Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ hai, ngày 28 tháng 3 năm 2022 | 10:6

Bài 2: Cần làm gì để OCOP thành sức bật?

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, hướng đến hỗ trợ phát triển các chủ thể kinh tế nông thôn gắn với nhóm trục sản phẩm thứ 3 là sản phẩm địa phương.

Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua, sự chủ động, sáng tạo của người dân, cộng đồng còn sự hạn chế. Vì vậy, hoạt động đổi mới, sáng tạo trong phát triển sản phẩm tuy có kết quả nhưng vẫn chưa tận dụng hết tiềm năng. Vậy phải làm gì để OCOP thực sự tạo thành sức bật?

 

gian-hàng-giới-thiệu-các-sản-phẩm-ocop-ở-tuyên-quang-ảnh-vũ-quang-đá.jpg
Gian hàng giới thiệu các sản phẩm OCOP ở Tuyên Quang. Ảnh: Vũ Quang Đá

 

Để sản phẩm OCOP có chỗ đứng tốt hơn

Bộ Nông nghiệp và PTNT nhận định, sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định giá trị và chất lượng trên thị trường, được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, từ đó sử dụng ngày càng nhiều hơn.

Chương trình OCOP đã với những tác động tích cực đến phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Chương trình OCOP với tiếp cận tổng thể đã khơi dậy tiềm năng về đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng miền để hình thành các sản phẩm đa giá trị, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của thị trường (ngoài vấn đề lương thực, dinh dưỡng… còn khía cạnh về văn hóa, trách nhiệm với cộng đồng, môi trường sống).

Chương trình chú trọng đến phát huy đa giá trị tích hợp của ngành nông nghiệp (không chỉ kinh tế, còn xã hội, môi trường) theo chủ trương chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, chuyển từ trọng cung (năng suất, sản lượng) sang trọng cầu (đa giá trị, chất lượng sản phẩm và tính bền vững). Đã hình thành được các chuỗi giá trị OCOP hoạt động hiệu quả với vai trò tích cực của HTX và doanh nghiệp, nhiều sản phẩm OCOP khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý, như: chè Shan Tuyết Hoàng Su Phì của tỉnh Hà Giang; chè Tân Cương của tỉnh Thái Nguyên; cà phê của tỉnh Sơn La, lúa gạo ở tỉnh Sóc Trăng và tỉnh An Giang….

Mặc dù có những kết quả tương đối khả quan, nhưng các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, để sản phẩm OCOP có chỗ đứng tốt hơn nữa thì cần khắc phục nhiều bất cập còn tồn tại.

Hiện, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực này còn hạn chế do các sản phẩm OCOP chủ yếu là các sản phẩm sơ chế hoặc chế biến đơn giản, giá trị gia tăng thấp. Quy trình và công nghệ chế biến còn đơn giản, thậm chí còn lạc hậu.

Vấn đề sở hữu trí tuệ chưa được các chủ thể quan tâm đúng mức, nhiều chủ thể chưa hiểu rõ và chưa chủ động đăng ký bảo hộ các nhãn hiệu, bảo hộ mẫu mã, bao bì, kiểu dáng công nghiệp.

Các chuyên gia nông nghiệp cũng cho rằng, hiện, hệ thống các chính sách, cơ chế hỗ trợ chủ thể phát triển sản phẩm thiếu đồng bộ, thiếu hiệu quả trong điều phối hoạt động hỗ trợ, nguồn lực dẫn đến sự lúng túng và khó khăn cho các địa phương trong quá trình triển khai.

 

sản-phẩm-cà-phê-của-hợp-tác-xã-cà-phê-bích-thao-được-chế-biến-trong-nhà-kính-đảm-bảo-vệ-sinh-an-toàn-đạt-tiêu-chuẩn-ocop-5-sao-quốc-gia-ảnh-hữu-quyết-ttxvn.jpg
Sản phẩm cà phê của Hợp tác xã cà phê Bích Thao được chế biến trong nhà kính, đảm bảo vệ sinh, an toàn đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao Quốc gia. Ảnh: Hữu Quyết

 

Chủ động tìm hướng đi mới

Khắc phục hạn chế trên, những năm gần đây, Chương trình OCOP tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều sự thay đổi tích cực, từng bước chinh phục được người tiêu dùng. Nhiều sản phẩm đã chú trọng đầu tư về công nghệ, mở rộng thị trường, nâng tầm sản phẩm địa phương.

Trong những năm qua, nhiều hộ gia đình, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã có những hướng đi mới lạ cho sản phẩm nông nghiệp tỉnh nhà. Đồng thời thành công trong việc xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất và phát triển thương hiệu, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, phát triển vùng nguyên liệu bền vững.

