Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 22 tháng 3 năm 2015 | 10:30

Bài 5: Bất lực trong việc xử lý bãi tập kết VLXD trái phép tại các xã của huyện Gia Lâm!

Hàng loạt các bãi bãi tập kết, trung chuyển VLXD nằm trên địa bàn các xã Yên Viên, Kim Lan, Trung Màu và Phù Đổng  (huyện Gia Lâm) vẫn ngang nhiên hoạt động trước sự “bất lực” của cơ quan chức năng.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, qua kiểm tra các bãi chứa, trung chuyển VLXD của các đơn vị trên địa bàn các phường tại xã Yên Viên, Kim Lan, Trung Màu và Phù Đổng (Gia Lâm) với tổng số 15 bãi chứa sử dụng đất ven sông không có thủ tục pháp lý về đất đai.

Trong đó có 13 bãi chứa phù hợp với quy hoạch, 02 bãi chứa tại khu vực kè Đổng Viên, xã Phù Đổng là không phù hợp với quy hoạch bãi chứa trung chuyển VLXD nêu tại Quyết định số 711/QĐ-UBND ngày 01/2/2013 của UBND thành phố Hà Nội. Có 07 bãi chứa sử dụng đất trên cơ sở biên bản của UBND xã tạm giao đất hàng năm hoặc hợp đồng thuê đất bãi ven sông để sản xuất nông nghiệp ký với UBND xã. 

Tại buổi làm việc với các xã có các bãi tập kết, trung chuyển VLXD nằm trên địa bàn các xã Yên Viên, Kim Lan, Trung Màu và Phù Đổng.. (huyện Gia Lâm), phóng viên được biết, đa số các bãi tập kết, trung chuyển VLXD này đều chưa có giấy phép cũng như không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

Trao đổi với phóng viên, ông Đào Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã Yên Viên, cho biết: “Trên địa bàn xã có 6 bãi trung chuyển vật liệu xây dựng bao gồm các bãi của: Hợp tác xã công nghiệp Cầu Đuống, HTX Thành Đoàn, Công ty TNHH Minh Hạnh, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Đức Mạnh, Doanh nghiệp tư nhân Minh Đức, Công ty vật tư Nông nghiệp.

Ông Đào Văn Hồng trong buổi làm việc với phóng viên

Trong 6 bãi trên chỉ có 1 bãi của Công ty vật tư Nông nghiệp là được thành phố cấp đất, cấp phép mở bến bãi, ngày xưa công ty chuyên trở vật tư nông nghiệp cho Thành phố (đến nay đã hết hạn), còn lại các bãi khác chưa có giấy phép”.

“Còn lại khu vực gần Cầu Đuống ngày xưa là xã cho Nhà máy cơ khí Yên Viên thuê để làm nơi sản xuất xà lan. Sau một quá trình sản xuất không hiệu quả nên nhà máy này dừng hoạt động, lãnh đạo Nhà máy đã tiến hành bàn giao lại đất cho xã từ những năm 1990. 

Sau khi nhận bàn giao thì đất được HTX công nghiệp Cầu Đuống và HTX Thành Đoàn thuê lại, hiện tại UBND xã đã thanh lý hợp đồng theo kết luận của thanh tra. Tuy nhiên, việc thu hồi lại đất ở thời điểm hiện tại là vô cùng khó khăn” - Ông Hồng cho biết thêm.

Cũng theo ông Hồng, việc xử lý xã chỉ ra quyết định thu hồi các biên bản bàn giao, tạm giao, hợp đồng…Việc thu hồi lại đất là rất khó bởi vì đất này người ta đã kinh doanh từ rất nhiều năm nay. Hơn nữa vị trí các khu đất ấy cũng đã được thành phố và huyện đưa vào quy hoạch bến bãi. Về lý thì xã đã thu hồi rồi thì các doanh nghiệp phải trả lại mặt bằng cho xã. Tuy nhiên, do vật tư vật liệu trên bãi nhiều, việc di chuyển các loại vật liệu khó khăn nên việc người ta tiếp tục khi doanh trên bãi nêu việc quản lý của xã là rất khó. Một mặt là huyện đề nghị, một mặt thì doanh nghiệp không chấm dứt ngay nên xã khó quản lý, việc giải phóng mặt bằng triệt để là khó thực hiện”.

Xã đình chỉ hoạt động nhưng các doanh nghiệp vẫn cố tình hoạt động, không chịu hoàn trả mặt bằng UBND xã đã báo cáo lên UBND huyện và UBND huyện cũng nắm bắt được vấn đề này.  Phải công nhận đây là những tồn tại mà xã chưa giải quyết được, cao hơn nữa là UBND huyện cũng chưa giải quyết được. Tuy nhiên UBND huyện cũng có hướng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nên nhiều lần xã, huyện cũng đã đề nghị UBND thành phố quan tâm và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có đủ điều kiện để kinh doanh và hoạt động đúng quy định của pháp luật - ông Hồng cho biết.

Liên quan đến vấn đề thực hiện Quyết định số: 711/QĐ-UBND về việc thực công tác kiểm tra, rà soát hoạt động khai thác cát, sỏi, hoạt động trung chuyển VLXD cũng như công tác quản lý tại địa bàn xã Phù Đổng, ông Nguyễn Văn Hưng - PCT UBND xã cũng cho biết: Hiện tại trên địa bàn xã có 5 bãi tập kết, trung chuyển VLXD trên địa bàn xã. Trong đó có 3 bãi nằm trong quy hoạch và 2 bãi nằm ngoài quy hoạch nhưng hầu hết các bãi cũng đã ngừng hoạt động từ lâu, chỉ còn một số bãi nhỏ lẻ không nằm trong quy hoạch thì cũng gần như đã chấm dứt hoạt động. Hiện tại UBND Xã cũng đã ra thông báo tới tất cả các bến bãi yêu ngừng toàn bộ mọi hoạt động.

Bên cạnh đó, thực hiện sự chỉ đạo của UBND huyện, ngày 16/03/2015 UBND xã đã mời toàn bộ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chủ bến bãi tập kết, trung chuyển VLXD phù hợp với quy hoạch hoàn thiện hồ sơ, thủ tục xin cấp phép hoạt động kinh doanh bến bãi theo như quy định xong trước ngày 30/06/2015". Ông Hưng cho biết.

Dưới đây là những hình ảnh phóng viên ghi lại tại một số bãi tập kết, trung chuyển VLXD tại huyện Gia Lâm:

Mặc dù Quyết định số: 711/QĐ-UBND đã quy định rất rõ về việc thực thi thế nhưng trên địa bàn huyện Gia Lâm vẫn đang còn tồn tại hàng loại bãi tập kết, chung chuyển VLXD trái phép mà theo như Thông báo Số: 452/TB-UBND của huyện Gia Lâm cũng đã thừa nhận nguyên nhân chủ yếu là do UBND một số xã có biểu hiện buông lỏng trong việc quản lý đất đai, hoạt động kinh doanh của các bến bãi, sự phối hợp giữa UBND các xã với các phòng, ban, ngành liên quan chưa chủ động, chặt chẽ, dứt điểm trong việc xử lý các trường hợp vi phạm.

Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin./.

Tiến Đạt - Thanh Thắng

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top