Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 26 tháng 8 năm 2015 | 11:46

Bài 2: Gặm bờ sông, gặm luôn ruộng rẫy

Hàng trăm hộ dân sống ở dọc bờ sông La Ngà đoạn qua các xã La Ngâu, Đức Bình, Đồng Kho... (huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận) đang sống trong cảnh nơm nớp lo sợ trước tình trạng "cát tặc" lộng hành gây sạt lở bờ sông và cuốn trôi đất nông nghiệp. Việc này diễn ra trong thời gian dài và càng ngày càng nghiêm trọng nhưng các ngành chức năng của huyện Tánh Linh vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn và xử lý triệt để.

>> Bài 1: Sông La Ngà bị "rút ruột"

Tan hoang bờ sông

Sông La Ngà đoạn qua huyện Tánh Linh (Bình Thuận) có vai trò thủy lợi, cung cấp nước tưới cho hàng chục hecta rau màu ở các xã La Ngâu, Đức Bình và một số xã lân cận, nay do bị tận thu cát nên bờ sông sạt lở nghiêm trọng, kéo theo đó là việc đất nông nghiệp cũng bị “nuốt” mất. Dọc hai bên bờ sông đoạn qua các xã La Ngâu, Đức Bình, những cánh đồng ngô, lúa đang giai đoạn phát triển xanh mơn mởn nên mỗi khi đất bị sạt lở xuống sông, người dân đứng ngồi không yên.

Mới đây, có mặt tại điểm khai thác cát lậu ở xã La Ngâu, chúng tôi thấy đất sản xuất của người dân ở hai bên bờ sông bị sạt lở nặng, nhiều cây bị bật gốc, phơi rễ chết khô. Chỉ tính riêng đoạn qua bản 3, xã La Ngâu và xã Đức Bình đã có cả trăm điểm sạt lở, mỗi vị trí bị sạt kéo dài hơn 50m, sâu gần 30m. Ghi nhận tại hiện trường, trên khúc sông dài gần 800m, nhiều đoạn đã bị các đối tượng khai thác cát đưa phương tiện cơ giới, máy múc “móc ruột” nham nhở, hàng ngàn khối cát được tập kết chờ xe tải đến lấy.

Bờ sông bị sạt lở nặng do nạn hút cát

Ông Q. ở bản 3, xã La Ngâu, cho biết: “Nạn khai thác cát trái phép ở sông La Ngà đoạn qua xã La Ngâu diễn ra từ cuối năm 2014. Ban đầu chỉ có lác đác một vài máy hút dưới sông. Về sau có cả “tập đoàn” máy đào đổ về, xới tung đất ruộng, đất trồng ngô lên đãi cát. Bức xúc, bà con nhiều lần gọi điện báo xã, làm đơn kêu cứu nhiều nơi nhưng lần nào cán bộ xuống cũng “cười cười, nói nói” chiếu lệ rồi ra về. Sau khi xe cán bộ đi khỏi thì mọi việc đâu vào đấy. Đêm đến, “cát tặc” còn lén đưa máy vào các ruộng bắp của dân để đào đất, đãi cát”.

Cũng theo ông Q, kinh tế người làm nông có khá lên cũng nhờ vào cây ngô, cây lúa. Giờ bắp, lúa đều không sống nổi do nước tưới dưới suối bị “cát tặc” đãi cát làm nhiễm đất sét, bờ sông thì bị sạt lở nặng gây ngập úng. Do đó, thời gian gần đây, cuộc sống của người dân khu vực này rất khó khăn.

Dư luận bức xúc như thế nhưng các cấp chính quyền, ngành chức năng địa phương lại không ngăn chặn, xử lý. Theo người dân ở khu vực này, người đứng đầu các nhóm hút cát trái phép, làm tan nát sông La Ngà đoạn qua huyện Tánh Linh là ông Th. “đầu bạc”. Ông này là chủ một doanh nghiệp tại thị trấn Lạc Tánh và từ tháng 11-2014 đến nay, ông đã cho người mang máy xúc, máy bơm hút đến tận thu cát tại xã La Ngâu.

