Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 22 tháng 11 năm 2023 | 20:57

Xử lý nghiêm cơ sở sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật giả

Lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi buôn bán loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng và không rõ nguồn gốc được bày bán, tiêu thụ công khai trên thị trường ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và sức khỏe người dân, gây nhức nhối trong xã hội.

Xử phạt 2 cơ sở kinh doanh phân bón vi phạm

Nhằm góp phần bình ổn thị trường, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm trong kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các mặt hàng vật tư nông nghiệp đảm bảo phục vụ cho mùa vụ sản xuất nông nghiệp 2024 sắp tới, Đội quản lý thị trường (QLTT) số 7 tăng cường thống kê, giám sát địa bàn, trọng tâm là các cơ sở kinh doanh các mặt hàng vật tư nông nghiệp.

Từ thông tin thu thập được qua công tác giám sát địa bàn, Đội QLTT số 7 kiểm tra đột xuất đối với 02 cơ sở kinh doanh phân bón trên địa bàn xã Thới Quản và xã Thủy Liễu thuộc huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. Qua kiểm tra phát hiện 02 hộ kinh doanh không có giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón, buôn bán phân bón không có quyết định công nhận lưu hành tại Việt Nam, lô phân bón có giá trị 48,24 triệu đồng.

Đội QLTT số 7 đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với 02 hộ kinh doanh về hành vi vi phạm hành chính nêu trên, trong đó: 01 vụ việc trình Đội trưởng xử phạt với số tiền 14,75 triệu đồng; 01 vụ việc chuyển hồ sơ về Cục, Cục trưởng Cục QLTT Kiên Giang ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 27,5 triệu đồng, buộc tiêu huỷ đối với lô phân bón không có quyết định công nhận lưu hành tại Việt Nam.

 Đội QLTT số 7 kiểm tra hàng hóa tại cơ sở kinh doanh phân bón

Trong thời gian này, Đội QLTT số 7 tiếp tục làm tốt công tác thống kê, quản lý địa bàn để phục vụ cho kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2024, đồng thời ngăn chặn, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm xảy ra trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

Tương tự, Đội Quản lý thị trường số 2 trực thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp đã tiến hành kiểm tra hộ kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật H.T.T do ông H.T.T làm chủ hộ, địa chỉ: Tổ 9, Ấp 2A, xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.

Tại thời điểm kiểm tra, Đội Quản lý thị trường số 2 phát hiện tại hộ kinh doanh đang kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nhưng không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón và Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật theo quy định. Đội Quản lý thị trường số 2 đang hoàn tất hồ sơ ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm nêu trên, với tổng số tiền 16,5 triệu đồng.

Mới đây nhất, tại Nhà máy xử lý của Công ty TNHH MTV Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ Môi trường Tiến Phát, địa chỉ: Ấp Mỹ Đông 4, xã Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, Đội QLTT số 2 trực thuộc Cục QLTT tỉnh Đồng Tháp đã giám sát tiêu hủy 964.000 ml thuốc bảo vệ thực vật đã quá hạn sử dụng và thuốc bảo vệ thực vật không có tên trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.

Đội QLTT số 2 đang kiểm tra tại hộ kinh doanh

Số lượng tang vật vi phạm bị tiêu hủy gồm: Thuốc trừ cỏ nhãn hiệu Glyphadex 360SL; đăng ký, sản xuất, phân phối: Công ty TNHH BACONCO, địa chỉ: KCN Phú Mỹ 1, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; hoạt chất: Glyphosate acid 360g/lít, tương đương 480G muối/lít; ngày sản xuất: 08/6/2019; hạn sử dụng: 02 năm; thể tích thực: 900ml/chai, số lượng 600 chai.

Thuốc trừ cỏ nhãn hiệu Glyphadex 360SL; đăng ký, sản xuất, phân phối: Công ty TNHH BACONCO, địa chỉ: KCN Phú Mỹ 1, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; hoạt chất: Glyphosate acid 360g/lít, tương đương 480G muối/lít; ngày sản xuất: 08/6/2019; hạn sử dụng: 02 năm; thể tích thực: 900ml/chai, số lượng 160 chai.

