Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 19 tháng 5 năm 2014 | 7:42

Bài 5: Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương “ép” doanh nghiệp có nguy cơ phá sản?

KTNT- Vừa qua Báo Kinh tế nông thôn có loạt bài phản ánh về  việc hàng trăm doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch theo công nghệ Hoffman ở tỉnh Bình Dương sắp bị “bức tử” bởi quyết định của ông Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung. Sau khi vụ việc được phản ánh, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến của độc giả gửi về Tòa soạn, Kinh tế nông thôn trích đăng ý kiến của Luật sư Huỳnh Ngọc Hoàng, VPLS Huỳnh Ngọc Hoành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về vụ việc này. BÀI LIÊN QUAN:>> Bài 1: Trách nhiệm của nhà quản lý ở đâu?>> Bài 2: Chính quyền xử lý theo kiểu “tiền hậu bất nhất”>> Bài 3: Doanh nghiệp điêu đứng, công nhân hoang mang>> Bài 4: Lãnh đạo các sở hẹn trả lời bằng văn bản



Là một công dân tôi thấy vô cùng bất bình trước việc ông Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương áp dụng pháp luật một cách cứng nhắc, có nguy cơ làm lãng phí hàng chục ngàn tỷ đồng, đẩy hơn 200 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch theo công nghệ Hoffman đến chỗ phá sản, mất nhà mất cửa, không thể trả nợ ngân hàng… Ngoài ra, việc áp dụng pháp luật không tính đến hậu quả xã hội (cụ thể là hàng chục ngàn lao động có nguy cơ mất việc làm) có nguy cơ đẩy đời sống của người lao động vào đường cùng, đã khốn đốn nay càng khốn đốn thêm.   

Điều 34, Nghị định số 24/2007/NĐ-CP ngày 31/07/2007 về quản lý vật liệu xây dựng, quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức/cá nhân sản xuất vật liệu xây dựng: Lựa chọn, quyết định về công nghệ chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng theo quy định của pháp luật. Lựa chọn, quyết định và công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm vật liệu xây dựng do mình sản xuất. Quyết định về việc tổ chức và các biện pháp kiểm soát nội bộ về chất lượng sản phẩm và môi trường theo tiêu chuẩn chất lượng và môi trường. Quyết định giá và kinh doanh sản phẩm vật liệu xây dựng do mình sản xuất…

 

  Luật sư Huỳnh Ngọc Hoàng, Trưởng VPLS Huỳnh Ngọc Hoàng,
xã Mỹ Tân, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu


Ngoài ra Quyết định số 121/2008/QĐ-TTg ngày 29/08/2008 của Thủ Tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến 2020 quy định: Phát triển vật liệu xây dựng phải bảo đảm tính bền vững, góp phần phát triển kinh tế, tạo sự ổn định xã hội và bảo vệ môi trường, phù hợp với các quy hoạch khác liên quan. Phát triển vật liệu xây dựng trên cơ sở khai thác có hiệu quả thế mạnh về tài nguyên khoáng sản, thế mạnh về thị trường và lao động, đồng thời không ngừng đào tạo nâng cao năng lực quản lý, vận hành sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh. Phát triển vật liệu xây dựng trên cơ sở lựa chọn quy mô công suất hợp lý, công nghệ hiện đại, sạch, tiêu tốn ít năng lượng, nguyên liệu, sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, từng bước loại bỏ các cơ sở sản xuất có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường và hiệu quả kinh tế thấp…Thống nhất quản lý đầu tư phát triển vật liệu xây dựng trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt. Quy hoạch vật liệu xây dựng được rà soát và điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo từng thời kỳ cụ thể.

Tại văn bản số 25/BXD-VLXD ngày 26/4/2014, trả lời công văn số 458/SXD-KTKT ngày 4/4/2010 của Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương về đầu tư xây dựng lò nằm Hoffman thay thế lò đứng thủ công nung gạch ngói, Bộ Xây dựng có ý kiến: Theo Quyết định số 15/2000/QĐ-BXD ngày 24/7/2000 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc đầu tư sản xuất gạch ngói đất sét nung, thì đến năm 2010 sẽ xoá bỏ hoàn toàn loại hình sản xuất gạch xây thủ công trên toàn quốc và tại Quyết định số 121/QĐ-TTg ngày 29/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 đã đưa ra lộ trình phát triển vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung: năm 2010 là 10-15%, năm 2015 là 20-25%, năm 2020 là 30-40% và định hướng đối với việc phát triển vật liệu nung trong giai đoạn tới là áp dụng những công nghệ tiên tiến, nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường trong sản xuất, tiết kiệm tài nguyên đất sét và sản xuất ra những sản phẩm có giá trị kinh tế cao.

Với các nội dung trên thì định hướng của Bộ Xây dựng đối với lò nằm Hoffman là chỉ được đầu tư ở những khu vực có thị trường tiêu thụ thấp, năng lực nhà đầu tư hạn chế và quá trình đầu tư phải đảm bảo: Công đoạn gia công tạo hình phải được đầu tư đầy đủ hệ thống máy nhào trộn, ép, hút chân không. Lò phải cải tiến để tận dụng tối đa khí nóng; khói thải phải qua hệ thống lọc nước, đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường. Đảm bảo an toàn và sức khoẻ cho người lao động khi ra vào lò.

Tại văn bản số 986 ngày 1/6/2012 của Bộ Xây dựng về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 15/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo: Với lò vòng, lò vòng cải tiến (có nơi gọi là lò Hoffman) không sử dụng nhiên liệu hóa thạch mà sử dụng phế liệu của ngành nông nghiệp (trấu, mùn cưa, vỏ hạt điều …) tùy theo điều kiện cụ thể của từng địa phương có thể cho phép tồn tại…

Như vậy với chức năng và quyền hạn của được Đảng và Nhà nước, nhân dân giao phó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương có quyền áp dụng pháp luật theo hướng có lợi cho doanh nghiệp, người lao động, góp phần làm tăng trưởng kinh tế, ổn định tình hình an ninh chính trị tại địa phương. Cụ thể, có quyền quyết định cho phép các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch theo công nghệ Hoffman tồn tại tới năm 2020, để họ có thời gian hoàn vốn, trả nợ ngân hàng, chuyển đổi sang công nghệ sản xuất gạch không nung./.

Nhóm PV điều tra (thực hiện)

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top