Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 12 tháng 3 năm 2016 | 5:0

Bản án yêu cầu chia tài sản chung ở Phú Yên: Sai sót của tòa, thời hiệu thi hành án bị vi phạm

Ngày 10/11/2014, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Phú Yên (CTHADS-PY) ra Quyết định số 02/QĐ-CTHADS, thi hành Bản án số 03/2014/DS-ST, ngày 23/5/2014 của Tòa sơ thẩm TAND Phú Yên và Bản án số 56/2014/DS-PT, ngày 27/8/2014 của Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng về “yêu cầu chia tài sản chung”. Qua các lần khiếu nại của nguyên đơn, CTHDS-PY và Tòa sơ thẩm TAND Phú Yên vẫn cứ lòng vòng đổ lỗi cho nhau, cố tình lẩn tránh thi hành án, vì sao?

Theo bà Nguyễn Thị Phúc Ái, ông Huỳnh Văn Trông đã cố ý không thi hành bản án.

Từ nhận xét thấu lý, đạt tình...

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 07/2014/QĐ-ST, ngày 18/4/2014, nguyên đơn là bà  Nguyễn Thị Phúc Ái, khu phố Long Bắc Hải, phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu, Phú Yên. Bị đơn là ông Nguyễn Phúc Thừa, khu phố Long Bắc Hải, P.Xuân Yên, TX.Sông Cầu, Phú Yên. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Nguyễn Phúc Thành, huyện Phú Hòa, Phú Yên; Nguyễn Đức Huy, TX.Sông Cầu; Nguyễn Phúc Hùng, TP.Cam Ranh, Khánh Hòa; Nguyễn Phúc Ân, định cư tại Pháp; Nguyễn Phúc Nhân, TX.Sông Cầu; Nguyễn Phúc Nghĩa, TX.Sông Cầu; Nguyễn Thị Phúc Loan, TP.Cam Ranh.

Tại đơn khởi kiện ngày 14/4/2013, bà Ái trình bày: Cha Nguyễn Khảo Cứu và mẹ Hồ Thị Huệ sinh hạ 9 người con như danh sách nói trên (Nguyễn Phúc Hùng là cháu nội con của ông Nguyễn Phúc Sanh - đã chết và Nguyễn Đức Huy - cháu nội, con của ông Nguyễn Phúc Trí - chết năm 2011). Ngày 25/11/2008, UBND huyện Sông Cầu cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho 8 anh em chúng tôi, đại diện là ông Nguyễn Phúc Thừa đứng tên. Nay, tôi yêu cầu tòa án phân chia tài sản chung (đất và nhà trên đất) của cha mẹ tôi để lại theo những phần bằng nhau.

Ông Nguyễn Phúc Thừa (bị đơn) nói: Tôi công nhận nội dung trình bày của bà Ái về quan hệ huyết thống, tài sản do cha mẹ để lại. Khi cha mẹ còn sống đã làm giấy ủy quyền thừa kế gia tài (nhà và đất) cho tôi, tất cả anh chị em chúng tôi đều ký xác nhận. Cho nên, tôi được quyền tiếp tục quản lý, sử dụng và đề nghị tòa bác đơn khởi kiện của nguyên đơn.

Các bà Nguyễn Thị Phúc Nhân, Nguyễn Thị Phúc Loan và ông Nguyễn Phúc Thành đều thống nhất với trình bày và yêu cầu của bà Ái. Còn các ông: Nguyễn Phúc Nghĩa, Nguyễn Phúc Hùng, Nguyễn Phúc Ân và Nguyễn Đức Huy thống nhất với yêu cầu của ông Thừa.

Sau khi nghiên cứu các tài liệu chứng cứ có tại hồ sơ, Hội đồng xét xử nhận thấy: Đất tranh chấp có tổng diện tích 307,5m2, trong đó đã được Hội đồng định giá tài sản phân chia hai loại: 150m2 thuộc đất ở đô thị (2.500.000 đồng/m2) và đất trồng cây lâu năm 157,m2 (70.000 đồng/m2). Sau khi cha mẹ mất, tất cả anh chị em đã lập “Văn bản ủy quyền đất và nhà ở” với lý do, nhà của cha mẹ để lại đã xuống cấp, được vợ chồng ông Nguyễn Phúc Ân từ Pháp gửi tiền về để xây dựng lại. Trên cơ sở thỏa thuận này, ngày 25/11/2008, UBND huyện Sông Cầu cấp giấy chứng nhận QSDĐ số AN611224, do ông Nguyễn Phúc Thừa đứng tên, kèm theo danh sách người sử dụng chung là 7 anh chị em còn lại. Ngoài ra, ông  Thừa còn đứng tên xây dựng lại ngôi nhà 145,6m2, được các đương sự xác nhận toàn bộ chi phí do vợ chồng ông Ân chi trả.

Như vậy, theo “giấy ủy quyền thừa kế” do ông Nguyễn Khảo Cứu lập ngày 28/2/1999 là giao nhà ở và đất vườn cho ông  Thừa sử dụng có điều kiện. Trong quá trình sử dụng, các thừa kế đã tự thỏa thuận chuyển thành tài sản chung được thể hiện tại hồ sơ lưu trữ Văn phòng đăng ký QSDĐ thị xã Sông Cầu. Do vậy, việc yêu cầu chia tài sản chung của nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là có cơ sở, phù hợp với quy định của pháp luật.

Ngoài 8 người con được thừa kế, còn có ông Nguyễn Phúc Sanh, thuộc hàng thừa kế thứ nhất (mất trước 1975) cũng cần xác định và giải quyết một phần trong khối tài sản chung mới phù hợp với quy định của pháp luật.

