Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 31 tháng 3 năm 2023 | 9:56

Xử phạt hành chính đối với hành vi khai thác, buôn bán đất trái phép có đủ sức răn đe?

Khai thác đất trái phép rồi chở đi bán công khai giữa ban ngày, nhưng chính quyền địa phương thiếu quyết liệt trong xử lý những hành vi sai phạm này. Thậm trí là chỉ phạt cho tồn tại. Điều này khiến cho người dân bức xúc phản ánh…

Đất lậu tung hoành, chính quyền không hay biết

Thông tin báo chí, người dân xã Lộc Bổn phản ánh về nạn khai thác đất san lấp mặt bằng trái phép xảy ra tại một khu đất trồng cây lâm nghiệp và đất nằm dưới đường dây điện 500kV Bắc - Nam thuộc thôn Hoà Vang 1 (xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế). Theo người dân, tình trạng khai thác đất trái phép tại khu vực nói trên cũng đã xảy ra trong những năm trước đây nhưng đã tạm lắng xuống.

Đoàn xe rời mỏ đất sau khi đã đầy thùng

Thế nhưng, bắt đầu từ dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đến nay, tình trạng bùng phát trở lại. Vị trí khai thác ban đầu là diện tích đất nằm dưới đường dây điện 500kV Bắc - Nam, nằm ngay bên lề đường Tỉnh lộ 15, cách chân cột điện khoảng 50m. Hiện nay, vị trí lấy đất được các đối tượng khai thác dịch chuyển vào một thửa đất trồng cây lâm nghiệp nằm ngay tiếp giáp vị trí cũ. “Có lúc họ làm ban đêm nhưng cũng có khi họ làm công khai ngay giữa ban ngày, nhất là vào các ngày cuối tuần, dịp lễ. Máy xúc, xe tải chở đất chạy rầm rầm trên Tỉnh lộ rồi ra Quốc lộ 1 để đi bán mà chả thấy cơ quan chức năng nào ngăn cản, xử lý”, nguồn tin của chúng tôi cho biết.

Mỏ đất trái phép hoạt động công khai giữa ban ngày

Không khó để nhận thấy những thất thoát tài nguyên tại mỏ đất này, nằm ở vị trí cách xa khu dân cư, xung quanh là các diện tích rừng keo tràm. Vị trí mỏ đất lậu này cũng nằm ngay sát cạnh hồ thuỷ lợi Khe Lời (hồ Phú Bài 2).

Hiện, tại vị trí mỏ đất trái phép nói trên là diện tích đất rừng bị cào bóc nham nhở, nhiều vị trí bị múc sâu để lấy đất san lấp. Tại đây, xuất hiện nhiều xe máy xúc bánh lốp cỡ trung, đang tích cực múc đất để bỏ lên chiếc xe tải mang biển số 75C - 126.32. và xe tải BKS 75C - 091.52 tiếp tục đi vào mỏ để chờ “ăn đất”. Khi 2 chiếc xe này chuẩn bị rời mỏ thì một chiếc khác mang BKS 75C - 109.54 tiếp tục đi vào. Nườm nượp, hàng chục lượt xe tải lớn, nhỏ thường xuyên ra vào mỏ để vận chuyển đất lậu đi theo tuyến Tỉnh lộ 15 theo hướng Phú Lộc - TP Huế. Sau đó, đoàn xe này sẽ chạy vào con đường đất đỏ tự phát nối giữa thôn 8B (xã Thuỷ Phù, thị xã Hương Thuỷ) và thôn Hoà Vang (xã Lộc Bổn) để đi vào đường liên thôn Hoà Vang rồi rẽ ra Quốc lộ 1A. Từ Quốc lộ 1A, các xe chở đất lậu sẽ đi bán cho các hộ dân, đơn vị có nhu cầu sử dụng đất san lấp mặt bằng.

Một vị trí lấy đất nằm bên Tỉnh lộ 15 và sát với chân trụ điện 500kV Bắc - Nam

Điều đáng nói, những chiếc xe chở đất lậu không chỉ đi qua các khu dân cư mà còn chạy ngang nhiên trước mặt trụ sở UBND xã Lộc Bổn, Công an xã cũng như các đơn vị chức năng khác của địa phương này trong giờ hành chính.

Cần ngăn chặn, xử lý dứt điểm

Được biết, chủ của mỏ đất lậu tên là T. (ở địa phương hay gọi là N.). Năm 2020, báo chí cũng đã từng phản ánh việc khai thác đất lậu cũng chính tại thôn Hoà Vang của người này. Điều đáng kinh ngạc hơn, khi so sánh hình ảnh những phương tiện khai thác, biển số xe ô tô tải ở 2 thời điểm khác nhau, chúng tôi nhận thấy sự trùng khớp rõ rệt.

