Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 16 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 22 tháng 4 năm 2023 | 21:21

Xử lý nghiêm hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón kém chất lượng

Người dân bày tỏ sự lo lắng về chất lượng của mặt hàng vật tư nông nghiệp, nhất là phân bón (PB). Qua đó, đề nghị ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng.

Ma trận danh mục vật tư nông nghiệp

Tình hình vi phạm trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp còn xảy ra, nhất là sản xuất, kinh doanh (SXKD) PB giả, kém chất lượng hoặc PB chưa có quyết định công nhận được phép lưu hành tại Việt Nam. Đặc biệt, sau thời điểm xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine, giá nguyên, vật liệu nhập khẩu tăng cao dẫn đến việc SXKD PB giả, kém chất lượng có chiều hướng tăng so với trước đây.

"Thực tế, nông dân vẫn lúng túng trước “ma trận” danh mục vật tư nông nghiệp. Dù mấy chục năm làm nông nhưng cũng khó phân biệt được PB thật hay giả, chất lượng thế nào” - ông Lê Văn Lắm (xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa) nói.

Tại Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Long An khóa X diễn ra vào tháng 7/2022, một đại biểu HĐND tỉnh cho rằng: “PB giả, kém chất lượng không chỉ ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, đất đai bị thoái hóa, ô nhiễm môi trường mà còn gây thiệt hại nặng nề đến đời sống kinh tế của nông dân. Nông dân đang trong tình cảnh "một cổ hai tròng", vừa phải chịu tác động của việc giá PB tăng cao, vừa phải đối mặt với nạn PB giả, kém chất lượng. Theo đó, đề nghị ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm".

Người dân lo lắng trước tình trạng phân bón giả, kém chất lượng (Ảnh minh họa)

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Long An - Phạm Đức Chinh cho biết: “Cục QLTT chỉ đạo các đội QLTT tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh PB trên địa bàn tỉnh; lấy mẫu PB gửi cơ quan chức năng kiểm nghiệm chất lượng. Qua đó, kịp thời phát hiện, xử lý một số trường hợp vi phạm SXKD PB giả, kém chất lượng”.

Thông tin từ Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, năm 2022 và 3 tháng đầu năm 2023, các lực lượng chức năng phát hiện và xử lý 81 vụ SXKD hàng giả, kém chất lượng (48 vụ kém chất lượng, 5 vụ giả nhãn hiệu, 28 vụ PB giả chất lượng). Trong đó, năm 2022, phát hiện, xử lý 5 vụ hàng giả, 27 vụ PB giả chất lượng, 44 vụ hàng kém chất lượng (tăng trên 50% so với 2021).

Liên quan đến mặt hàng PB, năm 2022 xử phạt mức khá cao đối với một số vụ vi phạm. Lực lượng QLTT phát hiện một công ty (Cty) có hành vi vi phạm về sản xuất PB giả về giá trị sử dụng, công dụng; sản xuất PB không có quyết định công nhận PB lưu hành tại Việt Nam; sản xuất PB có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; không lưu hồ sơ kết quả thử nghiệm theo quy định về thời gian của từng lô PB sản xuất đã xuất xưởng;...

Với 5 hành vi vi phạm trên, Cty này bị tỉnh xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 384 triệu đồng. Đồng thời, tước quyền sử dụng giấy phép sản xuất PB vô cơ của Cty trong thời hạn 10,5 tháng; buộc Cty tiêu hủy 50 bao PB (loại 50kg/bao) không có quyết định công nhận PB lưu hành tại Việt Nam, thu hồi và thay đổi mục đích sử dụng 90 bao PB có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

Cùng với xử phạt vi phạm hành chính đối với Cty này, tỉnh cũng ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 Cty khác với số tiền trên 140 triệu đồng do liên quan hành vi buôn bán PB giả về giá trị sử dụng, công dụng; buôn bán hàng hóa có nhãn không ghi đủ nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa.

Ngoài ra, trong năm 2022, cơ quan chức năng cũng truy xuất, xử lý một Cty vi phạm về buôn bán PB có chất lượng không phù hợp tiêu chuẩn kỹ thuật tương ứng với số tiền phạt gần 715 triệu đồng; truy xuất, xử phạt vi phạm hành chính 130 triệu đồng đối với chi nhánh của một Cty về sản xuất PB giả.

“Ngoài xử lý vi phạm hành chính, Cục QLTT tỉnh còn chuyển cơ quan Công an huyện Đức Huệ và Thủ Thừa xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự 2 vụ kinh doanh PB giả, tang vật vi phạm gần 70 bao PB giả” - ông Phạm Đức Chinh thông tin.