Điển hình, chế biến ca cao là một ngành nông nghiệp mới tại tỉnh Đắk Lắk, nơi hệ sinh thái phù hợp với điều kiện phát triển của cây ca cao, hình thành nên vùng nguyên liệu đặc trưng. Theo đó, các hộ dân tại huyện Krông Ana tập trung chú trọng vào việc xây dựng vùng nguyên liệu sạch theo tiêu chuẩn UTZ (chương trình và nhãn cho canh tác bền vững) thông qua liên kết với các hợp tác xã (HTX).

Tiên phong trong việc đầu tư nghiên cứu kỹ thuật và máy móc chế biến hạt ca cao, ông Trương Ngọc Quang, đại diện Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn, xã Ea Na (Krông Ana) cho biết, Đắk Lắk là vùng có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với việc trồng giống ca cao lai, đem lại chất lượng cao, tạo ra hương vị đặc trưng riêng so với các vùng khác. Đặc biệt, ca cao trồng tại Đắk Lắk còn được đánh giá nằm trong nhóm 10% loại hạt hương vị đặc trưng trên toàn thế giới.

Từ nguyên liệu nông sản địa phương, hiện nay ông Quang đang cung ứng ra thị trường các sản phẩm chất lượng cao như: ca cao bột; bơ, bánh, chocolate ca cao… chinh phục được những khách hàng tại các thị trường trọng điểm trên thế giới như Nhật Bản, Canada... “Với mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường, công ty đã xây dựng đề tài nghiên cứu và thuê chuyên gia nước ngoài chuyên về sản xuất ca cao để hoàn thiện quy trình chế biến loại sản phẩm mới này”, ông Quang cho biết.

Ngoài nông sản, ngành chăn nuôi cũng là một ngành kinh tế truyền thống, mũi nhọn của người dân tỉnh Đắk Lắk. Năm 2018, anh Nguyễn Văn Hải (sinh năm 1984, xã Ea Barm, huyện Buôn Đôn) đã phát hiện ra sản phẩm sữa dê chưa được quan tâm phát triển tại Việt Nam. Anh Hải đã quyết định khởi nghiệp từ loại sản phẩm mới này. Sau nhiều năm cố gắng, hiện anh Hải đã sản xuất thành công sản phẩm sữa dê thanh trùng, được kiểm nghiệm và đạt các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nhằm mục đích đa dạng hóa sản phẩm từ sữa dê, anh Hải đã chế biến các mặt hàng như bánh, sữa chua… Hiện, các sản phẩm sữa dê và chế biến từ sữa dê đang được anh Hải phân phối rộng khắp trong cả nước. Nhằm phát triển kinh tế bền vững, lâu dài, tạo điều kiện công ăn việc làm cho bà con địa phương, anh Hải đang xây dựng hướng phát triển nông nghiệp tuần hoàn, với việc trồng cánh đồng cỏ phục vụ chăn nuôi, liên kết bà con nông dân hình thành vùng chăn nuôi đặc trưng, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Ngoài các sản phẩm ca cao và sữa dê, nhiều sản phẩm OCOP khác của tỉnh Đắk Lắk đã và đang thành công trong hành trình xây dựng và phát triển thương hiệu địa phương. Thúc đẩy quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa nông nghiệp, phát triển kinh tế vùng, thúc đẩy xu thế thị trường ưu tiên các sản phẩm OCOP.

Cuối năm 2021, HTX OCOP Đắk Lắk ra đời, trở thành điểm kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP đầu tiên của tỉnh, là cầu nối giao thương với thị trường. Hiện, điểm bán hàng của HTX đang trưng bày hơn 50 sản phẩm từ các địa phương trong và ngoài tỉnh, cung cấp các sản phẩm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, do chính địa phương tạo ra đến với người tiêu dùng.

Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Đắk Lắk, việc thành lập HTX OCOP Đắk Lắk sẽ thúc đẩy hoạt động liên kết doanh nghiệp trong các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ; tuyên truyền và khuyến khích người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, an toàn thực phẩm, đặc biệt là các sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu và hàng tiêu dùng chất lượng cao.

“Cơ quan chức năng sẽ hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp và đối tác mở thêm các điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh, giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận, mua được những sản phẩm OCOP đa dạng, phong phú đạt chất lượng tốt trong cả nước”, ông Dương cho biết thêm.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Đắk Lắk còn chú trọng phát triển du lịch nông nghiệp song hành, mang đến trải nghiệm mới lạ cho khách du lịch cũng như gia tăng thu nhập của nhà nông, kết nối và phát triển tuyến du lịch trọng điểm nội tỉnh (Buôn Ma Thuột - Krông Ana - Lắk). Tại điểm du lịch trang trại ca cao thôn Tân Tiến (xã Ea Na, huyện Krông Ana), du khách có thể tìm hiểu trọn vẹn về quy trình trồng, chăm sóc ca cao, trải nghiệm các hoạt động chế biến, sản xuất và mua sắm các sản phẩm OCOP làm từ ca cao.

