Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 13 tháng 4 năm 2018 | 14:11

Bất cập xung quanh việc sáp nhập các ban dự án nông nghiệp ở Hà Tĩnh

Thực hóa chủ trương giảm đầu mối, tinh gọn bộ máy, ngày 18/10/2017, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định 3027/QĐ-UBND thành lập “BQL dự án đầu tư xây dựng công trình NN-PTNT tỉnh Hà Tĩnh” trên cơ sở tổ chức lại 3 BQL.

Tuy nhiên, những bất cập trong việc sáp nhập đã gây bức xúc, hoang mang và ảnh hưởng đến việc làm, đời sống công chức, viên chức, người lao động...

bql.jpg
BQL các dự án xây dựng cơ bản ngành NNPTNT Hà Tĩnh.

Bài 1:  Phó giám đốc sở “coi trời bằng vung”?

Dư luận đang khá bức xúc về việc sáp nhập các ban dự án ngành nông nghiệp ở Hà Tĩnh bởi những dự án có nguồn kinh phí lớn đổ vào “sáp nhập trước”; xem thường quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh, bỏ mặc cả hệ thống tổ chức của các ban dự án cũ, dẫn đến việc làm lương, BHXH, BHYT, các chế độ chính sách đối với người lao động đều bị bỏ rơi theo kiểu “đem con bỏ chợ”.  Liệu cách làm của ông Nguyễn Bá Đức, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT kiêm Giám đốc Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và PTNT thuộc UBND tỉnh Hà Tĩnh có phải vì “lợi ích nhóm” ?

Sáp nhập để tinh gọn

Quyết định số 3027 ngày 18/10/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh ký thành lập Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và PTNT, trên cơ sở tổ chức lại Ban quản lý dự án bồi thường hỗ trợ tái định cư và xây dựng hệ thống kênh mương thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang với 2 Ban quản lý dự án nông nghiệp (Ban quản lý các dự án XD cơ bản ngành Nông nghiệp và PTNT và Ban quản lý các dự án ODA). Ông Nguyễn Bá Đức, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đã được đề bạt kiêm nhiệm Trưởng ban.

Cũng trong quyết định này, việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Giám đốc, Phó giám đốc, kế toán trưởng do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định theo quy định hiện hành, khi sáp nhập về ban mới phải bàn giao nguyên trạng (tức là toàn bộ) từ bộ máy tổ chức, lao động, hợp đồng của các Ban quản lý dự án, các công trình dự án; Hồ sơ, tài liệu của các Ban quản lý dự án để kế thừa và tiếp tục triển khai thực hiện đối với các dự án đang chuẩn bị đầu tư, các dự án đang thực hiện, các dự án đã hoàn thành nhưng chưa quyết toán xong (chưa kết thúc đầu tư). Riêng đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ODA đang thực hiện căn cứ quyết định đã được ký kết tại các hiệp định, thực hiện điều ước quốc tế của từng chương trình, đề án để triển khai thực hiện đảm bảo đồng bộ quản lý theo yêu cầu. 

Quyết định một đường, thực hiện một nẻo

Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh ban hành từ ngày 18/10/2017 đến nay đã hơn 6 tháng, toàn bộ cán bộ, nhân viên (CBNV), kể cả bộ máy lãnh đạo của Ban quản lý các dự án Nông nghiệp do ông Nguyễn Xuân Hành làm Trưởng ban quản lý đều bị vô hiệu hóa, mất lương, mất BHXH, BHYT, mất việc làm, kinh phí hành chính của cơ quan, kể cả phương tiện (xe ô tô) đi lại cũng bị điều chuyển.

5 dự án lớn do Ban quản lý các dự án Nông nghiệp khai thác được UBND tỉnh giao thực hiện, trong đó có các dự án như dự án đầu tư tăng cường khả năng tiêu thoát lũ vùng hạ du công trình thủy lợi (CTTL) Kẻ Gỗ trị giá 800 tỷ đồng, 2 dự án âu thuyền tránh trú bão trị giá 180 tỷ đồng, hạ tầng vùng sản xuất giống nuôi trồng thủy sản tập trung ở Nghi Xuân 200 tỷ đồng, dự án trụ sở làm việc của Kiểm Lâm 300 tỷ đồng.

