Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 5 tháng 4 năm 2013 | 11:0

Bài 1: Ai chỉ đạo Bicico bán trộm nguyên liệu của Unilever?

KTNT- Theo hợp đồng ký kết giữa Bicico (Công ty CP Công nghiệp Hoá chất và Vi sinh) và Công ty Liên doanh Lever Việt Nam (Unilever Việt Nam) thì Unilever sẽ cung cấp nguyên liệu để Bicico gia công sản phẩm. Nếu nguyên liệu gia công thừa thì Bicico phải chuyển trả lại toàn bộ cho Unilever. Tuy nhiên, suốt nhiều năm liền, lãnh đạo Bicico đã chỉ đạo bán trộm nguyên liệu ra bên ngoài để thu lợi bất chính.Unilever bị “qua mặt”Nhiều cổ đông của Bicico có đơn tố cáo gửi đến Báo Kinh tế nông thôn phản ánh: Từ năm 2004 đến nay, ông Đặng Hồng Hải, Tổng giám đốc Bicico đã chỉ đạo Xí nghiệp Hương Việt (trực thuộc Bicico) không hoàn trả hết nguyên liệu dư thừa cho Unilever mà tổ chức tuồn bán ra ngoài thị trường. Vụ việc này được các cổ đông yêu cầu làm rõ tại tại cuộc họp cổ đông công ty ngày 25/4/2006. Tuy nhiên, suốt từ đó đến năm 2010, nguyên liệu của Unilever vẫn được bán ra ngoài thu lợi hàng chục tỷ đồng. Điều đáng nói, các số liệu trên đều được để ngoài sổ sách kế toán.

Đơn tố cáo ông Đặng Hồng Hải của cổ đông Bicico
gửi đến Báo Kinh tế nông thôn.


Theo hồ sơ vụ việc, ngày 21/9/2006, Bicico ký Hợp đồng gia công các sản phẩm lỏng với Unilever số PC-210906/HUONGVIET. Tại điều 2.12 của hợp đồng ghi rõ: “Bên gia công có trách nhiệm thu gom và trả lại cho bên đặt gia công tất cả các loại nguyên liệu, vật liệu, bao bì nhãn mác do bên đặt gia công cung cấp nhưng chưa được sử dụng hết khi được bên đặt gia công yêu cầu và/hoặc kết thúc hợp đồng”.

Tuy nhiên, sau khi ký hợp đồng, Bicico đã nhiều lần tổ chức bán trộm nguyên liệu của Unilever ra ngoài. Cụ thể, tại biên bản trả lời cổ đông ngày 12/3/2007 do Trưởng ban kiểm soát Công ty Lưu Thị Ánh ký nghi rõ: “Việc giải quyết nguyên liệu thừa có sự đồng thuận của Ban giám đốc... Số tiền bán được là 291.150.000 đồng, chủ yếu được sử dụng để chi cho người lao động tại Xí nghiệp Hoá Phẩm...”.

Năm 2009, khi phát hiện ra sai phạm trên, ông Bùi Văn Hiệp, Kế toán trưởng Công ty có đơn và bằng chứng tố cáo ông Hải chỉ đạo bán nguyên liệu ra ngoài. Tuy nhiên, lãnh đạo Tập đoàn Hoá chất Việt Nam không xử lý mà để cho vụ việc “chìm xuồng”.

Để có bằng chứng “lật” Giám đốc Xí nghiệp Hương Việt Lương Thị Thanh Loan, gần đây vụ việc bán nguyên liệu Unilever lại được khơi ra. Tại văn bản ngày 17/12/2012 do ông Trịnh Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty ký, khẳng định: “Bà Võ Thị Bạch Tuyết, Thủ kho nguyên liệu Xí nghiệp Hương Việt xác nhận bà Loan có chỉ đạo xuất nguyên liệu dư của Unilever ra khỏi cổng chính dạng nguyên đai, nguyên kiện ghi là phuy rỗng hoặc hoá chất không có trong danh mục lưu kho. Bà Loan khẳng định từ năm 2009 trở về trước, Tổng giám đốc Đặng Hồng Hải chỉ đạo bà bán nguyên liệu ra bên ngoài...”.

