Sáng 8/8, Tòa án Nhân dân huyện Mỹ Đức (Hà Nội) đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đối thoại với người dân xã Đồng Tâm. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Vụ án này có 14 bị cáo phải ra trước vành móng ngựa, trong đó có ba bị cáo đều nguyên là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đồng Tâm gồm: Nguyễn Văn Sơn (sinh năm 1958), Lê Đình Thuần (sinh năm 1965), Nguyễn Văn Bột (sinh năm 1955); cùng các bị cáo Nguyễn Tiến Triển (sinh năm 1954, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm), Nguyễn Xuân Trường (sinh năm 1959, nguyên cán bộ địa chính xã Đồng Tâm), Nguyễn Văn Đức (sinh năm 1965, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã Đồng Tâm), Bùi Văn Dũng (sinh năm 1958, nguyên Trưởng ban Tài chính xã Đồng Tâm), Bùi Văn Hồng (sinh năm 1958, nguyên Xã đội trưởng xã Đồng Tâm), Nguyễn Văn Minh (sinh năm 1960, nguyên Trưởng Công an xã Đồng Tâm), Nguyễn Văn Khang (sinh năm 1965, nguyên kế toán ngân sách xã Đồng Tâm) đều bị Viện Kiểm sát nhân dân huyện Mỹ Đức truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại Điều 281 – Bộ luật Hình sự.
Bốn bị cáo còn lại gồm: Phạm Hữu Sách (sinh năm 1965, nguyên Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mỹ Đức), Đinh Văn Dũng (sinh năm 1959, nguyên Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai huyện Mỹ Đức), Bạch Văn Đông (sinh năm 1974, nguyên Phó Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai huyện Mỹ Đức) và Trần Trung Tấn (sinh năm 1975, cán bộ Văn phòng đăng ký đất đai huyện Mỹ Đức) cùng bị Viện Kiểm sát nhân dân huyện Mỹ Đức truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 285 – Bộ luật Hình sự.
Hội đồng xét xử gồm ba người, do thẩm phán Bùi Đức Hiệp (Phó Chánh án Tòa án nhân dân huyện Mỹ Đức) làm chủ tọa. Hai kiểm sát viên của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Mỹ Đức là Đặng Thương Huyền và Nguyễn Khắc Tuấn giữ quyền công tố tại phiên tòa. Trong số 14 bị cáo, chỉ có hai bị cáo mời luật sư bào chữa là: bị cáo Nguyễn Tiến Triển (mời hai luật sư), bị cáo Bạch Văn Đông (mời 4 luật sư).
Tòa đã triệu tập 19 người tham gia tố tụng (là những nhân chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan…), tuy nhiên chỉ có 6 trên tổng số 19 người được triệu tập có mặt tại phiên tòa. Ngay phần làm thủ tục phiên tòa, một số luật sư đã yêu cầu tạm hoãn phiên tòa để mời đại diện Hội đồng định giá và yêu cầu phải có sự có mặt đầy đủ của những người tham gia tố tụng.
Tuy nhiên, luật sư của bị cáo Nguyễn Tiến Triển cho rằng, nếu việc vắng mặt những người liên quan không ảnh hưởng đến phiên tòa có thể tiếp tục việc xét xử.
Đại diện Viện Kiểm sát đưa ra quan điểm: Trong quá trình điều tra, những người liên quan đã có lời khai nên sự vắng mặt không ảnh hưởng đến quá trình xét xử. Ngoài ra, việc định giá tài sản, các tài liệu về định giá tài sản được áp dụng theo khung giá Nhà nước, việc triệu tập thêm thành phần định giá là không cần thiết. Vì vậy, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị tiếp tục phiên xử.
