KTNT - Dinh thự xa hoa cùng với 100ha cao su của gia đình Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung ngày càng “nóng” lên, khi tại cuộc họp giao ban báo chí quý 3/2014, ông Nguyễn Minh Giao, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Bình Dương, cho biết, ông Cung thu nhập 50 triệu đồng/ngày từ vườn cao su là chuyện bình thường. Một góc vườn cao su của gia đình ông Cung.
Vén màn “bí ẩn” Trước thông tin Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung đang sở hữu một khối tài sản “khủng” nằm ở vùng đất đắt giá nhất tỉnh, trong cuộc họp giao ban báo chí quý 3/2014, ông Nguyễn Minh Giao, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Bình Dương, cho biết, ông Cung sở hữu căn biệt thự và khu vườn cao su là có thật, nhưng diện tích và giá trị thì không phải như vậy. Khối tài sản “khủng” của ông Cung là do ông Cung có được từ trước khi được bổ nhiệm làm Chủ tịch UBND tỉnh. Diện tích cao su hiện ông Cung đang sở hữu chỉ vài chục hecta. Còn nguồn tiền để xây dựng căn biệt thự là tiền từ thu hoạch cao su, tính từ năm 2000 đến 2004, giá cao su ngày càng tăng nên mỗi ngày gia đình ông Cung thu nhập được 50 triệu đồng là chuyện thường. Ngoài ra, trong năm 2013 và tháng 7/2014, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tiến hành kiểm tra, xác minh làm rõ về tài sản của ông Cung; sau đó có kết luận tài sản của ông Cung đã được đăng ký kê khai theo đúng quy định. Số tài sản của ông Cung không có dấu hiệu tham ô, tham nhũng
. Để lý giải những vấn đề khuất tất tại sao ông Cung có 100ha cao su ở vùng đắc địa, nơi mà nhiều người dân mơ ước, theo tìm hiểu của phóng viên, trước khi đảm nhiệm chức Chủ tịch UBND tỉnh, ông Cung làm Trưởng phòng kế hoạch, rồi Phó chủ tịch UBND huyện Bến Cát.
Năm 1992, Công ty Sobexco, 100% vốn nhà nước được thành lập; năm 1993, 345ha đất lâm nghiệp của Lâm trường Long Nguyên sáp nhập vào Sobexco. Tuy nhiên, sau một thời gian đầu hoạt động công ty ăn nên làm ra. Thời gian sau, công ty làm ăn thua lỗ nên thanh lý 345ha rừng trồng để giao khoán cho các hộ gia đình trồng cao su. Năm 2003, UBND tỉnh Bình Dương có văn bản giao cho UBND huyện Bến Cát quản lý và xem xét giao hơn 320ha đất (thuộc ấp 8, Lâm trường Long Nguyên trước đây) từ Sobexco cho dân có nhu cầu trồng rừng. Sau đó, UBND huyện Bến Cát đã giao đất, cấp sổ đỏ 320ha đất cho 112 hộ dân, trong đó có gia đình ông Lê Thanh Cung được chia nhiều nhất, hơn 100ha.
Theo một vị nguyên lãnh đạo UBND huyện Bến Cát: “Thời điểm Lâm trường Long Nguyên giải thể, sáp nhập với Sobexco…, đất lâm trường được chia cho nhiều cán bộ, nhưng riêng ông Chín Cung, không biết cách nào được “cấp” nhiều nhất”.
Từ những việc làm trên, căn cứ vào thời điểm xảy ra sự việc và theo Luật Đất đai 1998, các quy định tại Nghị định số 85/1999/NĐ-CP ngày 28/8/1999 của Chính phủ: “Đối với cán bộ, công nhân, viên chức nhà nước…, nếu có khả năng sản xuất, có nhu cầu sử dụng đất, thì UBND xã… cho họ được thuê có thời hạn một số đất để sản xuất”. Cũng theo khoản 4, Điều 1, Nghị định này thì hạn mức giao đất nông nghiệp để trồng cây lâu năm là không quá 10ha. Việc giao từ 50ha đất nông nghiệp trồng cây lâu năm trở lên cho một cá nhân, hộ gia đình là trái quy định pháp luật.
Nếu chiếu theo các quy định pháp luật, rõ ràng, trường hợp vườn cao su “khủng” (100ha) của gia đình Chủ tịch tỉnh Bình Dương được chính quyền huyện Bến Cát giao đất, mà không phải thuê đất, là có dấu hiệu vi phạm luật pháp. Thêm vào đó, lúc này ông Lê Thanh Cung đang là Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nên không thể là đối tượng để được giao đất nông nghiệp theo quy định trên.
Dinh thự của gia đình ông Cung.
Đồng lương ít ỏi xây được dinh thự? Theo báo cáo của ông Nguyễn Minh Giao, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Bình Dương, thì dư luận vẫn đặt ra nhiều câu hỏi. Một số người thắc mắc: “Chúng tôi là dân cũng có quyền lên tiếng nghi ngờ về khối tài sản khổng lồ của ông Chín Cung cũng có nguyên nhân hợp lý chứ không phải không có. Bởi vì, với mức lương, thu nhập của cơ quan Nhà nước như hiện nay mà người ta gọi là “đầy tớ của nhân dân” thì rõ ràng không thể nào xây dựng cho mình một dinh cơ lộng lẫy đến như vậy?”.
Nhiều người cũng có ý kiến rằng, từ mức thu nhập trên, chính quyền các cấp phải kiểm tra mức thu nhập cá nhân của ông Cung, trách nhiệm của ông Cung khi nộp thuế thu nhập cá nhân là kê khai nộp thuế phải rõ ràng, đầy đủ, nộp thuế vào ngân sách Nhà nước và quyết toán thuế đối với mọi khoản thu nhập theo quy định của pháp luật về quản lý thuế (Điều 24, Luật Thuế thu nhập cá nhân). Nếu cơ quan quản lý thuế phát hiện cá nhân ông Cung nộp thuế hoặc vi phạm pháp luật về thuế thì có quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử lý vi phạm pháp luật về thuế theo quy định của pháp luật và kiến nghị cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm khởi tố (Điều 9, Điều 13 Luật Quản lý thuế).
Sự việc ngày càng “nóng” lên, khi ông Lê Thanh Cung, chỉ vẻn vẹn vài tháng nữa đến tuổi nghỉ hưu. Luật Phòng, chống tham nhũng có quy định bắt buộc những cán bộ lãnh đạo như ông Chín Cung phải kê khai, minh bạch tài sản trước cơ quan và nhân dân. Ông Cung có thực hiện nghiêm túc điều này hay không? Khối tài sản của ông Cung đã kê khai hết chưa hay là còn “ẩn số”. Hơn bao giờ hết, người dân tỉnh Bình Dương nói riêng, cả nước nói chung đang trông chờ các cơ quan chức năng sớm công bố kết quả xác minh, kiểm tra khối tài sản “khủng” trên của Chủ tịch tỉnh Bình Dương./.
Khối tài sản gồm dinh thự nguy nga và vườn cao su “khủng” của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung từ đâu ra, đến nay vẫn còn là một câu hỏi bỏ ngỏ. Người dân kỳ vọng vào các cấp các ngành sớm vào cuộc làm sáng tỏ. Nếu sự việc còn mập mờ, ắt dư luận sẽ còn đặt ra nhiều nghi vấn đối với bộ máy chính quyền tỉnh Bình Dương khi không làm tròn trách nhiệm, gây dư luận không tốt trong nhân dân. |
Nhóm PVĐT
Bài 3: Sai phạm từ đầu nhưng chính quyền làm ngơ?
KTNT