Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 21 tháng 5 năm 2024  
Thứ tư, ngày 25 tháng 2 năm 2009 | 12:53

Bao giờ tình trạng "chặt - chém" chấm dứt?

Có quá nhiều cửa hàng kinh doanh vin vào cớ ngày Tết để tăng giá vô tội vạ, trong khi mặt bằng giá cả của thực phẩm, rau quả không hề “sốt” như mọi năm. Em họ tôi từ miền Nam ra Bắc thăm Tết bà con họ hàng kể: “Em ăn đĩa bánh cuốn cà cuống nhỏ xíu cùng mấy lát chả quế ở phố Bảo Khánh, vậy mà hết những 40.000 đồng”. Cô em tôi còn kêu trời khi đi ăn hải sản ở phố Mai Hắc Đế bị “chặt” gấp hai, thậm chí ba lần ngày thường. Ngay cả quán nước trà vỉa hè cũng nhân cơ hội Tết để nâng giá. Hôm mồng 6 đi hội Cổ Loa, đoàn chúng tôi bị “chém” mỗi cốc trà nóng giá 2.500 đồng.

Với các hàng ăn, uống thì việc chủ nhân tự ý tăng giá bán trong dịp Tết đã là “chuyện thường ngày ở huyện”. Bên cạnh đó, nhiều loại hình dịch vụ khác, tiêu biểu là dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy, việc tự ý tăng giá cũng trở thành bệnh mạn tính. Ở các tụ điểm có “truyền thống” “chặt -chém” khách như: Công viên Thủ Lệ, Bảo tàng Dân tộc học, Phủ Tây Hồ... Tết này khách phải chịu giá gửi xe 10.000 - 25.000 đồng/xe máy và 5.000 - 10.000 đồng/xe đạp, mặc dù giá in trên vé chỉ 2.000 đồng/xe máy và 1.000 đồng/xe đạp.

Để tránh phiền toái cũng như bị “chặt-chém”, người dân khi đi ăn uống, gửi xe hoặc mua bán một mặt hàng gì đó hãy đừng ngại thoả thuận, hỏi giá trước. Thêm vào đó, các ngành chức năng cũng cần kiểm tra, xử lý những đơn vị sai phạm để đảm bảo công bằng cho người tiêu dùng.

Lê Quang Thắng

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top