Ban quản lý các dự án ODA thuộc ngành nông nghiệp có dự án WB8 trị giá 500 tỷ đồng…

Những dự án trên được UBND tỉnh giao cho các Ban làm hồ sơ thủ tục kêu gọi đầu tư và đã hoàn tất hồ sơ thủ tục đầu tư, trong đó một số dự án đã có thông báo nguồn.

Thế nhưng, ngay sau khi có Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh về sáp nhập, ông Nguyễn Bá Đức không cần quan tâm đến sứ mệnh của người lao động hai ban mà chỉ quan tâm đến việc chuyển nhanh các dự án nói trên về làm trước. Đồng thời, tự ý đề bạt các chức danh như kế toán trưởng… không đúng với tinh thần Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh là phải chuyển giao toàn bộ nguyên trạng hoạt động của bộ máy tổ chức, tài sản và các công trình dự án từ ban cũ sang ban mới.

Đến nay, tuy đã 6 tháng trôi qua nhưng ông Đức chỉ chạy theo lợi ích các dự án đã có sẵn, còn đối với lực lượng lao động và tổ chức bộ máy của các ban cũ thì theo kiểu “sống chết mặc bay”, dẫn đến quyền lợi của những người lao động cả đời lặn lội gắn bó với sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn bị bỏ rơi. Trong đó, có những người đóng góp, cống hiến từ 35 - 40 năm, người ít nhất trong số họ cũng có thâm niên từ 5 - 10 năm trở lên. Giờ họ không biết đi đâu, về đâu?

bai4anh2.jpg
Quyết định kiêm nhiệm chức vụ của ông Đức chưa đúng theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng.

"Vừa đá bóng, vừa thổi còi"

Sau khi ư luận lên tiếng về vấn đề trên, tại cuộc họp giao ban Báo chí tỉnh Hà Tĩnh ngày 4/4/2018, ông Nguyễn Phi Quang, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh, khẳng định, việc sáp nhập các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và PTNT của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh là đúng với tinh thần Nghị quyết Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và phải thực hiện bàn giao đồng bộ nhất là công tác tổ chức cán bộ, con người..., song bước đầu làm hơi lum nhum.

Còn ý kiến của Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn cho rằng, việc thực hiện sáp nhập, bàn giao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra, đúng lộ trình, khi bắt tay thực hiện không thể tránh khỏi những vấn đề sơ suất, cần phải rút kinh nghiệm, như vấn đề bảo đảm quyền lợi thiết thực của người lao động, vấn đề kiêm nhiệm cũng phải được thực hiện nghiêm túc theo tinh thần không kiêm nhiệm hai chức danh.

Đặc biệt, đối với ông Nguyễn Bá Đức, khi phóng viên tiếp cận để trao đổi những vấn đề bất cập nói trên, ông từ chối không trả lời trực tiếp. Ông đề nghị phóng viên gửi câu hỏi và sẽ giao cho tham mưu của ông trả lời.

Việc làm nóng vội của ông Đức không đúng với tinh thần Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh, của các sở ban ngành cũng như ý kiến phát biểu của Bí thư Tỉnh ủy tại cuộc họp giao ban báo chí. Dư luận cho rằng, ông Đức làm việc theo kiểu “vừa đá bóng, vừa thổi còi” để rồi coi “trời bằng vung”.

Khi chưa sáp nhập, các ban còn trực thuộc, Giám đốc Sở NN-PTNT làm chủ đầu tư, các trưởng ban là người quản lý, thực hiện… Nay thành lập thành lập ban mới này, được giao quản lý toàn bộ dự án nông nghiệp. Với tư cách trưởng ban, người được gánh cả hai vai. Nghĩa là vừa quản lý, vừa làm chủ đầu tư, vừa tổ chức đấu thầu, chỉ định thầu, vừa trình, vừa ký theo kiểu “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Với cơ chế này, liệu có ổn theo tinh thần Nghị quyết 18, Hội nghị Trung ương 6 khóa XII. Và cũng trong thời điểm này, ông Đức vẫn ung dung chuyến công du nước ngoài xem như không có chuyện gì xảy ra. Điều dư luận xôn xao là khó tránh khỏi?! 

 

 

Anh Bình
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top