Sau khi hội ý, Hội đồng xét xử cho rằng, sự vắng mặt của những người có quyền và nghĩa vụ liên quan không ảnh hưởng đến phiên tòa. Do phiên tòa diễn ra trong nhiều ngày, nếu xét thấy cần thiết, Hội đồng xét xử sẽ triệu tập đại diện Hội đồng định giá và những người liên quan.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Mỹ Đức, từ năm 2002 đến năm 2013, do buông lỏng công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực đất đai tại địa bàn xã Đồng Tâm, Nguyễn Văn Bột, Nguyễn Văn Sơn, Lê Đình Thuần, Nguyễn Xuân Trường, Nguyễn Tiến Triển và một số nguyên cán bộ chủ chốt của địa phương vì động cơ vụ lợi đã thực hiện việc cấp, giao đất (trái thẩm quyền), hợp thức đất lấn chiếm cho một số hộ dân trái quy định. Liên quan đến vụ án, bốn bị cáo là những cán bộ Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Mỹ Đức, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mỹ Đức đã không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, thiếu trách nhiệm trong việc thẩm định, thẩm tra nguồn gốc đất dẫn đến việc ký xác nhận không có căn cứ.
Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Mỹ Đức xác định: Các cán bộ xã Đồng Tâm đã giao đất sai đối tượng. Cụ thể, Ủy ban Nhân dân xã Đồng Tâm đã lập tờ trình, hồ sơ, danh sách trình Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tây xin thu hồi 5.425 m2 diện tích đất do Ủy ban Nhân dân xã Đồng Tâm quản lý để giao cho 49 hộ dân xã Đồng Tâm làm nhà ở.
Ngày 15/11/1996, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tây (cũ) ra Quyết định thu hồi diện tích 5.425m2 đất thuộc xã Đồng Tâm quản lý để giao cho 49 hộ dân làm nhà ở.
Chủ tịch UBND thành p hố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đối thoại với người dân xã Đồng Tâm. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Ngay sau đó, ông Nguyễn Văn Bột, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã và Nguyễn Xuân Trường, cán bộ địa chính xã đã trực tiếp thực hiện việc giao đất cho 39/49 hộ với diện tích 4.095 m2. Còn lại khoảng 1.300 m2, Ủy ban Nhân dân xã Đồng Tâm không thực hiện việc giao đất cho 10 hộ theo danh sách đã trình Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tây phê duyệt.
Đến năm 2002, ông Bột chuyển công tác, Nguyễn Văn Sơn kế nhiệm vị trí Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã đã đồng ý giao số diện tích 1.300 m2 đất còn lại cho 10 cán bộ chủ chốt của Ủy ban Nhân dân xã, thu 100.000 đồng/m2. Thời điểm đó, địa phương đang chuẩn bị đo đạc bản đồ đất thổ cư trên toàn xã. Đến năm 2003, khi đo bản đồ đất thổ cư toàn xã, 10 cán bộ xã được chia hơn 1.300 m2 đất. Ngoài ra, các cán bộ còn có sai phạm trong việc hợp thức hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 12 hộ với diện tích 1.834 m2 trái quy định.
Cụ thể, từ năm 2011 đến năm 2013, một số hộ dân đã được Ủy ban Nhân dân xã Đồng Tâm cấp, bán trái thẩm quyền, giao đất sai đối tượng, đất thuê thầu và tự lấn chiếm làm đơn đề nghị Ủy ban Nhân dân xã lập hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Về nguồn gốc đất, các hộ dân đều được giao và tự lấn chiếm trong thời gian từ năm 2002-2003.
Là cán bộ địa chính, Nguyễn Xuân Trường biết rõ về nguồn gốc đất của các hộ nhưng khi xác lập hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Trường trực tiếp viết nội dung thể hiện nguồn gốc đất của các hộ đều có nguồn gốc đất được cấp trước ngày 15/10/1993 và ký các nhận hồ sơ đủ điều kiện, không có tranh chấp khiếu kiện.
Sau đó, Trường trình Lê Đình Thuần, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã ký xác nhận và ký tờ trình đề nghị Ủy ban Nhân dân huyện Mỹ Đức cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 12 hộ với tổng diện tích 1.844m2. Các cán bộ huyện Mỹ Đức đã không tiến hành thẩm tra, thẩm định về nguồn gốc đất, vẫn tiến hành xác nhận hồ sơ đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hồ sơ. Do cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ trái quy định nên Ủy ban Nhân dân huyện Mỹ Đức sau đó đã phải ra quyết định thu hồi 12 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Phiên tòa dự kiến sẽ diễn ra trong hai ngày.
Theo KIM ANH-NGUYỄN CÚC (TTXVN/VIETNAM+)
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.