Bản án vi phạm ATGT ở Hương Sơn: Bị cáo kháng án, kêu oan
Ngày 5/6/2020, TAND huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) tuyên ông Nguyễn Văn Sơn 15 tháng tù, phải bồi thường gần 350 triệu đồng do gây ra tai nạn giao thông đối với ông Lê Thiên Sự.
Tai nạn một đường, biên bản hiện trường một nẻo
Khoảng 8 giờ ngày 25/04/2019, ông Nguyễn Văn Sơn, sinh năm 1966, trú tại thôn Cao Thắng, xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh điều khiển xe mô tô BKS 38H1 - 144.00 đi theo đường liên xã Hà - Trà - Long là đường ưu tiên theo hướng từ xã Sơn Hà đến xã Sơn Trà.
Khi đi đến đoạn đường có biển cảnh báo giao nhau với đường không ưu tiên (ngã tư thuộc Thôn 3, xã Sơn Trà), ông Sơn điều khiển xe để đi qua ngã tư. Cùng thời điểm này, ông Lê Thiên Sự, sinh năm 1956, trú tại Thôn 3, xã Sơn Trà, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh điều khiển xe mô tô BKS 59Y - 407.50 đi từ đường phụ, lối Thôn 3, xã Sơn Trà (nằm về phía bên phải đường theo chiều đi của ông Sơn) ra đường liên xã Hà - Trà - Long (nhập vào đường chính). Khi ông Sơn điều khiển xe mô tô đi gần qua ngã tư, ông Sự điều khiển mô tô đi từ trong đường nhánh đi ra nhập đường chính thì hai xe va vào nhau, tai nạn xảy ra. Hậu quả: cả hai người bị thương phải đưa đi bệnh viện cấp cứu. Ông Lê Thiên Sự điều trị một thời gian đến ngày 7/9/2019 thì tử vong.
Biên bản khám nghiệm hiện trường được lập hồi 9 giờ ngày 25/04/2019 ghi nhận: Cách mốc cố định của vụ tai nạn 5,35m về phía Đông là tâm điểm đầu của vết mài lốp màu đen, vết mài lốp màu đen nằm trên mặt đường bê tông kích thước 0,7 (m) x 0,03 (m) có chiều hướng Tây - Đông, tâm điểm đầu cách mép đường chuẩn 2,0 (m), tâm điểm cuối cách mép đường chuẩn 2,10 (m).
Việc lập biên bản ghi nhận như vậy là thiếu chặt chẽ, bởi căn cứ vào đâu để khẳng định đó là “vết lốp”. Và, tai hại hơn, vết màu đen này, quá trình điều tra cũng không được các cơ quan tiến hành tố tụng giám định để xác định của phương tiện nào, cũng như vật liệu nào gây nên. Thiết nghĩ, đây là điểm va chạm đầu tiên tại hiện trường nên nó có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xác định phần lỗi của mỗi bên trong vụ án tai nạn giao thông.
Tai hại hơn, tại bản kết luận điều tra, Cáo trạng và cả Bản án sơ thẩm đều kết luận: “Việc Nguyễn Văn Sơn điều khiển xe mô tô đi trên đường có biển cảnh báo nguy hiểm giao nhau với đường không ưu tiên nhưng không giảm tốc độ thấp hơn tốc độ tối đa cho phép (có thể dừng lại một cách an toàn), không chú ý quan sát nên đã đâm vào phía sau người điều khiển xe mô tô từ đường không ưu tiên đi ra rẽ phải theo chiều đi của mình” là không có căn cứ, mang tính chủ quan, quy chụp.
Điều này được thể hiện: Theo lời khai của các nhân chứng trong vụ án là Lê Huy Hùng và Lê Hồng Nhuận thì họ chỉ thấy vụ tai nạn sau khi đã xảy ra chứ họ không thấy, không biết ông Sơn, ông Sự đi với tốc độ bao nhiêu, có quan sát hay không quan sát, không thấy ông Sơn đâm từ phía sau xe ông Sự.
Từ bản giám định đến biên bản hiện trường
Kết luận giám định số 157/PC09-KTHS ngày 04/6/2019 của Phòng Kỹ thuật hình sự (Công an tỉnh Hà Tĩnh) nêu: “Bánh trước xe mô tô biển kiểm soát 38H1 - 144.00 và cần số xe mô tô biển kiểm soát 59Y1 - 407.50 là vị trí va chạm đầu tiên của hai phương tiện. Xe mô tô biển kiểm soát 38H1 - 144.00 va chạm cùng chiều với xe mô tô biển kiểm soát 59Y1 - 407.50 một góc 300”.
Rõ ràng, Kết luận giám định không có điểm nào khẳng định xe mô tô 38H1 – 144.00 (ông Sơn điều khiển) “đâm từ phía sau” xe mô tô biển kiểm soát 59Y1 – 407.50 (ông Sự điều khiển). Việc kết luận đâm từ phía sau khác hoàn toàn với kết luận va chạm cùng chiều với một góc 300”. Trong trường hợp này, theo chúng tôi, rất có thể xe ông Sự từ đường nhánh nhập vào đường chính không nhường đường cho xe ông Sơn đi trên đường ưu tiên, lao ra cắt mặt xe ông Sơn ở cự ly rất gần.
