Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 7 tháng 5 năm 2024  
Thứ tư, ngày 6 tháng 9 năm 2023 | 16:26

Xuất khẩu thủy sản “kìm” đà giảm và lạc quan hơn về doanh số

Cùng với dấu hiệu kinh tế hồi phục ở một số thị trường, các doanh nghiệp hy vọng xuất khẩu thủy sản những tháng cuối năm sẽ sáng hơn. VASEP cũng đưa ra dự báo lạc quan với doanh số xuất khẩu cả năm 2023.

Hoạt động xuất khẩu thủy sản đã có dấu hiệu khả quan hơn. (Ảnh minh hoạ: Trung Chánh).

"Kìm" đà giảm

Năm 2023 là năm khó khăn đối với doanh nghiệp (DN) xuất khẩu thủy sản. 5 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản chỉ đạt hơn 3,2 tỷ USD, giảm mạnh gần 30% so với cùng kỳ 2022. Đến nay, đà giảm có phần nào kìm lại nhưng nhìn chung DN thủy sản vẫn chưa hết khó khăn. Tính đến cuối tháng 7, xuất khẩu thủy sản đạt gần 5 tỷ USD, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2022. Đến cuối tháng 8, kim ngạch xuất khẩu đạt 5,68 tỷ USD, giảm 25,4%.

Ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta cho biết, cái khó của các DN chế biến tôm năm nay bao gồm cả khách quan và chủ quan. Khách quan do lạm phát và suy thoái kinh tế thế giới khiến cho sức cầu giảm mạnh, trong khi đó sức cung lại tăng từ Ấn Độ; Ecuador làm mất cân bằng cung, cầu khiến cho giá tôm giảm. Về nguyên nhân chủ quan, dịch bệnh trong nuôi tôm khá nghiêm trọng khiến cho giá thành nuôi tôm của Việt Nam tăng cao.

Theo Hiệp hội Xuất khẩu và Chế biến thủy sản Việt Nam, để thúc đẩy lượng tiêu thụ tại các thị trường quốc tế, nhiều DN đang nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm, tập trung chế biến sâu, đầu tư vào chuỗi giá trị để duy trì đơn hàng, trong đó, phát triển các loại mặt hàng thủy sản tiện lợi để chế biến sẵn tại nhà; các loại sản phẩm khô, được chế biến sẵn với mức giá rẻ hơn phù hợp với mức thu nhập thấp.

Trong khi đó, bà Lê Hằng - Giám đốc truyền thông VASEP, đã đưa ra 2 kịch bản cho triển vọng xuất khẩu thủy sản những tháng cuối năm 2023. Với kịch bản thuận lợi, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam cả năm 2023 sẽ đạt hơn 9 tỷ USD, giảm 15 - 16% so với năm 2022. Trong đó, dự báo xuất khẩu tôm sẽ thu về lượng ngoại tệ khoảng 3,5 - 3,6 tỷ USD, giảm 16 - 18%; cá tra đạt 1,7 - 1,8 tỷ USD, giảm 28%; xuất khẩu cá ngừ và mực, bạch tuộc lần lượt đạt 870 triệu USD và 650 triệu USD, giảm 14 - 15%; xuất khẩu cá biển ước đạt 1,9 - 2 tỷ USD, giảm nhẹ so với năm 2022.

Các thị trường chính dự báo cũng mang về doanh thu ít hơn so với năm 2022. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ, Hàn Quốc sẽ thấp hơn 24 - 25% so với năm 2022. Xuất khẩu sang EU sẽ giảm 18%. Trong khi đó, thị trường Nhật Bản sẽ khả quan hơn nhờ giá trị của hàng giá trị gia tăng và nhờ phân khúc gia công, chế biến cho thị trường này, nhất là các loài cá biển.

Trung Quốc vẫn được kỳ vọng là thị trường lớn nhất cho DN thủy sản hiện nay, sau khi thị trường này mở cửa, hoạt động giao thương đang trở lại bình thường dần dần. Hy vọng nửa cuối năm, kinh tế Trung Quốc ổn định hơn, thu nhập và tiêu dùng của người dân tăng dần, thị trường thích nghi bối cảnh mới… khi đó, xuất khẩu thủy sản có cơ hội phục hồi lại với dự đoán tương đương với kim ngạch của năm 2023 với khoảng 1,8 tỷ USD cho cả Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc).