Đưa OCOP lên “cửa hàng số”

Ngay từ đầu năm, Tổ công tác 1034 (được thành lập theo Quyết định 1034/QĐ-TTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông) đã có cuộc làm việc với tỉnh Thái Nguyên để triển khai Kế hoạch Hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử trong năm 2022.

Mục tiêu được hai bên đặt ra là năm 2022 có 100% hộ sản xuất nông nghiệp đáp ứng tiêu chí của Kế hoạch được tạo tài khoản trên sàn TMĐT, 100% sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên được đưa lên sàn Postmart, voso.

Theo Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, chỉ sau 4 tháng triển khai Quyết định số 1034/QĐ-BTTTT, đã có hơn 4 triệu hộ sản xuất nông nghiệp tham gia sàn TMĐT với hơn 49.000 sản phẩm nông nghiệp và hơn 67.500 giao dịch được thực hiện trên sàn TMĐT. Trong đó, Postmart đã đưa sản phẩm của khoảng 2,5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp trong cả nước lên môi trường số, thúc đẩy tiêu thụ hơn 20.000 tấn nông sản. Còn Viettel Post đã hỗ trợ khoảng 2 triệu hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn, với hơn 36.000 giao dịch, tiêu thụ 12.884 tấn hàng.

Chia sẻ về kế hoạch, ông Chu Quang Hào, Tổng giám đốc Vietnam Post cho biết: “Ưu tiên hàng đầu hiện nay của Vietnam Post là phát triển các “cửa hàng số” cho hộ gia đình trên sàn TMĐT. Dựa trên hệ thống định vị địa chỉ số để xác định nguồn gốc sản phẩm, phát triển tài khoản thanh toán điện tử, qua đó hình thành hệ sinh thái số gồm website bán hàng, ứng dụng bán hàng trên smartphone, cổng truy xuất nguồn gốc thương hiệu… Với cơ sở dữ liệu thông tin về nhà cung cấp, giấy chứng nhận kinh doanh hay chất lượng sản phẩm đầy đủ, minh bạch được lưu trữ trên hệ sinh thái, mỗi sản phẩm nông sản trên sàn đều rõ ràng về thương hiệu, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng.

Theo ông Hào, năm 2022, bên cạnh việc đến từng ngõ, kết nối với từng hộ gia đình để tiếp tục hỗ trợ hơn 2,5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp mở gian hàng trên sàn, Postmart.vn sẽ tăng cường các hoạt động truyền thông, marketing để gia tăng lượng đơn hàng, thúc đẩy doanh số của các nhà cung cấp trên sàn.

Mục tiêu năm 2022 sẽ đưa 6-8 triệu cá nhân, hộ gia đình lên nền tảng số. Postmart.vn cho biết, sẽ đưa các ngành hàng như vật tư, thiết bị, nguyên vật liệu, giống cây trồng mới…, kết nối giữa các hộ sản xuất nông nghiệp, nhà cung ứng vật tư, giống cây trồng với nhau; kết nối với nhiều ngân hàng để cung ứng các dịch vụ tín dụng cho nông dân; kết nối, liên kết và đầu tư nghiên cứu công nghệ chế biến nông sản…

Ông Đinh Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc Viettel Post cho biết, năm 2022, đơn vị đặt mục tiêu đưa sản phẩm của 5 triệu hộ nông dân lên sàn. Viettel Post đã, đang và sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn cho hơn 2,5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp. Ngoài quy trình đưa sản phẩm lên sàn, nông dân được hướng dẫn chụp hình, phát trực tiếp (livestream) để tương tác với khách hàng. Mặt khác, nhân viên của Viettel Post đến tận vườn hướng dẫn bà con từ khâu thu hoạch, loại bỏ quả hỏng, đến đóng gói trong hộp tiêu chuẩn để sản phẩm tới tay người tiêu dùng được tươi ngon nhất.

