Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 29 tháng 5 năm 2014 | 8:48

Bài 7: Chậm tiến độ dự án do không có mặt bằng thi công

KTNT- Trả lời báo Kinh tế nông thôn về việc chậm tiến độ tại dự án cải tạo mương Y cụ - Y khoa cung như T6A – Nguyên Hồng, ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Ban quản lí dự án thoát nước Hà Nội cho rằng, có nhiều nguyên nhân, trong đó chính vẫn là công tác giải phóng mặt bằng của chính quyền địa phương còn quá chậm, dẫn tới kéo dài thời gian thi công.BÀI LIÊN QUAN: Bài 1: Hà Nội: Cải thiện môi trường hay phá đường?Bài 2: Kiểm điểm đơn vị thi công ẩuBài 3:  Sở GTVT Hà Nội: “Ngâm tôm” hồ sơ xin cấp phép đào đường dự án?Bài 4: Dự án cải tạo mương Y cụ - Y khoa bị bỏ dở vì sao?Bài 5: Cải tạo hệ thống thoát nước tuyến mương T6A - Nguyên Hồng: Triển khai ì ạch, dân bức xúcBài 6: BQL dự án thoát nước vừa đá bóng vừa thổi còi!


Dự án cải tạo mương Y cụ - Y Khoa thuộc Dự án cải tạo kênh mương thoát nước giai đoạn 2 sử dụng nguồn vốn ưu đãi của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) do Ban Quản lí thoát nước (thuộc Sở Xây dựng) đảm nhiệm từ năm 2012. Thế nhưng, niềm vui ấy chưa kéo dài được 7 tháng thì dự án dừng lại, khiến người dân sinh sống dọc bờ mương tiếp tục phải hứng chịu mùi hôi nồng nặc và tình trạng ô nhiễm dai dẳng…

Dự án Y cụ Đống Đa chậm tiến độ nhiều năm nay gây bức xúc cho người dân.


Chuyện ô nhiễm không chỉ là nỗi bức xúc của người dân mà chính quyền địa phương cũng tỏ ra sốt sắng. Theo lãnh đạo UBND phường Khương Thượng cho biết, cứ có dự báo mưa to là lãnh đạo phường thấp thỏm cùng dân; điều động người lo việc đóng cọc tiêu, căng dây phân chia ranh giới giữa đường xóm và con mương, hạn chế đến mức thấp nhất nguy hiểm khi nước và đường hòa làm một. Con đường men mương chỉ vỏn vẹn 1m, rình rập đầy nguy hiểm.

UBND phường Khương Thượng đã nhiều lần gửi văn bản, ra công văn, mời chủ đầu tư đến làm việc trực tiếp; yêu cầu phía thi công phải thực hiện 4 nội dung: đảm bảo vệ sinh môi trường cho khu dân cư, thúc đẩy tiến độ cải tạo; đảm bảo tiêu thoát nước, không để úng ngập khi có mưa lớn và dỡ bỏ hàng rào quây xung quanh đã xuống cấp để giao thông không bị ùn tắc. Thế nhưng, đến nay tiến độ vẫn không có gì mới.

Tương tự dự án Y khoa – Y cụ, tuyến kênh T6A - Nguyên Hồng là một trong 16 tuyến kênh mương của dự án cải tạo kênh mương thoát nước lưu vực sông Tô Lịch, Hoàng Liệt, Lừ, Sét, có chiều dài 702m bắt đầu từ công viên Thành Công đến giáp Đài Truyền hình Hà Nội, giá trị khoảng 50 tỷ đồng với các công việc lắp đặt cống hộp 3m x 2,6m, xây dựng đường 2 làn xe, mặt đường bê tông asphalt, kè lát gạch bờ lốc đến hết chỉ giới, trồng cây xanh và hệ thống chiếu sáng công cộng…

Tuy nhiên, sau lễ khởi công hoành tráng thì đơn vị thi công lại ì ạch trong triển khai dự án, khiến người dân sống quanh khu vực này vô cùng bức xúc. Theo người dân ở khu G1 (Tổ 61) và G1B (Tổ 65) cho biết, hơn 3 năm nay, việc triển khai ì ạch, kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân. Việc chậm trễ không những gây cản trở lưu thông, khó khăn kinh doanh mà còn gây bụi bặm, tiếng ồn và ngập úng.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Ban quản lí dự án thoát nước Hà Nội cho biết: việc thi công dự án Y khoa – Y cụ chậm tiến độ như báo chí nêu có một số nguyên nhân nhưng chủ yếu là vướng mắc mặt bằng thi công. Đây là phần đất công do phường quản lý và còn tồn tại lều lán, nhà tạm của người dân nên vừa thi công vừa phải phối hợp với chính quyền địa phương giải tỏa.

Ngoài ra, khi thi công công trình còn phải đảm bảo công tác dẫn dòng thoát nước, đặc biệt mùa mưa phải dừng thi công hoàn toàn để phục vụ thoát nước của thành phố. Thêm vào đó, vướng mắc các công trình ngầm, nổi, trong quá trình thi công phải thỏa thuận việc di chuyển, thay thế hoặc bảo vệ các tài sản với chủ quản mới tiếp tục thi công…


Tuyến mương này có chiều dài 732m và chủ yếu là thoát nước thải sinh hoạt của người dân, cộng thêm việc người dân xả rác thường xuyên xuống mương nên gây mùi hôi thối, khó chịu khi nắng nóng. Ông Tuấn cũng đề nghị UBND quận Đống Đa, UBND phường Khương Thượng và Trung Tự sớm triển khai bàn giao mặt bằng 441m còn lại phục vụ công tác thi công tiếp theo được thuận lơi.

Đối với dự án T6A – Nguyên Hồng hiện đã thi công cống xong 627m trên tổng sô 708m. Lí do chậm tiến độ là vướng giải phóng mặt bằng rảnh thu nước thải của nhà dân đổ vào cống chính.

Hiện có 73 trường hợp nằm trong diện đền bù GPMB, trong đó có 6 tổ chức và 67 hộ dân nhưng còn 53 hộ đang có đơn khiếu kiện gửi cơ quan ban ngành thành phố Hà Nội. Do cơ chế hỗ trợ, đền bù của thành phố liên tục thay đổi nên không thống nhất được với người dân về cách áp giá hỗ trợ, bởi thế 3 năm nay không có mặt bằng thi công – ông Tuấn cho biết thêm.

Qua đó, ông Tuấn cũng mong chính quyền địa phương tiếp tục phối hợp, chỉ đạo để thúc đẩy dự án sớm hoàn thành, góp phần cải thiện hạ tầng và môi trường khu vực.

Báo Kinh tế nông thôn tiếp tục thông tin./.

Trao đổi với phóng viên về việc thi công tại gói thầu 3 và 9 như báo phản ánh, đại diện BQL thoát nước Hà Nội đều khẳng định, các đơn vị thi công  gồm Tổng công ty cổ phần Sông Hồng và Tổng công ty xây dựng Bạch Đằng có năng lực yếu cũng là một trong số nguyên nhân dẫn đến dự án chậm tiến độ. Vì sao, nhà thầu yếu vẫn lọt vây trúng thầu, chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật tới độc giả ở những kì tiếp theo.


Thành Vinh

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top