Theo biên bản khám nghiệm hiện trường và sơ đồ hiện trường vụ tai nạn, điểm va chạm đầu tiên của vụ tai nạn là khi ông Sơn vừa đi qua ngã tư, cách mép đường bên phải hướng ông Sơn đi 2m, cách tim đường rẽ ngã tư 5,35m. Điều đó cho thấy, khi ông Sơn điều khiển phương tiện của mình trên phần, làn đường của mình, khi đến tim đường rẽ phải thì ông Sự lúc đó đang cách điểm va chạm đầu tiên 5,35m (nếu 2 phương tiện có cùng vận tốc – PV), có nghĩa khi ông Sơn đi đến tim đường rẽ phải theo hướng của ông Sơn thì ông Sự lúc đó đang ở xa trong đường nhánh. Theo luật giao thông đường bộ quy định thì trong trường hợp này ông Sự phải nhường đường cho ông Sơn, nhưng ông Sự đã không nhường đường cho ông Sơn mà tiếp tục điều khiển xe nhập đường với vòng cua 300 dẫn đến vụ tai nạn xảy ra.
Khoản 3, Điều 24, Luật Giao thông đường bộ quy định: “Tại nơi đường giao nhau giữa đường không ưu tiên và đường ưu tiên hoặc giữa đường nhánh và đường chính thì xe đi từ đường không ưu tiên hoặc đường nhánh phải nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên hoặc đường chính từ bất kỳ hướng nào tới.” Thế nhưng, có vẻ như cả cơ quan điều tra, truy tố và xét xử huyện Hương Sơn “bỏ sót” vấn đề này?
Kháng cáo, kêu oan
Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Nguyễn Trần Đường, Công ty luật TNHH Hùng Thắng - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, Chi nhánh Hà Tĩnh cho rằng: “Vấn đề cốt lõi của vụ án là phải xác định chính xác, khách quan, đúng pháp luật phần lỗi của ông Nguyễn Văn Sơn gây ra. Qua nghiên cứu tài liệu, lời khai nhân chứng, Biên bản khám nghiệm hiện trường, bản vẽ sơ đồ hiện trường, kết luận giám định… cho thấy, trong trường hợp này, ông Sơn không có lỗi”.
Gặp ông Sơn tại nhà riêng, sau gần 1 năm 4 tháng kể từ ngày xảy ra vụ tai nạn, trên gương mặt người nông dân chân chất này vẫn chưa hết bàng hoàng, hoảng sợ. Với dáng vẻ tiều tụy, phờ phạc ông Sơn nói: “Tôi đã gần 60 tuổi, luôn chấp hành các quy định khi tham gia giao thông. Hôm đó, trước khi xảy ra tai nạn, tôi chỉ đi dưới tốc độ cho phép. Khi đi gần đến ngã tư nói trên, phát hiện biển báo giao nhau với đường không ưu tiên, tôi còn giảm tốc độ, đi chậm hơn, đi đúng phần đường, đồng thời quan sát không thấy chướng ngại vật. Nhưng khi gần qua ngã tư thì thấy một chiếc xe vụt qua, ngang trước xe tôi, tai nạn xảy ra và tôi không còn biết gì nữa. Trước cơ quan điều tra và cả Tòa án tôi đều nói như thế, vì đó là sự thật. Bây giờ Tòa xử thế này thì oan cho tôi quá.
Hậu quả vụ tai nạn khiến ông Sơn phải điều trị hơn 4 tháng, đến nay vẫn chưa bình phục, xương cầu vai gục xuống thành hõm sâu khiến ông Sơn chưa thể làm những việc nặng. “Giờ đây, tuổi già sức yếu, kèm theo di chứng tai nạn nhưng cũng phải cố tìm việc nhẹ để làm kiếm miếng ăn, đến đâu tính đó”, ông Sơn thở dài, chua chát.
Được biết, hiện ông Nguyễn Văn Sơn đã làm đơn kháng cáo kêu oan lên Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh. Mong rằng, cấp phúc thẩm tỉnh Hà Tĩnh giải quyết vụ án công tâm, đảm bảo khách quan, tránh oan sai, tạo niềm tin trong nhân dân.
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Lê Đức Giang ký quyết định xử phạt hơn 400 triệu đồng đối với Công ty TNHH Thương mại Song Dương (gọi tắt Công ty Song Đương) do trang trại lợn của công ty này vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Ngày 22/10/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 135/2024/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ.
Gỗ xử lý tịch thu không còn hợp pháp là một trong những điều chỉnh được quy định tại Nghị định 120/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành hôm 30/9 khi sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 102/2020/NĐ-CP.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.
Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.
Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.