Bà Tôn Nữ Thị Trinh vừa gửi đơn khiếu nại đến Cơ quan Đại diện phía Nam - Báo Kinh tế nông thôn phản ánh việc chấp hành viên (CHV) và Cục Thi hành án dân sự (Cục THADS) TP. Hồ Chí Minh đã thi hành không đúng với bản án dân sự đã tuyên, gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của bà.
Đơn thư khiếu nại bà Tôn Nữ Thị Trinh gửi tới Cơ quan Đại diện phía Nam của Báo Kinh tế nông thôn.
Căn nguyên của vấn đề
Năm 1982, bà Tôn Nữ Thị Trinh kết hôn với ông Trần Kim Chung, nhưng vì nhiều lý do, vào năm 2004, ông bà đã ly hôn. Trước khi ly hôn, ông Chung và bà Trinh có thỏa thuận cho con gái là Trần Kim Thủy các tài sản như khu nhà trọ Kim Ngân tại số 55/4A, ấp Tiền Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP.Hồ Chí Minh và căn nhà số 61/1D, ấp Đông Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn. Sau khi ly hôn vào ngày 27/8/2004, ông Chung và bà Trinh có ký giấy cho chị Trần Kim Thủy một lò giết mổ heo, Thủy cam kết không chuyển nhượng hoặc ủy quyền cho người khác. Ngày 14/9/2004, Thủy đi Mỹ có làm giấy cho bà Trinh các tài sản trên. Tuy nhiên, ông Chung không đồng ý dẫn đến tranh chấp tài sản sau ly hôn.
Vụ việc tranh chấp tài sản sau ly hôn đã được xét xử tại Bản án dân sự sơ thẩm số 2079/2009/DSST ngày 14/8/2009, sau đó bị kháng cáo. Tiếp đó, Tòa án nhân dân tối cao đã xét xử phúc thẩm tại Bản án số 135/2010/DS - PT ngày 6/7/2010. Tại bản án này, thẩm phán - chủ tọa phiên tòa, bà Lê Thị Ngọc Lâm đã quyết định giao cho bà Trinh được quyền tiếp tục quản lý, sử dụng lò mổ giết heo và nhà trọ Kim Ngân với diện tích 2.713,6m2. Đồng thời phải hoàn trả cho ông Chung 1.356,8m2 trị giá đất lúc thi hành án và số tiền xây dựng hơn 917 triệu đồng. Ngược lại, phía ông Chung phải hoàn trả số tiền hơn 1,7 tỷ đồng cho bà Trần Kim Thủy (bà Thủy đã ủy quyền cho bà Trinh toàn quyền sử dụng số tiền ông Chung trả, đã được gửi tại Cục THADS TP.Hồ Chí Minh). Ngoài ra, ông Chung còn phải trả cho bà Trinh hơn 271 triệu đồng tiền đền bù đất ở dự án khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi và ở số 55/4A, ấp Tiền Lân, xã Bà Điểm.
Luật sư Nguyễn Anh Tuấn – Công ty luật TNHH Trường Lộc – Đoàn Luật sư Hà Nội
Tiền hậu bất nhất?
Trong bản án dân sự phúc thẩm, quyết định thi hành án của Cục THADS TP. Hồ Chí Minh đều thể hiện rõ việc bà Trinh được quyền sử dụng lò giết mổ heo và nhà trọ Kim Ngân. Ngoài ra, trong Quyết định số 2905/QĐ - CTHA ngày 12/7/2013 của Cục THADS TP.Hồ Chí Minh thể hiện “bà Tôn Nữ Thị Trinh có trách nhiệm liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền để tái ký quyền sử dụng thuê đất trong hạn 50 năm mà UBND TP.Hồ Chí Minh đã cấp cho ông Trần Kim Chung theo Quyền sử dụng đất số 00003/1a ngày 9/3/2000, được tiến hành hợp thức hóa quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà số 55/4A, ấp Tiền Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn theo quy định của pháp luật sau khi bà Trinh thực hiện nghĩa vụ đối với ông Trần Kim Chung.
