Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 4 tháng 12 năm 2024  
Thứ năm, ngày 21 tháng 3 năm 2024 | 15:47

Xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật trái phép qua biên giới vào Việt Nam

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, thời gian qua, tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép trâu, bò, lợn, gia cầm, tôm hùm giống qua biên giới vào Việt Nam diễn ra phức tạp.

Thực trạng này khiến cho nguy cơ lây nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh cho động vật gia tăng, làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, chăn nuôi trong nước, sức khoẻ người dân.

Nhận định nhập lậu gia cầm giống gia tăng

Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn nhận định, theo quy luật, sau tết Nguyên đán, người chăn nuôi gia cầm trong nước sẽ thực hiện tái đàn, nhu cầu về con giống tăng cao. Chính vì vậy, thời điểm từ tháng 3 đến tháng 5, các đối tượng sẽ gia tăng hoạt động buôn bán, vận chuyển gia cầm giống trái phép, đặc biệt là từ khu vực biên giới thuộc địa bàn huyện Lộc Bình vào nội địa để tiêu thụ.

Theo lực lượng chống buôn lậu trên địa bàn huyện Lộc Bình, qua công tác trinh sát, nắm tình hình, trên địa bàn đã xuất hiện một số đối tượng có dấu hiệu liên hệ để thuê bà con ở các xã biên giới thực hiện mang vác, vận chuyển gia cầm giống trái phép qua biên giới. Từ cuối tháng 3 tới nay, các đối tượng đã đẩy mạnh hoạt động vận chuyển gia cầm giống trái phép vào nội địa.

Công chức Hải quan Chi Ma phối hợp với lực lượng Biên phòng tuần tra tại khu vực Mốc 1231 thuộc cửa khẩu Chi Ma. Ảnh: H.Nụ

Ngoài ra, Cục Hải quan Lạng Sơn đánh giá, mặc dù phía Trung Quốc vẫn duy trì quản lý đường biên bằng tường rào kiên cố và bố trí người canh gác dọc đường biên, tuy nhiên, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ.

Đặc biệt, bắt đầu từ tháng 1/2024 tại khu vực cửa khẩu Chi Ma xuất hiện hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép các mặt hàng như: thực phẩm đông lạnh, gia cầm, sản phẩm gia cầm và gia cầm giống… ngày càng có chiều hướng gia tăng phức tạp. Đối tượng vi phạm gồm nhiều thành phần, các đối tượng cầm đầu thường không xuất hiện, việc giao dịch mua bán chủ yếu qua điện thoại và qua trung gian. Hàng hóa thường được các đối tượng tập kết bên kia biên giới và thuê người dân sinh sống tại các thôn, bản gần đường biên giới (thuộc xã Yên Khoái, xã Tú Mịch, huyện Lộc Bình) vận chuyển nhỏ lẻ với hình thức khoán gọn gắn trách nhiệm vật chất cho người vận chuyển.

Đáng chú ý, các đối tượng thường tranh thủ thời gian vào lúc sáng sớm và chiều tối, lợi dụng các đường mòn qua lại biên giới để thuê người dân sinh sống tại các thôn, bản gần đường biên vận chuyển trái phép qua biên giới các sản phẩm đông lạnh như chân lợn, xúc xích đông lạnh sau đó sang tải sang xe ô tô chở vào nội địa tiêu thụ.

Thống kê cho thấy, từ đầu năm đến nay, Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ 6 vụ vi phạm liên quan đến vận chuyển trái phép sản phẩm đông lạnh qua biên giới; tang vật thu giữ gồm 630 kg xúc xích đông lạnh và 720 kg chân lợn đông lạnh; trị giá số tang vật gần 85 triệu đồng.

Điển hình, ngày 1/3, Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma chủ trì phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu Chi Ma tuần tra tại khu vực mốc 1227 và 1224 thuộc xã Yên Khoái thì phát hiện một số đối tượng đang vận chuyển hàng hóa trái phép. Khi phát hiện thấy lực lượng chức năng truy đuổi, các đối tượng đã bỏ lại tang vật và tháo chạy về hướng Trung Quốc. Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ 200 kg xúc xích đông lạnh.

Trước đó ngày 22/2, Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma chủ trì phối hợp với Trạm Kiểm soát Biên phòng Chi Ma thực hiện tuần tra tại mốc 1227/2 và đã thu giữ 520 kg chân lợn đông lạnh.

Chủ động ngăn chặn

Nhằm không để địa bàn quản lý trở thành điểm nóng về các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, ông Nguyễn Bảo Ngọc, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma cho biết, đơn vị tiếp tục chủ động triển khai thực hiện các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan, đấu tranh có hiệu quả các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vận chuyển trái phép hàng hóa qua địa bàn quản lý.

