Đi dọc tuyến sông Luồng huyện miền núi Quan Hóa (Thanh Hóa) dễ dàng bắt gặp những bãi cát không phép ngang nhiên hoạt động. Một điều lạ là, những bãi cát này tồn tại nhiều năm nay nhưng cơ quan chức năng không hề hay biết...
Không phép vẫn hoạt động
Theo quan sát của chúng tôi, dọc sông Luồng có tới 4 điểm khai thác và tập kết cát trái phép; riêng bản Khằm (xã Hồi Xuân) có tới 3 bãi cát lớn được tập kết tại bãi bồi của sông, ngay sát mép nước.
Trong đó, bãi cát của gia đình anh Cao Văn Hội đã hoạt động hơn 4 năm mà không bị chính quyền sở tại xử lý trong khi hằng ngày máy múc, ô tô tải hoạt động hết công suất. Bãi cát hàng trăm khối nằm chình ình gây cản trở dòng chảy của sông, chưa kể việc bơm hút sát bờ sông còn gây nguy cơ sạt lở cao. Chỉ đứng ở đây một lúc, chúng tôi chứng kiến hàng đoàn xe ô tô nối đuôi nhau vào “ăn hàng”. Thậm chí, ô tô tải trọng lớn không che bạt ngang nhiên chạy ầm ầm, gây bụi bặm cho người dân sống cạnh đó. Một khối lượng cát lớn hằng ngày vẫn được lấy đi, gây thất thoát tài nguyên.
Anh Hội, chủ bãi cát ở bản Khằm, cho biết: Do nhu cầu sử dụng cát của nhân dân trong vùng, nhất là mấy năm nay làm đường giao thông nhiều nên gia đình tận dụng bãi bồi sát nhà để khai thác cát. Hằng năm, gia đình vẫn đóng thuế cho xã và cho huyện đầy đủ!?.
Cách đó không xa, ngay chân cầu Hồi Xuân là bãi tập kết cát của gia đình anh Phạm Văn Thuyền, cũng là bãi cát không phép nhưng việc bơm hút cát ngang nhiên, có lúc vòi rồng được cắm sát chân cầu để lấy cát lên bãi mà không bị cơ quan nào nhắc nhở, xử lý.
Ngay ở thị trấn Quan Hóa cũng xuất hiện bãi cát không phép nằm chình ình như thách thức dư luận, hằng ngày bơm hút cát, bán cát ra thị trường. Nhân dân nơi đây đã nhiều lần phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường, rồi những con đường bị xuống cấp nghiêm trọng nhưng dường như lãnh đạo địa phương không hề lưu tâm!?
Lợi dụng làm nông thôn mới?
Ông Lữ Đình Bưu.
Trao đổi với phóng viên, ông Lữ Đình Bưu, Chủ tịch UBND xã Hồi Xuân, cho biết: Trên địa bàn xã có 3 bãi cát không phép hoạt động đã lâu, chính quyền địa phương cũng biết nhưng do nhu cầu làm đường giao thông nông thôn trong chương trình xây dựng nông thôn mới nên xã không còn cách nào khác là để cho hoạt động phục vụ nhân dân trong vùng.
“Bãi cát của gia đình anh Cao Văn Hội hoạt động nhiều năm nhưng có đóng thuế cho huyện, còn xã không thu bất cứ loại phí nào. Bãi tập kết cát nhà anh Thuyền mới đi vào hoạt động, gia đình đang làm hồ sơ xin khai thác để phục vụ tuyến đường từ thị trấn Quan Hóa đi Co Lương (Vạn Mai, Mai Châu, Hòa Bình) đang thi công. Đang chờ giấy phép nhưng gia đình anh Thuyền vẫn hút cát bán ra thị trường nhưng khối lượng không lớn”, ông Bưu giải thích.
Còn ông Trương Công Tuấn, Phó trưởng phòng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quan Hóa, cho biết: “Trên địa bàn huyện chưa có bãi cát nào nằm trong quy hoạch bãi tập kết cát của tỉnh. Chúng tôi vẫn thường xuyên thành lập đoàn công tác để kiểm tra và xử lý triệt để những cá nhân vi phạm pháp luật khoáng sản”.
Cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa cần sớm vào cuộc giải quyết dứt điểm tình trạng trên, tránh lãng phí tài nguyên, ổn định an ninh trật tự trên địa bàn, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Như Quỳnh
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.