Ở góc độ quản lý nhà nước, ông Vũ Chí Kiên, Phó vụ trưởng Vụ Bưu chính (Bộ thông tin và Truyền thông), Tổ trưởng Tổ công tác 1034 cho rằng, các sàn TMĐT cần phải phối hợp đẩy mạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số; kết nối, giao nhận và tác nghiệp trên sàn TMĐT cho các hộ sản xuất nông nghiệp; đổi mới phương thức mua bán và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên sàn TMĐT; thúc đẩy tiêu thụ nhanh, góp phần tránh ùn ứ nông sản khi cao điểm thu hoạch, giúp người dân giữ giá nông sản, tránh phụ thuộc vào thương lái, trung gian.

Đổi nông, lâm sản lấy “vàng và đô la”

Đối với tỉnh Bắc Kạn trong những năm vừa qua, giải pháp quan trọng nhất và có tính quyết định thúc đẩy kinh tế địa phương là Chương trình OCOP. Khởi nguồn từ OCOP, Bắc Kạn đã phát triển các sản phẩm nông nghiệp, trong đó có các sản phẩm nông nghiệp trở thành hàng hóa thông qua sơ chế, chế biến sâu, ngày càng được nâng cao chất lượng, đảm bảo các tiêu chuẩn cả về mẫu mã và bao bì sản phẩm.

Trong 3 năm vừa qua, tỉnh Bắc Kạn làm rất mạnh công tác xúc tiến thương mại, tổ chức liên tục các chương trình ở cả trong và ngoài tỉnh, trong đó có ở Hà Nội. Năm 2021, trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Bắc Kạn chuyển sang một giải pháp mới, đó là xúc tiến thương mại trên các kênh, sàn giao dịch điện tử. Với những giải pháp như vậy, các sản phẩm nông sản của tỉnh Bắc Kạn đã được tiêu thụ tốt, được đánh giá cao về chất lượng.

Hết năm 2021, tỉnh Bắc Kạn đã có 170 sản phẩm OCOP, đã đạt các tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên, có sản phẩm được công nhận 5 sao, tham gia vào thị trường các tỉnh, thành phố lớn trên cả nước. Có những sản phẩm tham gia xuất khẩu ở những thị trường yêu cầu tiêu chuẩn khá cao, như là thị trường châu Âu với sản phẩm miến dong của Hợp tác xã miến dong Tài Hoan (xuất khẩu sang Cộng hòa Séc); các sản phẩm chế biến nông sản của Công ty MISAKI Việt Nam là sản phẩm mơ, gừng, kiệu hay các sản phẩm chế biến từ rau cải, củ cải,… đã xuất khẩu liên tục được nhiều năm nay sang Nhật Bản.

 

sản-phẩm-nho-xanh-của-công-ty-trách-nhiệm-hữu-hạn-sản-xuất-và-thương-mại-nông-sản-thái-thuận-xã-nhơn-sơn-huyện-ninh-sơn-đạt-tiêu-chuẩn-ocop-4-sao-cấp-tỉnh-ảnh-nguyễn-thành-ttxvn.jpg
Sản phẩm nho xanh của Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất và Thương mại nông sản Thái Thuận (xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn) đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh. Ảnh Nguyễn Thành

 

Có thể nói rằng, đây chưa phải là kết quả quá lớn, quá tốt, nhưng là bước đầu để hy vọng sản phẩm nông sản của tỉnh Bắc Kạn phát triển. Tỉnh tập trung theo hướng khai thác về mặt giá trị, về tính đặc hữu, với mục tiêu là nâng cao giá trị và nâng cao thu nhập cho người nông dân. Làm được như vậy thì khả năng thành công sẽ cao, ổn định đời sống cho người dân.

Bắc Kạn xác định, OCOP và chế biến sâu lâm sản để khai thác lợi thế, là đòn bẩy đưa các sản phẩm giá trị cao ra thị trường trong nước và xuất khẩu.

“Ngoài ra, các sản phẩm khác có tính giá trị cao, đi vào sản phẩm OCOP, chúng tôi không xác định cụ thể về số lượng sản phẩm, mà sẽ cho phát triển theo lợi thế và xu hướng theo tiềm năng của từng địa phương. Có thể là chỉ phát triển ở quy mô một vài trăm hecta nhưng sẽ khai thác mạnh về tính đặc hữu, cũng như là về giá trị sản phẩm ở khâu bao bì, chất lượng và giá trị cao để mang lại thu nhập cao nhất cho người nông dân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Đỗ Thị Minh Hoa nhấn mạnh.

Kết nối để sản phẩm OCOP ngày càng vươn xa

Mới đây, tại Diễn đàn Kết nối Doanh nghiệp kiều bào, Thúc đẩy Thương mại và Đầu tư ngành nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ Ngoại giao tổ chức, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp bày tỏ mong muốn bà con kiều bào trên khắp thế giới tiếp tục làm cầu nối đưa nông sản Việt vươn cao, vươn xa trong chuỗi giá trị toàn cầu.

