Tại hai khoảnh 19, 20, thôn Nà Ó, xã An Lạc (Sơn Động - Bắc Giang), có 11 cây gỗ lim xanh thuộc loài nguy cấp, quý hiếm nhóm IIa ở Phân ban Khe Rỗ do Ban quản lý bảo tồn Tây Yên Tử quản lý bị các đối tượng chặt hạ với tổng trữ lượng 7,687m3. Đây được đánh giá là vụ khai thác gỗ trái phép trong rừng đặc dụng có mức độ nghiêm trọng trong thời gian gần đây tại Bắc Giang.
Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang báo cáo về 11 cây lim xanh thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm bị chặt.
Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Động và Ban quản lý bảo tồn Tây Yên Tử, tại 2 khoảnh 19, 20 thôn Nà Ó, 12 cây gỗ đã bị chặt hạ trái phép với trữ lượng 9,952m3. Trong đó, có 11 cây gỗ lim xanh thuộc loài nguy cấp, quý hiếm nhóm IIa có đường kính gốc từ 30-45cm, trữ lượng 7,687m3 và 1 cây sến thuộc nhóm II có đường kính gốc 60cm, trữ lượng 2,265m3.
Thời điểm xảy ra vụ việc vào khoảng cuối tháng 9/2017 và cuối tháng 10/2017. Điều đáng nói là, cơ quan quản lý là Ban quản lý bảo tồn Tây Yên Tử biết về vụ việc nhưng chưa có biện pháp xử lý, chưa báo cáo UBND huyện Sơn Động và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Giang theo quy định.
Sau khi biết 12 cây gỗ bị chặt hạ, ngày 7/11/2017, ông Dương Văn Thái, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cùng lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Công an tỉnh, Huyện uỷ, UBND huyện Sơn Động và các lực lượng chức năng đã tổ chức đi kiểm tra thực tế, đánh giá mức độ thiệt hại để có hướng chỉ đạo xử lý.
Theo ông Thái, đây là vụ phá rừng đặc dụng rất nghiêm trọng, huyện Sơn Động đã không báo cáo kịp thời dẫn tới bức xúc trong nhân dân và dư luận. Ông Thái phê bình ông Đỗ Viết Quyền, Giám đốc Ban quản lý bảo tồn Tây Yên Tử đã không thực hiện tốt công tác bảo vệ diện tích rừng được giao quản lý, ông Quyền phải chịu trách nhiệm trực tiếp khi để xảy ra các vụ phá rừng trong phạm vi quản lý.
Ông Thái đề nghị Ban quản lý bảo tồn Tây Yên Tử kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra các vụ chặt phá rừng trái phép trong thời gian vừa qua. Xây dựng kế hoạch về công tác quản lý, bảo vệ rừng trong thời gian tới, trong đó xác định địa bàn trọng điểm để bố trí lực lượng phù hợp, đảm bảo không để xảy ra các vụ chặt phá rừng tương tự.
Công an huyện Sơn Động tập trung lực lượng nắm bắt địa bàn, tích cực điều tra, tìm ra đối tượng chặt phá rừng trong khu bảo tồn Khe Rỗ vừa xảy ra; đẩy nhanh tiến độ điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can, xử lý nghiêm minh đối với các đối tượng chặt phá rừng trái phép và các vụ đốt, phá rừng tự nhiên trên địa bàn huyện Sơn Động thời gian vừa qua.
Thông báo Kết luận của ông Dương Văn Thái, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang trong buổi kiểm tra về công tác quản lý bảo vệ rừng, nơi 11 cây lim xanh thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm bị chặt hạ.
Theo ông Hà Minh Quý, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Giang, đây là vụ khai thác gỗ trái phép có mức độ nghiêm trọng. Năm 2015, tại Ban quản lý bảo tồn Tây Yên Tử cũng xảy ra vụ khai thác trái phép, sau đó được dập tắt, năm nay lại xảy ra. Thông tin ban đầu cho thấy, có dấu hiệu của sự tiếp tay, thông đồng dẫn tới gỗ bị khai thác trái phép. Hiện, Công an huyện đang điều tra làm rõ.
Được biết, Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Động đã nghiêm túc rút kinh nghiệm khi để xảy ra khai thác gỗ trái phép, đồng thời tăng cường 4 cán bộ cho Ban quản lý bảo tồn Tây Yên Tử tổ chức bảo vệ rừng. Cùng với đó, Ban quản lý bảo tồn Tây Yên Tử cũng đã kiểm điểm trách nhiệm đối với các cá nhân, tập thể khi để xảy ra tình trạng khai thác gỗ trái phép. Hiện, Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang đang xem xét hình thức kỷ luật đối với các tổ chức, cá nhân nêu trên theo quy định của pháp luật.
Trao đổi với phóng viên, ông Nghiêm Xuân Hưởng, Bí thư Huyện ủy Sơn Động, cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái, hiện Công an huyện đang điều tra, truy tìm các đối tượng chặt hạ 12 cây gỗ tại thôn Nà Ó, sớm đưa ra xử lý trước pháp luật.
Cùng với đó, huyện đang yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân UBND xã An Lạc khi để xảy ra tình trạng khai thác rừng trái phép. Thời gian tới, huyện sẽ tích cực triển khai Nghị quyết số 249/NQ-TU ngày 1/11/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Gần đây, Báo Kinh tế nông thôn đã có nhiều bài viết về công tác quản lý, bảo vệ rừng tại huyện Sơn Động. Tuy nhiên, một thực trạng đang diễn ra ở đây là, việc khai thác gỗ trái phép vẫn diễn ra, nhiều diện tích rừng bị phá. Phải chăng UBND tỉnh Bắc Giang chưa có giải pháp hữu hiệu để bảo vệ rừng?
Hoàng Văn
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.