, in logo, chụp hình, làm video, đa dạng hóa sản phẩm và mẫu mã, bao bì để đảm bảo yếu tố hấp dẫn người trẻ và nhu cầu thị trường.
Từ những đơn hàng đầu tiên bán online cho bạn bè, người thân qua zalo cá nhân, với fanpage "Dao DAKA - Dao làng rèn Lý Nhân", thị trường tiêu thụ sản phẩm đã phát triển rộng khắp cả nước, đem lại doanh thu hàng trăm triệu đồng/tháng".
Trước sự cạnh tranh gay gắt giữa các làng nghề hiện nay, để đưa sản phẩm làng nghề trên địa bàn tỉnh vươn xa, bản thân các hộ, cơ sở, DN sản xuất trong làng nghề cần tự thay đổi tư duy làm nghề, nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm phù hợp, có tính thẩm mỹ song vẫn phải đảm bảo tính truyền thống và bản sắc địa phương trong từng sản phẩm, nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng bộ nhận diện thương hiệu và đăng ký bảo hộ thương hiệu, chú trọng công tác truyền thông, liên kết sản xuất - tiêu thụ.
Có như thế mới tăng doanh số, doanh thu bán hàng, gìn giữ và phát triển các làng nghề trong xu thế hội nhập./.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.