Nạn phân bón, thuốc trừ sâu giả khiến sản xuất của người dân gặp nhiều khó khăn; đầu ra sản phẩm sau bao nhiêu năm vẫn bấp bênh, không xuất khẩu được, bị ép giá... Xử lý nghiêm tập thể, cá nhân bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm.
Phạt cơ sở buôn bán phân bón giả hơn 280 triệu đồng
Mới đây, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 1 hộ kinh doanh phân bón do có hành vi buôn bán hàng giả với số tiền hơn 280 triệu đồng. Cụ thể, tổng số tiền phạt và tiền bất hợp pháp mà hộ kinh doanh Nguyễn Văn Tuấn chủ đại lý phân bón Tuấn Cường phải nộp vào ngân sách nhà nước là hơn 281 triệu đồng.
UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 1 hộ kinh doanh phân bón do có hành vi buôn bán hàng giả với số tiền hơn 280 triệu đồng.
Trong đó, phạt tiền 120 triệu đồng áp dụng cho hành vi buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá 45,9 triệu đồng mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định. Đồng thời, áp dụng hình thức phạt bổ sung là tịch thu tang vật và buộc tiêu hủy 2.700 kg (54 bao, loại 50kg/bao) phân bón; tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón trong thời hạn 4 tháng 15 ngày; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm là 161,5 triệu đồng.
Trước đó, Đội Quản lý thị trường số 2 (Đội Cơ động) thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai đã phối hợp với Phòng PC03-Công an tỉnh kiểm tra Đại lý phân bón Tuấn Cường do ông Nguyễn Văn Tuấn làm chủ. Đoàn kiểm tra đã lấy mẫu phân bón NPK bổ sung trung lượng NPK Đầu Ngựa 17-9-19+9S là sản phẩm của Công ty cổ phần Đầu tư Hưng Phú Thịnh (lô C6, đường số 5, Khu Công nghiệp Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quãng Ngãi) có cùng ngày sản xuất 13/3/2022; cùng hạn sử dụng 24 tháng kể từ ngày sản xuất để thử nghiệm chất lượng.
Số phân bón giả bị Lực lượng QLTT Gia Lai thu giữ
Sau khi có kết quả thử nghiệm, so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng phân bón theo QCVN 01-189:2019/BNNPTNT, chỉ tiêu P2O5hh chỉ đạt 67,16% nhỏ hơn 70% mức tối thiểu quy định so với chỉ tiêu đã công bố áp dụng trên bao bì sản phẩm, là phân bón giả về giá trị sử dụng, công dụng, theo quy định tại điểm b khoản 7 Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26-8-2020 của Chính phủ.
Xét thấy vụ việc có dấu hiệu hình sự, Đội Quản lý thị trường số 2 đã chuyển toàn bộ hồ sơ, tài liệu có liên quan đến cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh để tiếp tục điều tra. Sau đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra có quyết định không khởi tố vụ án hình sự và chuyển giao toàn bộ hồ sơ, tài liệu cho Đội Quản lý thị trường số 2 để xử lý vi phạm hành chính theo quy định.
Trong tháng 4 năm 2022, Cục QLTT tỉnh Gia Lai cũng đã trình và chuyển 02 bộ hồ sơ đến thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND tỉnh để xử phạt 02 cá nhân với tổng số tiền 590.000.000 đồng về hành vi bán hàng hóa có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn tương ứng.
Tương tự, mới đây. Đội Quản lý thị trường số 4 phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Tây tiến hành kiểm tra đối với 1 hộ kinh doanh vật tư nông nghiệp tại huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang.
Tại thời điểm kiểm tra, phát hiện cơ sở đang kinh doanh phân bón có nhãn không ghi đủ các nội dung bắt buộc, không có quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam. Đồng thời, Đoàn kiểm tra có lấy 2 mẫu phân bón gửi kiểm nghiệm chất lượng. Kết quả, cả 2 mẫu này đều là hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng, trị giá hàng hóa vi phạm gần 70 triệu đồng.