Con đường đất do cát tặc mở xuyên vào đất người dân để chuyên chở cát

Cũng theo người dân tại bản 3, xã La Ngâu: Trước đây, mặt sông rộng chỉ chừng 80-100m. Khoảng gần 1 năm nay, bờ sông bị sạt lở, ăn sâu vào gần 100m; lòng sông bị biến dạng mạnh, nhiều đoạn tạo thành những vực sâu, sụt lún rất nguy hiểm. Tiếng máy móc hút cát thì gầm rú inh ỏi suốt cả ngày lẫn đêm. Nhiều người bức xúc phản đối liền bị các chủ tàu, công nhân làm thuê chửi bới, đe doạ, hành hung, uy hiếp, gây áp lực nên dù rất bức xúc, bà con cũng đành bất lực, không thể làm gì được.

Không biết, chưa nghe!

Nhiều hộ dân ở các xã La Ngâu, Đức Bình lo lắng: “Theo chúng tôi được biết thì chẳng có công ty nào được cấp phép khai thác ở khúc sông này. Nhưng chẳng hiểu vì sao mấy tháng nay, đoạn sông La Ngâu thành “đại công trường” khai thác cát, song chính quyền địa phương lại ngó lơ. Máy hút cát hoạt động hết công suất, bất kể ngày hay đêm; xe ben, xe tải chạy ầm ầm làm người dân mất ăn mất ngủ; đường sá thì ngày một xuống cấp. Lo lắng nhất, việc khai thác ồ ạt như thế này khiến dòng chảy của sông bị thay đổi, nguy cơ sạt lở bờ rất cao. Đó là chưa nói những ảnh hưởng về môi trường…”, một người dân địa phương chia sẻ.

Để làm rõ những vấn đề người dân phản ánh và trao đổi thông tin về công tác kiểm tra, xử lý tình trạng tận thu cát ồ ạt tại sông La Ngà, phóng viên Báo Kinh tế nông thôn nhiều lần liên hệ trực tiếp và qua điện thoại với cơ quan chức năng huyện Tánh Linh, nhưng lần nào các lãnh đạo ở đây cũng nghỉ phép và bận họp!

Cận cảnh bờ đập tự tạo của cát tặc để chứa cát

Ngày 7-8, khi chúng tôi đặt vấn để liên quan đến tình trạng khai thác cát tại xã La Ngâu diễn ra thời gian dài, và quy mô rầm rộ cả trên sông lẫn trên bờ, lãnh đạo của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tánh Linh chỉ nói: “Không biết, chưa nghe dân hay ai báo về tình trạng này(!?)”.

Ông Dương Quý Bắc, Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tánh Linh, cho biết: Trên địa bàn huyện hiện nay, ngoài các địa phương như thị trấn Lạc Tánh, xã Gia An, thì không có nơi nào khác được cấp phép khai thác cát. Những cá nhân, đơn vị nào khai thác cát ở những địa điểm khác đều là trái phép. Riêng về tình trạng khai thác cát trái phép tại bản 3, xã La Ngâu thì tôi chưa nghe về tình trạng này (!?). Hằng năm, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện thường kết hợp với các cơ quan liên ngành khác tiến hành kiểm tra tình trạng khai thác cát vào mùa khô (cụ thể từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau). Tuy nhiên, gần như chỉ “bắt cóc bỏ đĩa”, do lực lượng chuyên ngành của huyện quá mỏng, trong khi hoạt động khai thác cát trái phép rất tinh vi và có nhiều đối tượng được “thuê” để canh chừng động tĩnh của cơ quan chức năng... Riêng thông tin về Công ty Tạo Lập tổ chức khai thác cát tại bản 3, xã La Ngâu thì công ty này không đăng ký cũng như không được cấp phép khai thác cát!

Cây hoa màu bị ảnh hưởng và đất của người dân hàng năm mất vài vài mét do nạn khai thác cát tặc

Qua trao đổi, ông Bắc cho biết thêm: “Chúng tôi xin tiếp nhận ý kiến phản ánh và sẽ liên lạc với địa phương, đồng thời cử cán bộ xuống kiểm tra để có biện pháp xử lý, chấn chỉnh trình trạng này!”.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, người dân địa phương vẫn liên tục phản ánh về tình trạng khai thác cát lậu rầm rộ và công khai trên sông La Ngà. Vì vậy, không biết đến bao giờ sai phạm trong quản lý, giám sát các đối tượng khai thác cát ở xã La Ngâu mới được làm rõ? Câu trả lời xin nhường cho các cơ quan chức năng huyện Tánh Linh.

Nhóm PV điều tra

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top