Mặc dù chưa được cấp phép xây dựng nhưng chủ đầu tư dự án An Lạc Green Symphony (xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) vẫn khởi công xây dựng công trình và ủy quyền cho nhiều sàn môi giới bất động sản rao bán rầm rộ.
Cẩn trọng khi giao dịch
Khu đô thị An Lạc (An Lạc Green Symphony) tiền thân là dự án Khu đô thị Đại học Vân Canh, được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) giao Công ty CP Đầu tư An Lạc làm chủ đầu tư (năm 2007). Tổng diện tích giao chính thức là 597.902,6m2. Sau hơn 10 năm “đắp chiếu”, tháng 6/2020, TP. Hà Nội quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Theo đó, dự án bị điều chỉnh giảm gần 30.000m2, xuống còn 570.522m2, giao trả 2,44ha tại ô đất C1A và IIA trong dự án cho UBND huyện Hoài Đức quản lý.
Đầu năm 2021, sau khi “bất động” nhiều năm, dự án bất ngờ được rao bán trở lại trên các diễn đàn bất động sản, mạng xã hội. Đáng nói hơn, mặc dù dự án chưa mở bán chính thức nhưng đã gây nhiễu loạn thị trường thông qua các hoạt động booking - đặt chỗ, có dấu hiệu huy động vốn trái phép. Khảo sát trên google với từ khóa “bán dự án An Lạc Green Symphony”, ngay lập tức có khoảng 26.600.000 kết quả liên quan trả về chỉ trong 0,62 giây.
Cụ thể, thông tin quảng cáo tại website duananlacsymphony.com giới thiệu: Khu đô thị An Lạc Green Symphony có chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư An Lạc, vị trí tại xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội. Nhà thầu thi công là Công ty Hà Đô 23 và Hà Đô 45, quy mô dự án 70ha. Phân khu thấp tầng gồm 900 lô trong đó gồm: 362 căn liền kề, 210 căn nhà vườn, 328 căn song lập. Phân khu cao tầng gồm 20 tòa chung cư cao từ 21 - 33 tầng, số lượng 11.000 căn (từ 1 – 3 phòng ngủ). Hiện nhận đặt chỗ 200 triệu đồng/ lô không thưởng phạt.
Trao đổi với PV, một môi giới tại dự án cho biết: “Dự kiến chủ đầu tư tổ chức đợt giáp căn lần 2, khách hàng sẽ tiếp tục booking giữ chỗ tại dự án. Lần này, chủ đầu tư ra thêm hàng là các căn liền kề chân đế chung cư có diện tích nhỏ hơn đợt trước, khoảng chừng 80m2, giá dao động hơn 10 tỷ đồng/căn. Số tiền đặt cọc là 200 triệu đồng, bây giờ cũng đã nhận cọc rồi”.
Tuy nhiên, người này cũng cho biết thêm, có khách booking từ trước Tết, đến nay đã 5-6 tháng, do ảnh hưởng của dịch Covid - 19 nên chủ đầu tư chưa thể tổ chức giáp căn được, do vậy, đành om tiền ở đấy thôi chứ cũng không có cách nào khác.
Còn đối với khối chung cư, một nhân viên bán bất động sản thuộc Công ty CP Địa ốc AE (AE Land), đơn vị phân phối, khẳng định: “Chung cư thì tháng 6/2021 mới chính thức bán, giấy phép xây dựng thì đương nhiên đầy đủ rồi, thế nên chủ đầu tư mới tiến hành xây dựng. Chung cư đủ điều kiện bán rồi, nhưng họ muốn bán bớt biệt thự, nhà liền kề…, rồi mới bán tới chung cư”. Như vậy, khi khách hàng quan tâm tới Dự án An Lạc Green Symphony, nhất là dự án chung cư thì đều được nhân viên tư vấn bất động sản “hồn nhiên” báo đủ giấy phép và điều kiện giao dịch.
Trước thực trạng “nhộm nhoạm” này, đề nghị Sở Xây dựng Hà Nội, UBND huyện Hoài Đức và các ban, ngành liên quan sớm vào cuộc thanh - kiểm tra, làm rõ, đảm bảo quyền lợi của người dân, tránh xảy ra tình trạng giao dịch mua bán bất hợp pháp, huy động vốn trái phép tại dự án An Lạc Green Symphony.