Thông tin báo chí về vấn đề này, ông Bạch Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Bổn cho biết, hiện nay trên địa bàn không có mỏ đất vật liệu nào được cơ quan có thẩm quyền cấp phép khai thác. Ông còn khẳng định, thời gian gần đây trên địa bàn xã không xảy ra việc khai thác đất trái phép. Các hộ dân trong địa bàn nếu có nhu cầu đất san lấp sẽ liên hệ mua ở các mỏ hợp pháp tại xã Lộc Sơn hay trước kia là Lộc Điền (cùng thuộc huyện Phú Lộc).

Mỏ đất trái phép hiện hữu nằm trong diện tích đất trồng câu lâm nghiệp

Theo ông Thanh, xã Lộc Bổn có thành lập các tổ xử lý liên quan khai thác khoáng sản trên địa bàn, mỗi thôn 1 tổ. Các tổ này do Phó Chủ tịch UBND xã làm tổ trưởng. Thành viên gồm: thôn trưởng các thôn, công an viên, cán bộ địa chính xã,…Ông Thanh thêm một lần nữa khẳng định, chính quyền xã không nhận được báo cáo nào của tổ xử lý về mỏ đất trái phép tại thôn Hoà Vang 1 thời gian gần đây?  “Chúng tôi sẽ chỉ đạo lực lượng kiểm tra và sẽ thông tin đến báo chí sau khi có kết quả”, ông Thanh nói.

Liên quan sự việc, lãnh đạo Truyền tải điện Thừa Thiên Huế (đơn vị quản lý đường dây 500kV Bắc - Nam đoạn qua địa bàn tỉnh) cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin, đơn vị đã chỉ đạo lực lượng kiểm tra, xác minh sự việc chính xác như phản ánh. Theo đó, mỏ khai thác đất trái phép tại thôn Hoà Vang 1 có điểm nằm dưới đường dây, cách móng trụ điện 500kV khoảng 50m. Sau khi kiểm tra, Đội truyền tải Hương Thuỷ (trực tiếp quản lý đoạn đường dây này) đã tiến hành giăng dây, cắm biển cấm khai thác đất, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương tiếp tục theo dõi để có biện pháp ngăn chặn.

Đất lâm nghiệp bị "băm nát" bởi nạn khai thác khoáng sản trái phép

Theo báo cáo mới đây của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, toàn tỉnh hiện có 19 mỏ đất được cấp phép khai thác đất làm vật liệu san lấp đang hoạt động với tổng diện tích 148,56 ha, tổng trữ lượng khai thác là gần 15 triệu m3; tổng công suất khai thác là hơn 4,7 triệu m3/năm. Ngày 21/2/2023, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đồng ý bổ sung quy hoạch thêm 4 khu vực đất làm vật liệu san lấp, đất sét làm gạch ngói. Tuy nhiên, không có mỏ đất nào đang hoạt động hay mới được quy hoạch nằm tại thôn Hoà Vang 1, xã Lộc Bổn. Thiết nghĩ, các cơ quan có thẩm quyền cần vào cuộc quyết liệt, xử lý dứt điểm nạn khai thác trái phép, bảo đảm các quy định của pháp luật về tài nguyên khoáng sản, đồng thời tránh thất thu cho ngân sách nhà nước. Các cơ quan chức năng cũng cần xác minh, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực nói trên.

Xử phạt 120 triệu đồng vì khai thác đất trong dự án mà không “đăng ký”

Mới đây, UBND huyện Yên Thế (Bắc Giang) đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH tư vấn Đầu tư xây dựng Công trình Đức Tâm (Bản Mỏ Trạng, xã Tam Tiến, huyện Yên Thế), với mức xử phạt là 120 triệu đồng.

Theo đó, Công ty Đức Tâm đã có hành vi vi phạm quy định về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không phải đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản, cụ thể: Công ty TNHH tư vấn Đầu tư xây dựng Công trình Đức Tâm chưa đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác tại UBND tỉnh Bắc Giang.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa.

Từ tháng 03/2022 đến tháng 10/2022, Công ty TNHH tư vấn Đầu tư xây dựng Công trình Đức Tâm đã thực hiện khai thác đất trong dự án với diện tích 19.000m2, khối lượng đào 11.599m3, khối lượng đắp 11.599m3 tại bản La Xa, xã Đồng Vương, huyện Yên Thế. Công ty thực hiện việc san lấp mặt bằng trong dự án Trại chăn nuôi gia cầm Đồng Vương.

Các hành vi của Công ty Đức Tâm đã vi phạm, khoản 1 Điều 5 và Khoản 2 Điều 43 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.

