Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 23 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 29 tháng 11 năm 2014 | 6:30

Bài 2: Gạt bỏ quyền lợi của dân

KTNT - Mặc dầu đất rừng đang có tranh chấp nhưng UBND tỉnh Đắk Lắk vẫn ra quyết định thu hồi, ưu ái cấp cho doanh nghiệp (DN), gạt bỏ quyền lợi của dân...

>> Thu hồi đất rừng của dân, cấp cho doanh nghiệp ở Đắk Lắk: Trái luật sao vẫn làm?

 

Ông Phan Khắc Văn khẳng định UBND tỉnh Đắk Lắk ra quyết định thu hồi diện tích đất rừng do ông trồng hơn 10 năm nay là trái pháp luật


“Tiền, hậu bất nhất”

Theo đơn của các hộ dân, từ năm 2002 - 2006, 3 nhóm gồm 11 hộ dân ở Ea Tam và Cư Klông nhận đất trồng rừng ổn định, lâu dài được 299,89ha cây gỗ thông xen keo, cộng với 17 hộ dân có hợp đồng trồng và chăm sóc rừng, nâng tổng số diện tích đất rừng được người dân nhận từ BQL Dự án rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng (gọi tắt là BQL) lên đến hơn 500ha, trong đó có 418,6ha đã được người cải tạo, trồng cây gây thành rừng.

Thế nhưng, không hiểu vì sao, năm 2008 UBND tỉnh Đắk Lắk lại đột ngột “gạt” lấy toàn bộ diện tích đất này giao cho doanh nghiệp chặt phá, trồng rừng lại từ đầu?!

Việc này, ngay từ đầu không chỉ gặp phải sự phản kháng của các hộ dân đã bỏ công, bỏ của ra trồng rừng, gây bức xúc trong dư luận, mà ngay cả chính quyền và cơ quan chức năng sở tại cũng không đồng ý. Tại cuộc phúc tra ngày 7/4/2008, Giám đốc BQL khẳng định không thể giao diện tích đất rừng này cho doanh nghiệp. Chính quyền huyện Krông Năng cũng không đồng tình việc thu hồi đất rừng tại xã Ea Dăh, khi khẳng định: Hiện tại chưa thể giao cho Công ty CP Trường Thành lập dự án đầu tư trồng rừng được, do chưa di dời và ổn định được dân cư trong vùng.

Tuy nhiên, ngày 03/10/2008, UBND tỉnh Đắk Lắk vẫn ra Quyết định số 2572/QĐ-UBND thu hồi 568,43 ha của BQL để giao cho Công ty  CP Trường Thành, đồng nghĩa thu hồi toàn bộ 418,6ha rừng trồng hợp pháp của 28 hộ dân đã bỏ biết bao công sức gây dựng nên.
Xâm phạm quyền lợi của dân

Đối chiếu với Điều 26 Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 và khoản 2, Điều 26 Nghị định số 23/2013 của Chính phủ hướng dẫn thi hành luật này, thấy việc UBND tỉnh Đắk Lắk thu hồi hơn 400ha đất rừng, rừng trồng đã giao khoán cho các hộ dân để giao cho doanh nghiệp tư nhân là không được phép.

Nói về việc này, ông Phạm Thế Hoan, Phó chánh thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đắk Lắk, cứ một hai khẳng định: “Việc thu hồi có căn cứ”. Khi phóng viên đề nghị ông Hoan phân tích tính có căn cứ, đúng pháp luật ở đâu thì ông lại giải thích vòng vo, không nêu ra được căn cứ cụ thể. 

Tuy nhiên, ông Hoan cũng nói: “Xét nhu cầu của dân, dân có còn nhu cầu trồng rừng hay không? Nếu còn nhu cầu mà vẫn thu hồi để giao là sai, dân không còn nhu cầu mà thu hồi là đúng”. Và nói thêm, nếu trước thời điểm thu hồi đất để giao cho Công ty CP Trường Thành mà dân kiện thì chắc việc thu hồi diện tích đất đó của dân không xảy ra (?!). 

Nhiều hộ dân có đất rừng đang tranh chấp khẳng định: “Việc lên phương án, kế hoạch thu hồi đất để giao cho Công ty CP Trường Thành dân không được biết, vì mãi đến lúc doanh nghiệp có “sổ đỏ” rồi dân mới được biết, mới bức xúc đội đơn đi kiện”. 

Trong lúc đó, tại thời điểm UBND tỉnh Đắk Lắk ra quyết định thu hồi đất rừng đã giao khoán cho dân (năm 2008), đang chịu sự điều chỉnh của Thông tư 38/2007 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong đó Điều 3 quy định rõ: “Không giao, cho thuê những diện tích rừng đang có tranh chấp” và “việc giao, cho thuê rừng, thu hồi rừng phải có sự tham gia của người dân địa phương và công bố công khai”. “Chúng tôi quyết liệt phản đối nhưng UBND tỉnh vẫn cứ thu hồi diện tích đất rừng đang tranh chấp giao cho Công ty Trường Thành thuê. Không những thế, nhiều hộ dân không biết được tỉnh đã thu hồi đất rừng và đem cho doanh nghiệp thuê”, ông Phan Khắc Văn nói.