Thuốc trừ cỏ nhãn hiệu Lagoote 276SL; xuất xứ: China Xushui Lvfeng SCI-Tech Development Limited Company – Xushui Country, Hebei Province, P.R.C; đăng ký: Công ty TNHH Thuốc BVTV liên doanh Nhật Mỹ, địa chỉ: G16, Làng Quốc tế Thăng Long, P. Dịch Vọng, Q. Cầu Giấy, Hà Nội; hoạt chất: Paraquat Dichloride: 276g/l; phụ gia hữu hiệu: vừa đủ 1 lít; ngày sản xuất: 16/5/2022; hạn sử dụng 02 năm; thể tích thực: 1 lít/chai, số lượng 280 chai. Tổng trị giá tang vật tiêu hủy là 167,2 triệu đồng.

Hình thức tiêu hủy là đưa vào lò xử lý hủy đốt bằng nhiệt độ cao, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật về môi trường. Toàn bộ quá trình tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính được sự giám sát chặt chẽ của Đội Quản lý thị trường số 2 đúng theo quy định của pháp luật.

Khởi tố đối tượng sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật giả

Qua công tác nắm tình hình, Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Bắc Giang phát hiện thông tin về việc có dấu hiệu sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật giả xảy ra trên địa bàn tỉnh nên đã tập trung lực lượng điều tra, làm rõ.

Qúa trình kiểm tra tại nhà xưởng của Công ty Cổ phần Sông Cầu Hà Bắc ở thôn Đạo Ngạn 2, xã Quang Châu, huyện Việt Yên, Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Bắc Giang chủ trì phối hợp với Công an huyện Việt Yên và Thanh tra, Chi cục Bảo vệ thực vật - Sở Nông nghiệp và PTNT bắt quả tang Phạm Viết V (SN 1977), trú tại huyện Nghi Sơn (Thanh Hóa) đang có hành vi đóng gói các sản phẩm thuốc trừ cỏ, trừ sâu giả. 

Tang vật thu giữ gồm 64.060 sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật các loại có nhãn mác của nhiều công ty, doanh nghiệp khác nhau.  

Quá trình đấu tranh, Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Bắc Giang đã vận động Lê Văn Hiếu (SN 1983), trú tại tổ 2, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm (TP. Hà Nội) ra đầu thú về việc chủ mưu cầm đầu thuê kho xưởng, công nhân để sản xuất hàng giả là thuốc bảo vệ thực vật.

Căn cứ chứng cứ, tài liệu thu thập được, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định khởi tố bị can đối với Lê Văn Hiếu về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc bảo vệ thực vật, quy định tại khoản 2, Điều 195 Bộ luật hình sự.

Hiện, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án, xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật.

Trước đó, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh Đồng Tháp), Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp đã tiến hành kiểm tra một kho chứa hàng hóa thuộc sở hữu của hộ kinh doanh H-T-T, do ông H.T.T làm chủ, có địa chỉ tại phường 2, TP Cao Lãnh, với ngành nghề đăng ký kinh doanh là vận chuyển hàng hóa.

Lực lượng chức năng tỉnh Đồng Tháp khám xét kho hàng chứa các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật giả nhãn hiệu.

Lực lượng chức năng tỉnh Đồng Tháp khám xét kho hàng chứa các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật giả nhãn hiệu.  

Tại đây, lực lượng chức năng đã phát hiện có nhiều sản phẩm là thuốc bảo vệ thực vật được xác định giả nhãn hiệu. Trong đó có 1.500 gói thuốc trừ sâu LEDAN 95SP hiệu Pandan Japan có dấu hiệu giả mạo nhãn hàng hóa sản phẩm LEDAN 95SP được đăng ký bởi Công ty TNHH Thương mại Bình Phương (địa chỉ: P202, 16B, Ngô Tất Tố, Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội). Tổng số lượng hàng hóa được phát hiện tại đây có trị giá hơn 70 triệu đồng.

