Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 29 tháng 12 năm 2023 | 13:43

Xúc tiến thương mại, đưa nông sản an toàn đến với người tiêu dùng

Nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm nông sản bảo đảm an toàn thực phẩm là rất cao, nhất là vào những dịp lễ, Tết. Ngoài việc xây dựng các vùng trồng để có sản phẩm nông sản an toàn, cần tổ chức các hội chợ xúc tiến thương mại và kết nối để đưa nông sản an toàn đến với người tiêu dùng.

Sản phẩm nông sản đứng trước thách thức về an toàn

Việt Nam chúng ta là một đất nước nông nghiệp, với lợi thế là quốc gia có thổ nhưỡng phì nhiêu, ruộng đồng rộng lớn, thêm vào đó là khí hậu rất phù hợp cho tất cả các loại sản phẩm nông nghiệp sinh trưởng. Đây có thể nói là một tiềm năng của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tham quan các gian hàng tiêu thụ nông sản của các tỉnh, thành phố về Hà Nội bán tại hội chợ.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế phát triển, sản phẩm nông sản của chúng ta lại đang đứng trước thách thức lớn, đó là sự ô nhiễm từ môi trường, từ thuốc bảo vệ thực vật, từ đô thị hóa… ảnh hưởng không nhỏ đến sản phẩm nông sản được sản xuất từ những khu vực ô nhiễm đó.

Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, việc sử dụng thuốc kích thích, thuốc bảo vệ thực vật để cây phát triển nhanh, cho sản lượng nhiều, làm cho nông dân bị phụ thuộc và lạm dụng nhiều đến các loại thuốc kích thích, thuốc bảo vệ thực vật đó, gây ra nhiều dư lượng hóa chất trong các sản phẩm nông sản, gây nguy hại đến sức khỏe của người tiêu dùng nếu thường xuyên sử dụng những sản phẩm nông sản ô nhiễm này.

Ngoài ra, trình độ, nhận thức của nông dân về bảo vệ môi trường còn nhiều hạn chế; việc quá lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), phân bón, kháng sinh, chất kích thích tăng trường, hóa chất bảo quản nông, lâm, thủy sản, chất thải chăn nuôi, giết mổ, tiêu hủy gia súc, gia cầm, chất thải làng nghề… đang làm cho vấn đề ô nhiễm môi trường nông nghiệp ngày càng nghiêm trọng. Ở Việt Nam, lượng hóa chất BVTV sử dụng bình quân là 0,5-0,7 kg hoạt chất/ha. Nhờ diệt côn trùng và sâu bệnh, nên sản lượng lúa tăng 10%; bông, đay, đỗ tương, cam, chè tăng từ 7%-17,6%. Lượng thuốc BVTV dùng trên lúa và rau ở Việt Nam có nơi đã lạm dụng tới 1-1,5 kg/ha lúa còn cho rau, thì tới 7-10 kg/ha (phun từ 7-10 lần/vụ), trên đỗ đậu, thì phun hàng ngày. Những loại có độc tính cao, như: Wofatoc, Monitor… đã có lệnh cấm, nhưng người dân vẫn quen dùng. Việc sử dụng các loại phân bón, hóa chất BVTV không đúng quy cách và quá mức nhằm tăng năng suất cây trồng còn gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí; làm tăng mức độ quen thuốc, tăng tính chống thuốc ở các loài sâu bệnh, gây độc cho gia súc, gia cầm và gây độc trực tiếp cho người nông dân; để lại dư lượng chất độc trong nông sản gây ngộ độc thực phẩm cho người tiêu dùng.

Xây dựng vùng sản xuất an toàn

Muốn có những sản phẩm nông sản an toàn phải xây dựng vùng sản xuất nông sản an toàn. Trong thời gian vừa qua đứng trước những nguy cơ ô nhiễm dư lượng hóa chất trong các sản phẩm nông nghiệp, các địa phương đã chủ động xây dựng vùng sản xuất an toàn để cung cấp các sản phẩm nông sản an toàn ra thị trường.

Tại Hà Nội có rất nhiều huyện đã xây dựng vùng sản xuất an toàn để cung cấp cho thị trường. Thôn Đông Cao, xã Tráng Việt (huyện Mê Linh) có tổng diện tích canh tác rau 200ha, trong đó có 124ha sản xuất rau an toàn và 10ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, với tổng sản lượng khoảng 35.000 tấn/năm; riêng vùng trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP cho năng suất 600 tấn/năm.

Lãnh đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội đưa doanh nghiệp kết nối tiêu thụ bưởi cho nông dân huyện Chương Mỹ.

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Yên Mỹ (huyện Thanh Trì) có 91ha rau màu và 19ha cây ăn quả, 30ha sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ sản xuất rau an toàn theo chuỗi giá trị, nên trung bình mỗi ngày sản lượng rau bán ra thị trường 1,5 tấn.

Để tiếp tục phát huy hiệu quả của mô hình trồng rau an toàn theo chuỗi giá trị, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật cắm điểm chỉ đạo, hướng dẫn sản xuất tại các vùng sản xuất trọng điểm của thành phố. Trong đó, trọng tâm là hướng dẫn người dân sử dụng thuốc tại các vùng sản xuất rau. Đồng thời, cán bộ kỹ thuật chỉ đạo hướng dẫn các mô hình PGS, qua đó nâng cao ý thức cho người dân về hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trên cây rau; nâng cao tỷ lệ sử dụng thuốc thảo mộc, sinh học...