Kiểm soát viên quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa vi phạm. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN
Do hành vi buôn bán phân bón giả có dấu hiệu tội phạm nên sau khi lập biên bản vi phạm Đội Quản lý thị trường số 4 chuyển hồ sơ vụ việc cho Công an huyện Gò Công Tây để điều tra, xử lý.
Kế đó, Công an huyện Gò Công Tây đã chuyển trả toàn bộ hồ sơ cho Đội Quản lý thị trường số 4 để xử phạt vi phạm hành chính do hành vi vi phạm không đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Sau khi hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị Cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang trình, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh về 3 hành vi vi phạm nêu trên với tổng số tiền gần 180 triệu đồng. Đến nay, cá nhân này đã nộp tiền phạt theo quy định.
Xử lý nghiêm tập thể, cá nhân bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm
Tại Kế hoạch 10/KH-TCQLTT, lãnh đạo Tổng cục QLTT yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố xác định tuyến, địa bàn, đối tượng, mặt hàng trọng điểm, từ đó xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể để triển khai có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT trong đợt cao điểm; tập trung thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021 - 2025.
Song song đó, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm vi phạm hành chính đối với hàng hóa là những mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như: hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giày dép, bánh kẹo, đường cát, hoa quả, rượu bia thuốc lá, xì gà, nước giải khát, động vật và sản phẩm chế biến từ động vật….
Đặc biệt, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển, buôn bán pháo nổ, pháo hoa các loại; tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng. “Không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý nhằm góp phần đảm bảo ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu tết cho nhân dân”, Kế hoạch 10/KH-TCQLTT nêu rõ.
Cũng theo nội dung Kế hoạch, Người đứng đầu lực lượng còn chỉ đạo Cục QLTT các tỉnh, thành phố tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các kho bãi, điểm tập kết hàng hóa gần biên giới, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, kho chứa hàng đông lạnh, các đơn vị nhập khẩu kinh doanh thực phẩm đông lạnh, các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, các tuyến đường bộ, đường sắt nhất là các địa bàn trọng điểm tại các tỉnh biên giới, các thành phố lớn.
Nội dung Kế hoạch giao nhiệm vụ cụ thể đến từng đơn vị, từng Cục QLTT các tỉnh, thành phố
Ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin trong xử phạt vi phạm hành chính và phát hiện, xử lý các hành vi kinh doanh hàng cấm hàng nhập lậu hàng giả hàng xâm phạm quyền sở hũ trí tuệ qua mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử.
Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông kết hợp công tác kiểm tra, xử lý vi phạm với việc vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên thị trường tham gia đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả bằng các hình thức đa dạng, thiết thực; thực hiện ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng; kiểm tra đối với những cơ sở kinh doanh đã ký cam kết và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Động viên, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích suất sắc trong đợt cao điểm.
Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai hoạt động công vụ của công chức do cấp mình quản lý để kịp thời đôn đốc, chấn chỉnh công chức hoàn thành nhiệm vụ được phân công, đảm bảo chất lượng và thời gian quy định; kiên quyết xử lý nghiêm tập thể, cá nhân bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật.
Tiếp tục tập trung kiểm tra địa bàn trọng tâm, mặt hàng trọng điểm
Bên cạnh các nhiệm vụ chính nêu trên, lãnh đạo Tổng cục QLTT còn giao nhiệm vụ cụ thể đối với từng đơn vị trong lực lượng góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng, quyết tâm giữ ổn định thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2023.
Cụ thể, đối với Cục Nghiệp vụ QLTT, kịp thời nắm bắt tình hình thị trường, xác định tuyến, địa bàn, mặt hàng trọng điểm để xây dựng phương án đấu tranh, kế hoạch phối hợp triển khai thực hiện. Chủ động phối hợp với các đơn vị của Bộ Công an, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Cục QLTT các tỉnh, thành phố... thực hiện đấu tranh, phát hiện và xử lý các kho hàng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các trung tâm thương mại tập kết hàng hóa vi phạm, các đối tượng vận chuyển hàng cấm hàng nhập lậu, hàng giả hàng kém chất lượng có quy mô lớn, liên tỉnh.
