KTNT - Là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh Bắc Giang, dự án sân golf Yên Dũng do Công ty cổ phần QNK Bắc Giang làm chủ đầu tư, dự kiến cuối năm 2016 hoàn thành và đi vào hoạt động. Mới khởi công xây dựng, dự án này đã bộc lộ bất cập, thậm chí sai phạm trong quá trình triển khai, đặc biệt là việc chính quyền “phớt lờ” ý kiến của người dân trong việc đền bù khiến mâu thuẫn bùng phát.
Để xây dựng dự án sân golf Yên Dũng, nhiều đồi cây bị chặt phá không thương tiếc.
Phá nhà dân mà không thông báo trước?
Tại xã Tiền Phong (huyện Yên Dũng), nằm trong dự án sân golf, có 8,3ha đất nằm ven hồ Bờ Tân thôn Bình An, được gia đình ông Lương Văn Nam (trú tại thôn Quyết Tiến) ký hợp đồng nhận thầu với thôn và nhận chuyển nhượng của 4 hộ dân xung quanh hồ, gộp lại cả diện tích nhận hồ và diện tích nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất xung quanh hồ khi tiến hành đo đạc là 7,7ha (sau này đo bằng máy là 8,3ha). Hợp đồng này đã được ông Nguyễn Văn Diện lúc đó là Phó Chủ tịch UBND xã Tiền Phong xác nhận hai bên đã thực hiện đúng theo hợp đồng đã thỏa thuận. Tuy nhiên, khi được ông Nam yêu cầu giải quyết thỏa đáng quyền lợi 2,3ha đất nằm trong 8,3ha đất trên, các cơ quan chức năng huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang lại quả quyết cho rằng toàn bộ 2,3ha đất đó là đất công ích chứ không phải đất trồng cây như đòi hỏi của ông Nam.
Trong khi tranh chấp đền bù chưa được giải quyết, trưa 1/6/2016, một nhóm người lạ đã đến khu vực đang tranh chấp đập phá nhà cửa của anh em ông Lương Văn Nam và ông Lương Văn Vân trên khu đất này.
6.000 cây lấy gỗ của gia đình ông Lương Văn Nam bị chặt phá.
Vẻ mặt thất thần, ông Vân kể, trưa 1/6, gia đình ông đang ăn cơm trưa thì nhận được tin báo nhà ngoài khu hồ Bờ Tân bị phá. “Trước khi họ tiến hành phá nhà tôi, gia đình không nhận được bất cứ quyết định cưỡng chế phá dỡ nào từ phía chính quyền địa phương”, ông Vân khẳng định.
Trước đó, theo phản ánh của ông Nam, vào ngày 15/3/2016, Ban GPMB huyện Yên Dũng đã cho chặt phá gần như toàn bộ cây trồng trên diện tích 8,3ha, bao gồm khoảng 6.000 cây lấy gỗ mà không có thông báo trước, lấn chiếm vào đất của gia đình trái pháp luật.
Ông Thế Chung, Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường - Tổ trưởng Tổ GPMB đã có văn bản trả lời người dân bằng cách vin vào các văn bản trước đó. Tuy nhiên, tại Thông báo số 12-TB/VPTU ngày 04/11/2015 của Văn phòng Tỉnh ủy Bắc Giang và Thông báo số 240/TB-UBND của UBND tỉnh Bắc Giang lại không hề có nội dung chỉ đạo UBND huyện Yên Dũng và nhà đầu tư dự án chặt hạ cây của hộ gia đình ông Nam (Thành) để phục công tác GPMB và thi công dự án.
Điều khiến dư luận bức xúc là, phải chăng chính quyền huyện Yên Dũng đã lạm quyền khi lợi dụng các thông báo của tỉnh, “bật đèn xanh” cho nhà đầu tư chặt khoảng 6.000 cây của gia đình ông Nam ?
Mặc cho còn nhiều vướng mắc trong GPMB, dự án vẫn được lệnh cấp tập triển khai.
Cuộc sống người dân sẽ ra sao ?
Trái ngược với sự hồ hởi của một nhóm lợi ích trong xã hội thì người dân vô cùng bức xúc về cách bồi thường và GPMB của dự án này.
Câu hỏi đặt ra, hiệu quả của việc xây dựng sân golf là gì? Ai sẽ là người hưởng lợi, phạm vi ảnh hưởng? Sau khi bị tỉnh thu hồi đất sản xuất để phục vụ dự án sân golf, hàng ngàn nông dân ở xã Tiền Phong sẽ làm gì để kiếm sống? Trong số hàng ngàn người nông dân này sẽ có bao nhiêu người được tuyển vào làm việc ở sân golf này?
Ngày 2/6, có mặt tại hiện trường, đập vào mắt chúng tôi là cảnh đồi núi bị đào bới tan hoang, cây cối bị chặt phá nằm ngổn ngang. Dưới chân núi, hàng chục chiếc máy xúc, máy ủi, xe ben đang hoạt động. Cũng cần phải nói thêm rằng, tại dự án xây dựng sân golf Yên Dũng, hoạt động khai thác đất diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật, chỉ cách UBND xã Tiền Phong chừng 1km. Một máy xúc cỡ lớn liên tục đào xới, múc đất lên thùng những xe ô tải đang nằm chờ. Sau khi đầy thùng, các xe này rời đi nhường chỗ cho các chuyến xe khác.
Vệt bánh xe chạy nham nhở trên nền đất đá mới bị đào sới.
Máy xúc, máy ủi thi nhau móc đất đồi.
Múc xúc hạng nặng vô tư múc đất cho lên xe tải, rồi chở đi đâu không ai biết.
Hàng ngày, hàng chục chiếc xe tải cỡ lớn di chuyển trên con đường vào dự án.
Bụi mịt mù trên tuyến đường mà các xe chở đất này chạy qua.
Dọc theo các tuyến đường vào công trường, bùn đất rơi vãi, bụi bay mù mịt. Hoạt động vận tải này không được che chắn như quy định đã làm đất rơi xuống đường, mưa xuống gây lầy lội, trơn trượt, nắng lên thì bụi mịt mù trên tuyến đường mà các xe chở đất này chạy qua. Có hay không việc lợi dụng dự án để đưa phương tiện, máy móc vào khai thác đất chở đi công khai và làm cho đường vào dự án bị băm nát, môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống, sinh hoạt của bà con nơi đây?
Báo Kinh tế nông thôn tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Duy Cảnh
Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected]. |
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.