Ở một khía cạnh khác, trong Văn bản thông báo thi hành án số 6176/TB - CTHA ngày 5/4/2016 của Cục THADS TP.Hồ Chí Minh do CHV Nguyễn Thị Thanh Hồng ký cũng ghi rõ việc bà Trinh tiếp tục được quyền quản lý và sử dụng lò giết mổ, nhà trọ Kim Ngân.
Về việc hoàn thành nghĩa vụ với ông Trần Kim Chung với số tiền hơn 917 triệu đồng, theo bà Trinh, vì ông Chung chưa hoàn thành nghĩa vụ phải hoàn trả số tiền hơn 1,7 tỷ đồng cho bà Thủy (bà Thủy đã ủy quyền cho bà Trinh toàn quyền sử dụng) và số tiền hơn 271 triệu đồng tiền đền bù đất ở dự án khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi và ở số 55/4A, ấp Tiền Lân nên bà cũng chưa thể thực hiện. Theo quyết định đã tuyên, tổng số tiền ông Chung phải trả cho bà Trinh khoảng 2 tỷ đồng. Lẽ ra, Cục THADS TP.Hồ Chí Minh phải tiến hành khấu trừ số tiền trên nhưng thực tế cơ quan này đã không làm điều đó.
Trong bảng xác định giá trị tài sản chung do CHV Nguyễn Thị Thanh Hồng thuộc Cục THADS TP.Hồ Chí Minh ký ghi thẩm định quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và quyền sử dụng 2.713,6m2 đất tại 55/4A, ấp Tiền Lân, xã Bà Điểm, thì giá thẩm định ban đầu là 39 tỷ 832 triệu đồng, trong khi giá bán chỉ có 17 tỷ 146 triệu đồng (giảm gần một nửa so với giá thẩm định ban đầu). Câu hỏi đặt ra là, vì sao lại có sự giảm giá sâu như vậy? Và tại sao cơ quan THDS không thông báo các lần giảm giá cho bà Trinh?
Trước những vấn đề bất nhất của vụ việc, phóng viên sẽ tiếp tục tìm hiểu có hay không sự lạm quyền của cơ quan thi hành án, động cơ của việc phải thi hành án bằng được, có hay không việc vụ lợi cá nhân của chấp hành viên và một số cá nhân Cục THADS TP.Hồ Chí Minh?
Luật Thi hành án dân sự quy định rõ ràng, cơ quan thi hành án chỉ được phép thi hành những gì mà bản án đã tuyên, có hiệu lực pháp luật. Trước sự việc trên, cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan bảo vệ tư pháp để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của bà Trinh.
Luật sư Nguyễn Anh Tuấn – Công ty luật TNHH Trường Lộc – Đoàn Luật sư Hà Nội: Theo QĐ 2007/CTHA – QĐGQKN, ngày 15 tháng 8 năm 2016 của Cục trưởng Cục thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh thì bà Tôn Nữ Thị Trinh khiếu nại cơ quan thi hành án đã định giá 800 m2 đất thuê là trái pháp luật. Cục trưởng Cục thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh lại khẳng định phát chấp hành viên phát mãi 800m2 đất thuê là đúng pháp luật là trái pháp luật, trái quy định tại điều 179 Luật Đất đai năm 2013, vì người sử dụng đất thuê chỉ có quyền bán, thế chấp, để lại thừa kế tài sản gắn liền với đất thuế, không có quyền chuyển nhượng, thừa kế quyền sử dụng đất thuê. Bà Trình cho rằng không nhận được thông báo thi hành án trong quá trình thi hành án liên quan đến việc định giá và giảm giá tài sản từ là 39 tỷ 832 triệu đồng trong khi giá bán chỉ có 17 tỷ 146 triệu đồng (giảm gần hơn một nữa so với giá thẩm định ban đầu). Nếu cơ quan thi hành án không thông báo việc định giá, các lần bán đấu giá, giảm giá là vi phạm quy định tại Điều 39 Luật thi hành án dân sự quy định về Thông báo về thi hành án, đồng thời vi phạm quy định tại Điều 17 của Nghị định 62/2015 về việc thi hành án khi có thay đổi giá tài sản tại thời điểm thi hành án, làm mất quyền được nhận lại tài sản, xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của bà Trinh. |
P.V
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.