Thời gian tới, các lực lượng chức năng trong tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, lên kế hoạch, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến SXKD PB giả.

Phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm

Bắc Giang là thị trường tiêu thụ phân bón, thuốc BVTV lớn, nhất là ở các huyện trồng nhiều cây ăn quả như Lục Ngạn, Lục Nam, Sơn Động. Đây cũng là địa bàn mà các đối tượng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng "nhắm" đến để trục lợi.  Thống kê sơ bộ, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện, xử lý hơn 10 vụ sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng hoặc ghi nhãn mác không đúng bản chất, sự thật về hàng hóa; thu giữ khoảng 16 tấn hàng hóa là tang vật vi phạm. 

Hiện, lực lượng chức năng đã khởi tố 2 vụ, đang chuẩn bị khởi tố tiếp vụ thứ 3; lập biên bản xử lý 5 vụ, thu phạt hơn 420 triệu đồng, còn lại 3 vụ đã kiểm tra, lấy mẫu giám định, phát hiện phân bón, thuốc BVTV không đạt chất lượng theo quy định. Một số vụ cơ quan chức năng khởi tố, thu giữ số lượng lớn tang vật vi phạm xảy ra tại địa bàn huyện Lục Ngạn, “thủ phủ” vùng cây ăn quả. Điển hình, mới đây Phòng Cảnh sát kinh tế (CSKT) chủ trì phối hợp với Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3 (Cục QLTT tỉnh), Chi cục Trồng trọt và BVTV (Sở Nông nghiệp và PTNT) kiểm tra, bắt quả tang Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ tổng hợp Mạnh Đạt có địa chỉ tại thôn Tân Sơn, xã Quỳnh Sơn (Yên Dũng) đang có hành vi sản xuất thuốc BVTV giả. 

Đoàn kiểm tra của Sở Nông nghiệp và PTNT kiểm tra một cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tại xã Đại Lâm (Lạng Giang). Ảnh: SỸ QUYẾT.

Tại đây, lực lượng chức năng thu giữ hơn 2 tấn dung dịch để pha trộn thuốc và nhiều vỏ chai nhựa, tem nhãn thuốc trừ cỏ giả. Ngoài ra, Đoàn kiểm tra còn phát hiện và thu giữ số lượng lớn bao chứa phân bón giả cùng máy móc, thiết bị để trộn, đóng gói thành phẩm. Số thuốc BVTV thu giữ được có chất bị cấm trong sản xuất nông nghiệp, tiềm ẩn mối nguy hại đối với sức khoẻ của người dân, cây trồng, môi trường đất và nước ngầm.
Tiếp đến, là địa bàn huyện Lục Ngạn, Phòng CSKT tiếp tục bắt quả tang 1 vụ vận chuyển hơn 3 tấn thuốc BVTV và phân bón giả. Hiện vụ việc đang được đơn vị tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án.  Trước đó, trong tháng 2, Cục QLTT tỉnh phối hợp với Phòng An ninh kinh tế phát hiện, xử lý hành chính một cá nhân và một doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gần 11 tấn phân bón giả và kém chất lượng.

Ngoài các vụ trên, từ đầu năm đến nay, Chi cục Trồng trọt và BVTV (Sở Nông nghiệp và PTNT) cũng kiểm tra, phát hiện lập biên bản xử lý vi phạm hành chính, tước quyền sử dụng giấy chứng nhận buôn bán thuốc BVTV có thời hạn đối với 2 trường hợp. Đơn vị lấy 11 mẫu phân bón và thuốc BVTV đưa đi kiểm định, qua đó phát hiện 3 mẫu không đạt chất lượng theo quy định.

Tăng cường phòng ngừa, nhận diện hàng giả

Theo Thiếu tá Phạm Hữu Tùng, Đội trưởng Đội chống buôn lậu, hàng giả, Phòng CSKT (Công an tỉnh), lợi nhuận từ việc sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV là rất lớn (khoảng 40-50% giá trị hàng hoá bán ra). 

Trong khi đó, việc nhận diện thuốc BVTV, phân bón giả của người dân (nhất là ở vùng sâu, xa, miền núi) còn hạn chế; việc kiểm tra, kiểm định chất lượng phân bón, thuốc BVTV còn những khó khăn, bất cập, đòi hỏi phải có thời gian; thủ đoạn của các đối tượng vi phạm rất tinh vi (chỉ huy động người thân tham gia sản xuất, sang chiết hàng giả),… Theo đó, việc đấu tranh với vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực này gặp không ít khó khăn.