Còn với kịch bản kém thuận lợi là khi thị trường đã có tín hiệu phục hồi, nhu cầu tăng trở lại, nhưng hàng thủy sản của Việt Nam vẫn khó cạnh tranh về giá và nguồn cung với các nước khác như Ecuador, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan…

Cần chuẩn bị sẵn nguồn nguyên liệu

Tại cuộc họp giao ban tháng 8 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, thông tin: “Vừa qua, có 2 đoàn thanh tra của châu Âu và Mỹ đã kiểm tra hệ thống thủy sản của Việt Nam. Kết quả cũng sau Covid-19 cũng có một số vấn đề mà đoàn châu Âu họ phát hiện ra và đề nghị chúng ta phải nghiêm túc xử lý. Tuy nhiên duy trì ở mức không ảnh hưởng gì đến xuất khẩu thủy sản. Doanh nghiệp vẫn tiếp tục được xuất khẩu, nhưng chúng ta vẫn cần có các biện pháp nghiêm ngặt hơn”.

Cũng theo ông Tiệp: “Với đoàn thanh tra của Mỹ kiểm tra hệ thống cá da trơn của nước ta thì cơ bản là tốt, chỉ có vài lỗi không đáng kể. Chúng ta tiếp tục đủ điều kiện xuất khẩu cá da trơn sang Mỹ”.

Dự báo xuất khẩu tôm Việt Nam cả năm 2023 nếu lạc quan nhất sẽ đạt 3,5 - 3,6 tỉ USD, giảm 16 - 18% so với cùng kỳ năm ngoái. (Ảnh: Thanh Cường).

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, cho hay: “Đoàn thanh tra của Mỹ sang đánh giá hệ thống sản xuất cá tra Việt Nam, kết quả đánh giá không có những lỗi lớn, quy trình của chúng ta vẫn đảm bảo”.

Chia sẻ thêm về những kế hoạch của ngành nông nghiệp nói chung và thủy sản nói riêng trong tháng 9 cũng như thời gian sắp tới, ông Tiệp nói: “Đối với công tác mở cửa thị trường, thời gian vừa rồi chúng ta đã đẩy mạnh phát triển với ba thị trường lớn là châu Âu, Mỹ và Trung Quốc. Trong thời gian tới, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường tiếp tục triển khai phát triển thị trường Quảng Tây thông qua hoàn thành ký kết ghi nhớ hợp tác (MoU) về hợp tác phát triển nông nghiệp và thương mại nông sản. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh thị trường Vân Nam”.

Còn theo ông Luân: “Kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam tháng 7/2023 đã đạt gần 1 tỉ USD, nhưng sang tháng 8/2023 lại giảm chỉ còn 750 triệu USD. Các đơn hàng hiện nay tương đối khó khăn. Cho nên trong tháng 9, về chỉ đạo sản xuất cần rà soát linh hoạt vùng nguyên liệu thủy sản để trong trường hợp thị trường, đơn hàng tốt chúng ta không bị động”. 

“Bên cạnh đó, sau vụ Nhật Bản xả nước thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima, cơ cấu xuất nhập khẩu thủy sản trên thị trường thế giới có sự thay đổi, do đó chúng ta cũng cần ngồi lại để đánh giá xem có cơ hội gì cho thủy sản Việt Nam hay không”, ông Luân nói thêm.

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, cho biết, tháng 9/2023, sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ như: Thực hiện phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử ở các cảng cá, lấy chuỗi cá ngừ ở Bình Định làm thí điểm; chuẩn bị đón Đoàn thanh tra của EC sang làm việc về khai thác chống IUU trong tháng 10; tiếp tục phát triển mô hình nuôi trồng rong biển, đồng quản lý ở các địa phương ven biển, nuôi cá hồ chứa…

Lạc quan với doanh số xuất khẩu

Điểm sáng trong bức tranh năm 2023 là việc xuất khẩu cá tra sang một số thị trường nhỏ đang có tăng trưởng tốt. Điển hình như xuất khẩu sang thị trường Đức tăng 25%; xuất khẩu sang Phần Lan tăng gấp 18 lần so với cùng kỳ năm trước; thị trường New Zealand tăng 17%; Thụy Điển tăng 25%…

Dự báo cả năm 2023 xuất khẩu cá tra có thể đạt 1,7 tỷ USD, giảm 32% so với năm 2022.

