Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 19 tháng 8 năm 2014 | 9:30

Bài 12: Bình Dương: “Bình chân như vại” trước chỉ đạo của Chính phủ!

KTNT- Sau khi nhận được đơn của các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất gạch xây dựng theo công nghệ Hoffman trên địa bàn tỉnh Bình Dương kiến nghị, khiếu nại Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung ra quyết định bắt buộc các doanh nghiệp và cơ sở sản sản xuất phải chấm dứt hoạt động vô điều kiện trước ngày 30/6/2014, Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải và các cấp ngành Trung ương đã có chỉ đạo giải quyết vụ việc. 

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương vẫn đưa lực lượng ra cưỡng chế hơn 200 doanh nghiệp sản xuất gạch, khiến các doanh nghiệp cũng như hàng vạn lao động ở đây vô cùng bức xúc.


Chính phủ chỉ đạo, tỉnh không nghe

Ngày 18/6/2014, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 4515/VPCP-KTN thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải về việc UBND tỉnh Bình Dương xem xét, giải quyết theo thẩm quyền và quy định của pháp luật về khiếu nại của các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất gạch bằng công nghệ Hoffman trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Văn bản số 4515/VPCP-KTN của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải.

Ngày 2/7/2014, Thanh tra Chính phủ cũng có Văn bản số 2492/TDXLĐ-XLĐ về việc Thanh tra Chính phủ nhận được đơn của ông Bùi Trí Dũng (cùng đại diện của các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất gạch đất sét nung theo công nghệ Hoffman tại tỉnh Bình Dương đồng ký đơn). Nội dung đơn kiến nghị, việc Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương chấm dứt hoạt động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã ảnh hưởng đến hơn 200 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và cùng 10 nghìn công nhân không có việc làm. Thanh tra Chính phủ đã chuyển nội dung đơn khiếu nại này đến UBND tỉnh Bình Dương xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

Tiếp đến, ngày 1/8/2014, Thanh tra Bộ Xây dựng ra Văn bản số 422/TTr-KNTC về việc chuyển đơn 200 doanh nghiệp sản xuất gạch xây dựng trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến UBND tỉnh Bình Dương với nội dung: “Để ổn định tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương và đảm bảo cuộc sống của người lao động tại các doanh nghiệp, tránh khiếu kiện vượt cấp, Thanh tra Bộ Xây dựng chuyển đơn và đề nghị UBND tỉnh Bình Dương xem xét, giải quyết theo thẩm quyền”.

Từ khi cấp trên có những văn bản chỉ đạo, yêu cầu tỉnh Bình Dương xem xét giải quyết, đến nay, chính quyền tỉnh này vẫn “bình chân như vại” và tiếp tục quá trình cưỡng chế, không cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch xây dựng theo công nghệ Hoffman hoạt động. Tỉnh cũng không có câu trả lời thấu tình đạt lý dù cấp trên đã yêu cầu “xem xét, giải quyết theo thẩm quyền”.

Lúc đầu đồng ý, sau lại không?

Đến thời này, nhiều doanh nghiệp và hàng vạn công nhân làm gạch vẫn đặt dấu hỏi tại sao khi các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, mở thêm lò Hoffman thì các sở ngành liên quan của tỉnh Bình Dương đồng ý, sau đó lại phản đối và cưỡng chế không cho hoạt động. “Các cơ quan chức năng không có định hướng cụ thể cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch trong quá trình chuyển đổi công nghệ. Khi chúng tôi xin giấy phép kinh doanh, cơ quan chức năng đồng ý thì chúng tôi mới dám làm chứ nếu chúng tôi làm sai, chúng tôi đâu có thể tồn tại đến bây giờ”, một chủ doanh nghiệp sản xuất gạch Hoffman bức xúc nói.

Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch đóng cửa từ 30/6/2014.

Sự việc bắt nguồn từ năm 2009, khi tỉnh Bình Dương cho xây dựng thí điểm lò Hoffman tại Công ty TNHH MTV Việt Linh ở huyện Phú Giáo. Sau thời gian vận hành sản xuất, công nghệ Hoffman đã được cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đánh giá đạt yêu cầu. Thấy công nghệ Hoffman phù hợp với quy mô hoạt động nhỏ lẻ, được cơ quan chức năng khuyến khích nên các doanh nghiệp, cơ sở mạnh dạn đầu tư, học hỏi, áp dụng.