Như vậy, trong thời gian vừa qua chính quyền huyện Yên Thế đã liên tục phát hiện và xử phạt nhiều doanh nghiệp có hành vi vi phạm về đất đai, khoáng sản, như: Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư xây dựng công trình Đức Tâm; Công ty TNHH sản xuất kinh doanh Bảo Minh Bắc Giang đã thực hiện hành vi vi phạm chuyển mục đích sử dụng đất trồng cây lâu năm sang mục đích đất phi nông nghiệp khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép, diện tích vi phạm 1.416m2 (xây dựng nhà xưởng) tại bản Thị Cùng, xã Tam Tiến; Công ty TNHH MTV Dũng Giang; Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Bắc Trung Nam JSC…

Vụ núp bóng cải tạo vườn khai thác đất trái phép

Mới đây, thông tin báo chí liên quan tới vụ việc núp bóng cải tạo vườn tạp để khai thác đất trái phép” tại khu vực gò đồi thuộc thôn Xuân Khê (xã Triệu Ái, Triệu Phong, Quảng Trị); ông Lê Hài, Chủ tịch UBND xã Triệu Ái (Triệu Phong, Quảng Trị) cho biết, đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Đỗ Khương (SN 1968, trú tại Kiên Phước, Triệu Ái), chủ khu đất để xảy ra tình trạng khai thác đất trái phép mà báo chí đã phản ánh.

Cả khu đất gò đồi rộng hớn hàng ngàn m2 bị khai thác, cào bóc nham nhở

Theo ông Lê Hài, sau khi tiếp nhận phản ánh của báo chí, đơn vị đã cử lực lượng tiến hành kiểm tra, mời chủ đất là hộ ông Đỗ Khương và người khai thác đất là ông Hoàng Gia Tiến lên làm việc. Tại đây, hộ ông Khương cho biết, do khu vực đất đồi cao và sỏi đá, trồng cây kém hiệu quả nên hộ này xin cải tạo hạ thấp độ cao để trồng cây. Còn ông Hoàng Gia Tiến thừa nhận việc có chở đất ra ngoài khu vực trên. “Xã đã yêu cầu chủ đất khắc phục hiện trạng để đưa vào sản xuất, họ đã trồng cây lại rồi”, ông Hài nói.

Qua đó, UBND huyện Triệu Phong cho biết, lãnh đạo đơn vị này vừa có văn bản gửi Phòng TN&MT huyện, Công an huyện và UBND xã Triệu Ái về việc kiểm tra, báo cáo tình hình phản ánh của báo chí.

UBND huyện Triệu phong chỉ đạo UBND xã Triệu Ái chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, xử lý theo đúng thẩm quyền quy định của pháp luật; báo cáo UBND huyện nội dung vụ việc trước ngày 30/3.

Đồng thời, giao Công an huyện chỉ đạo lực lượng công an tăng cường kiểm tra các phương tiện vận tải chuyên chở đất trái phép, tiến hành lập biên bản, xử lý các phương tiện vi phạm về an toàn giao thông và vận chuyển đất không có nguồn gốc hợp pháp.

Phòng TN&MT hướng dẫn UBND xã Triệu Ái tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, khoáng sản; hướng dẫn xã thực hiện hồ sơ thủ tục để xử phạt các tổ chức, hộ gia đình vi phạm trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên khoáng sản theo đúng quy định; theo dõi, tổng hợp kết quả thực hiện của UBND xã Triệu Ái, báo cáo UBND huyện để chỉ đạo xử lý các vấn đề vượt quá thẩm quyền quy định.

Việc khai thác đất trái phép ở thôn Xuân Khê (Triệu Ái) diễn ra công nhiên cả ngày lẫn đêm, trong suốt một thời gian dài

Thông tin báo chí, ông Lê Hài, Chủ tịch UBND xã Triệu Ái cho biết, hiện nay trên địa bàn xã không có mỏ đất vật liệu nào được cấp phép khai thác. Đồng thời, chưa nắm được việc khai thác đất trái phép ở khu vực thôn Xuân Khê và sẽ cử lực lượng lên kiểm tra, nếu có trường hợp vận chuyển đất ra ngoài sẽ đình chỉ, xử lý.

Ông Phan Văn Linh, Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong tiếp nhận phản ánh và cho biết, sẽ chỉ đạo UBND xã Triệu Ái kiểm tra, xử lý.

Liên quan nội dung này, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị đã ký văn bản gửi UBND huyện Triệu Phong về việc kiểm tra, báo cáo tình hình khai thác đất trái phép sau phản ánh của báo chí.

UBND tỉnh Quảng Trị giao UBND huyện Triệu Phong khẩn trương tổ chức kiểm tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật; báo cáo UBND tỉnh nội dung vụ việc trước ngày 5/4.

 

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top