Ngoài ra, tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng trên địa bàn để nắm tình hình hoạt động buôn lậu, các phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của các đối tượng buôn lậu...

Lực lượng Biên phòng – Hải quan Chi Ma cũng đã chủ động phối hợp tăng cường tuần tra khép kín trên tuyến biên giới, tăng cường chốt chặn tại các khu vực đường mòn, lối tắt để ngăn các đối tượng vận chuyển gia cầm trái phép. Trong đó, tại thời điểm này, lực lượng Biên phòng phối hợp với lực lượng Hải quan và chính quyền các xã biên giới tổ chức lập 12 chốt tại những khu vực có nguy cơ cao xảy ra buôn lậu gia cầm giống.

Tăng cường ngăn chặn buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm qua biên giới

Hiện nay tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm qua tuyến biên giới Quảng Ninh vẫn diễn ra phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ xâm nhiễm các loại dịch bệnh nguy hiểm vào địa bàn. Để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng này, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều biện pháp.

Vừa qua, ngày 4/3, tại khu vực thôn Đồng Cậm, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh, Đội đặc nhiệm Phòng chống ma túy và tội phạm (BĐBP tỉnh) phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô tuần tra kiểm soát bảo vệ biên giới đã kiểm tra xe ô tô tải BKS 14C-372.40 do Đinh Văn Lâm (SN 1989) trú tại xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu điều khiển. Tại thời điểm kiểm tra, trên xe có 356 lồng nhựa màu đen, mỗi lồng chứa 120 con vịt giống, lái xe Lâm không xuất trình được giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của số vịt giống trên xe. Qua điều tra xác minh, đối tượng Lâm khai nhận vận chuyển thuê số vịt giống trên cho 1 thanh niên từ xã Hoành Mô đến đầu cầu cao tốc Tiên Yên với giá 1 triệu đồng. Vụ việc đang được Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô tiếp tục xác minh, làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.

Đồn Biên phòng Pò Hèn phối hợp tiêu hủy 13.000 con vịt giống nhập lậu từ Trung Quốc về Việt Nam (ngày 25/2/2024). Ảnh do đơn vị cung cấp.

Trước đó, ngày 23/2 tại khu vực Mốc 1351(2)-600m, thuộc thôn Thán Phún, xã Hải Sơn (TP Móng Cái), Đồn Biên phòng Pò Hèn phối hợp với Đội đặc nhiệm Phòng phòng chống ma túy và tội phạm (BĐBP tỉnh) phát hiện 3 nam giới đang bốc các khay nhựa từ 1 bè mảng xốp đỗ sát bờ sông biên giới lên 2 ô tô bán tải.

Tổ công tác tiến hành kiểm tra hành chính và phát hiện xe ô tô BKS 14C-376.38 do Hoàng Quyết Tiến (SN 1994) trú tại khu 2, phường Trần Phú, TP Móng Cái điều khiển, trên xe có 30 khay nhựa, mỗi khay chứa 130 con vịt giống. Xe ô tô thứ hai BKS 14C-173.14 do Phạm Văn Tuân (SN 1983) trú tại khu 3, phường Hải Hoà, TP Móng Cái điều khiển có 34 khay nhựa, mỗi khay chứa 130 con vịt giống. Trên bè mảng xốp lắp máy ký hiệu GB680 do Phùn Văn Nam (SN 1999) trú tại thôn Thán Phún Xã, xã Hải Sơn, TP Móng Cái điều khiển, có 36 khay nhựa, mỗi khay chứa 130 con vịt giống.

Tại thời điểm kiểm tra, 3 người đều không xuất trình được giấy tờ, hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ của tổng số 13.000 con vịt giống. Các đối tượng khai nhận vận chuyển thuê cho một người đàn ông không quen biết (chỉ biết số điện thoại) từ Trung Quốc về khu vực chợ 4, TP Móng Cái để lấy tiền công. Tổ công tác đã yêu cầu các chủ phương tiện chuyển toàn bộ số hàng hoá trên về Đồn Biên phòng Pò Hèn để tiếp tục xác minh làm rõ. Lực lượng chức năng đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính và tiến hành tiêu hủy toàn bộ 13.000 con vịt giống theo quy định.

