Mặc dù ra quyết định “khai tử” hàng loạt lò sản xuất gạch Hoffman, đẩy hàng trăm doanh nghiệp và hàng ngàn người lao động đến bờ vực thẳm nhưng UBND tỉnh Bình Dương cùng các ngành chức năng liên quan đã cố tình làm lơ, không quan tâm đến nguyện vọng của “nạn nhân”.
Vừa qua, phóng viên Báo KTNT đã liên hệ với Sở Xây dựng Bình Dương để thông tin thêm cho bạn đọc về vụ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch Hoffman điêu đứng vì quyết định “khai tử” của UBND tỉnh Bình Dương. Ông Nguyễn Thành Tài, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh này cho hay, ông mới nhận nhiệm sở, chưa nắm rõ vấn đề nên hẹn sẽ trả lời bằng văn bản.
BÀI LIÊN QUAN:
>> Bài 1: Trách nhiệm của nhà quản lý ở đâu?
>> Bài 2: Chính quyền xử lý theo kiểu “tiền hậu bất nhất”
>> Bài 3: Doanh nghiệp điêu đứng, công nhân hoang mang
>> Bài 4: Lãnh đạo các sở hẹn trả lời bằng văn bản
>> Bài 5: Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương “ép” doanh nghiệp có nguy cơ phá sản?
>> Bài 6: Luật sư lên tiếng vụ chính quyền đẩy hàng nghìn công nhân có nguy cơ thất nghiệp tại Bình Dương!
Qua công văn gửi đến Báo KTNT, ông Nguyễn Thành Tài cho biết: Ngày 29/6/2010, UBND tỉnh ban hành văn bản số 1867/UBND-XD chỉ đạo “từ nay trở đi ngừng việc triển khai thí điểm và xây dựng mới lò gạch nằm Hoffman trên địa bàn tỉnh. Đây là chủ trương thể hiện sự quyết liệt của UBND tỉnh Bình Dương trong việc thực hiện quyết định của Bộ Xây dựng, Thủ tướng Chính phủ về đầu tư sản xuất gạch đất sét nung, quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020.
Tuy nhiên, với tỷ lệ trên địa bàn tỉnh khá nhiều, chiếm sản lượng 34% nên việc ngừng ngay hoạt động của các lò thủ công sẽ khiến thị trường gạch xây thiếu hụt sản phẩm, công nhân sẽ gặp khó khăn vì mất việc, nguồn thu thuế của tỉnh về ngành này cũng giảm sút. Do đó, ngày 26/11/2010, Sở Xây dựng tổ chức cuộc họp gồm các sở Tài nguyên Môi trường, Công thương, Khoa học Công nghệ và UBND các huyện, thị xã để tham mưu UBND tỉnh về việc chuyển đổi, chấm dứt hoạt động của các lò gạch thủ công trên địa bàn. Các sở, địa phương liên quan đã thảo luận và thống nhất trình UBND tỉnh thu hồi chủ trương tại công văn số 1867/UBND-XD ngày 29-6-2010 về việc không xây dựng lò gạch nằm Hoffman trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Đề nghị UBND tỉnh gia hạn thêm thời gian 1 năm chuyển đổi lò gạch thủ công và lộ trình đến năm 2011 ngưng tất cả các lò thủ công trên địa bàn tỉnh.
|
|
Nhưng, UBND tỉnh Bình Dương chỉ chấp thuận thời gian tồn tại của các lò gạch thủ công và lò gạch nằm Hoffman theo lộ trình đến ngày 30-6-2012 theo quy định của Bộ Xây dựng (sau này gia hạn đến 30-6-2014).
Theo ông Tài, ngày 11-4-2012, đoàn công tác Bộ Xây dựng đi khảo sát thực tế các cơ sở sản xuất gạch Hoffman trên địa bàn tỉnh Bình Dương, nghiên cứu các văn bản chỉ đạo của tỉnh và làm việc với UBND tỉnh. Sau đó, Bộ Xây dựng yêu cầu UBND tỉnh Bình Dương có biện pháp tổng thể, chỉ đạo các cấp, ngành có biện pháp dừng đầu tư mới lò gạch Hoffman trên địa bàn tỉnh. Đối với các lò đã hình thành và đang sản xuất (thời điểm 2012 có 98 lò), UBND tỉnh chỉ đạo các ban ngành kiểm tra cụ thể về tính pháp lý của doanh nghiệp trong đầu tư, thời điểm đầu tư, đánh giá tác động môi trường trong quá trình sản xuất để đưa ra lộ trình chấm dứt hoạt động cho từng lò cho phù hợp.
