Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 22 tháng 6 năm 2024  
Thứ năm, ngày 6 tháng 6 năm 2024 | 10:14

Xuất khẩu nông sản sẽ bứt phá nếu được công nhận là nền kinh tế thị trường

Việt Nam đang xuất khẩu khá nhiều mặt hàng sang thị trường Hoa Kỳ, trong đó có hàng nông - lâm - thủy sản… Nếu được công nhận là nền kinh tế thị trường, sẽ góp phần giảm bớt các rào cản thương mại, giúp doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ sang thị trường Hoa Kỳ dễ dàng hơn và rẻ hơn.

Điều này sẽ góp phần tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại hai nước, mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Nhiều cơ hội cho các mặt hàng nông sản

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước để phân tích, tổng hợp thông tin theo đề nghị của DOC (Bộ Thương mại Hoa Kỳ) về sự thay đổi tích cực của nền kinh tế Việt Nam.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế Hoa Kỳ, Việt Nam được đánh giá hội tụ đầy đủ tiêu chí của một nền kinh tế thị trường.

Trong khi đó, xuất khẩu của nước ta vào Hoa Kỳ ngày càng gia tăng (tổng kim ngạch năm 2023 đạt 97 tỉ USD, bốn tháng đầu năm ước đạt 34,12 tỉ USD).

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, nếu được công nhận là nền kinh tế thị trường, hàng hóa của ta sẽ cạnh tranh bình đẳng với hàng hóa của các quốc gia khác khi mức thuế phòng vệ thương mại phản ánh đúng thực tiễn sản xuất tại Việt Nam.

Đặc biệt đối với các vụ việc phòng vệ thương mại, việc công nhận là nền kinh tế thị trường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Hàng hóa từ các nền kinh tế phi thị trường phải chịu mức thuế suất cao hơn trong các cuộc điều tra chống bán phá giá. Hoa Kỳ sẽ sử dụng giá trị của một nước thứ ba được coi là có nền kinh tế thị trường để tính toán chi phí sản xuất của các doanh nghiệp tại Việt Nam thay vì sử dụng dữ liệu do các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp. Điều này khiến biên độ phá giá bị đẩy lên rất cao và không phản ánh thực trạng sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam.

Khi các rào cản thuế quan được tháo gỡ hoặc nới lỏng thì hàng thủy sản Việt Nam sẽ lấy lại lợi thế cạnh tranh về giá tại thị trường Hoa Kỳ, đồng thời giúp người tiêu dùng nước này tiếp cận nhiều hơn với nguồn thủy sản chất lượng và giá tốt của Việt Nam.

Đơn cử, Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ đã gia hạn thuế chống bán phá giá 25,76% đối với tôm nuôi đông lạnh từ Việt Nam, nhưng thuế đối với tôm từ Thái Lan - một nền kinh tế thị trường - chỉ ở mức 5,34%.

Là tập đoàn chế biến xuất khẩu cá tra và có mặt ở hơn 30 quốc gia trên khắp thế giới, Tập đoàn Nam Việt (An Giang) đang xuất khẩu cá tra vào Hoa Kỳ với mức thuế 0% (mới chỉ được áp dụng trong năm 2024).

“Nếu Việt Nam được công nhận là kinh tế thị trường thì quá tuyệt vời, sẽ thúc đẩy cho toàn ngành và tạo cơ hội cạnh tranh cho nhà xuất khẩu ở Việt Nam. Riêng Nam Việt sẽ có cuộc chơi sòng phẳng với các doanh nghiệp khác”, đại diện tập đoàn trên nói.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết: Khi được công nhận nền kinh tế thị trường, lợi thế cơ bản nhất là Việt Nam sẽ giống như các nước, mình làm ăn ngon lành hơn. Kế nữa là lợi thế với vụ kiện tranh chấp thương mại, khi đã là kinh tế thị trường thì phản ánh sẽ đúng hơn, không kiện tụng trong chống bán phá giá”.