Văn bản ngày 17/12 còn khẳng định: “Công nhân sản xuất xác nhận có cùng bà Tuyết thay mác nguyên liệu trên phuy bằng cách dán nhãn mác khác đè lên. Nhân viên theo dõi định mức xác nhận từ khi Unilever cho định mức mới, số nguyên liệu dư thừa khá nhiều...”.

Hàng chục tỷ đồng vào túi ai?

Trích băng ghi âm cuộc làm việc giữa ông Hải và bà Loan thì sự việc nghiêm trọng trên đã được ông biết và trực tiếp chỉ đạo thực hiện. Để việc bán nguyên liệu trót lọt, lãnh đạo công ty đã “hô biến” nguyên liệu thừa của Unilever thành... phế liệu.

Bà Lưu Thị Ánh: “Cái này Unilever mà biết thì chết”.


Trong băng ghi âm, bà Loan nói với ông Hải: “Quý trước em trả 3 tấn mấy, quý này em trả hai tấn mấy (cho Unilever), mình còn khoảng 20 tấn nằm trong kho CA nữa, giờ không còn chỗ để vì nó còn khoảng 100 phuy... Cùng lắm mình phải viết phiếu xuất kho ra cổng mình ghi phế liệu chung chung giống như mấy kỳ trước em ghi, theo ý em mình nên xuất hoá đơn phế liệu”. Ông Hải chỉ đạo: “Thôi cứ xuất hoá đơn phế liệu 30 triệu đồng/tháng, còn khoản chênh lệch em cứ tạm giữ đó... theo anh 40 triệu không đưa thủ quỹ, cái này chỉ mình em biết sau xử lý như thế nào anh sẽ nói em, không nên để nhiều người biết”.

Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế nông thôn, bà Lại Thị Nhung, Trưởng phòng Tổ chức nhân sự (phát ngôn viên của Công ty) cho rằng: “Theo thống kê của Công ty, XN Hương Việt đã bán ra ngoài 206 phuy chất thơm và  45 phuy Aquat. Công nhân cũng xác nhận việc này. Bà Loan cũng khai là bán theo chỉ đạo của ông Hải, khi ông Hải không chỉ đạo thì không bán nữa”.

Bà Lưu Thị Ánh, Trưởng ban kiểm soát, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết thêm: “Bà Loan đã vi phạm nội quy của Công ty về việc xuất nhập kho, hàng ghi trong phiếu không có trong danh mục Công ty. Bà ấy để tồn kho nguyên liệu, nguyên liệu dư mà không báo cáo lãnh đạo Công ty. Bà Loan xuất nguyên liệu ra ngoài Công ty, cái này Unilever mà biết thì chết. Công ty đang tiếp tục điều tra về việc bán nguyên liệu của chị Loan...”.

Bà Lại Thị Nhung cho biết: “XN Hương Việt đã bán ra
ngoài 206 phuy chất thơm và 45 phuy Aquat”.

Các hồ sơ và nhân chứng đều khẳng định việc chỉ đạo bà Loan bán nguyên liệu của Tổng giám đốc Đặng Hồng Hải, tuy nhiên, không hiểu vì sao ngày 17/12/2012, Chủ tịch HĐQT Trịnh Anh Tuấn lại có văn bản giao cho ông Hải “xác minh, kiểm tra, có biện pháp xử lý làm trong sạch đội ngũ...” (?!).

Nhiều cổ đông tỏ ra bức xúc với cách làm này vì như thế là “vừa đá bóng, vừa thổi còi” khiến kết quả xác minh sẽ không được khách quan. Đề nghị Cơ quan Điều tra vào cuộc làm rõ sai phạm nghiêm trọng trên.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc./.

"Bà Loan đã vi phạm nội quy của Công ty về việc xuất nhập kho, hàng ghi trong phiếu không có trong danh mục Công ty. Bà ấy để tồn kho nguyên liệu, nguyên liệu dư mà không báo cáo lãnh đạo Công ty. Bà Loan xuất nguyên liệu ra ngoài Công ty, cái này Unilever mà biết thì chết".

Bà Lưu Thị Ánh nói



Nhóm PVĐT

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top