KTNT - Lợi dụng dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa qua, một nhóm đối tượng xăm trổ tự xưng là “chủ mới” của Nhà máy thức ăn chăn nuôi Amsterdam (xã Song Khê, TP. Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) đã đến rào cổng, phá hoại tài sản, phá hoại sản xuất, chiếm đoạt tài sản và đánh người gây thương tích.
Dư luận bức xúc và đặt câu hỏi: Liệu rằng lối hành xử mang tính xã hội đen giữa thanh thiên bạch nhật tại trung tâm tỉnh Bắc Giang có bắt nguồn từ việc “bắt tay thỏa thuận ngầm” giữa Công ty CP Tập đoàn dinh dưỡng Miền Bắc (xã Ngọc Thiện, huyện Tân Yên, Bắc Giang) với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Bắc Giang, hay sự làm ngơ của chính quyền sở tại?
Hàng hóa và mọi hoạt động sản xuất của nhà máy bị ngưng trệ hoàn toàn.
Ông Trần Mạnh Linh, Giám đốc Nhà máy thức ăn chăn nuôi Amsterdam, cho biết: Ngày 27/4/2016, một người tự xưng là Hoàng Văn Cảnh, Giám đốc Công ty CP Tập đoàn dinh dưỡng Miền Bắc, dẫn theo khoảng 30 người, gồm 10 người mang trang phục vệ sỹ của Công ty TNHH Bảo vệ Golden, số còn lại là thanh niên không rõ lai lịch xông vào tuyên bố tiếp quản toàn bộ nhà máy, đồng thời cưỡng chế dừng mọi hoạt động sản xuất, khóa cửa kho xưởng và niêm phong toàn bộ.
Giấy niêm phong có đóng dấu và ký tên ông Hoàng Văn Cảnh cùng khóa được giăng kín 4 mặt khu xưởng sản xuất.
Ngày hôm sau, toàn bộ cán bộ và công nhân viên Nhà máy thức ăn chăn nuôi Amsterdam bị đuổi ra ngoài, đồng thời các đối tượng được cắt cử trấn giữ các vị trí chủ chốt, dùng dây xích khóa cửa kho xưởng, khóa phòng làm việc của lãnh đạo, dùng xe ô tô chặn cổng, tiếp đến là dán giấy niêm phong có đóng dấu của Công ty CP Tập đoàn dinh dưỡng Miền Bắc. Đến ngày 2/5, ông Cảnh dẫn theo khoảng 30 người, mang theo băng rôn, dây xích, giấy tờ niêm phong, khóa, công cụ khác, cho người ăn nằm trên bàn làm việc của giám đốc nhà máy, thậm chí xâm hại đến sức khỏe ông Linh khiến ông bị thương tích phải nhập viện.
Cũng theo ông Linh, nhà máy hoàn toàn bất lực trước hành vi của nhóm người này, trong khi không nhận được sự trợ giúp từ chính quyền. Từ ngày 27/4/2016 đến nay, Nhà máy thức ăn chăn nuôi Amsterdam bị tê liệt hoàn toàn. Theo tính toán sơ bộ, nhóm đối tượng nêu trên đã gây thiệt hại cho nhà máy hàng tỷ đồng, một số tài sản bị các đối tượng đập phá, chiếm đoạt, chưa kể thiệt hại về uy tín, mất hệ thống khách hàng,... Hành vi của nhóm đối tượng nêu trên không chỉ gây thiệt hại cho Nhà máy thức ăn chăn nuôi Amsterdam mà còn gây thiệt hại cho các đơn vị gia công, liên kết với nhà máy.
Ông Giáp Văn Ngà - một khách hàng lớn, đến lấy hàng để giao cho khách nhưng không được, gây thiệt hại cho anh cả trăm triệu đồng và nguy cơ mất khách hàng.