Dự án chưa có giấy phép xây dựng
Tại dự án này, như Kinh tế nông thôn đã thông tin, ngày 27/4/2021, UBND huyện Hoài Đức ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Lạc do ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hội đồng quản trị, người đại diện theo pháp luật – chủ đầu tư dự án Khu đô thị mới An Lạc Green Symphony tại xã Vân Canh, huyện Hoài Đức do xây dựng công trình không phép.
Tìm hiểu được biết, ông Nguyễn Trọng Thông là Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Lạc, chủ đầu tư Khu đô thị mới An Lạc Green Symphony, đồng thời cũng là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hà Đô (mã ck HDG, niêm yết trên sàn chứng khoán TP. Hồ Chí Minh). Hình thức đặt cọc giữ chỗ tại An Lạc Green Symphony tương tự như hình thức đặt cọc giữ chỗ này từng được Tập đoàn Hà Đô áp dụng tại dự án Hà Đô Charm Villas tại xã An Thượng (Hoài Đức). Cụ thể, tại thời điểm cuối tháng 11/2020, khi chưa chính thức ra bảng hàng đợt tiếp theo thì các sàn phân phối đã đua nhau tư vấn cho khách hàng đặt cọc giữ chỗ với số tiền lên tới 200 triệu đồng/suất ưu tiên mua biệt thự.
Theo quyết định xử phạt, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Lạc bị phạt 40 triệu đồng do thực hiện hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng (GPXD), đồng thời yêu cầu chủ đầu tư trong vòng 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp GPXD. Hết thời gian này, chủ đầu tư không xuất trình được GPXD thì bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình vi phạm theo quy định.
Sau khi cấp giấy phép xây dựng, chủ đầu tư phải tháo dỡ công trình, phần công trình không phù hợp với giấy phép được cấp thì mới được thi công xây dựng.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, với mức phạt vi phạm hành chính chỉ 40 triệu đồng vì thi công không phép phần móng, hầm nhà cao tầng với diện tích hơn 6.000m2 là không đủ sức răn đe, dễ lặp lại những tình trạng tương tự.
Với quy mô vi phạm lên tới tới hàng nghìn mét vuông ngay tại Thủ đô, dư luận đặt câu hỏi, mức phạt 40 triệu đồng đối với hành vi vi phạm của chủ đầu tư khu đô thị An Lạc Green Symphony có quá nhẹ nhàng? Biết thi công không giấy phép là phạm luật thế nhưng chủ đầu tư vẫn ngang nhiên thi công, đây là hành vi thể hiện sự coi thường pháp luật?!
Trước sự việc này, để xảy ra sai phạm có trách nhiệm rất lớn của các cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương khi không giám sát hoặc giám sát mang tính hình thức, để cho chủ đầu tư ngang nhiên vi phạm.
Một số ý kiến cho rằng, có sự bao che của các cơ quan chức năng khi để vi phạm xảy ra ở quy mô lớn, không phát hiện từ đầu. Đặc biệt, việc chủ đầu tư bất chấp quy định pháp luật là hành vi đáng phải xử phạt nghiêm khắc.
Theo luật sư Nguyễn Vân Trường (Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh), việc cơ quan chức năng làm ngơ, để tồn tại các dự án vi phạm, người được hưởng lợi nhiều nhất là chủ đầu tư, là những tổ chức, cá nhân “bảo kê” cho sai phạm.
“Việc hợp pháp hóa các sai phạm đang khiến tình trạng vi phạm ngày càng nở rộ bởi nguồn lợi đến từ việc bán lúa non dự án cao hơn nhiều so với mức phạt. Do đó, cần siết chặt, nâng cao mức phạt đối với các công trình xây dựng không phép, tránh tình trạng chủ đầu tư cố tình vi phạm để được hợp thức hóa dự án, gây ảnh hưởng đến quy hoạch và hoạt động kinh doanh bất động sản”, vị luật sư cho biết.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, chủ đầu tư - Công ty CP Đầu tư An Lạc - đã gửi hồ sơ lên Sở để xin cấp phép xây dựng cho công trình chung cư An Lạc Green Symphony. Lý do công trình chưa được cấp phép là do dự án này đã có điều chỉnh quy hoạch, nên Sở Xây dựng đang phải chờ ý kiến từ Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội mới hoàn thành được thủ tục cấp phép. Sở Xây dựng cũng đã nhiều lần có văn bản trả lời nguyên nhân vì sao công trình chưa thể cấp giấy phép. |
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.