KTNT- Sau hơn 04 năm kể từ khi cổ đông tại Công ty CP Công nghiệp Hóa chất vi sinh (Bicico) có đơn tố cáo và gần 04 tháng kể từ khi Báo Kinh tế nông thôn có bài đầu tiên phanh phui vụ bán trộm nguyên liệu, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam mới chính thức có Công văn số 917/HCVN-TTPC “thừa nhận” có việc bán trộm nguyên liệu của Unilever. Tuy nhiên, trong báo cáo của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam lại viện cớ “không đủ điều kiện, không đủ phương tiện, không đủ thẩm quyền… xác định chính xác số lượng…”. Dường như, đây là một động tác “đá bóng”, “thanh minh” của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam khi sự việc bán trộm nguyên liệu sắp được Cục Cảnh sát kinh tế (C46) – Bộ Công an kết luận.
Không phát hiện vì… không đủ phương tiện (?!)
Báo cáo số 917/HCVN-TTPC của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho thấy, mặc dù có sự chỉ đạo của Bộ Công thương và các cơ quan chức năng nhưng, trong suốt quá trình giải quyết đơn tố cáo, Tập đoàn không thành lập bất cứ đoàn thanh tra, kiểm tra nào. Và cũng không hiểu, lấy cơ sở từ đâu, Tập đoàn có được nội dung giải trình với các cơ quan Nhà nước như sau:
Có nguyên liệu dư thừa trong quá trình gia công sản phẩm cho Unilever là chất thơm và Aquart tại Xí nghiệp Hương Việt thuộc Bicico và có việc bán nguyên liệu dư tại Xí nghiệp. Tuy nhiên, Tập đoàn không đủ điều kiện, phương tiện và thẩm quyền xác định chính xác được số lượng, chủng loại nguyên liệu dư đã bán, cách thức vận chuyển, tên, địa chỉ của người mua, giá mua, số tiền thu được và việc sử dụng đối với số tiền này.
Chưa đủ cơ sở để kết luận ông Đặng Hồng Hải chỉ đạo việc bán nguyên liệu dư.
|
Ông Đặng Hồng Hải, Tổng giám đốc Công ty Bicico xác nhận đã phải nhiều lần cung cấp hồ sơ cho Cục Cảnh sát kinh tế (C46) – Bộ Công an. |
Ngày 13/6/2013, Bicico đã có Văn bản số 150/HCVS-TCNS/2013 gửi Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an) đề nghị hỗ trợ giải quyết vụ việc tại Xí nghiệp Hương Việt.
Trước tình hình như vậy, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã có Văn bản số 799/HCVN-TTPC ngày 27/6/2013 đề nghị Cục Cảnh sát kinh tế hỗ trợ giải quyết vụ việc bán nguyên liệu tại Bicico. Tập đoàn cũng đã có văn bản chỉ đạo người đại diện phần vốn của Tập đoàn tại Bicico phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an, cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan công an để làm rõ vụ việc bán nguyên liệu dư tại Bicico trong quá trình gia công sản phẩm cho Unilever.
Về trách nhiệm quản lý, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm cá nhân thuộc thẩm quyền sau khi có kết luận điều tra, làm rõ của cơ quan Công an.
“Con voi chui lọt… lỗ kim”
Bà Lương Thị Thanh Loan, nguyên Giám đốc Xí nghiệp Hương Việt, người đã từng được ông Đặng Hồng Hải chỉ đạo bán trộm nguyên liệu ký văn bản xác nhận: Từ năm 2008 đến quý 3/2012, ngoài nguyên liệu trả lại cho Unilever, Bicico còn “giữ lại” khoảng 61,800 tấn, trong đó có có 42 tấn nguyên liệu sản xuất chất xả vải, còn lại là sản xuất Vim và nước rửa chén.
|
|
Lần đầu tiên, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam thừa nhận có việc bán trộm nguyên liệu dư của Unilever |
Bà Loan khẳng định, bên cạnh hai khoản nguyên liệu trả về và dự phòng trên, trong khoảng thời gian từ năm 2008 – 2009, được sự chỉ đạo của ông Hải, Xí nghiệp có bán thanh lý một số nguyên liệu dư và thu về khoảng 1,150 tỷ đồng. Số tiền này được dùng vào các khoản: chuyển 800 triệu đồng về cho ban lãnh đạo Công ty để chi phí cho Công ty Đại Gia Phú phục vụ cho việc đàm phán bán phần liên doanh ICI. Số tiền này được bà Loan nộp trực tiếp cho ông Hải với có sự chứng kiến của bà Lan (Phó Tổng giám đốc Bicico).
Ngày 30/5/2013, làm việc với Tổ công tác, bà Loan tiếp tục khẳng định, số nguyên liệu dư được xuất bán cho cơ sở Nhựa Sơn, cơ sở Nhựa CA ký hiệu là Varisoftadt và Varisoftadt Softener (thực chất là Aquart)…
Trong buổi làm việc, bà Loan tiếp tục khẳng định, giọng nữ (nói nhiều) trong băng ghi âm là bà, giọng nam là ông Đặng Hồng Hải, giọng nữ con lại (nói ít) là bà Lan (lúc này là Phó tổng giám đốc). Băng ghi có nội dung ông Hải chỉ đạo bà Loan cách thức bán trộm nguyên liệu, ghi mã hàng, thu tiền về…
Ngoài bà Loan, bà Võ Thị Bạch Tuyết là Thủ kho Xí nghiệp Hương Việt đều ký văn bản xác nhận: Năm 2009, 2 chuyến có phiếu xuất kho (tổng 31 phuy chất thơm) và 4 chuyến không có phiếu xuất kho (tổng là 60 phuy chất thơm). Vào năm 2010, 5 chuyến có phiếu xuất kho (tổng là 135 phuy chất thơm và 57 phuy Aquat) và 3 chuyến không có phiếu xuất (90 phuy chất thơm và 30 phuy Aquat). Tiếp đến, năm 2011 có 1 chuyến có phiếu xuất kho (30 phuy chất thơm và 1 chuyến không có phiếu xuất (30 phuy chất thơm). Tổng cộng, trong vòng 03 năm, Xí nghiệp Hương Việt đã vận chuyển trót lọt 16 chuyến hàng là nguyên liệu của Unilever.