Trong khi đó, xuất khẩu tôm 8 tháng đạt gần 2,2 tỷ USD, giảm 28% so với cùng kỳ. Tuy chưa đột phá nhưng 3 tháng gần đây doanh số xuất khẩu tôm cao hơn hẳn so với những tháng đầu năm.

Xuất khẩu tôm có nhiều dấu hiệu khởi sắc.

Sự khởi sắc thể hiện rất rõ rệt ở thị trường Mỹ, khi mà doanh số tăng liên tục qua các tháng. Xuất khẩu tôm sang Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có tín hiệu tăng từ tháng 3 nhưng không duy trì được đà tăng liên tục.

So với tôm và cá tra, thì xuất khẩu các mặt hàng hải sản khai thác giảm nhẹ hơn, giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái và duy trì doanh số ổn định qua từng tháng. Những thị trường tiêu thụ hải sản lớn nhất gồm Nhật Bản, chiếm 28,5%, Mỹ 15%, Hàn Quốc 11%, EU chiếm 9%...

Trong số đó, các loài hải sản khai thác nhập khẩu vào Việt Nam để chế biến xuất khẩu và gia công xuất khẩu cũng đóng góp một phần cho doanh thu ngành hải sản.

Đáng chú ý, trong khi kim ngạch xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường chính của Việt Nam đều giảm, xuất khẩu cá ngừ sang Hàn Quốc lại tăng ấn tượng. Tính lũy kế 7 tháng, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này đã tăng gấp 2,5 lần cùng kỳ năm 2022, đạt hơn 7 triệu USD.

Bà Nguyễn Hà, chuyên gia thị trường cá ngừ, phân tích năm nay mặc dù đồng Won của Hàn Quốc bị mất giá mạnh so với USD khiến cho giá cá ngừ nhập khẩu tăng cao, nhưng do sản lượng đánh bắt của các đội tàu giảm nên Hàn Quốc phải tăng nhập khẩu từ các nước, trong đó có Việt Nam.

Trong nhóm các sản phẩm cá ngừ xuất khẩu của Việt Nam, cá ngừ chế biến và đóng hộp sang Hàn Quốc hiện đang tăng mạnh, đặc biệt cá ngừ đóng hộp tăng 468% so với cùng kỳ năm 2022.

Sự gia tăng nhập khẩu này là do kinh tế suy thoái khiến cho người dân Hàn Quốc thắt chặt tiêu dùng hơn, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thủy sản có giá rẻ như cá ngừ đóng hộp tăng.

Trên thị trường Hàn Quốc, Việt Nam đang là nguồn cung cá ngừ lớn thứ 8, nhưng lại là nguồn cung cá ngừ chế biến và đóng hộp lớn nhất trong nửa đầu năm 2023, cao hơn cả Thái Lan và Italy.

Theo số liệu của Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), 6 tháng đầu năm nay, trong khi tổng kim ngạch nhập khẩu cá ngừ vào Hàn Quốc giảm 7% về khối lượng, nhưng nhập khẩu từ Việt Nam tăng gấp hơn 4 lần.

Các sản phẩm cá ngừ chế biến đóng hộp của Việt Nam đang chiếm tới gần 77% tổng nhập khẩu nhóm sản phẩm này của Hàn Quốc.

Các chuyên gia cho rằng, sau thông tin Nhật Bản xả nước thải nhiễm hạt nhân ra biển, có thể người tiêu dùng Nhật sẽ thận trọng với tiêu thụ thủy sản nội địa và tìm đến thủy sản nhập khẩu nhiều hơn. Các thị trường khác cũng cân nhắc việc nhập khẩu thủy sản từ Nhật Bản và các nước láng giềng của Nhật, tạo cơ hội cho thủy sản Việt Nam.

Cùng với dấu hiệu kinh tế hồi phục ở một số thị trường, các doanh nghiệp hy vọng xuất khẩu thủy sản những tháng cuối năm sẽ sáng hơn. VASEP cũng đưa ra dự báo lạc quan với doanh số xuất khẩu cả năm 2023 sẽ đạt trên 9 tỷ USD./.

 

Thanh Tâm (t/h)
Ý kiến bạn đọc
Top