KTNT- Theo lịch tiếp công dân của UBND huyện Tiên Du (Bắc Ninh), hàng tháng UBND huyện tổ chức 02 buổi tiếp công dân (1 và 15). Tuy nhiên, ngày 01/11/2013, UBND huyện Tiên Du đã không thực hiện tốt công tác tiếp dân khiến nhiều người dân bức xúc.
Trước đó, ngày 15/10, Chủ tịch UBND huyện Tiên Du Nguyễn Minh Hải đã thực hiện lịch tiếp công dân tại xã Phú Lâm (huyện Tiên Du) về dự án nhà máy xử lý rác thải và hứa sẽ có văn bản trả lời vào kỳ tiếp công dân lần sau (01/11). Tuy nhiên, đến ngày 01/11, hơn 500 công dân xã Phú Lâm đến UBND huyện Tiên Du nhưng Chủ tịch UBND huyện không xuất hiện mà giao cho Phó chủ tịch UBND huyện Trần Quang Ứng tiếp. Ngoài ra, UBND huyện không tiếp tất cả người dân mà chỉ tiếp đại diện 05 người.
Ông Nguyễn Hữu Mạnh, Phó chủ tịch UBND huyện Tiên Du (ngoài cùng bên phải)
cho rằng do bận họp nên Chủ tịch UBND huyện không tiếp được công dân.
Ông Nguyễn Hữu Mạnh, Phó chủ tịch UBND huyện Tiên Du cho biết: “Sáng nay, Chủ tịch phải họp thường vụ Huyện ủy nên có giao cho Phó chủ tịch UBND huyện Trần Quang Ứng tiếp công dân. Sáng nay, cũng có cuộc họp của Hội Nạn nhân chất độc da cam –dioxin nên không thể mời công dân vào hội trường được…”.
Chiều ngày 01/1, hàng trăm người dân, trong đó có nhiều người già vẫn ngồi la liệt ngoài sân, gốc cây, hàng rào UBND huyện. Bà Nguyễn Thị Vần, thôn Tam Tảo (Phú Lâm) cho biết: “Hôm nay có lịch tiếp công dân nên chúng tôi mới đến đây, ai ngờ Chủ tịch UBND huyện không tiếp, người dân cũng không được vào hội trường ngồi. Phó chủ tịch tiếp thì cũng chỉ nói sẽ xin ý kiến lãnh đạo, chứ không quyết được gì cả nên chúng tôi không chịu. Nhiều người già vẫn phải ngồi phơi nắng từ sáng đến giờ...”.
Hàng trăm người dân phải ngồi phơi nắng ngoài sân.
Trong khi Hội trường UBND huyện để trống nhưng lãnh đạo
huyện không cho công dân vào.
Phóng viên có mặt tại Phòng tiếp công dân, ông Trần Quang Ứng, Phó chủ tịch UBND huyện và cán bộ phòng, ban chức năng có mặt tại phòng nhưng công dân không vào.
Cách Phòng tiếp dân khoảng 10m là hội trường của UBND huyện nhưng “cửa đóng, then cài”. Người dân cho biết, chiều nay hội trường không họp, để phòng trống nhưng lãnh đạo huyện không mời người dân vào.
Luật sư Vi Văn A, Trưởng văn phòng Luật sư số 07 (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết: Theo Điều 30, Thông tư số 07/2011/TT-TTCP ngày 28/7/2011 của Thanh tra Chính phủ “Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước có trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân theo định kỳ quy định tại Điều 74 và Điều 76 của Luật Khiếu nại, tố cáo. Trường hợp cần thiết vì lý do khách quan thì giao cho cấp phó tiếp và thông báo công khai cho công dân biết người được thay mặt tiếp công dân. Khi tiếp công dân thì Thủ trưởng cơ quan hành chính Nhà nước phải có ý kiến trả lời về việc giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân. Nếu chưa trả lời ngay được thì phải thông báo rõ thời gian giải quyết và thời gian trả lời công dân. Trong trường hợp công dân có khiếu nại, tố cáo gay gắt, phức tạp thì thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước bắt buộc phải tiếp công dân”.
Dự thảo luật Tiếp công dân mà Quốc hội vừa thảo luận quy định: Chủ tịch UBND xã phải tiếp công dân ít nhất 1 ngày/tuần, chủ tịch huyện 2 ngày/tháng; chủ tịch tỉnh, bộ trưởng 1 ngày/tháng. Góp ý dự thảo luật, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng: “Chúng ta nên quan tâm tới cơ sở vật chất để phục vụ tiếp công dân nhưng không nên quá chú trọng địa điểm tiếp công. Vấn đề phòng ốc khang trang người dân không cần. Làm sao địa điểm đó thuận tiện, có đủ ghế cho dân ngồi, không để nhếch nhác. Cái cần là tập trung lắng nghe, không thờ ơ, không vô cảm, không làm việc riêng khi tiếp công dân”. Đại biêu Huỳnh Văn Tiếp phản ánh: "Ở nhiều nơi cán bộ còn phiền hà, sách nhiễu, không lắng nghe, thiếu trách nhiệm trong ghi chép tiếp nhận đơn thư, không trung thực trong tham mưu đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết, góp phần dẫn đến oan sai, bức xúc trong dân".
Duy Phong
KTNT