Tập trung đẩy mạnh phát triển xây dựng thương hiệu; xây dựng quy hoạch, phát triển và liên kết vùng nguyên liệu bền vững để các sản phẩm OCOP trở thành một thương hiệu mạnh được người tiêu dùng quan tâm lựa chọn.
Khách hàng chọn mua sản phẩm OCOP tại Lễ hội Du lịch Hà Nội 2023. Ảnh: Đỗ Tâm
Hà Nội: Đưa sản phẩm OCOP thành thương hiệu mạnh
Công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) thời gian qua được các sở, ngành chức năng của thành phố Hà Nội quan tâm đẩy mạnh, khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, mở rộng thị trường tiêu thụ ở cả trong và ngoài nước. Qua đó, góp phần đưa sản phẩm OCOP trở thành một thương hiệu mạnh được người tiêu dùng quan tâm lựa chọn.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, thành phố đang dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP của 426 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh đã được đánh giá và phân hạng. Trong đó, thành phố đã phát triển khoảng 80 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn các quận, huyện, thị xã để quảng bá, giới thiệu đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng, khách du lịch. Đây đều là những điểm uy tín, không chỉ tiêu thụ sản phẩm OCOP Hà Nội mà còn kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP từ 25 tỉnh, thành phố khác trên cả nước.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, với mong muốn giúp người dân được sử dụng các sản phẩm nông sản an toàn, chất lượng, trong những năm qua, Sở Công Thương đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch thành phố, Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố, đẩy mạnh khai thác nguồn hàng trái cây, nông sản an toàn, có chỉ dẫn địa lý rõ ràng về tiêu thụ tại hệ thống phân phối của Hà Nội.
Đặc biệt, trong năm 2022, nhiều chương trình như Hội chợ hàng Việt, Hội chợ kết nối nông sản thực phẩm an toàn, Lễ hội trái cây; Festival nông sản, sản phẩm OCOP gắn kết du lịch Hà Nội trên địa bàn một số huyện; Hội chợ xúc tiến thương mại nông nghiệp, sản phẩm OCOP Hà Nội; Hội chợ đặc sản vùng miền… đã diễn ra góp phần quảng bá sản phẩm nông sản đến người dân và du khách.
Là một trong những đơn vị đồng hành, chung tay cùng các chủ thể OCOP đưa sản phẩm, thương hiệu, đặc sản vùng miền đến với người tiêu dùng, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Phú Thiên Tân Nguyễn Thị Hợi cho biết: “Các sản phẩm OCOP đã khẳng định được vị thế trên thị trường thực phẩm sạch Hà Nội và được người tiêu dùng đón nhận. Chúng tôi hy vọng, sản phẩm OCOP không chỉ dừng lại ở những bữa ăn gia đình, mà còn được phổ cập vào bếp ăn trường học, khu công nghiệp để tất cả mọi người đều được sử dụng, góp phần bảo đảm an toàn sức khỏe”.
Tuy nhiên, việc xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP vẫn còn những khó khăn, thách thức, đặc biệt là hoạt động ứng dụng công nghệ số chưa đạt được kết quả tương xứng với tiềm năng thực tế. Mặt khác, để sản phẩm OCOP có thể đưa vào hệ thống phân phối lớn, thì việc sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn trong nước cũng như tiêu chuẩn thị trường là yếu tố rất quan trọng. Trong khi đó, các yêu cầu này đang đòi hỏi ngày càng cao hơn như nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm an toàn thực phẩm. Do đó, các chủ thể OCOP cần tiếp cận các thông tin này để có kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho phù hợp. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng như hệ thống phân phối cần đẩy mạnh hợp tác để thúc đẩy phát triển chuỗi từ sản xuất đến tiêu dùng.
Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Mai Anh cho biết, để Chương trình OCOP được thực hiện có hiệu quả, một trong những nội dung và nhiệm vụ quan trọng nhất trong thời gian tới là tăng cường chuyển đổi số, như: Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream)…
Thời gian qua, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch thành phố Hà Nội thường xuyên phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) triển khai chương trình hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử lớn như Tiki, Lazada, Sendo… “Thông qua kênh thương mại điện tử, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có thể giới thiệu, quảng bá và đưa thông tin đầy đủ, chi tiết về sản phẩm OCOP và những sản phẩm đặc sản vùng miền của Hà Nội đến với người tiêu dùng trong nước và quốc tế”, bà Nguyễn Thị Mai Anh khẳng định.
Bên cạnh đó, thời gian tới, Hà Nội cần tập trung đẩy mạnh phát triển xây dựng thương hiệu; xây dựng quy hoạch, phát triển và liên kết vùng nguyên liệu bền vững; phát triển nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghệ bảo quản sau thu hoạch; đa dạng hóa nguồn lực đầu tư thông qua xã hội hóa; phát triển và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế...