Việt Nam hoàn toàn là nền kinh tế thị trường

Theo quy định của Hoa Kỳ, có 6 tiêu chí để xem xét một nền kinh tế có thị trường hay không, gồm: Mức độ chuyển đổi của đồng tiền; Đàm phán tiền lương, tiền công giữa người lao động và người sử dụng lao động; Mức độ đầu tư nước ngoài vào các hoạt động kinh tế; Vấn đề sở hữu nhà nước, sở hữu tư nhân; Mức độ kiểm soát của Chính phủ với một số nguồn lực và giá cả; Các yếu tố khác.

Ông Eric Emerson, luật sư của Công ty luật Steptoe LLP có trụ sở tại Washington (Hoa Kỳ), nhấn mạnh: “Việt Nam đã chứng minh hiệu quả hoạt động của mình trên các yếu tố theo luật định tốt hơn các quốc gia khác đã từng được cấp quy chế kinh tế thị trường”, ông Eric nhấn mạnh. Ông chỉ ra Việt Nam ít can thiệp vào các doanh nghiệp nhà nước hơn Ấn Độ. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cởi mở hơn với đầu tư nước ngoài so với Indonesia, Canada và Philippines.

Đến nay, đã có 72 nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, trong đó có những nền kinh tế lớn như Vương quốc Anh, Canada, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Từ thực tế trên, để hưởng lợi từ nền kinh tế thị trường, Việt Nam cần có giải pháp giữ đà tăng trưởng xuất khẩu cho nông sản. Qua đó, chú trọng xây dựng các tiêu chuẩn về sản xuất, chế biến và chất lượng sản phẩm phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế để nâng cao khả năng cạnh tranh và giá trị sản phẩm gạo, rau quả, tạo mọi điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nông sản.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có cuộc họp với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan về tình hình sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu mặt hàng nông sản.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị, các Hiệp hội ngành hàng chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền các chủ trương, cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực này để các doanh nghiệp hiểu và tận dụng được.

Trong đó, tập trung tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin, khai thác tối đa những ưu đãi từ các FTA và những yêu cầu của từng thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó hiệu quả với các vụ kiện phòng vệ và tranh chấp thương mại (nếu phát sinh).

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành lúa, gạo, rau quả theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Làm tốt công tác định hướng quy hoạch vùng trồng, tổ chức sản xuất, cơ cấu giống, kỹ thuật canh tác, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản… Đồng thời, chú trọng xây dựng các tiêu chuẩn về sản xuất, chế biến và chất lượng sản phẩm phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế để nâng cao khả năng cạnh tranh và giá trị sản phẩm gạo, rau quả Việt Nam.

Theo quy định, Bộ Thương mại Hoa Kỳ sẽ quyết định có khởi xướng xem xét lại hay không trong 45 ngày và đưa ra kết luận trong 270 ngày kể từ khi Việt Nam nộp hồ sơ. Theo đó, trong tháng 7/2024, Bộ Thương mại Hoa Kỳ sẽ ra quyết định cuối cùng.

 

 

Chí Thanh
Ý kiến bạn đọc
  • TP. HCM: Thiếu hụt nguồn cung nhà ở thương mại giá bình dân

    TP. HCM: Thiếu hụt nguồn cung nhà ở thương mại giá bình dân

    Cuối tháng 5, trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Hiệp hội bất động sản (BĐS) TP. Hồ Chí Minh (HoREA) thông tin, trong những tháng đầu năm 2024, trên địa bàn thành phố không có dự án nhà ở xã hội nào được chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc được cấp giấy phép xây dựng mới.

  • Thể chế đầy đủ thực tiễn vào nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai

    Thể chế đầy đủ thực tiễn vào nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai

    Sáng 18/6, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành, chuyên gia tại trụ sở Chính phủ và kết nối trực tuyến 63 tỉnh, thành phố về dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.

  • Muôn vàn lựa chọn ‘tổ ấm trong mơ’ tại The Sola Park

    Muôn vàn lựa chọn ‘tổ ấm trong mơ’ tại The Sola Park

    Với diện tích linh hoạt từ 32 - 75m2 và thiết kế thông minh, các căn hộ ở dự án Imperia Smart City giai đoạn 2 The Sola Park mang đến đa dạng lựa chọn cho các gia đình, khởi đầu hành trình hạnh phúc tại đại đô thị thông minh phía tây Hà Nội.

Top