Trước tình trạng nhập lậu gia cầm có nguy cơ diễn biến phức tạp; đồng thời bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chủ động phối hợp cùng chính quyền các địa phương, lực lượng chức năng tăng cường các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn hành vi nhập lậu gia cầm và các sản phẩm liên quan qua biên giới. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cũng chỉ đạo các đồn biên phòng tăng cường tuyên truyền cho nhân dân khu vực biên giới về sự nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm, tác hại của việc mua bán, vận chuyển gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, lực lượng chức năng đã huy động được sự tham gia tích cực của người dân trong công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại nói chung, công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép gia cầm qua biên giới nói riêng. Từ đầu năm đến nay, người dân khu vực biên giới đã phản ánh, thông tin giúp lực lượng BĐBP phát hiện, ngăn chặn nhiều trường vận chuyển trái phép gia cầm qua biên giới.

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới BĐBP tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng trên biên giới tập trung đấu tranh triệt phá các đường dây, tổ chức tội phạm và kiên quyết không để hình thành các điểm nóng về mua bán, vận chuyển trái phép gia cầm trên khu vực biên giới.

Đề cao trách nhiệm người đứng đầu

Ông Phạm Đức Chinh, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Long An cho biết, trong năm 2023, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới của địa phương tuy không phát sinh điểm nóng về buôn lậu nhưng có chiều hướng diễn biến phức tạp hơn so với năm trước.

Nổi lên các hoạt động vận chuyển trái phép thuốc lá, đường cát, ma túy, pháo nổ... gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự trên tuyến biên giới.

Cụ thể, năm 2023, Long An đã thực hiện hơn 6.200 lượt thanh tra, kiểm tra và phát hiện, xử lý gần 3.900 trường hợp vi phạm. Trong đó, xử lý 735 trường hợp buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, mua bán trái phép hàng cấm, nhập lậu; 41 trường hợp kinh doanh phân bón kém chất lượng, phân bón giả và hơn 3.100 trường hợp gian lận thương mại.

Ngành chức năng thu giữ hơn 1,7 triệu bao thuốc lá, 4,2 tấn pháo, hơn 200 tấn đường cát, hơn 12,6kg ma túy các loại và nhiều tang vật khác như rượu ngoại, hàng hóa đã qua sử dụng…

Tăng cường ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, thuỷ sản qua biên giới vào Việt Nam.

Thu nộp ngân sách trên 344 tỷ đồng từ nguồn xử phạt hành chính, truy thu thuế và bán hàng hóa tịch thu. Đáng chú ý, khởi tố điều tra 97 vụ với 84 đối tượng buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, mua bán hàng cấm, nhập lậu, hàng giả.

Trong đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2024 (từ 20-11-2023 đến 20-2-2024), lực lượng chức năng tỉnh Long An đã kiểm tra, thanh tra gần 1.300 lượt.

Qua đó, phát hiện 908 trường hợp vi phạm. Trong đó có 255 trường hợp buôn lậu và 613 trường hợp vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và an toàn thực phẩm. Tang vật thu giữ hơn 452.000 bao thuốc lá lậu, 6,6 tấn pháo các loại, hàng chục tấn đường cát… Khởi tố, điều tra 31 vụ với 32 đối tượng.

ông Nguyễn Văn Út cho rằng, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn vẫn diễn biến khá phức tạp. Trong khi đó, sự phối hợp giữa các đơn vị, địa phương có lúc chưa chặt chẽ, thiếu chủ động trong công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại. Ngoài ra, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm chưa quyết liệt, thiếu thường xuyên, liên tục.

Ông Út yêu cầu lực lượng chức năng tỉnh cần chủ động nắm chắc tình hình, đánh giá đúng thực trạng, nhận diện rõ những vấn đề nổi cộm, phức tạp về đối tượng, địa bàn, mặt hàng trọng điểm, phương thức thủ đoạn mới cần tập trung lực lượng, phương tiện, biện pháp đấu tranh.

Tăng cường lực lượng, phương tiện tuần tra, kiểm soát các đường mòn, lối mở, các địa bàn trọng điểm thường xuyên tập kết, vận chuyển hàng hóa qua biên giới trái phép, nhất là hoạt động buôn lậu pháo, ma túy, thuốc lá.

Đồng thời, tập trung làm tốt công tác phòng ngừa, đẩy mạnh tuyên truyền chính sách, pháp luật và tập trung giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho cán bộ, chiến sĩ, không tham gia tiếp tay, bảo kê cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả…

"Cần đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực; thay thế, luân chuyển những cán bộ không đủ năng lực công tác, có biểu hiện bao che, tiếp tay cho đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại", ông Út nói.

 

Thanh Xuân (Tổng hợp từ haiquanonline, qltt.vn, baoquangninh...)
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top