Trả lời phóng viên Báo Kinh tế nông thôn, bà Lại Thị Nhung, Trưởng phòng Tổ chức nhân sự (Bicico) cũng khẳng định: “Theo thống kê của Công ty, XN Hương Việt đã bán ra ngoài 206 phuy chất thơm và 45 phuy Aquat. Công nhân cũng xác nhận việc này. Bà Loan cũng khai là bán theo chỉ đạo của ông Hải, khi ông Hải không chỉ đạo thì không bán nữa”.
Báo cáo quyết toán cả năm 2012 (không có đại diện Unilever) của Bicico “lòi” ra mục kiểm kê là “nguyên liệu khác”. Trong bản kiểm kê ghi rõ tổng số lượng “nguyên liệu khác” là hơn 115 tấn, bản kiểm kê không có số liệu “thành tiền”, “số thùng”… Cuối bản kiểm kê nguyên vật liệu trong báo cáo quyết toán cả năm 2012 có dòng ghi: “Đề nghị Tổng giám đốc cho điều chỉnh số lượng và giá trị tồn kho đối với NVL, TP, CCDC của Công ty cuối tháng 12/2012 trên sổ sách theo số kiểm kê thực tế đối với các loại nguyên liệu và thành phẩm có chênh lệch trên và số nguyên liệu ngoài sổ sách”. Sau đó, ông Đặng Hùng Hải bút phê đồng ý, ký tên, đóng dấu với nội dung: “25/01/2013. 1, Thuận theo đề nghị. 2, Yêu cầu có báo cáo gửi TGĐ (kèm BCKT này)”.
Tuy bằng chứng, nhân chứng về vụ bán trộm nguyên liệu đã rõ ràng, tuy nhiên, vì sao Tập đoàn Hóa chất Việt Nam lại viện ra lý do “không đủ phương tiện, không đủ thẩm quyền” để cho rằng không xác định được chủng loại nguyên liệu dư đã bán, cách thức vận chuyển, tên, địa chỉ của người mua (?!).
|
Những báo cáo của Công ty Bicico do ông Đặng Hồng Hải ký dường như “con voi đã biến thành con kiến”. |
Ngoài ra, Báo cáo của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam dường như không khác gì nội dung Công văn số 126/HCVS-TCNS/2013 ngày 09/5/2013 và Công văn số 136/HCVS-TCNS/2013 ngày 28/5/2013 do ông Đặng Hồng Hải, Tổng giám đốc ký. Công văn 136 có đoạn: “Sau nhiều cố gắng, ngày 20/7/2011, Phòng Kế hoạch kinh doanh của Công ty tìm được đối tác thu hồi số nguyên liệu trên (nguyên liệu dư quá hạn của Unilever), không tốn chi phí mà còn thu được 10 triệu đồng nhập vào quỹ”. Công văn số 136 còn nhẹ nhàng hơn: “Bước đầu, tổ công tác đã xác định được có chênh lệch giữa thực tế sản xuất và định mức…”. Dư luận cho rằng, từ việc bán trộm hàng trăm tấn nguyên liệu dư của Unilever, qua nhiều báo cáo do chính ông Hải ký, “con voi bỗng chốc trở thành con kiến” (?!)
Vì sao, hầu hết những người “trong cuộc” vụ bán trộm nguyên liệu của Unilever đều đã có văn bản xác nhận mình được chỉ đạo bán, thời gian bán, số lượng, tên lô hàng, tên công ty xuất, giá thành và số lượng tiền thu về… nhưng cả Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, lãnh đạo Công ty Bicico lại không phát hiện ra?
Ngày 05/4/2013, Báo Kinh tế nông thôn bắt đầu khởi đăng loạt bài phanh phui vụ việc bán trộm nguyên liệu của Unilever tại Công ty CP Công nghiệp Hóa chất vi sinh (Bicico), ngay sau đó, Bộ Công thương đã chỉ đạo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam kiểm tra, báo cáo.
Tuy nhiên, Bộ Công thương đã không vào cuộc trực tiếp thanh tra vụ việc mà chỉ “ngồi trên nghe dưới báo cáo”. Trước sự “lòng vòng” khó hiểu, ngày 03/5/2013, Bộ Công an đã có Công văn số 187/C44 đề nghị Bộ Công thương tiến hành thanh tra, kết luận và nếu có dấu hiệu tội phạm thì chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an giải quyết theo quy định... Tuy nhiên, Bộ Công thương một lần nữa lại “ngồi trên nghe dưới báo cáo”.
Vụ việc này buộc Cục Cảnh sát Kinh tế (C46)- Bộ Công an vào cuộc điều tra vụ việc…
Theo ông Nguyễn Tuấn Minh, Chánh văn phòng Tập đoàn Hóa chất Việt Nam thì Tập đoàn vẫn đang chờ kết luận điều tra chính thức từ Bộ Công an. |
KTNT