Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 11 tháng 10 năm 2019 | 13:27

Bắc Tân Uyên: Cơ quan chức năng “đá bóng” trách nhiệm, dân bức xúc

Ông Nguyễn Văn Tâm (khu phố Ba Đình, phường Thái Hòa, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) phản ánh về việc ông bị lấn chiếm một diện tích khá lớn nhưng chính quyền và ngành chức năng chưa giải quyết dứt điểm.

tr15t.jpg
Ông Nguyễn Văn Tâm phản ánh việc ông  bị lấn chiếm diện tích đất khá lớn.

 

Báo Kinh tế nông thôn nhận được đơn của ông Nguyễn Văn Tâm (khu phố Ba Đình, phường Thái Hòa, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) phản ánh về việc ông bị lấn chiếm một diện tích khá lớn nhưng chính quyền và ngành chức năng chưa giải quyết dứt điểm, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và đời sống của gia đình ông.

Mua đất hợp pháp

Năm 2003, ông Tâm mua thửa đất diện tích 19.984m2 của bà Trần Thị Kim Oanh (trú tại TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương). Thửa đất được cấp sổ đỏ mang số hiệu K7958801 ngày 2/12/1997 (vào sổ cấp QSDĐ số 03289/QSDĐ/QSDĐ/TU).

Cũng trong năm 2003, ông Tâm mua của ông Nguyễn Văn Đô (trú tại thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) thửa đất 459-460 thuộc tờ bản đồ 16, diện tích 40.675m2. Thửa đất được cấp sổ đỏ ngày 12/7/2002 và ghi vào sổ cấp giấy chứng nhận QSDĐ số 01433/QSDĐTU.

Hai thửa đất này nằm trên địa bàn ấp 3, xã Thường Tân, huyện Tân Uyên (nay là huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương).

Việc ông Tâm mua đất của bà Oanh và ông Đô là hoàn toàn hợp pháp. Ông Tâm đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với việc chuyển nhượng diện tích đất nêu trên.

Tuy nhiên, nhiều năm qua, ông Tâm tiến hành các thủ tục sang tên nhưng không được vì lý do ông Ngô Mạnh Hồng (Giám đốc chi nhánh Công ty cổ phần Khai thác đá Thành Lễ) có dấu hiệu gian dối, lấn chiếm đất của ông Tâm.

Là doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực khai thác vật liệu xây dựng, ông Tâm được UBND tỉnh Bình Dương cấp Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản số 3/GP-UB ngày 20/ 5/2002. Đây là cơ sở pháp lý cho doanh nghiệp có điều kiện hoạt động kinh tế và cam kết thực hiện bảo vệ tài nguyên và môi trường. Tuy đã có mặt bằng khai thác và giấy phép khai thác tài nguyên, nhưng ông Tâm bị ngăn cản và lôi vào việc tranh chấp đất mà ông đã mua đúng pháp luật khiến mọi kế hoạch của ông không thực hiện được. Nhiều diện tích đất thuộc quyền sử dụng của ông Tâm bị người khác lấn chiếm bất hợp pháp.

Lấn chiếm cả đất công lẫn đất tư

Theo phản ánh của ông Tâm, trong khi ông đang chuẩn bị phương tiện kỹ thuật và cơ sở vật chất để khai thác vật liệu xây dựng  thì ông Hồng vô cớ nhảy vào lấn chiếm đất và khai thác đất đá.

Lợi dụng sự buông lỏng quản lý đất đai và tài nguyên của địa phương, ông Hồng đã chiếm con đường giao thông nông thôn hình thành từ vài chục năm trước của xã Thường Tân với diện tích 3.000m2 để khai thác đá, sỏi. Ông Tâm cho biết, tại khu vực này , ông Hồng đã lấn chiếm cả đất công (đường giao thông nông thôn) và đất ông Tâm với diện tích lên đến 14.000m2. Riêng phần diện tích lấn chiếm hơn 8.000m2 thửa đất của ông Tâm đã được ngụy biện là đất hoán đổi cho xã.

Sau khi ông Tâm phản ánh thì các thửa đất của ông Tâm đã được các cơ quan chức năng liên quan đo đạc nhiều lần nhưng mỗi lần đo lại cho ra một kết quả khác nhau.

Năm 2015 , Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Bắc Tân Uyên đo đạc lại hiện trạng đất của ông Tâm. Qua kết quả đo đạc  thấy diện tích thửa đất còn 8.949,4m2, “biến mất” 11.034.6m2. Hình dáng thửa đo vẽ lại thể hiện trên bản đồ khác xa hình dáng trước đây được cấp sổ đỏ diện tích 19.984m2. Toàn bộ thửa đất này đã bị diện tích đất của Công ty Hóa An vây quanh.

Đối với thửa đất 459-460 thuộc tờ bản đồ 16  bị ông Hồng lấn chiếm bằng cách dịch chuyển con đường giao thông nông thôn lấn sâu vào 15 mét vùng đất ông Tâm, tạo cung đường gấp khúc có dạng hình chữ L với diện tích lấn chiếm khoảng 4.000m2, ông Hồng cho người rào ngăn bằng hàng rào cột bê tông dây thép gai, biến đất người khác thành đất của mình để khai thác vật liệu xây dựng trái phép.

Trước sự sự việc bị lấn chiếm đất như vậy, ông Tâm đã làm đơn nhờ đến Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương đo đạc có định dạng cột mốc ranh giới, xác định thực tế diện tích thửa đất 459- 460. Ngày 17/1/2019, Trung tâm đo đạc đất đai của tỉnh Bình Dương đã cho kết quả trùng khớp với bản đồ thửa đúng hiện trạng trước năm 2014 cho biết có diện tích thửa đất là 41.066m2.

Ngày 21/3/2019, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Bắc Tân Uyên đã đưa cán bộ đến đo đạc hiện trạng thì cho kết quả diện tích thửa đất 459-460 chỉ còn 31.356,6m2, thiếu hụt 9.318,4m2 so với diện tích đã được cấp số đó trước đó. Qua việc tiến hành đo đạc lại thửa đất 459-460, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Bắc Tân Uyên đã có Công văn số 1222/CNVPDĐ ngày 2/5/2019 gửi UBND xã Thường Tân cho biết: Diện tích thửa đất 459-460 là 37.422 ,7m2. Trong tổng thể diện tích đất này, có 4.890,4m2 do cấp sổ đỏ thửa 458 tờ bản đồ số 16 kế bên của ông Trần Hữu Quyên chồng lấn sang. Đây là việc hoàn toàn khó hiểu.

Sự việc ông Hồng chiếm đất của ông Tâm xảy ra từ lâu. Ông  Tâm đã nhiều lần gửi đơn đến các cơ quan chức năng huyện Bắc Tân Uyên và tỉnh Bình Dương nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Điều đáng nói là, các cơ quan chức năng liên quan cứ đá bóng trách nhiệm?! Cần sớm làm rõ việc ông Tâm có bị lấn chiếm đất bất hợp pháp, đừng để người dân mất niềm tin vào chính quyền.

Báo Kinh tế nông thôn tiếp tục thông tin tới bạn đọc về sự việc trên.                          

 

P.V
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top