Tại tỉnh Hưng Yên hiện nay có 3.000 ha cây rau, củ, quả xuất xuất theo quy trình VietGAP và sản xuất hữu cơ; trên 5.700 ha nuôi trồng thủy sản; xây dựng được 180 mô hình cánh đồng sản xuất tập trung, quy mô lớn với tổng diện tích hơn 3.800 ha...Giá trị sản phẩm trên đơn vị canh tác đạt trên 230 triệu đồng/ha, tăng trên 20 triệu đồng/ha so với năm 2020.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Hùng Nam cho biết, Hưng Yên đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển nông nghiệp, tăng cường nghiên cứu khảo nghiệm, tuyển chọn các loại giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao để đưa vào sản xuất; ứng dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ nhằm nâng giá trị của sản phẩm…

Tiêu thụ nông sản qua hội chợ, diễn đàn, festival

Hà Nội mới cung ứng các sản phẩm nông lâm thủy sản của Hà Nội cơ bản đáp ứng đối với các sản phẩm thịt gia cầm, trứng gia cầm, các nông sản thực phẩm khác khả năng đáp ứng khoảng 60%. Lượng hàng hóa nông sản còn thiếu và các sản phẩm đặc sản vùng miền phục vụ nhu cầu đa dạng của người dân Thủ đô, khách du lịch được các kênh phân phối, doanh nghiệp, siêu thị, đơn vị Hà Nội khai thác từ các tỉnh, thành phố và một phần nhập khẩu.

Qua các hội chợ xúc tiến thương mại để đưa các sản phẩm nông sản an toàn đến tay người tiêu dùng

Nhằm nâng cao, chất lượng, an toàn thực phẩm sản phẩm nông lâm thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở xây dựng, áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiến tiến theo tiêu chuẩn quốc tế như: GlobalGAP, HACCP, ISO 22000 nhằm nâng cao chất lượng bảo đảm an toàn thực phẩm. Đến nay, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã hỗ trợ, hướng dẫn được 95 cơ sở xây dựng, áp dụng và được cấp chứng nhận chương trình quản lý chất lượng tiên tiến theo HACCP, 35 cơ sở xây dựng tiêu chuẩn cơ sở sản phẩm nông sản chế biến và 45 cơ sở được hướng dẫn xây dựng và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ).

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội thường xuyên phối hợp với các tỉnh, thành phố cung cấp, trao đổi các ấn phẩm, tài liệu tuyên truyền về phát triển nông nghiệp, công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Trong khuôn khổ chương trình phối hợp, trong năm 2023 nhiều hoạt động kết nối giao thương được các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố triển khai với trên 50 sự kiện, chương trình như: Hội nghị, diễn đàn, hội chợ; festival, tuần lễ kết nối, giới thiệu, trưng bày sản phẩm nông lâm thủy sản các tỉnh, thành phố tại Hà Nội...

Nhiều sản phẩm nông sản của các tỉnh, thành phố... được thông tin đến các đơn vị phân phối, siêu thị, chợ, cửa hàng trái cây, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tại Hà Nội để chủ động kết nối tiêu thụ. Hà Nội cũng tiếp tục thông tin, kết nối 1.130 đầu mối sản phẩm nông, lâm, thủy sản của của 45 tỉnh, thành phố đến các cơ sở, doanh nghiệp, đơn vị phân phối thực phẩm trên địa bàn thành phố.

Nhiều nông sản thực phẩm các địa phương được các đơn vị Hà Nội hỗ trợ đẩy mạnh xây dựng, quảng bá thương hiệu được người dân Hà Nội biết đến như: Sản phẩm thành phố Hà Nội (bưởi Diễn, gà đồi Ba Vì, gà mía Sơn Tây, giò chả Ước Lễ, gạo Bảo Minh...), sản phẩm tỉnh Yên Bái (gạo Séng cù, nếp Tú Lệ; cam Văn Chấn; thịt trâu, lợn gác bếp...). Tỉnh Lạng Sơn (na Chi Lăng, măng ớt, quế, hồi...); tỉnh Bắc Giang (vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế, mỳ chũ...); tỉnh Hòa Bình (cam Cao Phong, cá sông Đà, bưởi đỏ Tân Lạc, chuối Viba...); tỉnh Hải Dương (vải thiều Thanh Hà, cá Hải Dương...).

Thực tế cho thấy, việc kết nối nông sản, thực phẩm từ các tỉnh, thành phố đưa về Hà Nội tiêu thụ nhằm giải quyết bài toán tiêu sản phẩm, nhưng các địa phương cần chỉ đạo các đầu mối cung ứng cung cấp những thông tin cụ thể số lượng hàng hóa tới các tỉnh cũng như Hà Nội để liên kết các đầu mối cung cầu và phải coi trọng chất lượng nông sản, quy chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm để cung ứng cho thị trường.

Bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, chất lượng thực phẩm hàng hoá Tết được người dân đặc biệt quan tâm. Hiện nay các sở Công thương các địa phương đã gửi toàn bộ danh sách sản phẩm cần được kết nối, tiêu thụ mạnh trong dịp Tết về Sở Công thương Hà Nội. Chúng tôi cũng đã gửi cho các hệ thống phân phối để tập trung kết nối để đưa về Hà Nội những cái sản phẩm tốt nhất, chất lượng nhất phục vụ nhu cầu của người dân.

Theo hanoimoi.vn, baohungyen.vn

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top