Để nâng cao hiệu quả phòng ngừa vi phạm, khắc phục các sơ hở trong quản lý, góp phần bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh và hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh đã chỉ đạo sở, ngành chức năng như: Sở Nông nghiệp và PTNT QLTT, Công Thương, Quản lý thị trường, Công an tỉnh, các đơn vị, địa phương, thực hiện nhiều pháp đồng bộ trong đấu tranh, ngăn chặn việc sản xuất, buôn bán phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng.

Ông Vũ Trí Đồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV (Sở Nông nghiệp và PTNT), thông tin: Toàn tỉnh hiện có gần 2 nghìn cửa hàng kinh doanh phân bón, thuốc BVTV, giống cây trồng. Thực hiện nhiệm vụ được giao, hằng năm, đơn vị đều chủ động xây dựng kế hoạch đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các cơ sở kinh doanh, buôn bán thuốc BVTV, phân bón thực hiện đúng quy định pháp luật. 

Ảnh minh họa.

Khuyến cáo, hướng dẫn người dân sử dụng các loại phân bón, thuốc BVTV của các công ty uy tín, chất lượng; không mua bán, sử dụng các loại hàng không rõ nguồn gốc; cách nhận biết thuốc BVTV, phân bón giả, kém chất lượng và tác hại của nó đối với sức khỏe con người, môi trường và năng suất, chất lượng sản phẩm trồng trọt... Trên khâu lưu thông, các đơn vị chức năng chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong kiểm tra, kiểm soát lấy mẫu kiểm định chất lượng, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, sang chiết, buôn bán thuốc BVTV, phân bón giả, kém chất lượng.

Để ngăn chặn hành vi sản xuất, buôn bán phân bón, thuốc BVTV giả, ngoài sự nỗ lực của cơ quan, đơn vị chức năng, cần sự quan tâm vào cuộc của mỗi người dân trong nhận diện vi phạm, đấu tranh tố giác, phát giác, lên án, phê phán tẩy chay các loại phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng; hàng chứa các chất cấm, không an toàn với sức khoẻ con người, cây trồng, vật nuôi và môi trường. Ngành toà án nên đưa các vụ sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV, phân bón giả về xét xử lưu động công khai tại cơ sở, qua đó tạo chuyển biến về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong lĩnh vực này.

Tăng cường quản lý

UBND tỉnh Đồng Tháp vừa có công văn yêu cầu các sở, ngành tỉnh, UBND huyện, thành phố thực hiện các nội dung về tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực vật tư nông nghiệp theo kiến nghị của Công an tỉnh.

Theo đó, các sở, ngành tỉnh và các địa phương tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 15 ngày 24/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trong quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp; Kế hoạch số 1239 ngày 13/12/2017 của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý thị trường và các ngành chức năng xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra tất cả các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung các doanh nghiệp, cơ sở chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh, buôn bán đối với mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, các cơ sở có biểu hiện nghi vấn sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, các kho chứa phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với số lượng lớn, được bố trí cách xa địa điểm kinh doanh, khu vực dân cư nhằm chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm, góp phần hạn chế thiệt hại cho người dân; đồng thời bảo vệ cho các cơ sở kinh doanh hợp pháp.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực vật tư nông nghiệp

Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh Đồng Tháp, Thanh tra chuyên ngành của tỉnh và các đơn vị có liên quan tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trên lĩnh vực vật tư nông nghiệp, tổ chức xác minh, làm rõ sai phạm của đối tượng chủ mưu, cầm đầu và các đối tượng có liên quan, đồng thời có hậu kiểm về việc khắc phục; đối với các hành vi vi phạm có dấu hiệu của tội phạm, chủ động phối hợp Công an tỉnh khẩn trương làm rõ, khởi tố, điều tra xử lý triệt để nhằm răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.

Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường nắm tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật đối với các hành vi sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Cục Hải quan tỉnh tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại các địa bàn trọng điểm để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới các loại vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

UBND huyện, thành phố chỉ đạo lực lượng chức năng phối hợp với các sở, ngành liên quan nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật đối với các hành vi sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên địa bàn quản lý. Riêng UBND huyện, thành phố biên giới, phối hợp chặt với lực lượng Hải quan, Biên phòng tăng cường quản lý chặt khu vực biên giới, tổ chức rà soát, lập danh sách các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

 

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
Top