UBND tỉnh Bình Dương cho rằng, sau khi Công ty Việt Linh được cấp phép để thực hiện thí điểm công nghệ Hoffman vào năm 2009 thì từ năm 2010 đến nay, sau khi ban hành Văn bản số 1867/UBND-VX về việc không xây dựng lò Hoffman trên địa bàn vào năm 2010, tỉnh Bình Dương không cấp phép thêm cho bất cứ lò gạch Hoffman nào. Tuy nhiên, chủ các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất gạch thắc mắc: Tại sao các lò gạch Hoffman không được cấp phép hoặc hoạt động sai phép nhưng tỉnh vẫn để doanh nghiệp xây dựng lò, mua nguyên liệu, đồng thời tỉnh vẫn đồng ý cấp điện cho doanh nghiệp sản xuất và đặc biệt là vẫn thu thuế các doanh nghiệp đều đặn; nếu có cở sở nào trong tháng đóng thuế trễ thì bị phạt. Anh Hải, chủ một cơ sở sản xuất gạch Hoffman ở huyện Phú Giáo, bức xúc: “Ban đầu, khi biết hơn 200 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch xây dựng trên địa bàn hoạt động theo công nghệ Hoffman thì tỉnh không nói năng gì, vẫn cho chúng tôi sản xuất và đóng thuế. Khi chúng tôi bỏ hết vốn liếng, vay thêm ngân hàng để xây dựng lò gạch nhưng sản xuất chưa thu hồi vốn thì họ lại ra quyết định cưỡng chế?”.

Còn ông Nguyễn Văn Hiển, Giám đốc Công ty TNHH Lam Nhi, cho biết: “Lò gạch của chúng tôi được cấp phép xây dựng đầy đủ, Chi cục Thuế cũng thu thuế hàng tháng, không thiếu đồng nào. Hơn nữa, Lam Nhi cùng một số lò gạch khác hoạt động trên địa bàn Bắc Tân Uyên là huyện miền núi của Bình Dương, được quy hoạch là huyện nông nghiệp, vật liệu xây dựng và khoáng sản, có thị trường tiêu thụ thấp, rất phù hợp để triển khai lò gạch Hoffman (đúng theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng). Vậy tại sao tỉnh vẫn kiên quyết dẹp bỏ mà không xem xét gia hạn cho chúng tôi thêm vài năm để thu hồi vốn?”.

Điều đáng bàn là trong khi các tỉnh ở như Đồng Nai, Vĩnh Long… có chính sách hỗ trợ từ 50 - 70 triệu đồng/doanh nghiệp, cơ sở sản xuất khi chuyển đổi từ sản xuất thủ công truyền thống sang công nghệ Hoffman, thì UBND tỉnh Bình Dương lại tự xây dựng một chính sách riêng, bắt buộc các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải chấm dứt hoạt động từ ngày 30/6/2014. Nhiều người ví von: Phải chăng đây là kiểu cải cách “hành là chính” theo mô hình mới của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương?

Hàng trăm đứa trẻ không được đến trường

Đang ngồi ăn cơm cùng 3 đứa con với bữa ăn đạm bạc gồm nước mắm và cơm trắng, mắt chị Nguyện Thị Hà không khỏi ngấn nước: “Từ khi các lò gạch ở đây bị “khai tử”, công nhân không biết đi đâu, về đâu. Cũng may các chủ cơ sở lò gạch Hoffnam ở đây cho chúng tôi ở nhờ, tá túc lại khu nhà trọ mà trước đây do chủ xây dựng cho công nhân ở.  Chúng tôi đa phần xuất thân từ các tỉnh miền Tây, trình độ học vấn không có hoặc rất thấp, chỉ biết làm công việc quen tay, quen chân. Giờ chính quyền bắt đóng cửa lò gạch rồi, chán quá các chú ơi! Không có việc làm biết lấy tiền đâu cho con cái ăn học, chắc giờ tụi nhỏ nghỉ học quá. Không chỉ gia đình tôi mà cả mấy trăm em nhỏ con của các chị em cũng có nguy cơ bỏ học, cuộc sống tụi nó sau này chắc cũng theo chân ba mẹ thôi!”.

Bế con nhỏ trên tay, chị Huỳnh Thị Thái (28 tuổi, quê Cà Mau) thở dài ngao ngán nói: “Vợ chồng em làm công nhân ở đây hơn 7 năm rồi. Tụi em có làm được gì đâu ngoài làm gạch. Ông chủ tịch tỉnh ra quyết định “khai tử” lò gạch, hơn 2 tháng nay tụi em không có việc làm, ăn uống thì thiếu thốn. Sắp vào năm học, tụi nhỏ đòi đi học nhưng tiền đâu mà cho tụi nó đi học bằng bạn bằng bè cùng trang lứa đây? Rồi tụi nhỏ sẽ về đâu khi “một chữ bẻ đôi” cũng dần mai một?”. 

Ngoài những lao động trẻ tuổi, các cơ sở gạch cũng tập trung một lượng lao động khá lớn tuổi được phân công làm việc nhẹ. Đa số họ đều làm việc lâu năm và sức khỏe đã yếu. “Chúng tôi đã lớn tuổi, trình độ không có, lại lâm vào cảnh thất nghiệp. Chúng tôi biết làm gì để sống qua ngày bây giờ?”, bà Hạnh, một công nhân làm gạch trên 30 năm than thở.

Vụ việc này chính quyền tỉnh Bình Dương xử lý theo hướng “chấm dứt hoạt động của các doanh nghiệp hay để cho tồn tại”? Câu hỏi trả lời xin dành cho các cơ quan chức năng và cấp có thẩm quyền?
                                                      Phóng PV điều tra

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top