Đối với nhà ở và các công trình khác đã được định giá 403.245.870 đồng là sở hữu của vợ chồng ông Ân; vợ chồng ông Ân đã giao toàn bộ tài sản này lại cho ông Thừa toàn quyền quản lý và sử dụng, định đoạt (có giấy cho tài sản được chính quyền phường Xuân Yên xác nhận).

 Lợi dụng sai sót của tòa

Vì các lẽ trên, tòa tuyên xử: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; giao cho ông  Thừa được quyền sử dụng 307,5m2 đất; ông  Thừa được hưởng nhà ở và các công trình vật kiến trúc khác có trên diện tích đất nói trên do vợ chồng ông Ân tặng cho. Ghi nhận sự tự nguyện của các ông Nguyễn Phúc Hùng, Nguyễn Đức Huy, Nguyễn Phúc Ân và Nguyễn Phúc Nghĩa không nhận phần giá trị được chia mà giao toàn bộ cho ông Nguyễn Phúc Thừa hưởng (4/9 phần có giá trị như nhau). Tài sản chung là 307,5m2 đất, trị giá 498.525.000 đồng, ông Nguyễn Phúc Thừa thanh toán phần cho: Nguyễn Thị Phúc Ái, Nguyễn Phúc Thành, Nguyễn Thị Phúc Nhân và Nguyễn Thị Phúc Loan mỗi người 55.391.666 đồng. Kể từ ngày người có quyền (nguyên đơn) có đơn yêu cầu thi hành án, người có nghĩa vụ (bị đơn) chưa thanh toán đủ số tiền, thì phải chịu thêm tiền lãi theo lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước.

Quyết định thi hành án có hiệu lực từ ngày 10/11/2014, nhưng mãi đến ngày 23/4/2015 CTHADS-PY mới có công văn trả lời cho nguyên đơn sau nhiều lần khiếu nại. Bà Ái nhấn mạnh: Ngay sau khi có Quyết định thi hành án (10/11/2014), ông Huỳnh Văn Trông, chấp hành viên tổ chức thi hành bản án này đã đến tận nhà các đương sự và nói với tôi, mai vào nộp tiền để thi hành án. Sáng hôm sau tôi vào nộp tiền, ông Trông lại nói: Trong bản án có sự chênh lệch giá trị (tiền) về tài sản chung. Như vậy, ông Trông đã phát hiện được sự chênh lệch này ngay thời điểm trao quyết định thi hành án. Vậy, vì lý do gì ông Trông lại ém, nửa năm sau mới báo cáo vụ việc cho UBND tỉnh biết. Tại sao lại cố tình vi phạm thời hiệu thi hành và viện cớ chênh lệch tiền, bắt lỗi cho tòa các cấp phải giải trình rõ để thi hành, trong khi vẫn nằm trong thẩm quyền giải quyết của CTHADS-PY?!.

Ngày 5/8/2015, TAND tỉnh Phú Yên đã có công văn đến Chánh án TAND tối cao, với nội dung: Hội đồng định giá tài sản đã xác định 1502 đất ở đô thị đơn giá 2.500.000 đồng/m2, thành tiền 375.000.000 đồng; 157,5m2 đất trồng cây lâu năm, giá 70.000 đồng/m2, thành tiền 11.025.000 đồng. Tổng giá trị QSDĐ 386.025.000 đồng. Án sơ thẩm và phúc thẩm có sự nhầm lẫn xác định tổng giá trị tài sản này 498.525.000 đồng (chênh lệch 112.500.000 đồng) để giải quyết thanh toán tài sản chung cho các đương sự là không chính xác. Do đó, đề nghị Chánh án TAND tối cao xem xét, kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

Trong khi đó, UBND tỉnh cũng có nhiều công văn đề nghị CTHADS-PY báo cáo cụ thể quá trình triển khai thi hành các bản án nói trên, có vướng mắc, khó khăn gì, tham mưu đề xuất cho Chủ tịch UBND tỉnh – Trưởng ban chỉ đạo thi hành án dân sự tỉnh chỉ đạo giải quyết theo đúng quy định pháp luật; thời hạn thực hiện trước ngày 25/10/2015. Yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh quá rõ ràng, cụ thể nhưng CTHADS-PY vẫn cố tình lẩn tránh.

Ông Phạm Hào, thẩm phán, chủ tọa phiên tòa sơ thẩm khi ấy xác nhận: “Tôi có sự nhầm lẫn trong tính toán tổng giá trị QSDĐ”. Còn ông Huỳnh Văn Trông biện hộ: “Bị đơn không chịu nộp tiền, với lý do tiền chênh lệch quá lớn”. Một lần nữa, chấp hành viên lại không tuân thủ sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, để việc thi hành án kéo dài, thiệt hại đến các bên đương sự.

Hai ông cho biết sẽ giải quyết dứt điểm trong tháng 3, đầu tháng 4/2016: Buộc bị đơn thi hành án, thay vì trước đây với tổng số tiền QSDĐ là 498.525.000 đồng (chia phần đều nhau, tức 55.391.666 đồng/người); nay xác định đúng tổng giá trị tài sản chung là 386.025.000 đồng, mỗi người được hưởng 42.891.666 đồng; phần nguyên đơn cũng chỉ nhận lại ở ông Thừa là 42.891.666 đồng x 4 = 171.566.664 đồng.

Như vậy, phía nguyên đơn (4 thành viên) rất thiệt thòi do kéo dài thời gian thi hành án. Vì vậy, phần lãi suất tổng số tiền 171.566.664 đồng trong 15 tháng CTHADS-PY và bị đơn phải gánh chịu như các cấp tòa tuyên xử.

Nhóm PVPY

 
Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected].

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top