Trao đổi với phóng viên xung quanh việc việc này, ông Nguyễn Đình Tùng, Giám đốc BQL, cho biết,  thời điểm đó BQL chỉ  “căn cứ vào tờ trình của công ty và của UBND tỉnh chỉ đạo”. 

Mặc dầu lý giải có nhiều yếu tố, tuy nhiên ông Tùng cũng nhận định: “Đã giao cho hộ dân lâu dài, khi thu hồi anh phải có quyết định thu hồi và phải có thanh lý hợp đồng. Mà đã thanh lý hợp đồng, đề nghị thu hồi thì phải đền bù”.

 

Trên diện tích đất đang tranh chấp này, Công ty Trường Thành đã san ủi đường đi và trồng cây rừng

Ngang nhiên phá rừng tranh chấp

Khi tranh chấp đất rừng giữa các hộ dân với chính quyền địa phương chưa được giải quyết thấu đáo, UBND huyện Krông Năng đã có văn bản yêu cầu hai bên giữ nguyên hiện trạng, thì ngày 24/5/2014, Công ty CP Trường Thành đã cho công nhân vào triệt hạ rừng thông do người dân dày công trồng nên ở tiểu khu 316. Trực tiếp cán bộ BQL, Kiểm lâm huyện và Công an xã Ea Tam có mặt tại hiện trường, qua kiểm tra đã lập biên bản vi phạm, với khoảng 700-800 cây thông trồng từ năm 2006 bị cắt thành từng khúc có chiều dài 2m, đường kính cây to nhất 27cm, còn đại đa số có đường kính gốc 13-17cm, diện tích bị chặt phá 8.000m2.

Tại thời điểm này, nhận được tin báo của người dân, phóng viên đã trực tiếp có mặt và chứng kiến hàng trăm cây thông đang chu kỳ khai thác nhựa bị cưa đổ ngổn ngang, nhựa thông ứa ra như máu và nước mắt của người dân trồng rừng. 

Việc DN ngang nhiên chặt phá rừng do dân trồng, ông Tùng khẳng định: “Công ty Trường Thành đã sai”,“Nói về luật thẳng mực tàu là vi phạm”.
Hành động chặt phá rừng thông do dân trồng của Công ty CP Trường Thành có dấu hiệu của tội hủy hoại rừng, đồng thời đẩy tranh chấp lên  đỉnh điểm, gây thiệt hại về kinh tế của Nhà nước cũng như các hộ dân (ước khoảng 300 triệu đồng). 

Gỡ “nút thắt”?

Nói về những bất cập dẫn tới tranh chấp xảy ra, ông Nguyễn Quốc Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Đắk Lắk, nhận định: “Đây là hai cái nhập một, anh làm không đúng nguyên tắc dẫn đến bây giờ có sự tranh chấp xảy ra. Thứ nhất là việc giao không đúng, giữa hồ sơ và trên thực tế, thực địa không đúng. Thứ hai, việc đầu tư trồng rừng theo chương trình 661 trên diện tích giao khoán cũng chưa rõ ràng nên mới có tranh chấp. Chứ trong trường hợp Ban giám đốc BQL làm chặt chẽ thì sẽ không có tình trạng như bây giờ”.

Cũng phải thừa nhận thực tế có một số hộ dân trồng rừng ngoài tiểu khu đã quy định trong hồ sơ. Quá trình rà soát diện tích đất trồng rừng trên hồ sơ và kiểm tra trên thực tế tại thực địa cũng không chính xác, vì vậy đã xảy ra sự việc giao đất lâm nghiệp rừng trồng cho DN chồng lấn lên diện tích đã giao khoán cho người dân trước đó. Sự việc này không chỉ gây khó khăn cho cơ quan chức năng, mà còn gây thiệt hại cho người dân nhận khoán trồng rừng. Cũng chính vì tranh chấp xảy ra, mà hiện nay một số khoảnh đất tại tiểu khu 311, 314, 316 vẫn chưa được trồng rừng, không những thế, thiệt hại về kinh tế cũng rất lớn cho Nhà nước và người trồng rừng, khi rừng keo đã bị rỗng ruột do quá tuổi khai thác nhưng không được chặt, rừng thông đã vào chu kỳ lấy nhựa nhưng vẫn để mặc cho mưa nắng. 

Trực tiếp Giám đốc BQL đề xuất: “Người dân đã có ít nhiều công sức vào trồng rừng. Mong các cơ quan chức năng xem xét giải quyết thấu tình đạt lý, có lợi cho người dân đầu tư trồng rừng từ trước đến nay”. 

Ông Nông Văn Lập, Chủ tịch HĐND xã Cư Klông, cũng đề nghị cấp trên có giải pháp làm sao cho hài hòa, công bằng, ổn định cuộc sống của những hộ gia đình trồng rừng ở đây.

Thiết nghĩ, “nút thắt” để chấm dứt tranh chấp này là UBND tỉnh Đắk Lắk cần phải xem xét, ưu tiên cho dân, vì dân đã đầu tư công sức, tiền của bao nhiêu năm vào những thảm rừng này. 

 
Anh Bình - Bùi Tiến
 
KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top