Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 28 tháng 11 năm 2017 | 9:55

Bảo mẫu cơ sở Mầm Xanh bạo hành trẻ em có thể đối mặt mức án nào?

Theo luật sư, với hành vi hành hạ trẻ em, các bảo mẫu của cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh có thể bị khởi tố hình sự, bị phạt mức án 3 năm tù giam.

Liên quan tới vụ việc chủ cơ sở và 2 bảo mẫu thuộc trường mầm non Mầm Xanh, khu phố 3, phường Hiệp Thành, quận 12 (TPHCM) có hành vi bạo hành trẻ em, luật sư Nguyễn Minh Long - Công ty Luật Dragon cho biết, những hành vi của các bảo mẫu có dấu hiệu của tội "Hành hạ người khác" theo quy định tại Điều 110 Bộ luật hình sự 1999. Cụ thể Điều 110 quy định: Tội hành hạ người khác

“1. Người nào đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm:

a) Đối với người già, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người tàn tật;

b) Đối với nhiều người.”

bao mau co so mam xanh bao hanh tre em co the doi mat muc an nao hinh 1
Công an làm việc với bà Phạm Thị Mỹ Linh (43 tuổi, chủ trường mầm non tư thục Mầm Xanh) sáng 27/11.

Theo luật sư Nguyễn Minh Long, để xác định hành vi của các bảo mẫu có thuộc tội danh hành hạ người khác hay không cần xác định đầy đủ các yếu tố sau: Về khách thể của tội phạm, hành hạ người khác là hành vi đối xử tàn ác như gây đau đớn về thể xác, đè nén, áp bức về tinh thần người bị lệ thuộc. Khách thể bị tội này xâm phạm là quyền được bảo hộ sức khỏe, tự do, danh dự của người bị lệ thuộc.

Mặt khách quan của tội phạm được thể hiện ở hành vi đối xử tàn ác với người bị lệ thuộc vào người phạm tội. Hành vi đối xử tàn ác là làm cho nạn nhân đau đớn về thể xác và đè nén, áp bức về tinh thần như: đánh đập, giam hãm không cho ra khỏi nhà, bắt nhịn ăn, uống, không cho mặc đủ ấm,…

Chủ thể của tội phạm là người có năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 16 tuổi trở lên. Ngoài ra, chủ thể của tội phạm phải là người mà nạn nhân bị lệ thuộc như thầy giáo đối với học sinh, thủ trưởng đối với nhân viên… Mặt chủ quan của tội phạm: tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý.

“Nếu quá trình điều tra của Cơ quan điều tra kết luận hành vi của các bảo mẫu có đầy đủ những dấu hiệu trên thì có thể bị xử lý với tội danh “Tội hành hạ người khác” tại khoản 2 của Điều luật trên do đối tượng bị hành hạ là trẻ em” – luật sư Nguyễn Minh Long cho biết thêm.

Còn nếu hành vi đối xử tàn ác này gây thương tích cho người bị hành hạ thì các bảo mẫu phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” (Điều 104). 

Khoản 1 Điều 104 Bộ Luật hình sự quy định: “1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người; d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; e) Có tổ chức; g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục; h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê; i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm; k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì  lý do công vụ của nạn nhân”.

bao mau co so mam xanh bao hanh tre em co the doi mat muc an nao hinh 2
Hình ảnh bảo mẫu bạo hành trẻ em tại trường mầm non tư thục Mầm Xanh. (Ảnh cắt từ clip của báo Tuổi trẻ)

Theo luật sư Long, để kết luận về tội danh cũng như khung hình phạt đối với các bảo mẫu thì cần phải chờ kết quả điều tra của cơ quan Công an.

Trong diễn biến liên quan, ngay sau khi clip bảo mẫu bạo hành trẻ em đăng tải trên báo Tuổi Trẻ, cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra, củng cố hồ sơ. Bà Phạm Thị Mỹ Linh (43 tuổi, chủ trường mầm non tư thục Mầm Xanh) và những giáo viên dạy trong trường này được mời lên Công an phường Hiệp Thành để làm việc về một số vấn đề liên quan đến hành vi bạo hành trẻ em. 

Bước đầu, bà Linh đã thừa nhận hành vi dùng tay chân, vá múc canh, can nhựa… để đánh đập các bé. Theo bà Linh, do các em còn nhỏ hiếu động nên giáo viên phải dùng biện pháp này để dọa các bé.

Sở GD-ĐT TP HCM đã chỉ đạo UBND quận 12 giải thể lớp Mẫu giáo Mầm Xanh vì đã vi phạm nghiêm trọng các quy định về tổ chức hoạt động, ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Khẩn trương phối hợp với Công an điều tra vụ việc, làm rõ trách nhiệm và có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật./.

Theo Kim Anh/VOV

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top