Qua đấu tranh khai thác nhanh, ông H.T.T đã tiếp tục khai nhận về nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm tại địa chỉ: ấp Tịnh Long, xã Tịnh Thới, TP Cao Lãnh. Khám xét địa điểm khai nhận trên, lực lượng chức năng đã phát hiện thêm 100 gói thuốc trừ sâu SHA CHONG JING 95 WP hiệu Pandan NHẬT, 400 gói thuốc trừ sâu Sha Chong Jing 95 WP hiệu PADAN USD.

Toàn bộ số hàng hoá trên ông H.T.T chưa cung cấp được hóa đơn, chứng từ hoặc các giấy tờ gì khác để chứng minh được tính hợp pháp của số hàng hóa trên theo quy định. Vụ việc được đánh giá có dấu hiệu tội phạm, vì vậy Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp đang hoàn tất hồ sơ chuyển vụ việc sang cơ quan có thẩm quyền tố tụng hình sự để điều tra, xác minh, làm rõ, xử lý theo quy định.

Nâng cao nhận thức về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp Lê Văn Chấn, tính tới tháng 11/2022, các cán bộ của dự án đã tổ chức và tập huấn được cho hơn 1.100 nông dân về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả tại 12 huyện, thành phố; hoàn thành một lớp tập huấn cho hơn 50 cán bộ kỹ thuật của tỉnh và sáu lớp tập huấn cho các cơ sở buôn bán thuốc bảo vệ thực vật với sự tham gia gần 500 đại lý.

Chương trình cũng hoàn thiện nội dung và phát hành bộ tài liệu tập huấn về quản lý và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho từng đối tượng tham gia và tài liệu hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ dịch hại trên một số cây trồng chủ lực của địa phương như lúa, hoa kiểng, nhãn, xoài...; cấp phát 1.200 tờ rơi, 240 áp phích tuyên truyền và phát sóng 15 video tuyên truyền về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả trên đài truyền hình địa phương.

Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp đã thực hiện 24 phong trào thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật với sự tham gia của hơn 1.600 nông dân, trong đó tiến hành trực tiếp thu gom bao gói, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật đã sử dụng trên các tuyến kênh, rạch, mương nội đồng và tập kết về địa điểm phát động-tổng lượng rác thải bảo vệ thực vật thu gom được là hơn 16 tấn.

Nâng cao nhận thức về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm ảnh 2

Pano hướng dẫn thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đặt tại vùng hoa kiểng Sa Đéc. 

Bên cạnh đó, chương trình cũng đã xây dựng hai mô hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả trên lúa và hoa kiểng với tổng diện tích gần 300 ha tại Lấp Vò và Sa Đéc với hơn 490 hộ nông dân tham gia. Nông dân tham gia mô hình không chỉ được tập huấn về các nguyên tắc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nói chung mà còn được trực tiếp tập huấn về cách thức phòng trừ dịch hại trên các cây trồng cụ thể thông qua các đợt tập huấn đầu vụ, giữa vụ và cuối vụ.

Ngoài ra, tại các mô hình, chương trình cũng xây dựng 15 bể chứa vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật và 1 nhà kho lưu chứa để hướng dẫn nông dân thực hành thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định.

Cũng trong khuôn khổ chương trình, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp đã trực tiếp tiến hành nhiều đợt thanh, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Trong đó thu thập 29 mẫu thuốc bảo vệ thực vật, kết quả phân tích cho thấy có 21/29 mẫu thuốc bảo vệ thực vật có hàm lượng hoạt chất đạt tiêu chuẩn, 4/29 mẫu không đạt tiêu chuẩn và 4/29 mẫu đang chờ kết quả.

