Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ năm, ngày 6 tháng 11 năm 2014 | 11:11

Bắc Kạn: Đem mỏ vàng nghìn tỷ “dâng” nhà thầu “bết bát”?

KTNT - Công ty CP Khoáng sản Na Rì Hamico là doanh nghiệp tốp đầu (đứng thứ 2 trong 9 doanh nghiệp) trong việc nợ thuế và phí môi trường tại tỉnh Bắc Kạn. Nhưng không hiểu vì sao, Hội đồng tuyển chọn vẫn chấm doanh nghiệp này là đơn vị thăm dò mỏ vàng Pác Lạng.
 
Tiền thân Tổng công ty CP Khoáng sản Na Rì Hamico là Doanh nghiệp tư nhân Sơn Trang, được thành lập ngày 1/2/2002. Đến ngày 23/7/2008, chuyển đổi thành Tổng công ty CP Xây dựng – Khoáng sản Sơn Trang và chính thức chuyển đổi thành Tổng Công ty CP Khoáng sản Na Rì Hamico vào ngày 16/10/2009, có địa chỉ tại tổ 12, phường Nguyễn Thị Minh Khai, thị xã Bắc Kạn.
 
Theo nguồn thông tin phóng viên thu thập được, tính đến ngày 22/8/2013, Na Rì Hamico đứng thứ 2 trong 9 “con nợ thuế và phí môi trường” tại tỉnh Bắc Kạn, cụ thể là: Thuế còn nợ 23.038,3 triệu đồng, phí môi trường còn nợ 1.903,6 triệu đồng, tiền phạt án nợ 5.687,0 triệu đồng, tổng nợ là 30.628,9 triệu đồng.
 
Tại mục 2 Thông báo số 101/TB-UBND ngày 20/8/2014 của UBND tỉnh Bắc Kạn về việc thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp phát triển công nghiệp năm 2014 cũng nêu rõ: Đồng ý cho Công ty CP Khoáng sản Na Rì Hamico được vận chuyển và tiêu thụ quặng sắt tại mỏ Pù Ô trong thời hạn một tháng để tháo gỡ tình trạng khó khăn về tài chính của công ty, yêu cầu công ty nộp ngay các khoản nợ thuế và phạt chậm nộp năm 2013 trên địa bàn huyện Chợ Đồn là 2,47 tỷ đồng”.
 

Nhiều dấu hỏi lớn đặt ra, Na Rì Hamico có đủ năng lực để gánh vác dự án nghìn tỷ này?
 
Là doanh nghiệp nợ nần “bết bát” là vậy, nhưng lại được coi là đơn vị đủ năng lực tài chính để tiến hành khai thác mỏ vàng Pác Lạng, khiến dư luận đặt nhiều dấu hỏi.
 
Được biết, dự án khai thác mỏ vàng nghìn tỷ là dự án trọng điểm về kinh tế của tỉnh Bắc Kạn. Để chọn đơn vị đầu tư, UBND tỉnh Bắc Kạn thành lập Hội đồng lựa chọn tổ chức thăm dò mỏ vàng Pác Lạng. Hội đồng này gồm hầu hết các nhân vật quan trọng của tỉnh Bắc Kạn như Chủ tịch UBND (Chủ tịch Hội đồng), Giám đốc Sở TNMT (Phó chủ tịch thường trực Hội đồng), các Phó Giám đốc Sở Công Thương, Tài chính, Phó trưởng phòng Cảnh sát môi trường …
 
Ngày 16/4/2014, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ra Thông báo số 43/TB-UBND về việc công bố tiêu chí lựa chọn tổ chức cấp phép thăm dò mỏ vàng Pác Lạng. 
 
Ngày 4/8/2014, Hội đồng đã xem xét hồ sơ và quyết định chọn Công ty CP khoáng sản Na Rì Hamico là đơn vị được cấp phép thăm dò mỏ vàng Pác Lạng, với 8/8 phiếu thuận. Đáng chú ý là phiên họp quan trọng này vắng mặt 4 thành viên, trong đó có Chủ tịch Hội đồng lựa chọn là ông Lý Thái Hải - Chủ tịch UBND tỉnh, ông  Ma Trương Thiêm - Giám đốc Sở TNMT…
 
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nếu lấy Thông báo số 43/TB-UBND của UBND tỉnh Bắc Kạn làm tiêu chí để lựa chọn thì việc Hội đồng lựa chọn Công ty CP khoáng sản Na Rì Hamico là đơn vị trúng tuyển lại dường như không hề căn cứ theo tiêu chí này. 
 
1 trong 6 tiêu chí theo Thông báo số 43/TB-UBND là:  “tổ chức, cá nhân đã tham gia vốn đầu tư điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản ở khu vực dự kiến cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản”. Công ty CP Khoáng sản Na Rì Hamico là đơn vị được tỉnh công bố lựa chọn thăm dò mỏ Pác Lạng lại không đáp ứng được tiêu chí này. 
 
Liên quan đến hồ sơ chứng minh tài chính, nhiều ý kiến cũng cho biết, Na Rì Hamico có những vấn đề liên quan đến tài chính. Cụ thể, không đáp ứng tiêu chí của mục 4 trong Thông báo số 43/TB-UBND ngày 16/4/2014 của UBND tỉnh Bắc Kạn. 
 
Hội đồng lựa chọn tổ chức thăm dò mỏ vàng Pác Lạng với đầy đủ ban bệ, nhưng dường như lại có những dấu hiệu cho thấy sự “ưu ái” dành cho Công ty CP Na Rì Hamico, khiến dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng đang tồn tại một thứ “quan hệ ngầm” giữa doanh nghiệp và Hội đồng để đổi lại sự “ưu ái” này?

UBND tỉnh Bắc Kạn nói gì về sự việc, tại sao Na Rì Hamico có thể lọt "mắt xanh" của Hội đồng tuyển chọn.

Báo Kinh tế nông thôn tiếp tục thông tin./.
 
Năm 2008, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Quy định về chính sách ưu đãi áp dụng đối với các dự án khuyến khích đầu tư phát triển du lịch tại Quyết định số 2758/2008/ QĐ-UBND ngày 25/12/2008. Theo đó, ngoài việc được khai thác một mỏ vàng, doanh nghiệp còn được tỉnh bỏ tiền ra xây dựng giúp cơ sở hạ tầng. Công ty TNHH Hùng Dũng - công ty “con” của Công ty CP Khoáng sản Na Rì Hamico được nhận một mỏ vàng có trữ lượng cao là mỏ vàng Nà Làng, xã Lương Thượng, huyện Na Rì. 
 
Tuy nhiên, sau khi ra sức tận thu mỏ vàng Nà Làng, dự án Khu đón tiếp Buốc Lồm biến nơi đây thành một công trường ngổn ngang, bừa bãi, ảnh hưởng nghiêm trọng tới con đường chính đi vào Khu du lịch hồ Ba Bể. Qua nhiều năm, với nhiều lần đổi tên  từ Công ty Hùng Dũng đã biến hình (đổi tên đăng kí kinh doanh) thành Công ty CP Đồng Vàng, đến nay (6 năm qua) là Công ty CP Khoáng sản và Luyện kim Bắc Á nhưng dự án vẫn ngổn ngang.
Thanh Thắng (TH)
 
Thành Vinh
KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top