Dù đã hết phép khai thác 4 tháng và hết phép sử dụng vật liệu nổ từ 31/12/2013 nhưng Công ty TNHH Tân Hồng Phúc (khu vực mỏ tại xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Thủy) vẫn bất chấp lệnh cấm của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, tiếp tục nổ mìn, đánh đá.
Mặc dù giấy phép đã hết hạn nhưng Công ty TNHH Tân Hồng Phúc vẫn ngang nhiên nổ mìn đánh đá
Hết hạn nhưng mỏ đá vẫn hoạt động
Thời gian qua, nhiều người dân làng Nâm phải sống trong nỗi bất an mỗi khi doanh nghiệp nổ mìn khai thác đá.
Theo quan sát của chúng tôi, trong mỏ thường xuyên có lực lượng xe ô tô tải chở đá vào khu vực nghiền, máy múc, máy nghiền đá hoạt động hết công suất dưới cái nắng như đổ lửa. Khoảng 10 giờ, hai tiếng động vang trời phát ra tại khu vực khai thác, đá rơi ập xuống khu công trường, khói bụi bay mờ mịt, bên ngoài mỏ đá chừng vài chục mét, người dân đang làm cỏ ngô giật mình nhìn về khu mỏ.
Anh Thắng, người quản lý mỏ đá, cho biết: “Mọi giấy tờ thủ tục tôi không cầm ở đây, để lưu dưới văn phòng công ty, việc mỏ còn hạn hay không, tôi không biết, việc này phải hỏi giám đốc. Tôi chỉ biết cho công nhân làm theo kế hoạch công ty giao mà thôi”. Khi hỏi về quy định thời gian nổ mìn, anh Thắng phân bua: “Chúng tôi nổ mìn tranh thủ để công nhân nghỉ sớm tránh nắng vì mùa này công nhân làm sớm, biết là có quy định về thời gian nổ mìn nhưng chúng tôi chỉ nổ tranh thủ thôi”.
Dù đã hết hạn vật liệu nổ nhưng dường như Công ty TNHH Tân Hồng Phúc vẫn bất chấp lệnh cấm và khoảng vài ngày lại nổ mìn để lấy đá đi bán và tạo việc làm cho công nhân. Một hộ dân gần đó cho biết: “Mỏ đá đó hoạt động lâu rồi, trong quá trình sản xuất và khai thác đá ồn ào và bụi bặm lắm. Đặc biệt là họ nổ mìn không kể giờ giấc, lại không có biển cảnh báo nguy hiểm nên chúng tôi nhiều lần đang làm gần khu vực mỏ phải giật mình và lo ngại. Đá thì xe vào lấy không thấy che bạt, rơi vãi cả ra đường giao thông nên rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Trong nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, nhân dân có kiến nghị nhưng đâu lại vào đấy”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, mỏ đá của Công ty TNHH Tân Hồng Phúc đóng trên địa bàn làng Nâm (xã Cẩm Thành) đã được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép khai thác theo Quyết định số 369/QĐ - UBND ngày 25/01/2013 cho phép cho công ty khai thác khoáng sản tại núi Dái Áo, xã Cẩm Thành với diện tích khai thác là 298.141,0m2, công suất 50.000m3, trong thời gian 2 năm kể từ ngày ký.
Cùng với cấp giấy phép vật liệu nổ theo Quyết định số 208/GP-UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa ngày 1/11/2013 và hết hạn sử dụng vào ngày 31/12/2013 nhưng không hiểu chính quyền sở tại có hay biết về tình trạng nổ mìn trái phép này không mà gần 2 năm nay, doanh nghiệp vẫn nổ để khai thác bình thường.
Chính quyền không hay?
Khi chúng tôi tìm đến chính quyền địa phương và liên hệ làm việc trực tiếp với ông Cao Minh Tự, Chủ tịch UBND xã Cẩm Thành nhưng bị từ chối tiếp do bận họp.
Ông Lê Hùng Vui, Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cẩm Thủy, cho hay: “Sau khi mỏ đá của Công ty Tân Hồng Phúc hết hạn, chúng tôi đã yêu cầu dừng ngay mọi hoạt động. Chúng tôi cùng đoàn liên ngành xuống kiểm tra hiện trường ngày 10/4/2015 thì không thấy bất cứ hoạt động nào diễn ra tại khu vực mỏ này và chỉ cho phép tận thu đá thải, còn lại nghiêm cấm khai thác. Đồng thời, giao cho UBND xã Cẩm Thành trực tiếp quản lý và theo dõi việc thực hiện khai thác trên”.
Tuy nhiên, khi chúng tôi đưa ra hình ảnh ghi lại việc khai thác đá ở Cẩm Thành của Công ty Tân Hồng Phúc thì ông Vui lại trả lời sẽ cho kiểm tra và xử lý tình trạng trên.
Với câu trả lời của lãnh đạo địa phương, dư luận đặt câu hỏi: có hay không chính quyền sở tại cố tình “làm ngơ” cho doanh nghiệp hoạt động bất chấp lệnh cấm của Chủ tịch UBND tỉnh?
Đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa sớm chỉ đạo các ngành chức năng chấm dứt tình trạng khai thác đá trái phép trên, tránh gây thất thoát tài nguyên khoáng sản của Nhà nước và ảnh hưởng tới đời sống của nhân dân xã Cẩm Thành.
Như Quỳnh
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.