Nói về kết quả đạt được của chương trình, Chủ tịch Hiệp hội CropLife Việt Nam Đặng Văn Bảo cho biết: Chúng tôi rất vui mừng với những thành công mà chương trình năm đầu tiên đã triển khai; đặc biệt là số lượng nông dân và đại lý đã tham gia các lớp tập huấn cũng như mô hình; số lượng bao gói thu lại được từ các chương trình phát động của Hội Nông dân và hoạt động truyền thông xuyên suốt năm vừa qua. CropLife rất vinh dự là một trong các bên tham gia và góp phần cho những thành công bước đầu này.

Trong thời gian tới, CropLife mong muốn sẽ tiếp tục hợp tác với các bên để đổi mới cách thức và nội dung nhằm nâng cao chất lượng của các chương trình tập huấn tới bà con nông dân và đại lý; đẩy mạnh các hoạt động tập huấn kỹ năng thực tế trên đồng ruộng; gia tăng mức độ tham gia và tương tác của nông dân trong chương trình; giúp bà con nắm thông tin tốt hơn, thay đổi tư duy và nhìn nhận rõ ràng hơn về lợi ích của việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật một cách có trách nhiệm; từ đó thay đổi thói quen sử dụng thuốc và canh tác theo hướng bền vững.

Nâng cao nhận thức về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm ảnh 1

Nông dân ấp Khánh Nghĩa, xã Tân Khánh Đông thu gom vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. 

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục bảo vệ thực vật đã đánh giá cao hiệu quả của mô hình này. Ông Trung nhấn mạnh, thời gian tới các bên sẽ cùng ngồi lại và cập nhật lại tài liệu và có các hình thức truyền tải phù hợp hơn thời gian tới. Năm 2023, chương trình cũng sẽ thay đổi để khắc phục những tồn tại như hình thức giảng dạy, phương thức thu gom bao bì hiệu quả hơn…

“Chúng tôi sẽ đánh giá lại từng nội dung trong chương trình này và bổ sung thêm các tiến bộ về khoa học kỹ thuật và chuyển đổi số đến với nông dân và cả doanh nghiệp. Tôi đánh giá việc thực hiện mô hình này đã có những thành công và có kết quả đáng trân trọng, mang lại hiệu quả cho từng người dân, từng cánh đồng sản xuất”, ông Hoàng Trung nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Phước Thiện, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cũng ghi nhận hiệu quả của mô hình và cho biết, Sở cũng sẽ phối hợp Sở Tài nguyên Môi trường Đồng Tháp để mở rộng mô hình, cùng với đó, ông Thiện cũng mong muốn các địa phương trong tỉnh khi thực hiện chương trình từng năm, chỉ tiêu cũng sẽ tăng lên để xứng đáng với nguồn lực đã bỏ ra. Cục Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp và Hiệp hội CropLife đã ký kết Kế hoạch hợp tác năm 2023.

Đại diện Cục Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp và Hiệp hội CropLife đã ký kết Kế hoạch hợp tác năm 2023.

Đại diện Cục Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp và Hiệp hội CropLife đã ký kết Kế hoạch hợp tác năm 2023. 

Theo đó, chương trình tiếp tục triển khai hai mô hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có trách nhiệm trên cây sầu riêng và cây ớt, tăng các hoạt động tập huấn trên đồng ruộng; cung cấp hướng dẫn trực quan về các nguyên tắc sử dụng thuốc và phòng trừ dịch hại trên từng đối tượng cây trồng cụ thể nhằm hình thành vùng sản xuất nông nghiệp bền vững; đẩy mạnh các chương trình phát động thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật tại các địa bàn và hoạt động thanh kiểm tra tình hình buôn bán và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; phối hợp cùng Hội nông dân tổ chức hội thi nông dân sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả...

Trong khuôn khổ hoạt động tổng kết Chương trình “Hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm năm 2021-2022, ngày 9/12, tại xã Tân Khánh Đông, TP Sa Đéc, cũng diễn ra lễ phát động thu gom bao gói, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Ngay trong đợt phát động này, bà con nông dân trong xã đã thu gom được hơn 300kg vỏ bao, chai lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, tập kết đưa đến nhà kho lưu trữ trước khi đưa đi tiêu hủy theo đúng quy định.

 

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
Top