Trong đơn trình báo Công an TP.Bắc Giang, ông Giáp Văn Ngà, Giám đốc kỹ thuật Công ty TNHH An Châu Việt Nam, cho biết: Chúng tôi là đơn vị gia công tại Nhà máy thức ăn chăn nuôi Amsterdam, không có hiềm khích với ông Cảnh và nhóm đối tượng, thế nhưng họ ngang nhiên chiếm đoạt tài sản, giấy tờ, con dấu, nguyên liệu của chúng tôi, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Sau khi “chiếm” xong Nhà máy thức ăn chăn nuôi Amsterdam, chiều 27/4/2016, BIDV Bắc Giang mới có Thông báo số 063/BIDV.BG-KHCN (đề ngày 27/4/2016) về việc bán dứt điểm cho Công ty CP Tập đoàn dinh dưỡng Miền Bắc quyền thu nợ đối với Công ty CP Chế biến nông sản thực phẩm Bắc Giang, trong đó có Nhà máy thức ăn chăn nuôi Amsterdam. Tuy nhiên, theo ông Linh, trước đó BIDV Bắc Giang chưa có một thông báo nào cho nhà máy. Còn Công ty CP Tập đoàn dinh dưỡng Miền Bắc cũng chưa từng thông báo cho lãnh đạo nhà máy biết. Mặt khác, BIDV Bắc Giang và Công ty CP Chế biến nông sản thực phẩm Bắc Giang vẫn đang là nguyên đơn và bị đơn trong vụ án tranh chấp Hợp đồng tín dụng tại Tòa án tỉnh Bắc Giang mà tòa án chưa có phán quyết sơ thẩm.
Đội công nhân không được vào làm việc.
Liên quan đến vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Văn Tú, Giám đốc Công ty luật Fanci. Theo luật sư Tú: Quyền thu nợ là một quyền tài sản, do vậy được phép giao dịch tự do theo pháp luật. BIDV có quyền thu nợ đối với Công ty CP Chế biến nông sản thực phẩm Bắc Giang thì họ có quyền giao bán quyền này và thương vụ mua bán nợ giữa BIDV với Công ty CP Tập đoàn dinh dưỡng Miền Bắc diễn ra ngày 27/4/2016 thành công. Tuy nhiên, quyền tài sản và các tài sản hữu hình có trong Nhà máy thức ăn chăn nuôi Amsterdam thuộc Công ty CP Chế biến nông sản thực phẩm Bắc Giang là hai đối tượng độc lập. Công ty CP Tập đoàn dinh dưỡng Miền Bắc là chủ nợ chứ không phải là chủ các tài sản có trong nhà máy này.
Do lầm tưởng vị trí chủ nợ đồng nghĩa là chủ tài sản nên Công ty CP Tập đoàn dinh dưỡng Miền Bắc, mà cụ thể là ông Giám đốc, đã thực hiện hàng loạt hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Tổ chức lực lượng cưỡng chế sự hoạt động bình thường của nhà máy, xâm phạm tài sản của con nợ và đối tác của con nợ, rồi không kiểm soát được tình hình xâm phạm cả tự do và sức khỏe của người khác, xâm phạm trật tự giao thông, trật tự công cộng.
Đội vệ sĩ phong tỏa nhà máy.
Phóng viên đã liên lạc với lãnh đạo Công an TP.Bắc Giang thì nhận được câu trả lời, vụ việc đã có phán quyết của tòa án (?!). Công an chỉ làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự phía ngoài.
Trước thực trạng này, dư luận đặt câu hỏi: Liệu có sự “bắt tay” giữa BIDV Bắc Giang với Công ty CP Tập đoàn dinh dưỡng Miền Bắc và chính quyền địa phương hay không, mà ông Cảnh lại dám hành xử theo kiểu “luật rừng” như vậy? Trong khi đó, nạn nhân bất lực và kêu cứu thì chính quyền gần như không có phản ứng hỗ trợ gì?
Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Nhóm PV
Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected]. |
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.