Đối với Cục QLTT các tỉnh thuộc tuyến biên giới phía Bắc, lãnh đạo Tổng cục chỉ đạo phối hợp với lực lượng Hải quan, Bộ Đội biên phòng... tăng cường kiểm soát hàng hóa từ khu vực biên giới vận chuyển vào thị trường nội địa. Xác định các địa bàn trọng điểm như: khu vực ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng, cửa khẩu Tân Thanh, Hữu Nghị, Chi Ma (Lạng Sơn); cửa khẩu quốc tế Lào Cai, Kim Thành, chợ Cốc Lếu (Lào Cai); thành phố Móng Cái (Quảng Ninh); cửa khẩu Thanh Thủy (Hà Giang); cửa khẩu Tây Trang (Điện Biên)... và các mặt hàng trọng điểm như: pháo nổ, thuốc lá, rượu bia, nước giải khát, hàng thời trang, thực phẩm, mỹ phẩm, gia súc gia cầm... Đồng thời phối hợp với lực lượng Công an tăng cường giám sát, rà soát chặt chẽ các kho, cảng, bến bãi khu vực cửa khẩu chợ đầu mối, chợ chuyên doanh.
Đối với Cục QLTT tại tuyến biên giới miền Trung - Tây Nguyên, phối hợp với lực lượng Hải quan, Bộ đội Biên phòng tăng cường kiểm soát hàng hóa từ biên giới vào nội địa, tập trung vào các địa bàn trọng tâm như: khu vực Cầu Treo (Hà Tĩnh); cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình); cửa khẩu Lao Bảo, chợ Đông Hà (Quảng Trị)... và các mặt hàng trọng điểm: đường cát, nước giải khát, hàng điện tử điện lạnh đã qua sử dụng...
Đối với Cục QLTT tại tuyến biên giới Tây Nam, Tổng cục trưởng đề nghị, phối hợp với lực lượng Hải quan, Bộ Đội biên phòng tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa tại các khu vực trọng điểm: cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh); khu vực huyện Đức Hòa Đức Huệ (Long An); cửa khẩu Tịnh Biên (An Giang); Thành phố Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp); cửa khẩu Hoa Lư (Bình Phước)... trong đó tập trung vào các mặt hàng trọng điểm như: thuốc lá điếu, đường cát, xăng dầu, hàng điện tử điện lạnh đã qua sử dụng, quần áo đã qua sử dụng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…
Trong khi đó, chỉ đạo Cục QLTT các tỉnh trong nội địa, lãnh đạo Tổng cục giao nhiệm vụ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa tại các trung tâm thương mại, chợ đầu mối, chợ chuyên doanh, chợ dân sinh, các tuyến phố buôn bán sầm uất, các cơ sở sản xuất; chú trọng kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống của người dân trong dịp Tết Nguyên đán.
Phối hợp với các lực lượng chức năng và Cục QLTT các tỉnh biên giới phòng ngừa, ngăn chặn hàng hóa vi phạm vận chuyển từ biên giới vào thị trường nội địa để tiêu thụ. Phối hợp với lực lượng Công an tăng cường công tác nắm tình hình, ra soát các kho hàng bến bãi trong nội địa.
Nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu
Đáng chú ý, trong Kế hoạch số 10/KH-TCQLTT, Người đứng đầu lực lượng QLTT yêu cầu, việc triển khai hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm phải tuân thủ đúng quy định pháp luật; kết hợp hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; không gây phiền hà, trở ngại đối với hoạt động kinh doanh hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.
Bên cạnh đó, các đơn vị chủ động nắm vững diễn biến tình hình, tăng cường công tác nghiệp vụ, công tác phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn, tập trung kiểm tra kiểm soát các mặt hàng trọng điểm, các địa bàn tuyến trọng tâm. Đặc biệt, lãnh đạo Tổng cục yêu cầu xác định rõ vai trò trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị QLTT các cấp trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành, thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.