Bắc Ninh: “Chắp cánh” sản phẩm OCOP từng bước thâm nhập các thị trường lớn
Thương mại điện tử tạo động lực để, các sản phẩm OCOP của Bắc Ninh từng bước thâm nhập các thị trường lớn, nâng cao giá trị và doanh thu, góp phần quan trọng quảng bá thương hiệu địa phương và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Sản phẩm Nem 99 Kinh Bắc được tiêu thụ, quảng bá trên các trang thương mại điện tử.
Tốt nghiệp Đại học Thương mại và làm việc tại nhiều công ty ở Hà Nội nhưng anh Vũ Ngọc Dũng, xã Phù Lãng (Quế Võ) lại quyết định về quê hương để tiếp nối nghề gốm của gia đình. Anh Dũng cho biết: “Năm 2017, tiếp quản xưởng gốm gia đình, tôi thấy công việc quá vất vả, không được sắp xếp khoa học. Việc quản lý đơn đặt hàng thực hiện theo cách truyền thống, sổ sách chép tay, trao đổi trực tiếp hoặc qua điện thoại với khách hàng. Gia đình tôi không chú trọng quảng bá sản phẩm nên phần lớn hàng hoá tiêu thụ là do khách cũ giới thiệu. Việc vận chuyển cũng bất cập bởi sản phẩm gốm rất dễ vỡ”.
Với mong muốn lưu giữ, phát triển sản phẩm gốm cổ truyền quê hương, anh Dũng đã đăng ký tham gia chương trình OCOP của tỉnh và được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh hỗ trợ hoàn thiện phân tích chất lượng, lập hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm “số hóa” công tác quản lý sổ sách. Đồng thời tăng cường quảng bá sản phẩm gốm trên các trang mạng xã hội Zalo, Facebook, Instagram...; đẩy mạnh bán hàng trên các trang thương mại điện tử như: Lazada, Shopee, Tiki, Vỏ Sò, Postmart... Giờ đây, anh không còn lo lắng về vấn đề vận chuyển khi đã có đơn vị vận chuyển chuyên nghiệp của các sàn thương mại điện tử. Nhờ những thay đổi này mà đơn hàng ngày càng nhiều, gia đình sắp mở rộng xưởng để sản xuất, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân địa phương.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Đặng Công Hưởng cho biết: “Để nâng cao giá trị sản phẩm OCOP, ngành Nông nghiệp cùng với các đơn vị, địa phương chỉ đạo các chủ thể đẩy mạnh áp dụng công nghệ, chuyển đổi số, trong đó, hiệu quả nhất chính là khâu đưa sản phẩm OCOP ra thị trường tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử”. Cùng với ngành Nông nghiệp, ngành Công Thương phối hợp Bưu điện tỉnh, Công ty Bưu chính Viettel tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng tiêu thụ sản phẩm trên sàn thương mại điện tử. Qua tập huấn, các hộ nông dân được giới thiệu khái quát về 2 sàn thương mại điện tử potsmart.vn của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và Voso.vn của Tổng Công ty Bưu chính Viettel, được hướng dẫn quy trình bán hàng; các công cụ vận hành và quản lý cần có trên sàn thương mại điện tử; đăng ký và sử dụng tài khoản bán hàng, tạo kho, tạo sản phẩm mới, đăng ảnh sản phẩm mới; theo dõi và xử lý đơn hàng; tạo chiến dịch O2O trên các sàn thương mại điện tử để kết nối, giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ nông sản ra ngoài tỉnh và thế giới.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, những năm gần đây, Sở Thông tin-Truyền thông tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong thông tin tuyên truyền về chương trình OCOP. Hiện nay, đã xây dựng phần mềm quản lý thực hiện chương trình có các tính năng về quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, số hóa quá trình tiếp nhận hồ sơ, quy trình chấm điểm, phân hạng sản phẩm, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP với các sàn thương mại điện tử, tiếp nhận phản hồi sản phẩm OCOP từ khách hàng tới chủ thể và cơ quan quản lý chương trình OCOP cấp tỉnh…
Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện chương trình OCOP, toàn tỉnh có 93 sản phẩm OCOP cấp tỉnh (59 sản phẩm đạt 4 sao và 34 sản phẩm đạt 3 sao). Các sản phẩm OCOP chủ yếu thuộc nhóm thực phẩm, đồ uống, sản phẩm lưu niệm và trang trí. Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đều mở rộng được thị trường, hệ thống mạng lưới tiêu thụ sản phẩm ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước, ngày càng được đông đảo người tiêu dùng tin dùng.
Giai đoạn 2022-2025, tỉnh Bắc Ninh tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất tham gia chương trình OCOP. Đặc biệt, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số và tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm; phối hợp xúc tiến các sản phẩm OCOP vào các trung tâm, siêu thị lớn trong và ngoài tỉnh; sử dụng các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream)… quảng bá, tiêu thụ sản phẩm./.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.