“Chúng tôi rất mong bà con tiếp tục làm cầu nối đưa nông sản Việt vươn cao, vươn xa trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt, bà con giúp thúc đẩy kết nối sản phẩm OCOP, đây là sản phẩm có tiềm năng, có chất lượng và mang đậm nét văn hóa bản sắc của vùng miền nông thôn Việt Nam. Bà con cũng là kênh truyền tải tri thức, công nghệ và huy động nguồn lực tài chính, đưa Việt Nam thành cường quốc nông nghiệp, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tân tiến, và là Trung tâm chế biến, logistics trong chuỗi giá trị nông sản toàn cầu”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam chia sẻ.

Chương trình OCOP hiện nay được nhận định là hướng đi đúng trong phát triển sản xuất sản phẩm nông sản hàng hóa theo chuỗi giá trị, trên cơ sở phát huy nội lực của chủ thể và những lợi thế của địa phương, đưa nông dân chủ động hội nhập và tiếp cận kinh tế thị trường, qua đó góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần khu vực nông thôn.

Bởi vậy, ông Nam nhấn mạnh, các địa phương cần chú trọng tập trung đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, hoàn thiện công nghệ chế biến quy mô nhỏ và vừa nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm OCOP, đặc biệt là các sản phẩm đã được công nhận.

Tăng cường chuyển giao ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất, kết nối thị trường, truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin; khoa học xã hội trong phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn, bảo tồn giá trị văn hóa bản địa của địa phương. Tạo “Thế” và “Lực” để các sản phẩm nông sản OCOP ngày càng vươn xa và bay cao.

 

Bài 3: Điều kiện cần và đủ

 

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
  • Điện Biên hoàn thành chương trình làm nhà đại đoàn kết cho 5.000 hộ nghèo

    Điện Biên hoàn thành chương trình làm nhà đại đoàn kết cho 5.000 hộ nghèo

    Chiều 28/3, Tỉnh ủy Điện Biên, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp tổ chức tổng kết thực hiện Đề án hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo. Đây là Đề án do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành ngày 25/4/2023 (Đề án 09) nhằm vận động nguồn lực hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ với chủ đề "Triệu tấm lòng yêu thương - Nghìn mái nhà hạnh phúc".

  • Tăng cường quản lý, xử lý vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất

    Tăng cường quản lý, xử lý vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất

    Trong bối cảnh tình trạng lợi dụng tham gia đấu giá, sau đó thắng thầu bỏ cọc để "thổi giá đất" thì việc tăng cường quản lý, xử lý vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất là cần thiết.

  • Thủ tướng trả lời nhiều câu hỏi khó của thanh niên về chuyển đổi số

    Thủ tướng trả lời nhiều câu hỏi khó của thanh niên về chuyển đổi số

    Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng và cấp bách của năm 2024 là "Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia", tại phiên đối thoại, các đoàn viên thanh niên đã đặt nhiều câu hỏi đến các bộ ngành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xoay quanh chủ đề này.

  • Hành trình đưa cam ruột đỏ về Điện Biên

    Hành trình đưa cam ruột đỏ về Điện Biên

    Về Điện Biên những ngày đầu tháng 3, chủ ý đi ngắm hoa ban trắng và tham quan vùng đất anh hùng, nhưng đi loanh quanh thế nào lại gặp nhân duyên, đó là bà chủ farm Nguyễn Thị Lan Hương, người sáng lập Cara Farm ở bản Bồ Hóng, xã Thanh Xương (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên).

  • Giám đốc HTX ở Hà Tĩnh “mê” làm nông nghiệp hữu cơ

    Giám đốc HTX ở Hà Tĩnh “mê” làm nông nghiệp hữu cơ

    Đến thăm HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Liên Nhật tại xã Thạch Hạ (TP. Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) sau hơn 10 phút đi xe. Tại đây, chúng tôi gặp anh Nguyễn Hữu Quyền (SN 1983, xã Thạch Hạ) tay chân lấm đầy bùn đất đang sửa sang các hạng mục công trình, chuẩn bị cho vụ mùa mới.

  • Nuôi cá đặc sản trong bể lót bạt thu hàng tỷ đồng mỗi vụ

    Nuôi cá đặc sản trong bể lót bạt thu hàng tỷ đồng mỗi vụ

    Mô hình nuôi cá chạch lấu kết hợp với cá heo đuôi đỏ trong bể cá lót bạt đặt trong vườn xoài đã mang về hàng tỷ đồng mỗi vụ cho gia đình anh Nguyễn Chí Tâm ở phường 6 (Cao Lãnh - Đồng Tháp).

Top