Tuy Bộ Xây dựng đã có kết luận như vậy, nhưng không hiểu vì lý do gì, khi các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, mở thêm lò gạch Hoffman, các sở, ngành liên quan của tỉnh Bình Dương vẫn không có ý kiến phản đối. Một chủ lò gạch Hoffman ở huyện Phú Giáo (xin giấu tên) cho biết: Các cơ quan chức năng không có định hướng cụ thể cho các cơ sở, doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi, nhất là về thủ tục đăng ký công nghệ sản xuất gạch. Khi chúng tôi xin giấy phép kinh doanh, cơ quan chức năng đồng ý thì chúng tôi mới dám làm chứ nếu chúng tôi làm sai, chúng tôi có thể tồn tại được đến bây giờ hay không? Trách nhiệm của các ngành quản lý ở đâu khi doanh nghiệp đang hoang mang? Và tại sao khi chúng tôi vay mượn, dốc hết tiền của ra đầu tư lò gạch Hoffman thì chỉ vì “lợi ích nhóm”, tỉnh lại “tận diệt” doanh nghiệp?
Thực tế, từ năm 2012 đến nay, nhiều cơ sở, doanh nghiệp đã đầu tư thêm lò gạch Hoffman mới, tạo được việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương. Từ 98 cơ sở sản xuất gạch Hoffman vào năm 2012, đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã có gần 200 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất loại gạch này. Hơn 10.000 lao động đang nhờ vào đó mà có công ăn việc làm, có thu nhập trang trải cuộc sống và chăm lo cho gia đình.
Chưa kể đến việc nhập nhằng trong công tác quản lý, tỉnh Bình Dương còn cố tình làm lơ nguyện vọng của các doanh nghiệp và người lao động khi thẳng tay ban hành quyết định “khai tử”. Trong khi, ngày 1-6-2012, Bộ Xây dựng có Công văn 896/BXD-VLXD chỉ đạo: Các dự án nhà ở khu vực các xã thuộc huyện miền núi của các tỉnh xây dựng lộ trình chấm dứt hoạt động chậm nhất cuối năm 2017 đối với lò gạch thủ công, thủ công cải tiến và chậm nhất vào năm 2020 với lò đứng liên tục. Với lò vòng, lò cải tiến (có nơi gọi là lò Hoffman) không sử dụng nhiên liệu hóa thạch mà sử dụng phế liệu của ngành nông nghiệp (trấu, mùn cưa, vỏ hạt điều…) tùy theo điều kiện cụ thể của từng địa phương có thể cho phép tồn tại.
Thực tế cho thấy, các tỉnh ở miền Nam như Đồng Nai, Vĩnh Long… đều có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất từ 50 đến 70 triệu đồng/doanh nghiệp, cơ sở sản xuất khi chuyển đổi từ sản xuất thủ công truyền thống sang công nghệ Hoffman. Vậy mà, UBND tỉnh Bình Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương lại áp đặt, vận dụng pháp luật theo hướng không có lợi cho doanh nghiệp, không xem xét tạo điều kiện cho các cơ sở và doanh nghiệp sản xuất gạch Hoffman được theo lộ trình đến năm 2017 và 2020.
Các cuộc họp của UBND tỉnh và các ban, ngành của sở họp giải quyết, triển khai về việc các cơ sở, doanh nghiệp ngưng hoạt động sản xuất, kinh doanh trước ngày 30-6-2014 đã cố tình làm lơ ý kiến, nguyện vọng của các cơ sở, doanh nghiệp và người lao động vì tất cả đang kêu cứu nhưng Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương vẫn thẳng tay đẩy doanh nghiệp và người lao động đến bờ vực thẳm. UBND tỉnh và các ban ngành tổ chức họp, đồng thời quyết định thông báo khai tử theo Thông báo 169/UBND ngày 2-7-2012 không cần thông qua ý kiến của các cơ sở, doanh nghiệp. Điều này cho thấy UBND tỉnh Bình Dương đã quá độc quyền xử lý, giải quyết vấn đề kinh tế không quan tâm đến sự sống còn của gần 200 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất gạch Hoffman và hàng ngàn công nhân đang làm việc trên địa bàn tỉnh.
Với chức năng là cơ quan chủ trì, Bộ Xây dựng đã tổ chức hội nghị công bố chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh với sự tham gia của Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan, Sở Xây dựng của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên phạm vi toàn quốc. Sau hội nghị triển khai này, Bộ Xây dựng đã có Công văn 896/BXD-VLXD ngày 1-6-2012 chỉ thị thực hiện. Như vậy, nếu căn cứ theo Luật quản lý chỉ đạo Nhà nước thì văn bản 869/BXD-VLXD có giá trị pháp lý để thực hiện và thi hành cao hơn hay thông báo 169/TB-UBND ngày 2-7-2012 của UBND tỉnh Bình Dương cao hơn?
Nhóm PV điều tra
KTNT